Bản thảo là một loạt các ghi chú của K.Marx được viết trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1844. Nó chưa bao giờ được xuất bản khi ông còn sống mà chỉ được xuất bản lần đầu năm 1932 bởi nỗ lực của các nhà nghiên cứu Liên Xô.
[Source]
Nó chứa đựng những phân tích sơ khai của Marx về kinh tế chính trị học, dựa trên sự tham khảo Adam Smith, phê bình triết lý của Hegel. Một nỗ lực không nhỏ của Marx để giải thích làm thế nào mà những điều kiện của xã hội công nghiệp hiện đại đã dẫn đến sự xa lánh của người công nhân với chính công việc của họ, sản phẩm của họ và giữa họ với nhau.
Mặc dù so với những bài viết về sau của ông những phân tích này còn sơ khai, lối văn giản dị, nhưng đây là một văn bản quan trọng để giúp ta hiểu được toàn bộ suy nghĩ của K.Marx và đó là lý do quan trọng mà chúng tôi mong muốn giới thiệu nó rộng rãi đến bạn đọc.
*LỜI TỰA
Trong “Deutsch Franzosische Jahrbucher” tôi đã hứa sẽ phê phán khoa học về pháp quyền và nhà nước dưới hình thức phê phán triết học pháp quyền của Hegel[1]. Nhưng khi sửa chữa tài liệu để đưa ra in thì thấy rằng: sự kết hợp giữa phê phán chỉ nhằm chống tư duy tư biện với sự phê phán bản thân những đối tượng khác nhau là hoàn toàn không thích đáng, sự kết hợp đó làm trở ngại tới tiến trình trình bày và gây nhiều khó hiểu. Ngoài ra, với sự phong phú và muôn mặt của những đối tượng phải khảo sát, tất cả tài liệu ấy sẽ chỉ có thể nhét vào một tác phẩm với điều kiện được trình bày một cách hoàn toàn theo lối châm ngôn, mà sự trình bày theo lối châm ngôn thì đến lượt nó lại tạo ra cái vẻ hệ thống hoá tuỳ tiện. Đó là lẽ tại sao mà tôi đã phê phán pháp quyền, đạo đức, chính trị v.v. trong một loạt những sách nhỏ riêng, quyển này nối tiếp quyển kia; và cuối cùng tôi định vạch rõ, trong một tác phẩm đặc biệt, mối liên hệ bên trong của cái toàn bộ, sự tương quan giữa các bộ phận riêng biệt và sau hết, tôi sẽ phê phán việc nghiên cứu một cách tư biện toàn bộ tài liệu ấy[2]. Vì những lý do đó, trong tác phẩm này mối liên hệ của kinh tế chính trị học với nhà nước, pháp quyền, đạo đức, sinh hoạt công dân v.v. chỉ được đề cập đến trong chừng mực mà bản thân kinh tế - chính trị học nói đến những đối tượng ấy một cách chuyên môn (ex professo *)
Đối với độc giả đã quen với kinh tế - chính trị học, tôi không cần phải đoán chắc rằng tôi đã đi đến các kết luận của tôi bằng con đường phân tích một cách hoàn toàn kinh nghiệm dựa trên việc nghiên cứu kinh tế - chính trị học một cách có phê phán và trung thực.
< Để che giấu sự dốt nát hoàn toàn và sự nghèo nàn về tư tưởng của mình, nhà phê bình ngu dốt (Ý chỉ B.Bau-ơ) làm đinh tai nhức óc nhà phê phán tích cực bằng những cách nói như "câu cú không tưởng" hay những cách nói khác nữa như "sự phê phán hoàn toàn thuần tuý, hoàn toàn kiên quyết, hoàn toàn có tính chất phế phán", hay "xã hội không chỉ là có tính chất pháp quyền, mà là có tính chất xã hội, có tính chất hoàn toàn xã hội", hoặc "khối đông có tính chất quần chúng đông đúc", hoặc "nhà hùng biện của khối đông có tính chất quần chúng ". Nhà phê bình đó[3] trước hết còn phải đưa ra chứng cớ để chứng minh rằng ngoài công việc thần học trong gia đình ra, anh ta còn có quyền đòi tham gia vào việc thảo luận cả những công việc thế tục nữa.>* (Những đoạn nằm trong ngoặc nhọn thì trong bản thảo đã bị gạch bỏ*)
Dĩ nhiên, ngoài những tác phẩm của những người xã hội chủ nghĩa Pháp và Anh ra, tôi còn sử dụng cả những tác phẩm của những người xã hội chủ nghĩa Đức nữa[4]. Nhưng những tác phẩm có nội dung phong phú và độc đáo của người Đức trong lĩnh vực khoa học đó - không kể tác phẩm của Vai-tlinh - quy lại chỉ là những bài luận văn của Hét-xơ ở trong tập sưu tập "Hai mươi mốt tờ"[5] và "Đại cương phê phán kinh tế chính trị học" của Ăng-ghen, đăng trong "Deutsch Franzosische Jahrbucher"[6], trong đó tôi cũng đã từng vạch ra dưới hình thức chung nhất những yếu tố đầu tiên của tác phẩm này[7].
< Ngoài những tác giả nghiên cứu kinh tế chính trị học một cách có phê phán ra, sự phê phán tích cực nói chung, và do đó cả sự phê phán tích cực của người Đức đối với kinh tế chính trị học cũng đều nhờ vào những phát hiện của Phoi-ơ-bắc mới có được cơ sở chân chính. Tuy nhiên, một sự cố tình im hơi lặng tiếng thật sự do sự đố kỵ nhỏ nhen của một số người này và sự phẫn nộ chân chính của một số người khác gây nên, có thể nói là đã được dựng lên để chống lại "Triết học tương lai" và "Luận cương cải cách triết học" in trong "Anekdota" của ông[8] - mặc dầu những tác phẩm ấy được ngầm sử dụng.>
Sự phê phán nhân bản chủ nghĩa và tự nhiên chủ nghĩa có tính chất tích cực chỉ bắt đầu từ Phoi-ơ-bắc[9]. Ông càng ít làm rùm beng thì ảnh hưởng của những tác phẩm của ông càng xác thực, càng sâu sắc, càng rộng rãi và càng vững chắc; sau "Hiện tượng học" và "Lô-gích học" của Hê-ghen thì đó là những tác phẩm duy nhất bao hàm một cuộc cách mạng lý luận chân chính.
Chương cuối cùng của quyển sách này - sự phân tích có tính chất phê phán phép biện chứng của Hê-ghen và triết học Hê-ghen nói chung - theo tôi là hoàn toàn cần thiết để đối lập với các nhà thần học phê phán hiện đại, vì một công việc như thế cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Tính chất thiếu căn cứ là số phận không tránh khỏi của họ: vì ngay cả nhà thần học phê phán cũng vẫn là nhà thần học, có nghĩa hoặc là anh ta buộc phải xuất phát từ những tiền đề nhất định của triết học như một quyền uy không bác bỏ được nào đó, hoặc là nếu trong quá trình phê phán và nhờ có những phát hiện của những người khác mà nẩy ra sự hoài nghi về tính chất đúng đắn của những tiền đề triết học ấy, thì anh ta vứt bỏ và trừu tượng hoá những tiền đề triết học ấy đi một cách hèn nhát và không có lý do, đồng thời sự nô lệ của anh ta trước những tiền đề ấy và nỗi bực tức của anh ta đối với sự nô lệ ấy giờ đây chỉ biểu hiện ra dưới một hình thức tiêu cực, vô ý thức và ngụy biện mà thôi.
< Anh ta biểu lộ mình một cách tiêu cực và vô ý thức khi hoặc là anh ta nhắc đi nhắc lại không ngớt những điều đảm bảo tính trong sáng của sự phê phán của bản thân anh ta, hoặc là để làm cho độc giả và bản thân anh ta không chú ý đến cuộc luận chiến cần thiết của sự phê phán với lòng mẹ của nó - tức phép biện chứng của Hê-ghen và triết học Đức nói chung, - không chú ý đến sự cần thiết phải khắc phục bằng sự phê phán hiện đại tính hạn chế và tính tự phát của bản thân nó, hơn nữa anh ta tìm cách tạo ra một ấn tượng tựa hồ như sự phê phán chỉ phải nhằm vào một hình thức hạn chế nào đó của sự phê phán ở bên ngoài nó - vào sự phê phán vẫn nằm, chẳng hạn, ở trình độ thế kỷ XVIII, - vào tính chất hạn chế của quần chúng. Và cuối cùng, khi có những phát hiện về bản chất của những tiền đề triết học của bản thân anh ta - như những phát hiện của Phoi-ơ-bắc, - thì nhà thần học phê phán tạo ra vẻ bề ngoài tựa hồ không phải ai khác, mà chính anh ta đã đưa ra những phát hiện ấy. Anh ta tạo ra vẻ bề ngoài đó trong khi không đủ sức làm ra được những phát hiện như vậy, một mặt, anh ta ném những kết quả của những phát hiện ấy dưới hình thức những khẩu hiệu có sẵn cho những tác giả còn bị triết học giam hãm; mặt khác, anh ta tự thuyết phục mình, rằng xét về trình độ thì anh ta thậm chí đã vượt lên trên những phát hiện ấy; anh ta vận dụng - một cách bí ẩn, ngấm ngầm, nham hiểm và hoài nghi, chống lại sự phê phán của Phoi-ơ-bắc đối với phép biện chứng của Hê-ghen - những yếu tố của phép biện chứng đó mà anh ta chưa tìm thấy trong sự phê phán ấy và anh ta chưa có sẵn để sử dụng dưới hình thức đã được nhào nặn một cách có phê phán. Bản thân anh ta không cố gắng và không đủ sức liên hệ một cách thích đáng những yếu tố ấy với sự phê phán, mà chỉ giản đơn vận dụng chúng trong hình thức vốn có của phép biện chứng của Hê-ghen. Chẳng hạn như anh ta đưa ra phạm trù sự chứng minh có tính chất môi giới chống lại phạm trù chân lý tích cực là phạm trù bắt đầu từ bản thân anh ta. Thật vậy, nhà thần học phê phán coi là hoàn toàn tự nhiên việc bản thân các nhà triết học làm mọi việc phải làm để anh ta có thể nói suông về tính thuần túy, tính kiên quyết của sự phê phán, về sự phê phán hoàn toàn có tính chất phê phán, và anh ta tự cho mình là người đã thực sự khắc phục được triết học khi anh ta cảm thấy, chẳng hạn, rằng một nhân tố nào đó của Hê-ghen không có ở Phoi-ơ-bắc, - vì nhà thần học phê phán cũng không vượt quá giới hạn của cảm giác mà đạt tới ý thức, mặc dầu anh ta có một sự sùng bái thần tượng theo thuyết duy linh đối với "tự ý thức" và "tinh thần". >
Sự phê phán có tính chất thần học trong buổi đầu của cuộc vận động là một nhân tố tiến bộ thật sự; nhưng khi khảo sát kỹ lưỡng thì nó rút cục lại không phải là cái gì khác ngoài sự hoàn thành và kết quả - đã biến chất thành bức hí họa thần học - của tính tiên nghiệm triết học cũ, đặc biệt là của tính tiên nghiệm Hê-ghen. Ở một chỗ khác, tôi sẽ trình bày tường tận sự trừng phạt có tính chất lịch sử, sự phán xét thú vị của lịch sử hiện đang dành thần học xưa nay vốn là miếng đất thối nát của triết học để vạch rõ sự tan rã tiêu cực của triết học, nghĩa là quá trình thối nát của triết học[10].
*Chú thích:
[1] Mở đầu việc phê phán này là tác phẩm "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen. “Lời nói đầu’ của C.Mác (xem Toàn tập, t.1, 1995, tr.569-590). - 67.
[2] Dự định này không thực hiện được. Có lẽ, Mác không viết những cuốn sách nêu trên chủ yếu không phải vì những hoàn cảnh khách quan khác nhau mà vì ông đã thấy rõ rằng không thể tự nghiên cứu một cách khoa học những vấn đề về pháp quyền, đạo đức, chính trị và những phạm trù khác của kiến trúc thượng tầng khi chưa đưa ra được một sự phân tích khoa học về cơ sở hạ tầng của một xã hội bất kỳ nào, trong đó có xã hội tư sản, - tức là về các quan hệ sản xuất. - 67.
[3] Có ý nói đến B.Bau-ơ, người đã công bố trong nguyệt san "Allgemeine Literatur - Zeitung" hai bài nhận xét dài về các tác phẩm, các bài báo và những cuốn sách về vấn đề người Do Thái. Phần lớn những câu Mác trích dẫn ở đây được lầy từ hai bài nhận xét này, đăng trong quyển số I (tháng Chạp 1843) và trong quyển số IV (tháng Ba 1844) của báo này. Những cụm từ "lời lẽ không tưởng" và "khối đông đúc" nằm trong bài báo của B.Bau-ơ "Cái gì là đối tượng phê phán lúc này?" trong quyển số VIII của "Allgemeine Literatur - Zeitung" (tháng Bảy 1844). Việc phê phán cặn kẽ nguyệt san này về sau được Mác và Ăng-ghen đưa ra trong tác phẩm "Gia đình thần thánh hay Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán" (xem Toàn tập, t.2, 1995). - 68.
[4] Vào thời kỳ này, ngoài tiếng Đức ra, Mác còn thông thạo cả tiếng Pháp và khá am hiểu văn học Pháp. Ông đã đọc và thường tóm lược các tác phẩm của Công-xi-đê-răng, Le-ru, Pru-đông, Ca-bê, Đê-da-mi, Bu-ô-na-rô-ti, Phu-ri-ê, La-ô-te-rơ, Vin-lơ-gác-đen và các tác giả khác. Vào nửa đầu những năm 40 Mác chưa nắm chắc được tiếng Anh và vì vậy ông chỉ có thể đọc các tác phẩm của những nhà xã hội chủ nghĩa Anh thông qua bản dịch ra tiếng Đức hoặc tiếng Pháp. Thí dụ, Mác biết đến tác phẩm của Ô-oen qua bản dịch tiếng Pháp và cả qua các tác phẩm của những tác giả Pháp trình bày quan điểm của Ô-oen. Văn bản của chính "Bản thảo kinh tế - triết học" và cả những tài liệu khác cũng không có những dấu hiệu cho thấy sự hiểu biết rộng rãi hơn đối với sáng tác của các nhà xã hội chủ nghĩa Anh, mà chỉ sau này mới thấy rõ, ví dụ trong "Sự khốn cùng của triết học" viết vào năm 1847. - 68.
[5] Ngoài tác phẩm chính của Vai-tlinh "Đảm bảo sự hài hoà và tự do" (1842), Mác chắc có ý nói đến những bài báo được công bố trong các tạp chí do chính Vai-tlinh xuất bản vào những năm 1841 - 1843, và cả tác phẩm có tính chất cương lĩnh của Vai-tlinh viết cho Liên đoàn những người chính nghĩa "Loài người, thực trạng và tương lai của nó". Trong văn tập do Ghê-oóc Héc-véc xuất bản "Einundzwanzig Bogen aus der Schweiz". Zỹrich und Winterthur, 1843 ("Hai mươi mốt tờ in gửi từ Thụy Sĩ". Xuy-rích và Vin-téc-tua, 1843) có đăng ba bài báo khuyết danh của Hét-xơ: "Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản", "Triết học của hành động", "Tự do đầy đủ và duy nhất". - 68.
[6] Xem Toàn tập, t.1, 1995, tr.747-786, - 68.
[7] Trong những bức thư Mác gửi Ru-gơ, trong các bài báo của Mác "Về vấn đề Do Thái", "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu", công bố trên tờ "Deutsch - Franzosische Jahrbucher" (tháng Hai 1844) có nghiên cứu ít ra là những yếu tố đầu tiên sau đây của nội dung "Bản thảo kinh tế - triết học" - "Phê phán chính trị và khoa kinh tế chính trị": đòi phê phán một cách thẳng tay đối với thế giới hiện tại như một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để xây dựng thế giới mới; kêu gọi phê phán chính trị, giữ một lập trường nhất định của đảng trong chính trị và thiết lập bằng cách đó mối liên hệ sinh động giữa lý luận với cuộc đấu tranh hiện thực; khám phá bản chất của sự sùng bái tiền tệ trong xã hội tư sản, bản chất của tiền với tính cách là bản chất của lao động tha hoá khỏi con người và của tồn tại của con người; đặt vấn đề sự tha hoá của con người với chính bản thân anh ta và với thiên nhiên trong những điều kiện của chủ nghĩa tư bản; đánh giá một cách có phê phán chủ nghĩa cộng sản không tưởng ("lúc bấy giờ") - hình thức của nó đã được Ca-bê, Đê-đa-mi, Vai-tlinh và những người khác cổ xúy; đặc biệt chú trọng việc thủ tiêu chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa với tính cách là mục đích chủ yếu và nội dung của cuộc cách mạng xã hội triệt để ("Sự giải phóng của toàn thể loài người"); luận điểm về sự hình thành và nâng cao - cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản - giai cấp vô sản - giai cấp có sứ mệnh tiêu diệt chế độ tư hữu và trở thành "trái tim", tức là động lực cơ bản của việc xây dựng lại xã hội mang tính cách mạng. - 68.
[8] L.Feuerbach. "Grundsọtze der Philosophie der Zukunft". Zỹrich und Winterthur. 1843 (L.Phoi-ơ-bắc "Những nguyên lý cơ bản của triết học tương lai". Xuy-rích và Vin-téc-tua. 1843). Bài báo của L. Phoi-ơ-bắc "Những nguyên lý ban đầu đối với cải cách triết học" đã được đăng trong tập thứ hai của văn tập "Anekdota zur neuesten deutschen Philosophie und Publizistik" ("Điều chưa công bố của lĩnh vực triết học và chính luận Đức hiện đại"). Trong văn tập gồm hai tập này, ngoài tác phẩm của các tác gia khác còn có bài viết của Mác "Nhận xét bản chỉ thị mới nhất về chế độ kiểm duyệt của Phổ". Một bài được công bố ở đây "Lu-the là trọng tài giữa Stơ-ra-u-xơ và Phoi-ơ-bắc" mà tác giả của nó cho đến gần đây vẫn được coi là Mác, do L. Phoi-ơ-bắc viết. - 69.
[9] Ở đây Mác ngụ ý nói đến toàn bộ quan điểm duy vật của Phoi-ơ-bắc nói chung, mà chính Phoi-ơ-bắc đã gọi là "chủ nghĩa tự nhiên" và "chủ nghĩa nhân văn" hay "nhân chủng học" và trong đó đã phát triển ý tưởng cho rằng triết học mới, tức là triết học của Phoi-ơ-bắc, làm cho con người với tư cách là một phần không thể tách rời được của giới tự nhiên trở thành đối tượng duy nhất và cao nhất của mình. Triết học ấy, hay nhân chủng học, theo ý Phoi-ơ-bắc, bao gồm cả sinh lý học và trở thành một khoa học phổ quát: ông khẳng định rằng bản chất của thời đại mới là tôn sùng cái thực tế, cái đang tồn tại mang tính vật chất: bản chất của triết học mới là phủ định thần học, khẳng định chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. - 69.
[10] Mác đã cùng với Ăng-ghen, thực hiện ý định này của mình trong cuốn sách "Gia đình thần thánh, hoặc Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán" (xem Toàn tập, t.2, 1995) sau khi viết "Lời tựa" ấy. - 71.
BẢN THẢO THỨ NHẤT
2. LỢI NHUẬN TƯ BẢN *
(* Trong nguyên bản phạm trù này được biểu thị bằng những thuật ngữ khác nhau: Profit des Kapitals, Gewinn der Kapitalien. Gewinn des Kapitals, Gewin v.v..)
2.1. Tư bản
[I] 1) Tư bản, nghĩa là quyền tư hữu về sản phẩm lao động của người khác, dựa vào cái gì?
"Nếu ngay cả tư bản không phải là kết quả của sự cướp đoạt hay sự lừa bịp, thì vẫn cần đến sự giúp đỡ của lập pháp để làm cho sự kế thừa trở nên thiêng liêng" (Say, T.I, Tr.136, ghi chú [21])
Con người trở thành kẻ sở hữu vốn sản xuất như thế nào? Con người trở thành kẻ sở hữu sản phẩm được sản xuất ra nhờ những vốn đó như thế nào?
Nhờ luật pháp hiện hành (Say, T.II. p.4).
Người ta thu được gì cùng với tư bản, chẳng hạn như khi được kế thừa một tài sản lớn?
"Người nào kế thừa một tài sản lớn thì cũng không do đó mà trực tiếp có được quyền lực chính trị. Việc có tài sản đó chỉ trực tiếp đem lại cho người đó khả năng mua, chi phối toàn bộ lao động hoặc toàn bộ sản phẩm của lao động tồn tại trong thời điểm đó trên thị trường" (Smith. T.I, p.61) [Bản dịch tiếng Nga, tr.38-39]
Vậy, tư bản là quyền chỉ huy lao động và sản phẩm của lao động. Nhà tư bản có được quyền đó không phải nhờ những phẩm chất cá nhân hay phẩm chất con người của hắn, mà chỉ có được với tư cách là người sở hữu tư sản. Sức mạnh của hắn là sức mua của tư bản của hắn, sức mua mà không có gì có thể chống lại nổi.
Dưới đây, chúng ta sẽ thấy, một là nhà tư bản dùng tư bản của mình để thực hiện như thế nào cái quyền chỉ huy của hắn đối với lao động, sau nữa là chúng ta cũng sẽ thấy cả cái quyền chỉ huy của tư bản đối với bản thân nhà tư bản.
Tư bản là gì?
"Một số lượng nhất định lao động tích lũy và được dành làm dự trữ" (Smith. T.II. p.312) [Bản dịch tiếng Nga, tr.244].
Tư bản là lao động tích lũy.
2) Vốn [fonds, stock] là một tích góp những sản phẩm của ruộng đất và của lao động công nghiệp. Nó chỉ mang tên gọi là tư bản khi nó đem lại một thu nhập hay lợi nhuận cho kẻ sở hữu nó (Smith. T.II. Tr. 191)[22]
2.2. Lợi nhuận của tư bản
"Lợi nhuận của tư bản hoàn toàn khác tiền công. Sự khác nhau giữa chúng biểu hiện ra bằng hai cách. Một là lợi nhuận của tư bản hoạt động do giá trị của tư bản bỏ ra quyết định, tuy đối với những tư bản khác nhau, lao động giám thị và quản lý có thể là như nhau. Thêm vào đó, trong những công xưởng lớn, toàn bộ lao động loại ấy được trao cho một người làm công chủ yếu mà lương của người này tuyệt nhiên không tỷ lệ [II] với tư bản mà anh ta theo dõi sự hoạt động". Mặc dầu trong trường hợp này, lao động của người sở hữu hầu như không có gì cả, nhưng người sở hữu đòi cho mình khoản lợi nhuận tỷ lệ với lượng tư bản của hắn (Smith. T.I, p.97-99) [Bản dịch tiếng Nga, tr.51].
Trên cơ sở nào nhà tư bản đòi phải tuân thủ một tỷ lệ như thế giữa lợi nhuận và tư bản?
"Anh ta sẽ không hứng thú dùng công nhân, nếu khi bán sản phẩm do họ làm ra, anh ta không hy vọng thu được nhiều hơn cái cần thiết để bù lại số vốn mà anh ta đã ứng ra để trả tiền công; và anh ta sẽ không hứng thú dùng một số vốn lớn hơn chứ không phải nhỏ hơn, nếu lợi nhuận của anh ta không tỷ lệ thuận với quy mô của số vốn đã bỏ ra ([Smith]. T.I, p.96-97) [Bản dịch tiếng Nga, tr.51].
Vậy nhà tư bản so lợi nhuận, một là với tiền công, và hai là với nguyên liệu đã ứng trước. Nhưng tỷ lệ giữa lợi nhuận và tư bản là như thế nào?
“Nếu xác định tỷ suất trung bình thông thường của tiền công ở một nơi nhất định và trong một lúc nhất định đã khó thì xác định lợi nhuận trung bình của tư bản càng khó. Những thay đổi trong giá cả hàng hoá mà tư bản gặp phải, thành công hoặc thất bại của các đối thủ cạnh tranh và khách hàng của tư bản, hàng nghìn điều ngẫu nhiên khác mà hàng hoá gặp phải khi vận chuyển cũng như ở trong kho, - tất cả những điều đó gây nên những thay đổi hàng ngày và hầu như hàng giờ trong lợi nhuận (Smith. T.I, tr.179-180) [Bản dịch tiếng Nga, tr.80]. Mặc dầu không có khả năng xác định một cách khá chính xác mức lợi nhuận của tư bản, nhưng vẫn có thể có được một ý niệm về lợi nhuận đó, nếu căn cứ vào lợi tức của tiền tệ. Nếu có tiền mà nhờ sử dụng nó có thể kiếm được nhiều lợi nhuận thì nói chung người ta trả những lợi tức cao để đổi lấy khả năng sử dụng tiền; còn nếu như lợi nhuận không cao thì lợi tức cũng ít (Smith. T.I, tr.181) [Bản dịch tiếng Nga, tr.80]. "Tỷ lệ nhất thiết phải tuân thủ giữa tỷ suất lợi tức thông thường và tỷ suất thông thường của lợi nhuận ròng nhất định thay đổi theo sự tăng lên hay giảm xuống của lợi nhuận. Ở nước Anh, cái mà những nhà buôn gọi là lợi nhuận thích hợp, vừa phải, chấp nhận được, được tính gấp đôi lợi tức, tất cả những từ đó chỉ biểu thị một điều, rằng đó là lợi nhuận trung bình, thông thường" (Smith. T.I, p.198) [Bản dịch tiếng Nga, tr.86].
Tỷ suất lợi nhuận thấp nhất là thế nào? Tỷ suất cao nhất là thế nào?
”Tỷ suất thấp nhất của lợi nhuận thông thường của tư bản bao giờ cũng phải hơi cao hơn cái cần thiết để bù lại những tổn thất ngẫu nhiên mà mọi việc sử dụng tư bản gặp phải. Số thừa ra đó chính là lợi nhuận thực thụ, hoặc thu nhập ròng". Với tỷ suất thấp nhất của lợi tức thì cũng hệt như vậy (Smith. T.I, p.196) [Bản dịch tiếng Nga, tr.85].
[III] "Tỷ suất lợi nhuận thông thường cao nhất có thể là tỷ suất thâu tóm cái bộ phận giá cả của đa số hàng hoá phải chuyển thành địa tô, chỉ để lại cái cần thiết để trả công cho lao động sản xuất và đưa hàng hoá ra thị trường, và lại trả công theo giá cả thấp nhất mà theo đó có thể mua lao động ở bất cứ nơi nào và vừa đủ cho công nhân tồn tại. Bằng cách này hay cách khác, dù sao công nhân cũng phải được nuôi sống trong thời gian họ được sử dụng làm việc; đối với người sở hữu ruộng đất thì không phải lúc nào cũng có thể chuyển cho anh ta cái gì đó". Thí dụ: những người của Công ty thương mại Đông Ấn ở Ben-gan (Smith.T.I, p. [197] - 198) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 86].
Ngoài tất cả những mối lợi của sự cạnh tranh yếu ớt mà nhà tư bản có quyền lợi dụng trong trường hợp này, anh ta có thể duy trì một cách đứng đắn giá cả thị trường cao hơn mức giá cả tự nhiên.
Một là, nhờ có bí mật thương nghiệp, khi thị trường ở rất xa những người tiêu thụ hàng hoá của mình trên thị trường đó; trong trường hợp này có thể giữ kín sự thay đổi đã có của giá cả - sự tăng lên của chúng cao hơn giá cả tự nhiên. Việc giữ kín như vậy làm cho các nhà tư bản khác không bỏ tư bản của họ vào ngành đó.
Rồi nhờ bí mật công xưởng là cái cho phép nhà tư bản có thể, với chi phí sản xuất ít hơn, cung cấp hàng hoá của mình với cùng một giá hoặc thậm chí với một giá thấp hơn giá của những kẻ cạnh tranh với mình mà thu được nhiều lợi nhuận. - (Lừa người bằng cách giữ bí mật không phải là phi đạo đức hay sao? Buôn bán ở sở giao dịch). - Sau nữa: ở chỗ nào mà sản xuất gắn liền với một địa phương nhất định (chẳng hạn như rượu nho quý) và không bao giờ có thể thoả mãn số cầu thực tế. Và cuối cùng, nhờ có độc quyền của những cá nhân và của những công ty. Giá cả độc quyền đạt tới giới hạn có thể có (Smith. TI, p.120-124) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 50-61].
Những nguyên nhân ngẫu nhiên khác có thể nâng lợi nhuận của tư bản lên:
“Việc đoạt được những lãnh thổ mới hoặc sự xuất hiện những ngành thương nghiệp mới thường làm tăng lợi nhuận của tư bản lên, ngay cả ở một nước giàu có, vì việc đó rút một bộ phận tư bản khỏi những ngành thương nghiệp cũ, làm dịu bớt cạnh tranh, làm giảm số lượng hàng hoá tung ra thị trường, do đó giá cả những hàng hoá này tăng lên; lúc đó, những người buôn bán những hàng hoá đó có thể trả lợi tức cao hơn cho những món nợ bằng tiền” (Smith. T.I, p.190) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 83-84].
“Hàng hoá mà càng mất nhiều công chế tạo hơn thì cái bộ phận giá cả phân ra thành tiền công và lợi nhuận tăng lên càng nhiều hơn bộ phận tạo thành địa tô. Cùng với sự phát triển của công nghiệp chế tạo, không những chuỗi lợi nhuận kế tiếp nhau tăng lên, mà mỗi lợi nhuận thu được sau đó cũng trở nên lớn hơn lợi nhuận thu được trong giai đoạn trước đó, vì tư bản, [IV] từ đó lợi nhuận nảy sinh ra, tất nhiên ngày càng lớn. Tư bản dùng để thuê thợ dệt bao giờ cũng phải lớn hơn tư bản dùng để thuê thợ kéo sợi, vì không những nó bù lại tư bản nói sau cùng với lợi nhuận của tư bản này, mà ngoài ra nó còn trả tiền công của thợ dệt, mà lợi nhuận thì bao giờ cũng phải ở trong một tỷ lệ nhất định với tư bản" (t.I, p.102-103) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 52-53].
Như vậy, việc kết hợp lao động con người vào sản phẩm tự nhiên khi chế biến và chế biến lại sản phẩm đó không làm tăng tiền công, mà một phần làm tăng số lượng những tư bản đem lại lợi nhuận, một phần làm tăng đại lượng của mỗi tư bản sau so với tư bản trước.
Về mối lợi mà nhà tư bản rút ra từ phân công lao động thì sau đây chúng ta sẽ nói đến.
Nhà tư bản được lợi hai mặt: một là do sự phân công, hai là nói chung do sự tăng lên của phần lao động con người kết hợp vào sản phẩm tự nhiên. Phần của con người tham gia vào hàng hoá càng nhiều thì lợi nhuận của tư bản không sinh khí càng lớn.
"Trong cùng một xã hội, tỷ suất lợi nhuận trung bình của tư bản là gần với mức thống nhất hơn là tiền công của các loại lao động khác nhau" (t.I, p.228) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 97]. "Khi tư bản được sử dụng bằng nhiều cách khác nhau, tỷ suất lợi nhuận thông thường thay đổi tùy theo việc thu hồi tư bản được đảm bảo nhiều hay ít. Tỷ suất lợi nhuận tăng lên cùng với sự bất trắc, tuy hoàn toàn không tăng theo cùng một tỷ lệ" (Cùng nguồn, [Tr.226-227]) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 96].
Dĩ nhiên là những lợi nhuận của tư bản cũng tăng thêm do phương tiện lưu thông (thí dụ tiền giấy) giảm xuống hoặc rẻ đi.
2.3. Sự thống trị của tư bản đối với lao động và động cơ của nhà tư bản
"Động cơ duy nhất thúc đẩy người có tư bản đem dùng tư bản vào nông nghiệp, vào công nghiệp hoặc vào một ngành nào đó của thương nghiệp bán buôn hoặc bán lẻ, là việc chạy theo lợi nhuận của bản thân anh ta. Anh ta không bao giờ có ý nghĩ tính xem mỗi một phương thức sử dụng tư bản đó sẽ đưa bao nhiêu lao động sản xuất vào hoạt động [V] hoặc sẽ tăng giá trị sản phẩm hàng năm của đất đai và của lao động trong nước mình đến mức nào" (Smith. T.II, p.400-401) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 275-276].
"Việc sử dụng tư bản có lợi nhất cho nhà tư bản sẽ là việc sử dụng nào đem lại cho anh ta lợi nhuận lớn nhất trong điều kiện độ chắc chắn như nhau. Việc sử dụng ấy không phải bao giờ cũng sẽ có lợi nhất cho xã hội. Có lợi nhất là việc sử dụng tư bản nhằm thu được ích lợi từ các lực lượng sản xuất của tự nhiên" (Say. T.II, p.[130]-131).
"Những thao tác lao động quan trọng nhất được điều chỉnh và chỉ đạo theo các kế hoạch và tính toán của những người đầu tư. Và mục đích mà họ đặt ra cho họ trong tất cả những kế hoạch và tính toán ấy là lợi nhuận. Không giống như địa tô và tiền công, tỷ suất lợi nhuận không tăng lên cùng với sự phồn vinh của xã hội và không hạ xuống cùng với sự suy sụp của xã hội. Ngược lại, tỷ suất đó tự nhiên là phải thấp ở những nước giàu và cao ở những nước nghèo; và không đâu tỷ suất đó lại cao như ở những nước đang lao nhanh nhất đến sự phá sản hoàn toàn. Do đó, lợi ích của giai cấp đó không gắn liền với lợi ích chung của xã hội, như lợi ích của hai giai cấp kia... Những lợi ích đặc biệt của những người kinh doanh một ngành đặc biệt nào đó của thương nghiệp hay của công nghiệp, về một mặt nào đó, bao giờ cũng khác và thậm chí thường trái ngược một cách đối địch với lợi ích của công chúng. Thương nhân luôn luôn muốn mở rộng thị trường và hạn chế sự cạnh tranh của những người bán... Đó là giai cấp những người mà lợi ích sẽ không bao giờ nhất trí hẳn với lợi ích của xã hội, là giai cấp những người nói chung có lợi trong việc lừa dối công chúng và trong việc trút thêm gánh nặng lên vai công chúng" (Smith. T.II, p.163-165) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 195].
2.4. Tích lũy tư bản và cạnh tranh giữa các nhà tư bản.
Sự tăng thêm của tư bản khiến cho tiền công tăng lên, lại có khuynh hướng làm giảm lợi nhuận của các nhà tư bản do sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản với nhau (Smith. T. I, p.179) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 80].
"Khi chẳng hạn tư bản cần cho việc buôn bán tạp hoá trong một thành phố được phân ra cho hai người buôn tạp hoá, thì cạnh tranh làm cho mỗi người sẽ bán rẻ hơn là khi tư bản đó chỉ nằm trong tay một người; và nếu tư bản được phân ra cho hai mươi người [VI] thì cạnh tranh giữa họ sẽ càng tích cực thêm, và họ sẽ càng có ít khả năng thoả thuận với nhau để nâng cao giá cả hàng hoá của họ lên" (Smith. T.II, p.372-373) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 266].
Vì chúng ta đã biết rằng, giá cả độc quyền đạt tới giới hạn có thể được, vì ngay cả theo quan điểm của kinh tế chính trị học thông thường, lợi ích của các nhà tư bản cũng đối lập thù địch với lợi ích của xã hội, vì sự tăng lên của lợi nhuận của tư bản tác động đến giá cả hàng hoá, giống như tác động của lợi tức kép [15] (Smith. T.I, p.199-201) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 87], - nên cạnh tranh là phương tiện bảo vệ duy nhất chống lại các nhà tư bản; theo lời các nhà kinh tế chính trị học, nó có ảnh hưởng tốt đến cả việc nâng cao tiền công lẫn việc giảm giá hàng hoá, có lợi cho công chúng tiêu dùng[23].
Nhưng cạnh tranh chỉ có thể xảy ra vì các tư bản tăng lên và hơn nữa tăng lên trong tay nhiều người. Chỉ có tích lũy nhiều chiều thì mới có thể có nhiều tư bản, vì nói chung tư bản chỉ hình thành nhờ tích luỹ, mà một sự tích lũy nhiều chiều thì nhất định phải biến thành tích luỹ một chiều. Cạnh tranh giữa các tư bản làm tăng thêm sự tích luỹ tư bản. Tích lũy, dưới sự thống trị của chế độ tư hữu, là sự tích tụ tư bản vào tay một số ít người, nói chung nó là một hậu quả tất yếu, nếu các tư bản được tự do đi theo tiến trình tự nhiên của chúng; chính thông qua cạnh tranh mà công dụng tự nhiên này của tư bản mở cho mình con đường tự do thực sự.
Chúng ta đã nghe nói rằng lợi nhuận của tư bản tỷ lệ với quy mô của nó. Cho nên ngay cả nếu lúc đầu hoàn toàn không kể đến sự cạnh tranh có chủ định thì một tư bản lớn được tích luỹ nhanh hơn tư bản nhỏ [VI], tương ứng với lượng của nó.
[VIII] Như vậy, cũng hoàn toàn không kể đến cạnh tranh, sự tích lũy của tư bản lớn diễn ra nhanh hơn nhiều so với sự tích lũy của tư bản nhỏ. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục theo dõi tiến trình tích luỹ đó.
Tư bản tăng lên thì do cạnh tranh, lợi nhuận của tư bản giảm xuống. Vậy, nhà tư bản nhỏ là người chịu thiệt trước tiên.
Sự tăng lên của các tư bản và sự tồn tại của một số lớn các tư bản có tiền đề là sự giàu có ngày càng tăng tiến của đất nước.
"Trong một nước đã đạt đến trình độ giàu có rất cao, tỷ suất thông thường của lợi nhuận nhỏ đến mức lợi tức, mà lợi nhuận cho phép trả, quá thấp khiến ngoài những người giàu có nhất, không ai có thể sống bằng lợi tức của tiền bạc của mình được. Vì vậy tất cả những người có dư dật trung bình buộc phải tự mình tung tư bản của mình sử dụng nó vào một công việc kinh doanh nào đó hoặc tham gia một ngành thương nghiệp nào đó" (Smith, T.I, p.[196] - 197). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 86].
Trạng thái đó là một trạng thái ưa thích của kinh tế chính trị học.
"Đâu đâu tỷ lệ giữa tổng số tư bản và tổng số thu nhập cũng đều quyết định tỷ lệ giữa sự chăm chỉ và sự ăn không ngồi rồi; bất cứ ở đâu mà tư bản thống trị thì ở đó sự chăm chỉ cũng chiếm ưu thế; bất cứ ở đâu mà thu nhập thống trị thì ở đó sự ăn không ngồi rồi chiếm ưu thế" (Smith. T.I, p.325). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 249].
Vậy việc dùng tư bản trong hoàn cảnh cạnh tranh tăng lên như thế nào?
"Tư bản càng tăng thêm thì số lượng những vốn cho vay lấy lợi tức phải luôn luôn tăng lên. Những vốn như vậy tăng lên thì lợi tức giảm xuống, 1) Vì giá cả thị trường của mọi vật phẩm hạ xuống khi số lượng của những vật phẩm này tăng lên và 2) vì các tư bản mà tăng lên thì trong nước ngày càng khó tìm được cách sử dụng có lợi cho tư bản mới. Giữa các tư bản nổ ra một cuộc cạnh tranh, vì người có tư bản này hết sức cố gắng giành lấy công việc mà một tư bản khác đã chiếm giữ. Nhưng rất thường khi anh ta không thể hy vọng gạt bỏ tư bản khác ấy, nếu không đưa ra những điều kiện có lợi hơn. Không những anh ta phải bán vật phẩm với giá rẻ hơn mà thường thường để tìm cơ hội bán, anh ta đôi khi còn phải mua với giá đắt hơn. Số vốn dùng để duy trì lao động sản xuất càng lớn thì cầu về lao động càng lớn: công nhân dễ kiếm việc, [IX] nhưng các nhà tư bản thì lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân. Cạnh tranh giữa các nhà tư bản làm cho tiền công tăng lên và lợi nhuận hạ xuống" (Smith. T. II, p.358-359). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 260].
Vậy nhà tư bản nhỏ phải lựa chọn: 1) hoặc là ăn hết tư bản của mình, vì anh ta không thể sống bằng lợi tức được nữa, do đó không còn là nhà tư bản nữa; 2) hoặc là tự mình tiến hành kinh doanh, bán hàng hoá của mình rẻ hơn và mua vào đắt hơn nhà tư bản giàu hơn mình, và trả tiền công cao hơn; vậy là bị phá sản, vì giá cả thị trường đã rất thấp do có cạnh tranh mạnh mẽ như đã giả định. Trái lại, nếu nhà tư bản lớn muốn gạt nhà tư bản nhỏ thì so với nhà tư bản nhỏ, anh ta có mọi ưu thế mà một nhà tư bản, với tính cách là nhà tư bản, vốn có so với công nhân. Mức [tỷ suất] lợi nhuận nhỏ hơn được bù lại cho anh ta bằng lượng tư bản lớn hơn, và anh ta thậm chí có thể chịu những thua lỗ tạm thời, cho đến khi nhà tư bản nhỏ hơn bị phá sản và khi anh ta thoát khỏi sự cạnh tranh của nhà tư bản này. Anh ta thu gom lợi nhuận của nhà tư bản nhỏ vào tay mình như vậy đó.
Sau nữa: nhà tư bản lớn bao giờ cũng mua được rẻ hơn nhà tư bản nhỏ, vì anh ta mua những số lượng lớn hơn. Cho nên anh ta có thể bán rẻ hơn mà không bị thiệt.
Nhưng nếu lợi tức cho vay hạ xuống biến những nhà tư bản trung bình từ người thực lợi thành người kinh doanh, thì ngược lại: sự tăng lên của số tư bản bỏ vào kinh doanh và sự giảm xuống - do đó mà ra - của [tỷ suất] lợi nhuận, lại làm cho lợi tức cho vay hạ xuống.
"Đồng thời với việc lợi nhuận có thể thu được trong việc sử dụng tư bản hạ xuống, giá cả có thể trả để sử dụng tư bản đó cũng nhất thiết giảm xuống" (Smith. T.II, p.359). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 260].
"Của cải, công nghiệp, nhân khẩu tăng càng nhiều thì lợi tức cho vay, và do đó cả lợi nhuận của tư bản giảm càng nhiều, tuy nhiên bản thân các tư bản tiếp tục tăng lên và thậm chí còn tăng lên nhanh hơn trước, mặc dù lợi nhuận hạ xuống. Một tư bản lớn, tuy thu được lợi nhuận thấp, nhưng thường tăng lên nhanh hơn nhiều so với tư bản nhỏ thu lợi nhuận lớn. Tục ngữ nói: tiền đẻ ra tiền" (Smith. T.I, p.189). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 83].
Còn, nếu những tư bản nhỏ có lợi nhuận thấp đối lập với tư bản lớn ấy, như đã xảy ra trong trạng thái cạnh tranh mãnh liệt mà chúng ta đã giả định, thì tư bản lớn sẽ hoàn toàn đè bẹp các tư bản nhỏ.
Với sự cạnh tranh như vậy, hậu quả tất yếu là tình trạng phẩm chất hàng hoá kém đi một cách phổ biến, việc làm giả, sản xuất giả, sự đầu độc phổ biến, như người ta thấy ở thành thị lớn.
[X] Sau nữa, một điều quan trọng trong sự cạnh tranh của những tư bản lớn và nhỏ là tỷ lệ giữa tư bản cố định và tư bản lưu động.
"Tư bản lưu động là tư bản được sử dụng trong việc sản xuất những tư liệu sinh hoạt, trong công xưởng hoặc trong thương nghiệp. Tư bản đó không đem lại thu nhập hoặc lợi nhuận cho người chiếm hữu nó, chừng nào nó vẫn còn nằm trong tay người đó, hoặc chừng nào nó vẫn giữ hình thức cũ. Nó thường xuyên ra khỏi bàn tay của chủ nó dưới một hình thức này để quay trở lại dưới một hình thức khác, và mang lại lợi nhuận chỉ nhờ sự lưu thông như vậy, hoặc sự chuyển hoá liên tiếp như vậy: Tư bản cố định là tư bản bỏ ra để cải thiện đất đai, mua máy móc, dụng cụ, công cụ hành nghề v.v." (Smith. [T.II], p.197-198). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 205-206].
"Bất cứ sự tiết kiệm nào trong việc chi tiêu để duy trì tư bản cố định đều làm tăng lợi nhuận ròng. Tổng tư bản của mỗi nhà kinh doanh tất phải phân thành tư bản cố định và tư bản lưu động của anh ta. Nếu tổng tư bản của anh ta vẫn không thay đổi, thì một bộ phận của nó mà càng nhỏ, bộ phận kia lại càng lớn. Tư bản lưu động chi tiêu cho nguyên liệu và tiền công và làm cho sản xuất hoạt động. Như vậy, bất cứ sự tiết kiệm nào về bộ phận tư bản cố định mà không làm giảm sức sản xuất của lao động thì đều tăng vốn làm cho sản xuất chạy" (Smith. T.II, p.226). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 215-216].
Ngay từ đầu ta đã thấy rằng tỷ lệ giữa tư bản cố định và tư bản lưu động là có lợi cho nhà tư bản lớn nhiều hơn là cho nhà tư bản nhỏ. Chủ ngân hàng rất lớn cần có tư bản cố định chỉ lớn hơn một chút so với chủ ngân hàng rất nhỏ; tư bản cố định của họ chỉ là chi phí cho văn phòng mà thôi. Công cụ sản xuất của địa chủ lớn tăng lên không mảy may tỷ lệ với diện tích đất đai của anh ta. Cũng vậy, tín dụng mà nhà tư bản lớn có khác với nhà tư bản nhỏ, là sự tiết kiệm lớn hơn tương ứng về tư bản cố định, tức là về số tiền mà anh ta bao giờ cũng phải có sẵn. Và, cuối cùng, dĩ nhiên là ở chỗ nào mà lao động công nghiệp đạt tới trình độ phát triển cao, vậy là ở chỗ nào mà hầu hết lao động chân tay trở thành lao động công xưởng, thì ở đó toàn bộ tư bản của nhà tư bản nhỏ không đủ để có được ngay cả tư bản cố định cần thiết. Biết rằng công việc trong cơ sở kinh doanh lớn thường đòi hỏi phải có một số lượng không lớn nhân công.
Nói chung, trong sự tích lũy của tư bản lớn, cũng diễn ra sự tích tụ tương ứng và sự đơn giản hoá của tư bản cố định so với những nhà tư bản nhỏ hơn. Nhà tư bản lớn áp dụng cho mình một kiểu [XI] tổ chức công cụ lao động.
"Trong lĩnh vực công nghiệp cũng vậy, mỗi công trường thủ công và mỗi công xưởng cũng đã là một sự kết hợp rộng rãi hơn những của cải vật chất khá lớn với những năng lực trí tuệ và tài khéo léo về kỹ thuật rất nhiều và lắm vẻ vì mục đích chung của sản xuất... Ở chỗ nào mà pháp luật duy trì những điền sản rộng lớn thì số nhân khẩu dư thừa đang tăng lên đổ xô vào hoạt động công nghiệp, và kết quả là, như chúng ta thấy ở Anh, những khối đông người vô sản tập trung chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp. Còn ở đâu mà pháp luật cho phép phân chia ruộng đất không ngừng như xảy ra ở Pháp, thì ở đó số người sở hữu nhỏ và mắc nợ tăng lên, trong quá trình liên tục phân chia manh mún, họ tự rơi vào giai cấp những người túng thiếu và bất mãn. Nếu cuối cùng, sự phân chia manh mún và tình trạng nợ nần đó đạt tới mức độ đặc biệt cao thì sở hữu lớn về ruộng đất lại sẽ thôn tính sở hữu nhỏ, giống như công nghiệp lớn tiêu diệt công nghiệp nhỏ; và vì những tổ hợp tương đối lớn về ruộng đất lại hình thành, cho nên toàn bộ cái khối công nhân không có của không tuyệt đối cần thiết cho việc canh tác ruộng đất, lại dồn vào công nghiệp" (Schulz. Bewegung der Production", p.[58]-59).
"Các thuộc tính của những hàng hoá cùng loại biến đổi do những thay đổi trong phương thức sản xuất, đặc biệt là do sử dụng máy móc. Chỉ có loại bỏ sức lực con người, mới có khả năng kéo một phun-tơ bông trị giá 3 si-linh 8 pen-xơ thành 350 con chỉ dài 167 dặm Anh hay 36 dặm Đức, trị giá 25 ghi-nê" (như trên, tr.62).
"Tính trung bình giá sản phẩm vải bông ở Anh đã hạ xuống 11/12 trong 45 năm qua, và cùng một số lượng công nghiệp phẩm năm 1814 còn trị giá 16 si-linh thì hiện nay theo sự tính toán của Mác-san trị giá 1 si-linh 10 pen-xơ. Giá rẻ hơn của công nghiệp phẩm đã làm tăng cả sự tiêu dùng trong nước lẫn sự tiêu thụ trên thị trường ngoài nước, do đó ở nước Anh, sau khi dùng máy móc, số lượng công nhân trong công nghiệp bông vải sợi không những không giảm đi mà còn tăng từ 4 vạn người lên đến 1 triệu rưỡi người. [XII]. Còn về thu nhập của các nhà kinh doanh công nghiệp và của công nhân thì do sự cạnh tranh
ngày càng tăng giữa các chủ xưởng, nên lợi nhuận của họ, đối chiếu với số lượng sản
phẩm mà họ cung cấp, tất nhiên đã giảm xuống. Giữa những năm 1820 và 1833, tổng
lợi nhuận ròng của các chủ xưởng, ở Man-se-xtơ về một tấm vải hoa đã giảm từ 4 si-linh 11/3 pen-xơ xuống còn 1 si-linh 9 pen-xơ. Nhưng để bù lại tổn thất đó, khối lượng sản xuất đã tăng lên với mức độ lớn hơn. Kết quả là trong những ngành công nghiệp riêng lẻ thỉnh thoảng lại xảy ra sản xuất thừa; là thường phát sinh nhiều cuộc vỡ nợ khiến trong nội bộ giai cấp các nhà tư bản và các chủ thuê công nhân, tài sản lâm vào tình trạng dao động và lên xuống không ổn định, tình trạng đó ném một bộ phận nào đó, những người sở hữu bị phá sản về kinh tế vào hàng ngũ giai cấp vô sản; là thường thường và đột nhiên xuất hiện sự cần thiết phải ngừng hoặc giảm bớt công việc, ảnh hưởng hết sức tai hại đến giai cấp những công nhân làm thuê" (như trên, tr.63).
"Cho thuê lao động của mình có nghĩa là bắt đầu cuộc sống nô lệ của mình; cho thuê đối tượng lao động có nghĩa là xác lập tự do của mình...Lao động là con người, trái lại trong đối tượng lao động thì không có gì là của con người cả" (Pecqueur. "Théor. soc. etc", p.411-41228).
"Yếu tố vật chất - yếu tố này không mảy may có thể tạo ra của cải nếu không có yếu tố thứ hai, lao động - nhận được cái tính chất thần kỳ là làm sinh sôi nảy nở ra của cải cho người có yếu tố vật chất, tựa hồ như bằng hành động của bản thân họ, họ đã bỏ vào trong đó cái yếu tố không thể thiếu được kia" (như trên, tác phẩm đã dẫn). "Nếu giả định rằng lao động hàng ngày của một công nhân đem lại cho anh ta trung bình 400 phrăng mỗi năm và số tiền đó đủ cho mỗi người lớn sống, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu nhất thì như vậy là mỗi người có thu nhập hàng năm 2.000 phrăng lợi tức, địa tô, tiền cho thuế nhà v.v., gián tiếp bắt 5 người làm việc cho mình; 100.000 phrăng lợi tức đại biểu cho lao động của 250 người và 1.000.000 phrăng đại biểu cho lao động của 2.500 người" (như trên, tr.412-413), - và do đó, 300.000.000 phrăng (Lu-i - Phi-líp) đại biểu cho lao động của 750.000 công nhân.
"Luật pháp của con người cho phép những kẻ sở hữu có quyền sử dụng và lạm dụng sở hữu của mình, nghĩa là làm tất cả những gì người đó muốn đối với mọi đối tượng lao động... luật pháp không hề buộc họ phải thường xuyên và đúng lúc
đem lại việc làm cho những người không có sở hữu, hoặc trả cho những người này tiền công luôn luôn đầy đủ v.v." (sách đã dẫn, tr.413). "Hoàn toàn tự do quyết định tính chất, số lượng chất lượng, sự hợp thời của sản xuất, hoàn toàn tự do tiêu dùng của cải, sử dụng mọi đối tượng lao động. Mỗi người được tự do trao đổi vật phẩm của mình theo ý mình, chỉ tính lợi ích cá nhân của riêng mình" (sách đã dẫn tr.413).
"Cạnh tranh chỉ biểu hiện sự trao đổi không bắt buộc, sự trao đổi này bản thân nó lại là kết quả gần nhất và logic của quyền cá nhân được sử dụng và lạm dụng những công cụ của mọi sản xuất. Ba yếu tố kinh tế ấy - thực ra là một chỉnh thể duy nhất: quyền sử dụng và lạm dụng, tự do trao đổi và cạnh tranh tuỳ tiện - đem lại những kết quả sau đây: mỗi người sản xuất cái mà mình muốn, theo cách mình muốn, khi mình muốn, ở nơi mình muốn; sản xuất tốt hay sản xuất xấu, quá nhiều hay không đủ, quá sớm hay quá muộn, quá đắt hay quá rẻ; không ai biết mình có bán được không, bán như thế nào, bán vào lúc nào, bán ở đâu, bán cho ai. Và việc mua vào cũng như vậy. [XIII] Người sản xuất không biết nhu cầu và nguồn lực, không biết số cầu và số cung. Anh ta bán khi anh ta muốn và khi có thể bán, bất kỳ ở chỗ nào anh ta muốn bán, cho bất kỳ ai anh ta thích, với bất kỳ giá nào anh ta muốn. Anh ta cũng mua như vậy. Trong tất cả tình hình đó, anh ta luôn luôn là đồ chơi của ngẫu nhiên, nô lệ cho luật lệ do kẻ mạnh hơn, kẻ ít khó khăn hơn, kẻ giàu hơn chi phối... Trong khi ở nơi này thiếu của cải thì ở nơi kia lại thừa thãi và lãng phí. Trong khi người sản xuất này bán được nhiều hoặc rất đắt và kiếm được lợi nhuận lớn thì người sản xuất khác lại không bán được gì hoặc bán lỗ... Cung không biết cầu, cầu không biết cung. Các anh sản xuất dựa vào thị hiếu và những mốt nảy ra trong những người tiêu dùng; nhưng khi anh đã sẵn sàng đưa hàng ra bán thì ước mơ đó của họ đã qua đi và ý muốn của họ giờ đây hướng vào một loại sản phẩm khác... Kết quả không tránh khỏi của tất cả những cái đó là phá sản thường xuyên và phổ biến; tính sai, phá sản đột ngột và giàu lên bất ngờ; khủng hoảng thương nghiệp, đóng cửa xí nghiệp, hàng hoá ứ đọng hay khan hiếm một cách chu kỳ; tiền công và lợi nhuận không ổn định và hạ xuống; hao tổn hoặc lãng phí ghê gớm về của cải, về thời gian và công sức trên vũ đài cạnh tranh quyết liệt" (sách đã dẫn, tr.414-416).
Ricardo trong quyển sách của ông (địa tô): các nước chỉ là những xưởng sản xuất; người là một cái máy để tiêu dùng và sản xuất; đời sống con người là tư bản; các quy luật kinh tế chi phối thế giới một cách mù quáng. Đối với Ricardo, con người không là gì cả, sản phẩm là tất cả. Trong chương 26 bản dịch tiếng Pháp có nói:
"Một người có một tư bản 20.000 phrăng đem lại cho anh ta hàng năm 2.000 phrăng lợi nhuận, thì hoàn toàn không quan tâm xem tư bản của anh ta đem lại việc làm cho 100 hay 1.000 người... Lợi ích thực tế của một nước chẳng phải cũng như thế hay sao? Chỉ cần thu nhập ròng thực tế của nó, địa tô và lợi nhuận của nó không thay đổi, thì dân tộc đó gồm 10 hay 12 triệu nhân khẩu, điều đó không có ý nghĩa gì cả". Ông Đờ Xi-xmôn-đi nói (t.II, p.331): "Thật ra, chỉ còn mong muốn một điều là một ông vua, sống hoàn toàn đơn độc trên hòn đảo của mình, không ngừng quay một cái ma-ni-ven, buộc những máy tự động làm tất cả công việc của chúng ở nước Anh"[24].
"Người chủ mua lao động của công nhân với một giá hạ đến nỗi chỉ tạm đủ cho công nhân thỏa mãn những nhu cầu bức thiết nhất thì không có lỗi về việc tiền công không đủ, cũng chẳng có lỗi về việc thời gian lao động kéo dài quá mức: bản thân anh ta cũng phải tuân theo quy luật mà anh ta buộc người khác phải tuân theo... Nguồn gốc của sự cùng khổ là do thế lực của sự vật gây ra nhiều hơn là do con người gây ra" ([Buret], sách đã dẫn, tr.82).
"Ở Anh có nhiều địa phương mà ở đó dân cư không có tư bản đủ để canh tác thích đáng đất đai của họ. Một phần khá lớn len của những tỉnh miền Nam Scotland phải trải qua một hành trình dài theo những con đường bộ rất xấu để đưa đến chế biến ở lãnh địa I-oóc-sia, vì thiếu tư bản để chế tạo nó tại chỗ. Ở Anh có nhiều thành thị công nghiệp nhỏ, ở đó dân cư thiếu tư bản đủ để vận chuyển sản phẩm công nghiệp của họ đến những thị trường xa có nhu cầu về sản phẩm ấy và có người tiêu dùng. Những thương nhân có ở đây [XIV] chỉ là những đại lý của những thương nhân giàu hơn sống tại một số thành thị thương nghiệp lớn" (Smith. T.II.p.382) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 269]. "Để tăng giá trị của sản phẩm hàng năm của ruộng đất và của lao động, không có cách nào khác hơn là tăng số lượng những công nhân sản xuất lên, hoặc là tăng năng suất lao động của những công nhân đã thuê từ trước... Trong cả hai trường hợp, hầu như bao giờ cũng cần có một số trội thêm về tư bản" (Smith. T.II.p. 338). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 252].
"Như vậy, vì theo bản chất của sự vật, tích lũy tư bản là cái tất yếu có trước sự phân công lao động, nên sự phân công lao động tiếp theo chỉ có thể diễn ra trong chừng mực tư bản được tích luỹ ngày càng nhiều. Số dạng lao động hình thành càng nhiều thì số lượng những vật tư có thể do cùng một số người chế biến càng tăng, và vì công việc của mỗi công nhân ắt phải ngày càng đơn giản hoá, nên người ta phát minh ra ngày thêm nhiều máy móc mới để giảm nhẹ và đẩy nhanh những công việc ấy. Vậy phân công lao động càng phát triển thì muốn cho cũng một số công nhân như trước thường xuyên có việc làm, cần phải tích luỹ trước được một dự trữ lương thực thực phẩm như trước và một dự trữ vật tư, công cụ và dụng cụ lớn hơn nhiều so với số dự trữ cần thiết trước kia, trong tình hình còn kém phát triển. Trong mọi ngành sản xuất, số lượng công nhân tăng lên đồng thời với sự phát triển của phân công lao động trong ngành đó, hoặc nói đúng hơn, chính sự tăng số lượng công nhân như thế tạo ra cho công nhân khả năng phân chia thành các nhóm và các loại như vậy" (Smith. T.II.p.193-194) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 203-204].
"Cũng giống như không có sự tích luỹ tư bản từ trước thì không thể tăng đáng kể sức sản xuất của lao động, sự tích lũy của tư bản cũng tất nhiên dẫn tới sự tăng lên ấy. Với tư bản của mình, nhà tư bản tìm cách sản xuất một số lượng sản phẩm thật nhiều, vì vậy anh ta ra sức xác lập một sự phân công lao động hợp lý nhất trong công nhân của mình và cung cấp cho những công nhân ấy những máy móc tốt nhất. Khả năng thành công của anh ta trong cả hai hướng phụ thuộc vào lượng tư bản của anh ta và với số lượng người mà tư bản đó có thể cung cấp công ăn việc làm. Cho nên không những số lượng lao động trong nước tăng lên cùng với sự tăng lên của tư bản đang vận dụng số lượng lao động ấy, mà ngoài ra, do sự tăng lên ấy của tư bản, cũng một số lượng lao động như cũ lại sản xuất ra một số lượng sản phẩm lớn hơn nhiều" (Smith.[sách đã dẫn''], tr.194-195). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 204].
Do đó có sản xuất thừa.
"Những sự kết hợp rộng lớn hơn của lực lượng sản xuất... trong công nghiệp và thương nghiệp nhờ có sự tập hợp nhân lực và những lực lượng tự nhiên nhiều hơn và đa dạng hơn, để tiến hành kinh doanh trên quy mô lớn hơn. Đây đó... đã có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành sản xuất chủ yếu với nhau. Chẳng hạn như những chủ xưởng lớn tìm cách có được cả những đại địa sản để chí ít cũng không buộc phải trước hết mua một bộ phận nguyên liệu cần cho công nghiệp của họ từ người khác; hoặc gắn với những xí nghiệp công nghiệp của họ, họ triển khai kinh doanh thương nghiệp không những để bán sản phẩm của họ mà còn để mua những sản phẩm loại khác và đem bán lại cho công nhân của họ. Ở Anh nơi mà những chủ xưởng đôi khi có tới 10-12 nghìn công nhân... thì không hiếm gì những sự kết hợp như vậy những ngành sản xuất khác nhau dưới sự chỉ đạo của một người lãnh đạo độc nhất, có thể nói là những quốc gia nhỏ, hoặc những tỉnh trong nội bộ quốc gia. Chẳng hạn như vừa đây, những người chủ mỏ ở Bớc-minh-hem nắm trong tay toàn bộ quá trình sản xuất sắt, trong khi trước kia việc sản xuất đó phân tán giữa nhiều nghiệp chủ và nhiều người chiếm hữu khác nhau. Xem bài "Der bergmọnnische Distrikt bei Birmingham" trong tạp chí "Deutsche Vierteljahrs Schrift" số 3, năm 1838. Và cuối cùng, trong những công ty cổ phần lớn, - hiện có rất nhiều công ty như vậy, - chúng ta thấy những kết hợp rộng lớn giữa những lực lượng tiền tệ của nhiều người tham gia, với những tri thức khoa học - kỹ thuật và kỹ năng của những người khác được trao cho đảm nhiệm việc thực hiện công việc. Bằng cách đó, các nhà tư bản có được khả năng sử dụng sổ tiết kiệm của họ theo nhiều cách khác nhau và thậm chí đồng thời trong nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp, do đó lợi ích của họ trở nên đa diện hơn [XVI], và những đối lập giữa lợi ích của nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp dịu bớt và bị thủ tiêu. Nhưng bản thân việc ngày càng có nhiều khả năng làm cho tư bản được sử dụng theo những cách hết sức khác nhau như vậy tất phải làm tăng thêm sự đối lập giữa giai cấp có của và giai cấp không có của"... (Schulz . Sách đã dẫn, tr.40-41).
Lợi nhuận lớn mà những chủ cho thuê nhà rút ra từ những người nghèo khổ. Tiền thuê nhà tỷ lệ nghịch với sự nghèo khổ do công nghiệp gây ra.
Cũng vậy, người ta rút lợi tức từ những thói xấu của những người vô sản bị phá sản (nạn mại dâm, nạn nghiện rượu, người cho vay nặng lãi).
Sự tích luỹ của các tư bản tăng lên, còn sự cạnh tranh giữa chúng thì giảm xuống, khi tư bản và tài sản ruộng đất nằm trong tay một người, cũng như trong trường hợp khi tư bản, do quy mô của nó, có khả năng kết hợp những ngành sản xuất khác nhau với nhau.
Thái độ không quan tâm đến con người. Hai mươi vé xổ số của Smith[25]
Tổng thu nhập và thu nhập ròng ở Say. [XVI].
BẢN THẢO THỨ NHẤT
3. ĐỊA TÔ
[I] Quyền của những người sở hữu ruộng đất bắt nguồn từ sự tước đoạt (Say. T.I, Tr.136, chú thích). Những người sở hữu ruộng đất, cũng như tất cả mọi người, muốn gặt ở những nơi họ không gieo và đòi hỏi địa tô ngay cả về sản phẩm tự nhiên của đất đai (Smith. T. I, p.99) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 52].
"Người ta có thể nghĩ rằng địa tô chỉ là lợi nhuận của tư bản mà người sở hữu dùng vào việc cải thiện đất đai... Có những trường hợp địa tô có thể được coi một phần là thứ lợi nhuận đó... Song:
1) người sở hữu ruộng đất đòi hỏi địa tô ngay cả về đất đai không được cải thiện, mà cái có thể coi là lợi tức hay lợi nhuận của những chi phí cải thiện, trong đa số trường hợp, chỉ là số cộng thêm (bổ sung) vào địa tô ban đầu đó mà thôi;
2) ngoài ra, sự cải thiện đó không phải bao giờ cũng được tiến hành bằng vốn của người sở hữu ruộng đất, mà đôi lúc bằng tư bản của những người thuê đất; tuy nhiên, khi đặt ra vấn đề ký lại khế ước thì người sở hữu ruộng đất thường đòi hỏi tăng địa tô lên như thế, tựa hồ như tất cả những sự cải thiện đó được thực hiện bằng vốn của bản thân anh ta;
3) Hơn nữa, anh ta đôi lúc còn đòi địa tô ngay cả về cái mà nói chung hoàn toàn không thể do con người cải thiện" (Smith. T.I, p.300-301). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 120].
Để dùng làm thí dụ minh họa trường hợp sau này, Smith lấy cây ngón biển (Seekrapp, salicorne):
"một giống cây ở biển, - cây này sau khi bị đốt cháy, cho một thứ muối kiềm dùng để chế tạo pha lê, xà phòng v.v.. Cây này mọc ở Anh, chủ yếu là ở Scotland, ở những địa phương khác nhau, nhưng chỉ ở những núi đá nằm dưới mực nước thuỷ triều lên bị ngập dưới nước biển mỗi ngày hai lần, và do đó sản phẩm của chúng không gắn với việc đầu tư lao động của con người. Tuy nhiên người sở hữu khoảnh đất có thứ cây ấy vẫn đòi địa tô giống như về diện tích gieo trồng ngũ cốc. Biển ở gần quần đảo Sét-len có rất nhiều cá... Phần khá lớn dân cư trên các đảo ấy [II] sống bằng nghề đánh cá. Nhưng để có thể được hưởng hải sản thì phải có nhà trên đất kề biển. Ở đây, địa tô không tỷ lệ với cái mà người thuê đất có thể có được từ đất, mà tỷ lệ với cái mà anh ta có thể thu được từ cả đất và biển” (Smith. T.I, p.301-302). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 120-121].
"Có thể coi địa tô là sản phẩm của những lực lượng tự nhiên mà người sở hữu nhường cho người thuê mượn để sử dụng. Sản phẩm đó nhiều hay ít tùy thuộc vào quy mô của lực lượng tự nhiên tương ứng rộng hẹp đến đâu, nói cách khác, tuỳ thuộc vào độ phì tự nhiên hoặc nhân tạo. Đó là sản phẩm tự nhiên còn lại sau khi khấu trừ hoặc kết toán tất cả những cái gì có thể được coi là sản phẩm do con người làm ra (Smith. T.II, p.377-378). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 268].
"Như vậy, dĩ nhiên là địa tô, coi như giá cả phải trả về việc sử dụng đất đai, là giá cả độc quyền. Nó không mảy may tỷ lệ với cái mà người sở hữu ruộng đất đầu tư vào ruộng đất để cải thiện ruộng đất hoặc với cái người đó phải thu về để không bị thiệt, mà tương ứng với cái người thuê có thể cung cấp mà không bị thiệt" (Smith. T.I, p.302). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 121].
"Trong ba giai cấp cơ bản, giai cấp những người sở hữu ruộng đất là giai cấp mà thu nhập của nó không đòi hỏi phải hao phí lao động, cũng không đòi hỏi phải mất công lo lắng: thu nhập ấy chảy vào tay giai cấp đó có thể nói là một cách tự động, không do một dụng ý hoặc một kế hoạch nào của giai cấp đó" (Smith. T.II, p.161). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 194].
Chúng ta đã nghe nói rằng lượng địa tô phụ thuộc vào mức độ màu mỡ của ruộng đất nhưng còn một nhân tố khác quyết định địa tô - đó là vị trí của khoảnh đất.
"Địa tô thay đổi tuỳ theo độ phì nhiêu của đất, dù sản phẩm của nó có như thế nào, và tuỳ thuộc vào vị trí của khoảnh đất, dù độ phì của nó như thế nào đi nữa" (Smith. T.I, p.306). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 122].
"Nếu những khoảnh đất, hầm mỏ hoặc vùng đánh cá có độ sinh lợi tự nhiên như nhau thì số lượng sản phẩm mà việc sử dụng chúng mang lại sẽ phụ thuộc vào quy mô của những tư bản mà người ta sẽ dùng để trồng trọt và khai thác chúng và vào cách thức ít (III) nhiều khéo léo trong việc vận dụng những tư bản ấy. Nếu tư bản bằng nhau và được vận dụng tốt như nhau thì sản phẩm sẽ tỷ lệ với năng suất tự nhiên của những đất đai, hầm mỏ hoặc vùng đánh cá ấy" ([Smith]. T.I. p.210). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 209-210].
Những luận điểm ấy của Smith là quan trọng, vì với chi phí sản xuất như nhau và quy mô tư bản như nhau, thì những luận điểm ấy coi địa tô là phụ thuộc vào độ màu mỡ ít hay nhiều của đất đai. Điều đó chứng tỏ rõ ràng sự xuyên tạc các khái niệm của kinh tế - chính trị học là môn học biến độ phì nhiêu của đất đai thành một thuộc tính của người chủ đất. Song giờ đây chúng ta hãy xét địa tô dưới hình thức của nó trong các quan hệ hiện thực.
Mức địa tô được quy định bởi cuộc đấu tranh giữa người thuê đất và người sở hữu ruộng đất. Bất cứ ở đâu trong kinh tế chính trị học, chúng ta đều thấy rằng sự đối lập thù địch giữa các lợi ích, sự đấu tranh, chiến tranh được thừa nhận là cơ sở của tổ chức xã hội.
Vậy chúng ta hãy xem mối quan hệ giữa người sở hữu và người thuê ruộng đất như thế nào.
"Khi định những điều kiện của giao kèo thuê ruộng đất, người sở hữu ruộng đất hết sức tìm cách không để lại cho người thuê ruộng đất nhiều hơn cái cần thiết để bù lại tư bản chi phí vào giống má, vào việc trả công lao động, vào súc vật làm việc và những công cụ sản xuất khác, và để có được lợi nhuận thông thường đối với các trang trại ở vùng đó. Hoàn toàn rõ ràng là đó là phần nhỏ nhất mà người thuê ruộng đất có thể bằng lòng vì không bị thiệt, còn người sở hữu ruộng đất thì ít khi muốn để lại cho anh ta nhiều hơn. Ngoài phần đó ra thì toàn bộ số còn lại của sản phẩm hay của giá cả của sản phẩm, không kể số còn lại ấy nhiều ít như thế nào, người sở hữu tìm cách giữ lại cho mình coi đó là địa tô trả cho ruộng đất của mình - đó hiển nhiên là địa tô cao nhất mà người thuê ruộng đất có thể trả được trong trạng thái hiện có của ruộng đất [IV]. Số thừa ra đó luôn luôn có thể được coi là địa tô tự nhiên của ruộng đất, hoặc địa tô mà với mức ấy phần lớn các khoảnh đất được cho thuê một cách tự nhiên "(Smith. T.I, p.299-300). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 120].
Say nói:
"Những người sở hữu ruộng đất thực hiện một thứ độc quyền đối với người thuê ruộng đất. Số cầu về hàng hoá của họ, tức là ruộng đất, có thể tăng không ngừng; nhưng số lượng hàng hoá của họ chỉ mở rộng ra đến một mức nhất định... Giao kèo ký kết giữa người sở hữu ruộng đất và người thuê ruộng đất bao giờ cũng có lợi đến mức tối đa cho người thứ nhất... Ngoài cái lợi mà anh ta rút ra được từ bản chất của sự vật ra, anh ta còn có được những cái lợi từ địa vị của anh ta, từ tài sản, uy tín, danh giá lớn hơn của mình; nhưng chỉ riêng cái lợi thứ nhất cũng đã đủ để cho anh ta luôn luôn có khả năng một mình lợi dụng được tất cả mọi tình hình thuận lợi gắn với khoảnh đất ấy. Việc đào một con sông đào hoặc mở một con đường, sự tăng dân số và tăng sự giàu có của vùng đó bao giờ cũng nâng cao giá cho thuê... Cố nhiên, bản thân người thuê ruộng đất có thể cải thiện ruộng đất bằng tiền của mình: nhưng mối lợi từ tư bản đầu tư vào việc cải thiện đất đai anh ta chỉ có thể rút ra trong thời gian thuê ruộng đất có hiệu lực thôi, còn khi thời hạn giao kèo đã hết thì toàn bộ lợi lộc chuyển sang tay người sở hữu ruộng đất; từ lúc ấy, người sở hữu ruộng đất rút ra những món tiền lời, mặc dù anh ta không chi phí gì cả, tiền cho thuê tăng lên một cách tương ứng" (Say, t.II, tr. [142]-143).
"Cho nên dĩ nhiên là địa tô, coi như giá cả phải trả để được sử dụng ruộng đất, là giá cả cao nhất mà người thuê ruộng đất có thể trả được trong trạng thái hiện có của khoảnh đất" (Smith. T.I, Tr.299). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 120].
"Do vậy, địa tô về việc sử dụng mặt đất trong đa số trường hợp bằng một phần ba tổng sản phẩm và thường là một lượng cố định, không phụ thuộc vào những biến động ngẫu nhiên [V] của thu hoạch (Smith. T.I, p.351). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 137]. "Ít khi địa tô ấy dưới một phần tư tổng sản phẩm" (ibid, t.II, p.378). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 268].
Địa tô có thể trả không phải về tất cả mọi hàng hóa. Chẳng hạn như ở một địa phương, người ta không trả địa tô về đá.
"Thông thường nông sản được đem ra thị trường với số lượng mà giá cả thông thường đủ để bù lại tư bản bỏ ra để vận chuyển chúng và để thu được lợi nhuận thông thường của tư bản đó. Nếu giá cả thông thường vượt quá mức ấy thì số dôi ra đi vào địa tô. Còn nếu chỉ đủ để bù chi phí tư bản thôi thì tất nhiên có thể đưa hàng hoá đến thị trường, nhưng không còn gì để trả địa tô cho người sở hữu ruộng đất. Giá cả đó có cao hơn mức đủ để bù lại tất cả mọi chi phí sản xuất hay không, điều đó phụ thuộc vào số cầu" (Smith. T.I, p.302-303). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 121].
"Địa tô nằm trong cấu thành của giá cả hàng hoá hoàn toàn theo một cách khác với cách của tiền công và lợi nhuận về tư bản. Tỷ suất cao hoặc thấp của tiền công và lợi nhuận là nguyên nhân của giá cả cao hay thấp của hàng hoá, còn tỷ suất cao hay thấp của địa tô là kết quả của giá cả ấy" (Smith. T.I, Tr.303-[304]). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 121].
Trong số những sản phẩm luôn luôn đem lại địa tô có lương thực thực phẩm.
"Vì người ta, cũng như mọi động vật, đều sinh sôi nảy nở theo số tư liệu sinh hoạt của mình, nên bao giờ cũng có cầu nhiều hay ít về lương thực. Luôn luôn có thể dùng lương thực để mua một số lượng nhiều hay ít [VI] lao động và luôn luôn có những người sẵn sàng làm một việc nào đó để kiếm lương thực thực phẩm. Thật ra do chỗ đôi khi phải trả tiền công cao cho lao động, nên số lượng lao động có thể đổi bằng một số lượng nhất định lương thực thực phẩm, không phải bao giờ cũng bằng lao động có thể tồn tại nhờ vào lương thực, thực phẩm đó, nếu lương thực thực phẩm đó được chi tiêu một cách tiết kiệm nhất. Nhưng với lương thực thực phẩm luôn luôn có thể dùng để mua một số lượng lao động đủ để nuôi sống loại lao động ấy theo mức sống thông thường của nó ở địa phương ấy. Hầu như trong mọi tình hình có thể có, ruộng đất sản xuất nhiều lương thực thực phẩm hơn số cần thiết để nuôi sống toàn bộ lao động tham gia vào việc sản xuất và đưa lương thực đó ra thị trường. Số lương thực thực phẩm thừa ra đó bao giờ cũng thừa đủ để bù lại tư bản sử dụng lao động đó, mà còn có được lợi nhuận. Như vậy, bao giờ cũng còn lại một số cái gì để trả địa tô cho người sở hữu ruộng đất" (Smith. T.I, Tr.305-306). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 122].
Không những lương thực thực phẩm là nguồn gốc đầu tiên của địa tô, mà hơn nữa, sau đó nếu những sản phẩm khác của ruộng đất cũng đem lại địa tô thì người thu địa tô sở dĩ có được phần giá trị cộng thêm đó vẫn lại do sự tăng thêm sức sản xuất của lao động sản xuất ra lương thực thực phẩm, sự tăng lên đó là kết quả của sự tiến bộ trong việc canh tác và cải thiện đất đai" (Smith. T.I, p.345). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 132]. "Như vậy lương thực thực phẩm luôn luôn mang lại khả năng trả địa tô" (t.I. tr.337). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 132]. "Số nhân khẩu của một nước không tỷ lệ với số lượng người mà nước đó có thể cung cấp áo quần và nhà ở, mà tỷ lệ với số lượng người mà nước đó có thể nuôi sống bằng sản phẩm của mình" (Smith. T.I, Tr.342). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 134].
"Hai nhu cầu quan trọng nhất của con người sau ăn uống là nhu cầu về áo quần và nhà ở (và sưởi ấm). Trong đa số trường hợp, những vật phẩm dùng để thoả mãn những nhu cầu đó đem lại địa tô, nhưng không phải bao giờ cũng nhất thiết phải như thế" (ibid, t.I, p. [337]-338). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 133]. [VI].
[VIII] Bây giờ, chúng ta hãy xem người sở hữu ruộng đất khai thác mọi mối lợi của xã hội như thế nào.
1) Địa tô tăng lên cùng với dân số[26] (Smith. T.I, p.335). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 132].
2) Chúng ta đã nghe Say nói rằng, địa tô tăng lên như thế nào cùng với việc mở mang đường sắt v.v., với việc cải tiến, tăng độ an toàn của các phương tiện giao thông và sự tăng thêm phương tiện giao thông.
3) "Bất cứ sự cải thiện nào trong điều kiện sinh sống của xã hội cũng đều có xu hướng trực tiếp hoặc gián tiếp nâng cao địa tô, tăng thêm sự giàu có thực tế của người sở hữu ruộng đất, nghĩa là tăng thêm khả năng của anh ta trong việc mua lao động của người khác hoặc sản phẩm lao động của người khác... Sự tiến bộ trong việc cải thiện và canh tác đất đai trực tiếp dẫn tới chỗ đó. Sản phẩm tăng thêm thì tất nhiên là phần của người sở hữu ruộng đất trong sản phẩm ấy cũng tăng lên. Sự tăng lên của giá cả thực tế của những loại nguyên liệu ấy, thí dụ sự tăng lên của giá cả súc vật, cũng dẫn trực tiếp tới chỗ tăng thêm địa tô, hơn nữa tăng theo một tỷ lệ còn lớn hơn. Không chỉ giá trị thực tế của phần của người sở hữu ruộng đất và do đó quyền lực thực tế của anh ta đối với lao động của người khác đều tăng lên mà thôi, - cùng với sự tăng lên của giá trị thực tế của sản phẩm, cả lượng tương đối của phần ấy trong tổng sản phẩm cũng tất yếu tăng lên. Sau khi giá cả thực tế của sản phẩm đó tăng lên, việc sản xuất nó không đòi hỏi nhiều lao động hơn trước kia, vì thế để bù lại tư bản đã sử dụng cộng với lợi nhuận thông thường của nó giờ đây cần một tỷ lệ sản phẩm nhỏ hơn trước. Như vậy, phần còn lại của sản phẩm, cái phần thuộc về người sở hữu ruộng đất sẽ nhiều hơn trước kia so với tổng sản phẩm" (Smith.T.II, p.157-159). [Bản dịch tiếng Nga, tr.193].
[IX] Sở dĩ cầu về nguyên liệu tăng thêm và do đó giá trị của nguyên liệu tăng thêm, một phần có thể là do số dân và nhu cầu của dân cư tăng thêm. Nhưng mỗi phát minh mới, mỗi việc sử dụng mới những nguyên liệu mà công nghiệp trước kia chưa sử dụng hoặc ít sử dụng, đều làm tăng thêm địa tô. Chẳng hạn như cùng với sự xuất hiện của đường sắt, tàu thuỷ v.v., địa tô mỏ than đá tăng lên một cách không tưởng tượng được.
Ngoài cái lợi mà người sở hữu ruộng đất rút được từ công nghiệp ra ấy, từ các phát minh, từ lao động, bây giờ chúng ta sẽ thấy một cái lợi khác nữa.
4) "Những cách nâng cao sức sản xuất của lao động trực tiếp dẫn đến chỗ hạ thấp giá cả thực tế của những sản phẩm công nghiệp thì đều gián tiếp dẫn tới chỗ nâng cao địa tô thực tế. Người sở hữu ruộng đất đem lại cái phần sản phẩm thô không tiêu dùng cho cá nhân hắn, hoặc giá cả của phần đó, để đổi lấy sản phẩm công nghiệp. Tất cả những cái làm giảm giá cả thực tế của sản phẩm của nông nghiệp. Từ nay cùng một số lượng sản phẩm thô sẽ tương ứng với một số lượng lớn hơn những sản phẩm công nghiệp, và người sở hữu ruộng đất có khả năng mua được nhiều vật dụng sinh hoạt, đồ trang trí và xa xỉ phẩm hơn" (Smith. T.II, p.159). [Bản dịch tiếng Nga, tr.193].
Nhưng nếu do chỗ người sở hữu ruộng đất khai thác được hết mọi cái lợi của xã hội mà, Smith [X] kết luận (t.II, p.161)[27]. [Bản dịch tiếng Nga, tr. 194], rằng lợi ích của người sở hữu ruộng đất bao giờ cũng nhất trí với lợi ích của xã hội thì đó là một điều vô lý. Theo kinh tế chính trị học thì dưới sự thống trị của chế độ tư hữu, sự quan tâm của một cá nhân đến xã hội hoàn toàn ngược với sự quan tâm của xã hội đến người đó, cũng giống như sự quan tâm của người cho vay nặng lãi đến kẻ lãng phí thì hoàn toàn không nhất trí với lợi ích của người lãng phí.
Chúng tôi chỉ nhắc qua về lòng khát khao của người sở hữu ruộng đất muốn nắm độc quyền chống lại sở hữu ruộng đất của nước ngoài; từ đó mà có đạo luật về lúa mì chẳng hạn. Cũng vậy, ở đây chúng tôi sẽ không nói đến chế độ nông nô thời trung cổ, chế độ nô lệ ở các thuộc địa, sự cùng khổ của công nhân nông nghiệp ở Anh. Chúng tôi sẽ theo những nguyên lý của bản thân kinh tế chính trị học.
1) Người sở hữu ruộng đất quan tâm đến phúc lợi của xã hội, các nguyên lý của kinh tế chính trị học nói như thế; anh ta quan tâm đến sự tăng thêm nhân khẩu, đến sự tăng thêm sản phẩm công nghiệp, đến sự tăng thêm nhu cầu của xã hội, nói tóm lại, đến sự tăng thêm sự giàu có của xã hội, và như chúng ta đã thấy trên kia, sự tăng thêm đó đi đôi với sự tăng thêm cảnh nghèo khổ và cảnh nô lệ. Sự liên quan giữa tiền thuê nhà ngày càng tăng và sự tăng thêm cảnh nghèo khổ là một thí dụ về sự quan tâm của người sở hữu ruộng đất đến xã hội, vì với sự tăng lên của tiền cho thuê nhà thì địa tô - lợi tức về mảnh đất trên đó nhà ở được xây dựng - tăng lên.
2) Theo chính các nhà kinh tế học thì lợi ích của người sở hữu ruộng đất là cái đối lập thù địch với lợi ích của người thuê ruộng đất, nghĩa là của một bộ phận khá lớn của xã hội.
[XI] 3) Vì người sở hữu ruộng đất có thể đòi hỏi người thuê ruộng đất phải trả càng nhiều địa tô khi người thuê ruộng đất trả càng ít tiền công, và vì người thuê ruộng đất càng hạ thấp tiền công xuống khi người sở hữu ruộng đất đòi hỏi càng nhiều địa tô, cho nên lợi ích của người sở hữu ruộng đất cũng đối lập với lợi ích của công nhân nông nghiệp, giống như lợi ích của chủ xí nghiệp công nghiệp đối lập với lợi ích của những công nhân của anh ta. Lợi ích của người sở hữu ruộng đất cũng làm cho tiền công hạ xuống đến mức thấp nhất.
4) Vì sự hạ thấp thực tế của giá cả sản phẩm công nghiệp làm cho địa tô tăng lên, nên người sở hữu ruộng đất có lợi ích trực tiếp khi tiền công của công nhân công nghiệp hạ xuống khi có sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản, khi có tình trạng sản xuất thừa, có mọi tai họa mà sự phát triển công nghiệp đẻ ra.
5) Vậy, nếu lợi ích của người sở hữu ruộng đất hoàn toàn không nhất trí với lợi ích của xã hội và đối lập thù địch với lợi ích của những người thuê ruộng đất, của công nhân nông nghiệp, của công nhân công nghiệp và của những nhà tư bản thì mặt khác, lợi ích của người sở hữu ruộng đất này cũng hoàn toàn không nhất trí với lợi ích của người sở hữu ruộng đất khác - vì có sự cạnh tranh mà giờ đây chúng ta cũng sẽ xem xét.
Nói chung, quan hệ giữa sở hữu ruộng đất lớn và sở hữu ruộng đất nhỏ cũng giống quan hệ giữa tư bản lớn và tư bản nhỏ. Nhưng thêm vào đó còn có những tình hình đặc biệt, chúng nhất thiết dẫn tới sự tích luỹ sở hữu ruộng đất lớn và việc sở hữu ruộng đất lớn thôn tính sở hữu ruộng đất nhỏ.
[XII] 1) Không ở đâu số lượng tương đối của công nhân và công cụ lao động giảm mạnh cùng với sự tăng thêm quy mô kinh doanh như trong nông nghiệp. Cũng giống như không ở đâu khả năng khai thác toàn diện, sự tiết kiệm do giảm chi phí sản xuất và sự phân công lao động một cách khéo léo tăng lên - cùng với sự tăng thêm quy mô kinh doanh - mạnh như trong nông nghiệp. Dù khoảnh đất có nhỏ đến đâu, số lượng công cụ lao động cần thiết để canh tác nó như cày, bừa v.v., cũng vấp phải một giới hạn nhất định, không thể tiếp tục giảm hơn nữa, trong khi đó quy mô chiếm hữu ruộng đất có thể xuống thấp hơn giới hạn ấy rất nhiều.
2) Kẻ sở hữu nhiều ruộng đất chiếm hữu khoản lợi tức của số tư bản mà người thuê ruộng đã đầu tư vào việc cải thiện đất đai. Kẻ sở hữu ít ruộng đất buộc phải bỏ tư bản riêng của mình vào việc đó. Do vậy đối với anh ta, toàn bộ lợi nhuận đó bị mất đi.
3) Mỗi sự cải thiện xã hội đều có lợi cho người sở hữu nhiều ruộng đất, nhưng lại có hại cho người sở hữu ít ruộng đất, vì bao giờ nó cũng đòi hỏi người sở hữu ít ruộng đất phải có một số lượng tiền mặt ngày càng lớn.
4) còn phải xét hai quy luật quan trọng của sự cạnh tranh ấy:
"Địa tô của những khoảnh ruộng đất cày cấy để sản xuất ra lương thực thực phẩm điều tiết địa tô của phần lớn những đất đai canh tác khác" (Smith. T.I, p.331). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 130].
Những tư liệu sinh hoạt như gia súc v.v., xét cho cùng, chỉ có chế độ sở hữu nhiều ruộng đất mới có thể sản xuất được. Do đó, chế độ sở hữu nhiều ruộng đất điều tiết địa tô của những ruộng đất khác và có thể hạ địa tô ấy xuống mức thấp nhất.
Trong những trường hợp đó, quan hệ của người sở hữu ít ruộng đất tự mình lao động trên khoảnh đất của mình đối với người sở hữu nhiều ruộng đất, cũng giống như quan hệ của người thợ thủ công có dụng cụ riêng của mình đối với chủ xưởng. Người sở hữu ít ruộng đất trở thành công cụ lao động đơn thuần. [XVI] Người sở hữu nhỏ không còn có chút địa tô nào nữa, nhiều lắm thì anh ta còn lại tiền lời của tư bản của anh ta và tiền công của anh ta mà thôi, vì do cạnh tranh mà địa tô có thể giảm xuống đến mức nó chỉ là tiền lời của tư bản mà bản thân người sở hữu ruộng đất không bỏ ra.
a - Ngoài ra, chúng ta đã biết rằng khi ruộng đất, hầm mỏ hay vùng cá mà tốt ngang nhau và được khai thác khéo léo như nhau thì sản phẩm tỷ lệ với quy mô của tư bản. Do đó chế độ sở hữu nhiều ruộng đất thắng thế. Cũng vậy, với những
tư bản ngang nhau thì thu nhập tỷ lệ với độ phì của ruộng đất. Cho nên với những tư bản ngang nhau, thì người sở hữu những khoảnh ruộng đất màu mỡ hơn là người thắng.
b - "Có thể nói một mỏ nào đó nói chung là giàu quặng hay nghèo quặng tuỳ theo chỗ một số lượng lao động nhất định có thể khai thác được của mỏ ấy một số lượng khoáng sản nhiều hơn hay ít hơn số lượng khoáng sản mà cùng một số lượng lao động như vậy có thể khai thác được của đa số mỏ khác cùng loại" (Smith. T.I, p.345-346). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 135].
"Giá cả sản phẩm của những mỏ phong phú nhất điều tiết giá cả than đá cho tất cả những mỏ lân cận khác. Người sở hữu ruộng đất và người kinh doanh, nếu họ bán sản phẩm theo giá cả thấp hơn giá của những người láng giềng của họ thì người này cho rằng địa tô của người đó sẽ cao hơn, người kia cho rằng lợi nhuận của anh ta sẽ tăng. Lúc đó, những người láng giềng cũng buộc phải bán sản phẩm của mình theo cùng giá cả ấy, mặc dù họ ít có khả năng làm như vậy và mặc dù giá cả ấy tiếp tục hạ xuống và đôi khi còn làm cho họ mất sạch địa tô và lợi nhuận. Do đó một số hầm mỏ hoàn toàn bị bỏ, không được khai thác, một số mỏ khác đã không đem lại một địa tô nào và chỉ có thể tiếp tục khai thác được bởi chính người sở hữu chúng" (Smith. T.I, p.350). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 137].
"Sau khi phát hiện ra những mỏ ở Pê-ru, phần lớn những mỏ bạc ở châu Âu bị bỏ, không khai thác nữa... Tình hình như thế cũng xảy ra với những mỏ ở Cu-ba và Xan-Dô-min-gô và thậm chí với cả những mỏ cũ ở Pê-ru, sau khi phát hiện ra mỏ ở Pô-tô-xi" (t.I, p.353). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 138).
Tất cả những điều Smith nói ở đây về các mỏ cũng đều có thể vận dụng ít hay nhiều đối với sở hữu ruộng đất nói chung.
c - "Cần chú ý rằng bất cứ lúc nào, giá cả thị trường thông thường của ruộng đất cũng phụ thuộc vào tỷ suất thông thường của lợi tức trên thị trường... Nếu địa tô hạ xuống thấp hơn đáng kể so với lợi tức của tiền tệ thì không ai muốn mua đất đai nữa, điều đó sẽ khiến cho giá cả thị trường của ruộng đất nhanh chóng hạ xuống. Trái lại, nếu những cái lợi của địa tô sẽ bù lại quá số chênh lệch bình thường giữa mức lợi tức tiền tệ và mức địa tô thì mọi người sẽ đổ xô đi mua ruộng đất, điều đó lại sẽ nhanh chóng khôi phục giá cả thị trường thông thường của nó lên" ([Smith].T.II.p.[367]-368). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 263-264].
Qua tương quan đó giữa địa tô và lợi tức tiền tệ ta thấy rằng địa tô ắt phải ngày càng hạ xuống, khiến cho rút cục chỉ có những người giàu nhất mới có thể sống bằng địa tô được. Vậy là có sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa những người sở hữu ruộng đất không cho thuê ruộng đất của mình. Một bộ phận những người sở hữu ruộng đất ấy bị phá sản. Sở hữu ruộng đất lớn lại được tập trung thêm một mức nữa.
[XVII] Ngoài ra sự cạnh tranh ấy còn đưa đến kết quả là một bộ phận khá lớn sở hữu ruộng đất rơi vào tay những nhà tư bản và do đó những nhà tư bản cũng đồng thời trở thành những người sở hữu ruộng đất, cũng giống hệt như nói chung những người sở hữu ít ruộng đất hơn giờ đây cũng chỉ còn tồn tại như là những nhà tư bản thôi. Cũng thế, một bộ phận những người sở hữu nhiều ruộng đất đồng thời cũng trở thành những nhà công nghiệp.
Như vậy, kết quả cuối cùng là sự khác nhau giữa nhà tư bản và người sở hữu ruộng đất bị xoá bỏ, thành thử nói chung, chỉ còn lại hai giai cấp trong dân cư: giai cấp công nhân và giai cấp những nhà tư bản. Việc đưa sở hữu ruộng đất vào vòng quay thương nghiệp như vậy, việc biến sở hữu ruộng đất thành hàng hoá như vậy là sự sụp đổ cuối cùng của giai cấp quý tộc cũ và sự xác lập hoàn toàn của giai cấp quý tộc tiền tệ.
1) Chúng ta không đồng tình với những giọt nước mắt thương cảm của phái lãng mạn về tình hình đó[28]. Họ thường xuyên lẫn lộn sự vô sỉ trong các mánh khóe buôn bán[29] ruộng đất với hậu quả hoàn toàn hợp lý, tất yếu và đáng mong muốn - trong giới hạn của chế độ tư hữu - nằm trong các mánh khóe buôn bán với sở hữu tư nhân về ruộng đất. Trước hết, xét về thực chất thì sở hữu ruộng đất phong kiến đã là kết quả của các mánh khóe buôn bán với ruộng đất, là sự chuyển hóa nó thành ruộng đất đã tha hoá khỏi con người và do đó đối lập với con người trong hình ảnh của một số ít lãnh chúa lớn này nọ.
Chế độ chiếm hữu phong kiến đã bao hàm sự thống trị của ruộng đất đối với con người, với tư cách là quyền lực của một lực lượng xa lạ nào đó. Người nông nô là vật phụ thuộc của ruộng đất. Giống hệt như thế, người trưởng nam được thừa kế ruộng đất, người con trai cả là thuộc về ruộng đất. Chính ruộng đất đã thừa kế người trưởng nam. Nói chung, sự thống trị của chế độ tư hữu bắt đầu từ chế độ chiếm hữu ruộng đất; chế độ chiếm hữu ruộng đất là cơ sở của chế độ tư hữu. Nhưng dưới chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến, lãnh chúa ít ra trông bề ngoài có vẻ là một ông vua sở hữu ruộng đất. Đồng thời ở đấy còn có cái vẻ một quan hệ thân tình hơn giữa người sở hữu và ruộng đất so với mối quan hệ của cải vật chất đơn thuần. Cùng với chủ của nó, khoảnh đất được cá nhân hoá, mang tước vị của chủ nó, là nam tước hay bá tước cùng với chủ nó, có những đặc quyền của chủ nó, quyền tài phán của chủ nó, địa vị chính trị của chủ nó, v.v.. Khoảnh đất hình như là thân thể vô cơ của chủ nó. Cho nên tục ngữ có câu: nulle terre sans maftre 11* - không có đất nào không có chủ.* (câu này biểu hiện sự khăng khít giữa tầm lớn của người chủ với sở hữu ruộng đất. Cũng vậy, ở đây sự thống trị của chế độ sở hữu ruộng đất không trực tiếp biểu hiện ra là sự thống trị của tư bản đơn thuần. Nói đúng ra, những kẻ thuộc về sở hữu ruộng đất coi sở hữu đó như là Tổ quốc của mình. Đó là chủ nghĩa dân tộc có tính chất hết sức hạn chế.)
[XVIII] Cũng vậy, sở hữu ruộng đất phong kiến lấy tên nó đặt tên cho chủ nó, giống như một vương quốc lấy tên mình đặt tên cho ông vua của mình. Gia phả của anh ta, lịch sử dòng họ của anh ta v.v. - tất cả những cái đó cá thể hoá sở hữu ruộng đất của anh ta, chính thức biến sở hữu đó thành gia đình anh ta, nhân cách hoá nó. Cũng vậy, những người canh tác ruộng đất của anh ta không có địa vị của người làm thuê công nhật, mà chính họ, với tư cách là nông nô, một phần là sở hữu của anh ta, còn một phần có quan hệ trung thuận, quan hệ thần dân và quan hệ nghĩa vụ xác định đối với anh ta. Do đó lập trường của người chiếm hữu ruộng đất đối với họ là lập trường chính trị trực tiếp và đồng thời có một khía cạnh tình cảm nào đó. Tập quán, tính cách v.v. thay đổi từ khoảnh đất này đến khoảnh đất khác; và tựa hồ như gắn liền với mảnh đất thành một chỉnh thể, nhưng về sau cái gắn con người với khoảnh đất chỉ là túi tiền của con người, chứ không phải là tính cách của con người, cá tính của con người. Và cuối cùng, người chiếm hữu ruộng đất phong kiến không tìm cách rút từ sở hữu ruộng đất của mình ra những mối lợi thật hết sức lớn. Trái lại, anh ta tiêu dùng tất cả cái gì có ở đấy, và yên tâm để cho những người nông nô và những người thuê ruộng đất lo kiếm những tư liệu mới. Quan hệ của tầng lớp quý tộc với sở hữu ruộng đất khoác lên người chủ của nó một vòng hào quang lãng mạn nào đó là như vậy.
Điều cần thiết là cái vẻ ngoài ấy phải được xoá bỏ, là sở hữu ruộng đất, gốc rễ ấy của chế độ tư hữu, phải được hoàn toàn lôi cuốn vào sự vận động của sở hữu tư nhân và trở thành hàng hoá; là bá quyền của người sở hữu phải biểu hiện như bá quyền thuần tuý của chế độ tư hữu, của tư bản, một bá quyền đã trút bỏ hết mọi màu sắc chính trị; là mối quan hệ giữa người sở hữu và người lao động phải trở thành quan hệ kinh tế giữa người bóc lột và người bị bóc lột; là mọi quan hệ nhân thân giữa người sở hữu và sở hữu của anh ta phải chấm dứt và sở hữu ấy phải trở thành chỉ là của cải vật chất cụ thể; là hôn nhân theo tính toán phải thay cho hôn nhân danh dự với ruộng đất và ruộng đất cũng như con người phải tụt xuống mức một giá trị buôn bán. Điều cần thiết là gốc rễ của sở hữu ruộng đất, tức là tính hám lợi bẩn thỉu, cũng phải xuất hiện dưới hình thức vô sỉ của nó. Điều cần thiết là độc quyền bất động phải chuyển thành độc quyền động và bất an thành cạnh tranh; là tình trạng ngồi không mà hưởng thụ kết quả mồ hôi nước mắt của người khác, phải chuyển thành sự bận rộn trong việc buôn bán những kết quả ấy. Và cuối cùng, điều cần thiết là trong quá trình cạnh tranh đó, sở hữu ruộng đất dưới hình thức tư bản, phải tỏ rõ sự thống trị của nó đối với giai cấp công nhân cũng như đối với bản thân những người sở hữu bị phá sản hoặc phát tài theo các quy luật vận động của tư bản. Thế là câu phương ngôn của thời đại mới l'argent n'a pas de maitre11* - tiền bạc không có chủ.* biểu hiện rõ rệt sự thống trị của vật chất chết đối với con người, thay cho câu phương ngôn thời trung cổ: nulle terre sans seigneur 22* - không có đất nào không có chủ.*.
[XIX] 2) Còn sự tranh luận về sự có thể phân chia hay không thể phân chia của sở hữu ruộng đất thì phải chú ý những điều sau đây:
Sự phân chia của sở hữu ruộng đất là phủ định sự độc quyền lớn về sở hữu ruộng đất; sự phân chia đó xoá bỏ sự độc quyền ấy, nhưng chỉ xoá bỏ bằng cách làm cho độc quyền ấy có tính chất phổ biến. Nó không xoá bỏ cơ sở của độc quyền đó, tức chế độ tư hữu. Nó xâm phạm sự tồn tại của độc quyền, chứ không xâm phạm bản chất của độc quyền. Do đó sự phân chia của sở hữu ruộng đất phải chịu sự chi phối của các quy luật của chế độ tư hữu. Vấn đề là sự phân chia của sở hữu ruộng đất phù hợp với sự vận động của cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp. Ngoài những bất lợi kinh tế do sự phân chia công cụ và do sự phân tán của lao động (mà ta cần phải phân biệt với sự phân công lao động: ở đây công việc không phân phối cho nhiều người, mà cùng một lao động được mỗi người thực hiện một cách cô lập, nghĩa là có sự lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một công việc), sự phân chia này, cũng như sự cạnh tranh đã nói trên, không khỏi chuyển thành sự tích luỹ và sự tích tụ.
Cho nên ở đâu có sự phân chia sở hữu ruộng đất thì ở đó chẳng còn gì khác ngoài việc hoặc là quay trở về độc quyền dưới hình thức còn ghê tởm hơn, hoặc phủ định, xóa bỏ bản thân việc phân chia sở hữu ruộng đất. Nhưng đó không phải là quay trở về chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến nữa, mà là xoá bỏ sở hữu tư nhân về ruộng đất nói chung. Xóa bỏ lần thứ nhất sự độc quyền bao giờ cũng có nghĩa là làm cho độc quyền có tính chất phổ biến, là mở rộng phạm vi tồn tại của nó. Xoá bỏ sự độc quyền đã đạt tới hình thức tồn tại rộng lớn nhất và bao trùm của nó có nghĩa là tiêu diệt hoàn toàn nó. Về mặt kinh tế thì sự liên hợp đem áp dụng vào ruộng đất sẽ có được những cái lợi của chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất và lần đầu tiên thực hiện được xu hướng nguyên thuỷ của sự phân chia - tức bình đẳng, đồng thời nó cũng khôi phục lại quan hệ tình cảm của con người đối với ruộng đất, bằng con đường hợp lý chứ không phải thông qua chế độ nông nô, chế độ địa chủ quý tộc và sự thần bí vô lý về quyền sở hữu; ruộng đất không còn là đối tượng của sự buôn bán và nhờ lao động tự do và sự hưởng thụ tự do, nó lại trở thành tài sản cá nhân chân chính của con người. Cái lợi lớn của sự phân chia sở hữu ruộng đất là ở chỗ ở đây, quần chúng không còn có thể chịu sống trong cảnh nô dịch phong kiến nữa, sẽ chết vì sở hữu một cách khác với cách chết trong công nghiệp.
Về chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất thì những kẻ bảo vệ nó bao giờ cũng đồng nhất một cách ngụy biện những cái lợi kinh tế của nông nghiệp quy mô lớn với sở hữu ruộng đất lớn, như thế không thấy rằng chính chỉ khi sự xoá bỏ sở hữu [ấy], [XX] những cái lợi đó, một mặt, mới có được địa bàn lớn nhất, mặt khác, mới lần đầu tiên tỏ ra có ích cho xã hội. Cũng vậy, những kẻ bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất lớn ấy đả kích tinh thần con buôn của chế độ chiếm hữu ít ruộng đất, làm như thể chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất, ngay cả dưới hình thức phong kiến của nó, cũng không bao hàm một cách tiềm tàng tinh thần con buôn. Đấy là không nói đến hình thức hiện đại của sở hữu ruộng đất ở nước Anh, hình thức trong đó tính chất phong kiến của người chiếm hữu ruộng đất quyện với tinh thần con buôn và tài kinh doanh công nghiệp của người thuê đất.
Cũng giống như sở hữu ruộng đất lớn đến lượt mình có thể chê trách sự phân chia sở hữu ruộng đất là độc quyền, vì sự phân chia đó dựa trên sự độc quyền sở hữu tư nhân, sự phân chia sở hữu ruộng đất cũng có thể chê trách trở lại sở hữu ruộng đất lớn về sự phân chia, vì cả ở đây nữa, sự phân chia cũng thống trị, chỉ có điều là dưới hình thức bất động, cứng nhắc. Nói chung, chế độ tư hữu dựa trên sự phân chia. Vả lại cũng giống như sự phân chia sở hữu ruộng đất lại dẫn tới chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất kiểu tư bản chủ nghĩa, sở hữu ruộng đất phong kiến, dù nó có xoay xở đi nữa, cũng không khỏi phải bị phân chia hay ít ra là rơi vào tay các nhà tư bản.
Điều đó xảy ra vì sở hữu ruộng đất lớn, như chúng ta thấy ở Anh, đẩy tuyệt đại đa số dân cư vào trong tay công nghiệp và bắt những công nhân của chính nó phải chịu cảnh nghèo khổ hoàn toàn. Như vậy, nó đẻ ra và tăng thêm sức mạnh của kẻ thù của nó, tức tư bản, công nghiệp, do nó ném những người nghèo khổ và toàn bộ hoạt động trong nước sang phía tư bản. Sở hữu ruộng đất lớn làm cho đa số dân cư trong nước trở thành những người làm công nghiệp và do đó biến họ thành đối thủ của sở hữu ruộng đất lớn. Nếu công nghiệp đạt được một sức mạnh lớn, như hiện nay chúng ta thấy ở Anh, thì nó từng bước tước mất của sở hữu ruộng đất lớn sự độc quyền của nó đối với những nước ngoài và bắt sở hữu ruộng đất lớn đó phải cạnh tranh với những kẻ sở hữu ruộng đất ở ngoài nước. Vấn đề là dưới sự thống trị của công nghiệp, sở hữu ruộng đất chỉ có thể bảo đảm sự vĩ đại phong kiến của mình bằng sự độc quyền đối với các nước ngoài, để bằng cách đó bảo vệ mình tránh những quy luật chung của thương nghiệp mâu thuẫn với bản chất phong kiến của nó. Một khi bị kéo vào quỹ đạo cạnh tranh, sở hữu ruộng đất tuân theo các quy luật của cạnh tranh như mọi hàng hoá khác bị cạnh tranh chi phối. Nó mất sự ổn định với mức độ y như vậy, lúc giảm xuống, lúc tăng lên, chuyển từ tay người này sang tay người khác, và không pháp luật nào có thể giữ nó lại trong một số ít bàn tay đã được định trước [XXI]. Kết quả trực tiếp là nó bị phân tán vào tay nhiều người chiếm hữu và vô luận thế nào, nó cũng phải phục tùng quyền lực của tư bản công nghiệp.
Và cuối cùng, sở hữu ruộng đất lớn - được duy trì bằng bạo lực và làm nảy sinh ra một công nghiệp hùng mạnh ở bên cạnh mình - dẫn tới khủng hoảng còn nhanh hơn sự phân chia sở hữu ruộng đất mà với nó, xét về sức mạnh, công nghiệp vẫn ở vào địa vị thứ hai.
Sở hữu ruộng đất lớn, như chúng ta thấy ở Anh, đã mất tính chất phong kiến của nó và đã mang tính chất kinh doanh vì nó muốn làm ra thật nhiều tiền. Nó đem lại cho người sở hữu một địa tô cao nhất, và đem lại cho người thuê ruộng đất một lợi nhuận lớn nhất của tư bản của người đó. Do đó tiền công của công nhân nông nghiệp đã bị đưa đến mức tối thiểu, và trong phạm vi chế độ sở hữu ruộng đất, giai cấp những người thuê ruộng đất đã đại biểu cho sức mạnh của công nghiệp và của tư bản. Do cạnh tranh với nước ngoài, nên trong đa số trường hợp, địa tô không còn là thu nhập mà tự nó có thể đảm bảo đủ cho người chiếm hữu ruộng đất. Một bộ phận khá lớn những người sở hữu ruộng đất buộc phải giữ địa vị người thuê ruộng đất, còn những người này thì một phần rơi vào hàng ngũ giai cấp vô sản. Mặt khác, nhiều người thuê ruộng đất nắm được sở hữu ruộng đất, vì những người sở hữu lớn yên trí nhận thu nhập, phần lớn sa vào tình trạng lãng phí và thường không thích hợp với việc lãnh đạo nền nông nghiệp quy mô lớn: họ thường không có tư bản và cũng không có năng lực khai thác ruộng đất. Như vậy, một bộ phận trong bọn họ cũng bị phá sản hoàn toàn. Và cuối cùng, tiền công đã bị rút xuống mức thấp nhất, lại còn phải hạ thấp thêm nữa để có thể đương đầu nổi với cuộc cạnh tranh mới. Và điều đó tất nhiên dẫn tới cách mạng.
Sở hữu ruộng đất phải phát triển bằng cách này lẫn cách kia, để ở trường hợp này lẫn ở trường hợp kia, đều đi tới sự diệt vong không tránh khỏi, cũng giống như công nghiệp phải đi tới phá sản dưới hình thức độc quyền và dưới hình thức cạnh tranh để học cách tin tưởng vào con người. [XXI]
*Chú thích:
[1] Mở đầu việc phê phán này là tác phẩm "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen. “Lời nói đầu’ của C.Mác (xem Toàn tập, t.1, 1995, tr.569-590). - 67.
[2] Dự định này không thực hiện được. Có lẽ, Mác không viết những cuốn sách nêu trên chủ yếu không phải vì những hoàn cảnh khách quan khác nhau mà vì ông đã thấy rõ rằng không thể tự nghiên cứu một cách khoa học những vấn đề về pháp quyền, đạo đức, chính trị và những phạm trù khác của kiến trúc thượng tầng khi chưa đưa ra được một sự phân tích khoa học về cơ sở hạ tầng của một xã hội bất kỳ nào, trong đó có xã hội tư sản, - tức là về các quan hệ sản xuất. - 67.
[3] Có ý nói đến B.Bau-ơ, người đã công bố trong nguyệt san "Allgemeine Literatur - Zeitung" hai bài nhận xét dài về các tác phẩm, các bài báo và những cuốn sách về vấn đề người Do Thái. Phần lớn những câu Mác trích dẫn ở đây được lầy từ hai bài nhận xét này, đăng trong quyển số I (tháng Chạp 1843) và trong quyển số IV (tháng Ba 1844) của báo này. Những cụm từ "lời lẽ không tưởng" và "khối đông đúc" nằm trong bài báo của B.Bau-ơ "Cái gì là đối tượng phê phán lúc này?" trong quyển số VIII của "Allgemeine Literatur - Zeitung" (tháng Bảy 1844). Việc phê phán cặn kẽ nguyệt san này về sau được Mác và Ăng-ghen đưa ra trong tác phẩm "Gia đình thần thánh hay Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán" (xem Toàn tập, t.2, 1995). - 68.
[4] Vào thời kỳ này, ngoài tiếng Đức ra, Mác còn thông thạo cả tiếng Pháp và khá am hiểu văn học Pháp. Ông đã đọc và thường tóm lược các tác phẩm của Công-xi-đê-răng, Le-ru, Pru-đông, Ca-bê, Đê-da-mi, Bu-ô-na-rô-ti, Phu-ri-ê, La-ô-te-rơ, Vin-lơ-gác-đen và các tác giả khác. Vào nửa đầu những năm 40 Mác chưa nắm chắc được tiếng Anh và vì vậy ông chỉ có thể đọc các tác phẩm của những nhà xã hội chủ nghĩa Anh thông qua bản dịch ra tiếng Đức hoặc tiếng Pháp. Thí dụ, Mác biết đến tác phẩm của Ô-oen qua bản dịch tiếng Pháp và cả qua các tác phẩm của những tác giả Pháp trình bày quan điểm của Ô-oen. Văn bản của chính "Bản thảo kinh tế - triết học" và cả những tài liệu khác cũng không có những dấu hiệu cho thấy sự hiểu biết rộng rãi hơn đối với sáng tác của các nhà xã hội chủ nghĩa Anh, mà chỉ sau này mới thấy rõ, ví dụ trong "Sự khốn cùng của triết học" viết vào năm 1847. - 68.
[5] Ngoài tác phẩm chính của Vai-tlinh "Đảm bảo sự hài hoà và tự do" (1842), Mác chắc có ý nói đến những bài báo được công bố trong các tạp chí do chính Vai-tlinh xuất bản vào những năm 1841 - 1843, và cả tác phẩm có tính chất cương lĩnh của Vai-tlinh viết cho Liên đoàn những người chính nghĩa "Loài người, thực trạng và tương lai của nó". Trong văn tập do Ghê-oóc Héc-véc xuất bản "Einundzwanzig Bogen aus der Schweiz". Zỹrich und Winterthur, 1843 ("Hai mươi mốt tờ in gửi từ Thụy Sĩ". Xuy-rích và Vin-téc-tua, 1843) có đăng ba bài báo khuyết danh của Hét-xơ: "Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản", "Triết học của hành động", "Tự do đầy đủ và duy nhất". - 68.
[6] Xem Toàn tập, t.1, 1995, tr.747-786, - 68.
[7] Trong những bức thư Mác gửi Ru-gơ, trong các bài báo của Mác "Về vấn đề Do Thái", "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu", công bố trên tờ "Deutsch - Franzosische Jahrbucher" (tháng Hai 1844) có nghiên cứu ít ra là những yếu tố đầu tiên sau đây của nội dung "Bản thảo kinh tế - triết học" - "Phê phán chính trị và khoa kinh tế chính trị": đòi phê phán một cách thẳng tay đối với thế giới hiện tại như một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để xây dựng thế giới mới; kêu gọi phê phán chính trị, giữ một lập trường nhất định của đảng trong chính trị và thiết lập bằng cách đó mối liên hệ sinh động giữa lý luận với cuộc đấu tranh hiện thực; khám phá bản chất của sự sùng bái tiền tệ trong xã hội tư sản, bản chất của tiền với tính cách là bản chất của lao động tha hoá khỏi con người và của tồn tại của con người; đặt vấn đề sự tha hoá của con người với chính bản thân anh ta và với thiên nhiên trong những điều kiện của chủ nghĩa tư bản; đánh giá một cách có phê phán chủ nghĩa cộng sản không tưởng ("lúc bấy giờ") - hình thức của nó đã được Ca-bê, Đê-đa-mi, Vai-tlinh và những người khác cổ xúy; đặc biệt chú trọng việc thủ tiêu chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa với tính cách là mục đích chủ yếu và nội dung của cuộc cách mạng xã hội triệt để ("Sự giải phóng của toàn thể loài người"); luận điểm về sự hình thành và nâng cao - cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản - giai cấp vô sản - giai cấp có sứ mệnh tiêu diệt chế độ tư hữu và trở thành "trái tim", tức là động lực cơ bản của việc xây dựng lại xã hội mang tính cách mạng. - 68.
[8] L.Feuerbach. "Grundsọtze der Philosophie der Zukunft". Zỹrich und Winterthur. 1843 (L.Phoi-ơ-bắc "Những nguyên lý cơ bản của triết học tương lai". Xuy-rích và Vin-téc-tua. 1843). Bài báo của L. Phoi-ơ-bắc "Những nguyên lý ban đầu đối với cải cách triết học" đã được đăng trong tập thứ hai của văn tập "Anekdota zur neuesten deutschen Philosophie und Publizistik" ("Điều chưa công bố của lĩnh vực triết học và chính luận Đức hiện đại"). Trong văn tập gồm hai tập này, ngoài tác phẩm của các tác gia khác còn có bài viết của Mác "Nhận xét bản chỉ thị mới nhất về chế độ kiểm duyệt của Phổ". Một bài được công bố ở đây "Lu-the là trọng tài giữa Stơ-ra-u-xơ và Phoi-ơ-bắc" mà tác giả của nó cho đến gần đây vẫn được coi là Mác, do L. Phoi-ơ-bắc viết. - 69.
[9] Ở đây Mác ngụ ý nói đến toàn bộ quan điểm duy vật của Phoi-ơ-bắc nói chung, mà chính Phoi-ơ-bắc đã gọi là "chủ nghĩa tự nhiên" và "chủ nghĩa nhân văn" hay "nhân chủng học" và trong đó đã phát triển ý tưởng cho rằng triết học mới, tức là triết học của Phoi-ơ-bắc, làm cho con người với tư cách là một phần không thể tách rời được của giới tự nhiên trở thành đối tượng duy nhất và cao nhất của mình. Triết học ấy, hay nhân chủng học, theo ý Phoi-ơ-bắc, bao gồm cả sinh lý học và trở thành một khoa học phổ quát: ông khẳng định rằng bản chất của thời đại mới là tôn sùng cái thực tế, cái đang tồn tại mang tính vật chất: bản chất của triết học mới là phủ định thần học, khẳng định chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. - 69.
[10] Mác đã cùng với Ăng-ghen, thực hiện ý định này của mình trong cuốn sách "Gia đình thần thánh, hoặc Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán" (xem Toàn tập, t.2, 1995) sau khi viết "Lời tựa" ấy. - 71.
[11] Mác chia các trang của bản thảo đầu tiên ra làm ba cột song song với nhau với các tiêu đề: "Tiền công", "Lợi nhuận của tư bản" và "Địa tô". Mỗi cột đều ghi đầy chính văn liên quan đến các chủ đề nêu trên. Nhưng việc trình bày làm ba cột như thế bị phá vỡ, mà đến cuối bản thảo, về thực chất, mất hết mọi ý nghĩa. Các tiêu đề do Mác định ra tương ứng với ba phạm trù của kinh tế chính trị học tư sản, những phạm trù mà, đến lượt mình, theo học thuyết của A-đam Xmít, là ba kiểu thu nhập của ba giai cấp cơ bản của xã hội tư sản lúc đó - giai cấp công nhân, giai cấp tư sản công nghiệp và các điền chủ. - 72.
[12] Mác trích dẫn trang 138, t.I, tác phẩm của A. Xmít (xem chú thích 7) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 66]. Tất cả những trích dẫn tiếp theo do Mác đưa ra đều dựa vào ấn phẩm này. - 73.
[13] Trích dẫn tr.162, t.II tác phẩm của A.Xmít (xem chú thích) 7) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 194). - 75.
[14] Trích dẫn tr.193, t.I tác phẩm của A. Xmít (xem chú thích 7) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 84]. - 78.
[15] Lợi tức kép là lợi tức được tính một cách liên tục không chỉ dựa trên đại lượng ban đầu, mà còn dựa vào gia số đối với nó trong một thời hạn nhất định nào đó. Như vậy, đại lượng ban đầu được tăng lên giống như cấp số nhân, ví dụ: 2 x 2 = 4 x 2 = 8 x 2 = 16 v.v.. - 78, 95.
[16] Ở trang VII của bản thảo đầu, khác với các trang trước đó, Mác trình bày chủ đề "Tiền công" ở tất cả ba cột. Ở trang VIII ông trình bày hai chủ đề: ở cột đầu, bên trái - "Tiền công", ở cột thứ hai, bên phải. - "Lợi nhuận của tư bản". - 79.
[17] W.Schulz. "Die Bewegung der Prodution. Eine geschichtlich - statistische Abhandlung zur Grundlegung einer neuen Wissenschaft des Staats und der Gesellschaft". Zỹrich und Winterthur. 1843 (V.Sun-dơ. "Sự vận động của sản xuất. Nghiên cứu có tính lịch sử thống kê học để đạt cơ sở cho môn khoa học mới về nhà nước và xã hội". Xuy-rích và Vin-téc-tua. 1843). - 83.
[18] C.Pecqueur. "Théorie nouvelle d'économie sociale et politique, ou Etudes
sur l'organisation des sicuétes", Paris, 1842 (C.Pếch-cơ. "Học thuyết mới về kinh
tế xã hội và kinh tế chính trị, hoặc Nghiên cứu về việc tổ chức xã hội". Pa-ri,
1842). - 85, 101.
[19] Ch. Loudon. "Solution du problème de la population et de la subsistance". Paris, 1842 (S.Lao-đơn "Giải quyết vấn đề dân số và lương thực", Pa-ri, 1842). - 86.
[20] E. Buret "De la misère des classes laborieuses en Angleterre et en France". T.I, Paris, 1840 (E.Buy-rê, "Về sự cùng khổ của giai cấp công nhân ở nhà nước Anh và nước Pháp". T.I, Pa-ri, 1849). - 86.
[21] J.B.Say. "Traité d'économie politique". Troisième édition. T.I. II. Paris, 1817, (Gi.B. Say. "Khảo luận về kinh tế chính trị". Xuất bản lần thứ ba, T.I-II, Pa-ri, 1817). - 89.
[22] Toàn bộ đoạn này không phải của A.Smith, mà của Gi.Hác-ni-ê- người dịch ra tiếng Pháp tác phẩm của ông "Sự giàu có của các dân tộc". - 90.
[23] Ở chỗ này Mác tái hiện tư tưởng của A.Smith về ý nghĩa tốt của sự cạnh tranh mà ông đã phát biểu trong tác phẩm chính của mình là "Sự giàu có của các dân tộc". Smith cho rằng giả dụ nếu tư bản được phân bố trong hai mươi thương nhân, thì sự cạnh tranh giữa họ sẽ tăng, và điều đó sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho cả người tiêu dùng cũng như người sản xuất, bởi vì các thương nhân khác nhau buộc phải bán rẻ hơn và mua đắt hơn so với trường hợp toàn ngành ấy do một hay hai người nắm độc quyền. Theo ý kiến của Smith, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các tư bản khác nhau ắt phải góp phần tăng tiền trả cho lao động và nó không làm giảm lợi nhuận. Trong điều kiện cầu về sức lao động ngày càng lớn và có sự cạnh tranh giữa các tư bản thì các nhà tư bản đứng trước việc cần phải phá vỡ "Sự thỏa thuận tự nhiên" về việc không tăng tiền công. - 95.
[24] Tất cả đoạn này, bao gồm cả những đoạn trích dẫn từ cuốn sách của Ricardo "Nguyên lý của kinh tế chính trị và chính sách thuế" và từ cuốn sách của Xi-xmôn-đi "Những nguyên lý mới của kinh tế chính trị học" là trích từ cuốn sách: E. Buret. "De la misère des classes laborieuses en Angleterre et en France". T.I, Paris, 1840, p.6-7 (xem chú thích 30). - 103.
[25] Có ý nói đến lập luận của Smith về những nhân tố quyết định sự thành công của những người làm công và lượng tiền công. Trong số các nhân tố này có "khả năng hoặc không có khả năng thành công". Đặc biệt, Smith nói: "Hãy cho con bạn đến học việc với người thợ đóng giày, bạn có thể tin chắc rằng nó học được cách khâu giày, còn nếu bạn gửi con bạn đi học trường luật, thì có thể đánh cuộc, ít ra là, hai mươi lấy một rằng con bạn sẽ không đạt được những thành công cho phép nó sống bằng chính cái nghề này. Trong trò chơi xổ số hoàn toàn chính đáng thì những số trúng thưởng phải được tất cả những gì mà các số không trúng bị mất. Trong cái nghề mà cứ một người thành đạt có hai mươi người thất bại thì một người ấy phải được tất cả những gì mà hai mươi người thất bại kia lẽ ra đã nhận được". - 106.
[26] Ở chỗ này Mác đưa ra luận điểm của A.Smith, mà theo đó thì số cầu ngày càng tăng của cư dân về một sản phẩm thông dụng nào đó, ví dụ như khoai tây, sự tăng số người tiêu dùng thứ sản phẩm này, ngay cả khi nó có được ở vùng thổ nhưỡng trung bình, thì cũng sẽ tạo ra sự dư thừa lớn hơn về giá trị trong tay chủ trang trại sau khi đã bù lại giá trị của những chi phí về vốn và chi phí về tiền công lao động. Đến lượt mình, phần dư thừa lớn này sẽ dành cho người sở hữu ruộng đất. Từ đó có kết luận: số lượng cư dân tăng lên thì mức địa tô cũng tăng lên. - 112.
[27] Ở đây Mác nêu kết luận, bắt nguồn từ bối cảnh chung các lập luận của những đại diện của cái gọi là kinh tế chính trị học hiện đại, trước hết là của Đ.Ri-các-đô, về mối quan hệ giũa các chủ sở hữu ruộng đất, không làm việc mà vẫn thu được địa tô - do quyền sở hữu ruộng đất với tính cách là tư liệu sản xuất cơ bản - với những người sản xuất ra nông phẩm - những người thuê ruộng, đang chiếm phần đáng kể cư dân nước Anh vào thời kỳ công trường thủ công của chủ nghĩa tư bản và những giai đoạn đầu của sản xuất công xưởng. Về A.Smith thì ông đã đi theo phái trọng nông, chứng minh sự đồng nhất không có thật giữa lợi ích của chủ sở hữu ruộng đất với xã
hội. - 113, 150.
[28] Nhận xét này, chắc là liên quan đến các quan điểm tiểu tư sản của Xi-xmôn-đi, người đã lý tưởng hoá quan hệ tư hữu ruộng đất - kiểu gia trưởng. - 118.
[29] Thuật ngữ "mẹo con buôn" trong nguyên bản tương ứng với một từ rất khó dịch là "Verschacherung". Sách báo phê phán xã hội lúc đó theo truyền thống bắt nguồn từ Phu-ri-ê, đã coi khinh việc buôn bán tư nhân và các kiểu giao dịch chợ búa nói chung, coi đó là công việc xấu xa, hèn hạ nói chung. Trong trường hợp này cũng như ở các chỗ khác của "Bản thảo kinh tế - triết học" có ảnh hưởng nhất định, ít ra là về mặt thuật ngữ, của những người đi trước Mác đối với Mác trong việc lý giải thương mại (xem cả chú thích 8). - 118.