Ở Brazil, đại dịch đã hoàn toàn mất kiểm soát. Theo số liệu chính thức tại thời điểm viết bài (ngày 21 tháng 3) hơn 294.000 người thiệt mạng do COVID-19. Trung bình cứ mỗi ngày khoảng 2.000 ca tử vong mới được ghi nhận. Nhưng trên thực tế các con số có thể còn cao hơn rất nhiều. Tại bang Amazonas hồi tháng 1, hàng chục người bệnh đã phải chết vì bệnh viện thiếu oxy. Giờ đây một sự sụp đổ trên toàn quốc đang diễn ra. Ở tất cả các vùng, cả ở mạng lưới y tế công và tư, đơn vị ICU đều chật kín và bệnh nhân đang chết mòn trong khi chờ đến lượt mình được nằm lên giường bệnh. Để có chỗ chứa thi thể các bệnh viện đang phải lắp đặt thêm phòng lạnh!
Phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng này là chính phủ của Jair Bolsonaro. Cho đến tháng 3 năm 2020, các dự báo được đưa ra vẫn tuyên bố rằng loại coronavirus mới sẽ chỉ gây ra số ca tử vong còn ít hơn so với đại dịch H1N1, nguyên nhân đã gây ra khoảng 2.000 ca tử vong trên toàn quốc trong năm 2009-10. Bolsonaro, người đã liên tục cố gắng để hạ thấp tính nghiêm trọng của đại dịch, vẫn gọi COVID-19 là “chứng cảm lạnh nhẹ”. Anh ta cũng quảng bá những loại thuốc không hiệu quả như chloroquine và ivermectin. Anh ta tham gia vào đám đông mà không đeo khẩu trang. Và gần đây, khi được hỏi về sự tăng mới của các trường hợp mắc bệnh và tử vong, anh ấy đã trả lời: “Om sòm và than vãn như thế là đủ rồi. Bạn còn khóc lóc vì điều này bao lâu nữa?”
Trong khi đó, GDP của Brazil năm 2020 đã giảm 4,1%. Theo số liệu chính thức, hiện có khoảng 14 triệu người thất nghiệp, đó là chưa tính đến những người đã từ bỏ nỗ lực tìm kiếm việc làm hoặc những người lao động trong khu vực phi chính thức. 10 triệu người Brazil hiện trong tình trạng “mất an ninh lương thực”, nói cách khác là đói. Sự khốn khổ đang ngày càng gia tăng.
Bất chấp tiêm chủng hàng loạt là điều kiện cần thiết để cho phép phục hồi kinh tế, chỉ có 5,54% dân số đã được tiêm một liều và chỉ 1,96% đã được tiêm đủ hai liều. Đối mặt với tiến độ chậm trễ trong việc tiêm chủng, người đứng đầu Bộ Y tế một lần nữa lại được thay mới, đây đã là người thứ tư kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tất nhiên phải chịu trách nhiệm một phần là tình trạng vô chính phủ của chủ nghĩa tư bản thế giới, khi lợi ích tư nhân của các công ty dược phẩm gây ra những tắc nghẽn trong sản xuất Vắc-xin. Nhưng ở Brazil nó đã trầm trọng thêm bởi sự cẩu thả và kém cỏi của Bolsonaro trong việc trì hoãn mua vắc xin, ông ta thậm chí còn ra vẻ coi thường Sinovac, loại vắc xin đến từ Trung Quốc, hiện đang được sử dụng nhiều nhất trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Một nghiên cứu gần đây (của XP / Ipesp, ngày 3 tháng 3) đã chỉ ra rằng người xếp hạng chính phủ của Bolsonaro là 'tồi tệ' hoặc 'rất tồi tệ' đã tăng lên 45%, trong khi những người coi nó là 'tốt' hoặc 'tuyệt vời' đã giảm xuống 30%. Về thành tích chống lại đại dịch, 61% coi thành tích của tổng thống là 'tệ' hoặc 'rất tệ'.
Nhưng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này không chỉ có một mình Bolsonaro. Anh ta hành động như vậy trước hết là vì lợi ích kinh tế của các chủ doanh nghiệp lớn. Các thống đốc và thị trưởng khác cũng vậy, họ đã hành động quá trễ để ngăn chặn đại dịch cũng bởi nỗ lực bảo toàn lợi nhuận cho giai cấp tư sản.
Đơn cử như João Doria, thống đốc của São Paulo, kẻ vẫn tự giới thiệu mình là ‘người chống Bolsonaro’ và đang nhăm nhe với cuộc chạy đua vào chức tổng thống. Khi gần 100% giường ICU trong tiểu bang đã chật cứng và ông ta buộc phải ra lệnh đóng cửa, các ngành công nghiệp không thiết yếu vẫn được cho phép hoạt động, trường học vẫn mở cửa và các nhà thờ vẫn làm lễ. Ở các khu vực khác, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe đã sụp đổ, các doanh nghiệp không thiết yếu, nhà hàng và quán bar vẫn mở cửa cho công chúng, khác biệt chỉ đơn giản là giảm giờ làm. Tại các thành phố lớn, các phương tiện giao thông công cộng vẫn tiếp tục quá tải trong giờ cao điểm. Sự mất kiểm soát tình hình đã dẫn đến xuất hiện của một biến thể mới của virus ở Brazil, dễ lây lan hơn và dường như gây ra các tình trạng nghiêm trọng hơn ở những người trẻ tuổi.
Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump đã đưa ra một báo cáo về việc “[chống lại] những ảnh hưởng ma quỷ ở châu Mỹ”, trong đó bao gồm việc thuyết phục Brazil “từ chối vắc xin Sputnik V của Nga”. Năm 2020, Pfizer đề nghị cung cấp vắc xin cho Brazil nhưng đã bị chính phủ từ chối với lập luận rằng, “nếu [ai đó được tiêm vắc-xin] biến thành cá sấu, đó là vấn đề của bạn.”
Chính bản thân giai cấp tư sản cũng đang ngày càng mất kiên nhẫn trước sự đui mù và bất lực của chính quyền. Nó nhận thức rõ được điều gì đang xảy ra ở nước láng giềng Paraguay, nơi mà đại dịch được khống chế một cách yếu kém đã khích động quần chúng hành động để lật đổ chính phủ Mario Abdo Benítez, đồng minh của Bolsonaro.