Cộng hòa Xô viết Hungary 1919 - Cuộc cách mạng bị lãng quên

Cộng hòa Xô viết Hungary đã được tuyên bố thành lập vào ngày này của năm 1919. Nhưng chỉ 133 ngày sau, ngày 1 tháng 8, chương lịch sử bi tráng của giai cấp công nhân Hungary đã kết thúc với cuộc tấn công vào Budapest của quân bạch vệ Rumani. Nếu như giai cấp vô sản Hungary thành công thì sự cô lập của Cộng hòa Công nhân Nga hẳn sẽ chấm dứt.


Cùng với kinh nghiệm ngắn ngủi của Cộng hòa Xô viết Bavaria (kéo dài từ ngày 7 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1919) là dấu hiệu cho thấy một làn sóng cách mạng không thể nào cưỡng nổi đang lan rộng từ Đông sang Tây. Nếu nhà nước công nhân Hungary có thể đứng vững thì chỉ vài tháng nữa thôi hẳn ngọn lửa cách mạng sẽ bao trùm cả Vienna và Berlin, nơi mà giai cấp công nhân đã ở trong tình trạng sục sôi cách mạng. Và thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đức có thể đã thay đổi toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra, Cách mạng Hungary 1919 đã đi vào lịch sử nhân loại như một khúc bi tráng tương tự Công xã Paris năm 1871.

Dẫu vậy, dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua, nghiên cứu về nguyên nhân thất bại của Cộng hòa Xô viết Hungary vẫn có thể giúp chúng ta làm giàu thêm kiến ​​thức của mình về những quá trình chuyển đổi xã hội sang xã hội chủ nghĩa, để tự trang bị cho mình trong cuộc đấu tranh ngày nay cho chủ nghĩa xã hội.

Bước vào năm 1919, xã hội Hungary vẫn còn mang trên mình tất cả những dấu ấn của một cấu trúc cổ xưa, thứ đã được duy trì gần như nguyên vẹn trong suốt nhiều thế kỷ. Sau khi cuộc nổi dậy nông dân năm 1514 bị tắm máu, luật tục Hungary được ban hành dựa trên của Bộ luật ba thành phần của Werboczi, phân đôi người Hungary thành quý tộc hết thảy lớn nhỏ cùng giáo sĩ ở một bên và những người “bình dân” ở bên kia.

Trong suốt 150 năm Hungary mòn mỏi dưới ách cai trị của Đế chế Ottoman. Để rồi sau đó vào năm 1687, Vương miện của Thánh Stephen (Vương miện Hungary) được tuyên bố kế thừa bởi dòng nam của triều Habsburg nước Áo.

Trong nhiều thế hệ, những người Hungary đã đấu tranh để khẳng định quyền tồn tại như một dân tộc. Nỗ lực đáng kể nhất nhằm lật đổ ách thống trị của người Áo diễn ra vào thời điểm mà làn sóng cách mạng tràn qua châu Âu những năm 1848. Nhưng giai cấp tư sản yếu ớt và tầng lớp quý tộc ưa dựa dẫm của Hungary đã chứng tỏ mình không có khả năng giải phóng đất nước khỏi ách ngoại bang. Sau thất bại năm 1848, sự áp bức dân tộc ở Hungary đã lên đến đỉnh điểm với 1 vạn người đã bị hành quyết.

Báo chí bị đàn áp và các trường học ở Hungary nằm dưới sự quản lý của người Áo. Tài sản tịch thu được từ người Hung nổi dậy được trao lại cho các quý tộc của triều đình Viên. Tràn ngập khắp đất nước là hàng ngàn cảnh sát ngầm và đặc vụ. Dân tộc Hungary phải chịu sự sỉ nhục từ cơ quan kiểm duyệt của Habsburg và sự Đức hoá.

Sau đó, năm 1866, Phổ trỗi dậy và Áo thất bại nhục nhã dưới tay Bismarck. Hứng đòn đau Hoàng đế Franz Josef của Áo mới tìm đến sự cảm thông từ tầng lớp quý tộc Hungary. Do đó mà "Ausgleich" hay thỏa hiệp nổi tiếng năm 1867 ra đời.

Thỏa thuận này có nghĩa là Đế chế Habsburg từ nay sẽ bao gồm hai “người thống trị” - người Áo và người Magyars (người Hungary), trong khi người Croatia và người Ba Lan là các “dân tộc hạng hai”; sáu dân tộc còn lại, người Séc, người Slovakia, Người Romania, người Ruthenian, người Slovenes và người Serb, thì không có quyền gì. Giai cấp thống trị người Magyar ủng hộ triều Habsburg để đổi lại quyền được bóc lột và áp bức các dân tộc khác sống trong nửa đế chế của họ.

Xã hội Hungary được đặc trưng bởi sự lạc hậu đến cùng cực, bởi những mối quan hệ bán phong kiến ​​và sự tập trung quyền lực vào tay một số ít quý tộc giàu có. Khoảng 5% dân số sở hữu tới 85% đất đai. Trên giấy tờ chế độ nông nô đã bị xóa bỏ nhưng trên thực tế, 20 triệu mẫu Anh nổi bật với những điền trang lớn, được vận hành bởi những “công nhân điền trang”, những người mà điều kiện xã hội không khác mấy những người nông nô xưa kia.

Những điền trang lớn này không thể được mua bán cũng như phân chia. Một ví dụ cho đặc điểm phong kiến ​​của luật pháp Hungary là theo luật 100.000 mẫu đất của nhà Esterhazy vĩnh viễn luôn thuộc về sở hữu của con trai cả. Phần lớn các “điền trang” này đã được tạo ra thực sự là từ sau năm 1869, tức là trong thời kỳ mà ở hầu hết các nước châu Âu những dấu vết cuối cùng của quan hệ ruộng đất phong kiến ​​đã biến mất. Nó như là một dấu hiệu cho thấy sự chậm tiến của xã hội Hungary.

Ba phần tư nông dân, bao gồm nông dân nghèo và lao động trong nông nghiệp với tổng số từ 2,5 đến 4 triệu, sống trong điều kiện đói nghèo. Thông thường trong mùa thu hoạch, một người nông dân thức dậy từ lúc hai hoặc ba giờ sáng và làm việc tới tận chín hoặc mười giờ đêm, lấp đầy bụng bằng những mẩu bánh mì khô cùng thịt xông khói ôi thiu, và qua giấc trong một cái hố nhỏ đào ngay trên cánh đồng. Ngày nghỉ là không có.

Các hộ nông dân trung bình sống trong một túp lều có một phòng, thường là hai gia đình hoặc nhiều hơn ở chung với nhau, đôi khi một phòng đó chứa tới 20-25 người cùng sinh sống. Sáu trên mười trẻ sơ sinh chết trước khi được một tuổi. Bệnh lao do đói gây ra phổ biến đến mức nó được gọi là “bệnh Hungary”.

Lần duy nhất trong đời, một người nông dân bình thường đi ủng là khi anh ta vào quân đội, nơi anh ta phải chịu sự lạm dụng của phân biệt chủng tộc và bạo lực thể chất từ ​​trung sĩ người Áo. Đòn roi cũng là quy tắc của các điền trang. Theo luật “tự do”, những người hầu của điền trang từ 12 đến 18 tuổi có thể bị đánh đập bởi chủ nhưng chỉ theo cách “không gây ra vết thương khó có thể lành trong vòng tám ngày.”

Một thiểu số nông dân nắm giữ những mảnh đất nhỏ, chỉ có diện tích tầm một mẫu Anh. Nhưng những “người sở hữu đất nhỏ bé” này cũng không thể duy trì nổi gia đình của mình chỉ bằng hoa mà trên đất của họ và vẫn phải đi làm thuê. Ở dưới đáy cùng xã hội là các “csira” hay những người chăn bò: “Công việc của những csira ... là khó khăn nhất. Nói chung, sau bốn năm làm việc nặng nhọc và hít bầu không khí nặng nề của chuồng bò thì lá phổi của các Csira sẽ bị phá huỷ. Một Csira được coi là may mắn khi thoát ra được khỏi đó trước khi bắt đầu nôn ra máu. Nhưng đa số phải ở lại, thân tàn ma dại và sống nốt cuộc đời bằng nghề ăn xin.”

Đói đất đai cùng với vấn đề dân tộc luôn là động lực cho các cuộc cách mạng ở Hungary, và những cuộc nổi dậy đẫm máu của nông dân đã bị dập tắt với sự tàn bạo man rợ nhất. Trong cuộc cách mạng năm 1848 đã có những nỗ lực tịch thu các điền trang lớn và phân phát lại đồng cỏ của cộng đồng cho nông dân. Nhưng chiến thắng của triều Habsburg đồng nghĩa với chiến thắng của các đại địa chủ, những người sau đó đã hình thành một bức tường phản động vững chãi ở Hungary, trở thành đối tác địa phương của chủ nghĩa đế quốc Áo trên đất Hungary.

Vấn đề dân tộc thiểu số

Tình hình bùng nổ ở vùng nông thôn Hungary vào cuối thế kỷ 19 được truyền tải đầy đủ trong một báo cáo chính thức của hiệp hội các chủ đất có quyền lực, OMGE, được viết vào năm 1894:

“Dân cư ở vùng đồng bằng rộng lớn bao gồm các công chức, phú nông và nông dân vô sản, tất cả đều sống cách biệt và căm ghét lẫn nhau.

“Cơ quan dân sự coi các khu vực nông nghiệp của Hungary như là thuộc địa và công việc của họ là dịch vụ thuộc địa.

“Những nông dân giàu có theo một cách nào đó sống trong chủ nghĩa bảo thủ kiên định, trong khi lao động nông nghiệp luôn hoài niệm về những cuộc cách mạng lớn trong lịch sử và không có kỳ vọng gì vào tương lai. Tuy nhiên, khát vọng cách mạng của họ vẫn âm ỉ.”

Những quan chức chính phủ, những người đã biên soạn báo cáo này, đã không lầm. Trong những năm đầu của thế kỷ làn sóng của những bãi công của lao động nông nghiệp đã lan tràn khắp đất nước và thường dẫn đến các cuộc đối đầu với cảnh sát, đỉnh điểm là cuộc đình công của một vạn công nhân điền trang vào năm 1905 và cuộc tổng đình công của 10 vạn “lao động tự do” vào năm 1906, chúng chỉ bị phá vỡ bởi việc gọi nhập ngũ những người tham gia bãi công. Để thoát khỏi tình trạng khốn khổ khủng khiếp này cách duy nhất có thể là di cư. Từ năm 1891 đến năm 1914, gần hai triệu người Hungary - 80% trong số họ là nông dân nghèo - đã rời bỏ đất nước, chen chúc như bầy gia súc trên những con tàu đến nước Mỹ xa xôi.

Vấn đề xã hội ở Hungary càng trở nên trầm trọng và phức tạp hơn do sự tồn tại của các dân tộc thiểu số. Năm 1910, trong số 21 triệu người sống ở Hungary có 10 triệu là người Hungary, 2,5 triệu người Croatia và Slovenia, 3 triệu người Rumani, 2 triệu người Đức, phần còn lại bao gồm người Slovakia, người Serb, người Ukraine và các dân tộc nhỏ hơn khác.

Vì vậy, đối với Hungary, vấn đề dân tộc không chỉ giới hạn ở sự phụ thuộc kiểu bán thuộc địa của nó vào Áo, mà còn bao gồm các vấn đề về sự áp bức dân tộc nên những phần tử không thuộc người Magyar sống trong biên giới của Hungary. Sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với các nhóm thiểu số được thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực giáo dục.

Năm 1900, 39% tổng dân số mù chữ. Nhưng con số này ở người Slovakia là 49,9%, người Serb là 58,5%, người Romania là 79,6% và người Ukraine là 85,1%. Tiền lương ở Hungary thấp hơn 33% so với Áo và thấp hơn 50% so với Đức. Nhưng vào năm 1913, lương của công nhân không phải người Magyar thấp hơn 30% so với công nhân Hungary.

Trong suốt lịch sử của mình, giai cấp tư sản Hungary, ra đời muộn và non nớt, đã chứng tỏ không có khả năng giải quyết được bất kỳ cái nào trong những vấn đề cơ bản này. Không khó để nhìn ra lý do. Mặc dù chắc chắn là một nửa lạc hậu hơn của Đế chế, vào đầu thế kỷ, Hungary cũng đã bước một cách dứt khoát vào quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh các điền trang lớn của phong kiến, nền công nghiệp tư bản hiện đại đã mọc lên, được duy trì bởi các khoản đầu tư từ các nhà tư bản nước ngoài.

Các ngân hàng thống trị nền kinh tế Hungary và đằng sau chúng là Tư bản Áo, Đức, Pháp và Anh, Mỹ. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trói buộc Hungary còn chặt chẽ hơn sự cai trị của chủ nghĩa đế quốc Áo-Phổ. Ngoài ra, tầng lớp quý tộc phong kiến ​​cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn và các ngân hàng. Vào năm 1905, có 88 bá tước và 64 nam tước nằm trong các uỷ ban quản lý liên quan đến công nghiệp, giao thông và ngân hàng. Một trong số họ, Bá tước Istvan Tisza, là chủ tịch của ngân hàng thương mại lớn nhất cả nước.

Vì tất cả những lý do này, bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hủy sự phụ thuộc lâu đời, nhục nhã vào Áo và nhổ bỏ các mối quan hệ phong kiến ​​trong làng xã nhất thiết phải đặt trên tiền đề là một cuộc chiến công khai chống lại chủ nghĩa tư bản được lãnh đạo duy nhất chỉ có thể bởi giai cấp công nhân liên minh với quần chúng nông dân nghèo và những người lao động trong nông trại.

Vào đêm trước của cuộc Cách mạng, Hungary là một nửa lạc hậu nhất của Đế chế Áo-Hung, nhưng cũng chính vì lý do đó mà ở đây những căng thẳng xã hội sẽ nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm nhất, và cũng là nơi mà giai cấp thống trị ít có khả năng nhất chống lại sự thay đổi xã hội. Giai cấp vô sản là một thiểu số trong xã hội, trong khi những người nông dân nghèo là đa số. Nhưng với bản chất áp bức của các mối quan hệ xã hội trong các làng xã, giai cấp nông dân có tiềm năng trở thành một đồng minh cách mạng đắc lực nhất của giai cấp công nhân.

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ

Sự đối xử tàn bạo và hèn hạ đối với các dân tộc thiểu số trong suốt lịch sử của Hungary hóa ra cũng là gót chân Achilles của giai cấp thống trị. Điều cần thiết là một lực lượng xã hội có khả năng khích động những lực lượng này và dẫn dắt họ trong cuộc tấn công cuối cùng chống lại chế độ đầu sỏ cầm quyền.

Chỉ có giai cấp công nhân, dẫu ít về số lượng nhưng nhờ vào vai trò chủ đạo trong sản xuất, sự gắn kết, tính tổ chức và ý thức giai cấp của mình, mới có khả năng thực hiện được phần việc này.

Giai cấp vô sản Hungary ra đời muộn và yếu hơn những người anh em của họ ở Áo và Đức. Vào năm 1910, chỉ có 17% ​​dân số làm việc trong các ngành công nghiệp, 49% trong số này làm việc trong các nhà máy có quy mô chỉ dưới 20 công nhân.

Nhưng ở Budapest và các khu vực lân cận, ngành công nghiệp quy mô lớn, được nuôi dưỡng bởi dòng tư bản nước ngoài khổng lồ, đã mọc lên. Hơn 50% nền công nghiệp tập trung ở đây. Hơn nữa, sự phát triển không đồng đều của ngành công nghiệp được thể hiện bằng thực tế là chỉ 37,8% tổng số công nhân tập trung tại các nhà máy lớn với hơn 500 công nhân. Những pháo đài khổng lồ này của công nhân đã đóng một vai trò quyết định trong những sự kiện của năm 1918-1919. 82 Cartel khổng lồ kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp Hungary (26 trong số đó là của Hungary và 56 là của Áo-Hung).

Vào đêm trước Thế chiến thứ nhất, Hungary rõ ràng ở trong tình trạng là nửa thuộc địa của Áo và Đức, được hình thành như một thuộc địa nông nghiệp, xuất khẩu lương thực sang Áo để đổi lấy các sản phẩm công nghiệp. Quyền lợi của giai cấp tư sản Hungary gắn bó chặt chẽ với quyền lợi của nhà nước cảnh sát quan liêu Áo-Hung và chế độ đầu sỏ địa chủ phong kiến. Đại biểu chính trị của nó là Đảng Tự do.

Đằng sau cái vẻ hào nhoáng của hùng biện dân tộc chủ nghĩa mà giai cấp tư sản Hungary trưng ra để duy trì cơ sở quần chúng cho mình là thực tế của sự bất lực và sự phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nghĩa đế quốc Áo-Đức, điều đã được bộc lộ một cách tàn bạo vào tháng 8 năm 1914.

Chiến tranh Đế quốc đã ném toàn bộ xã hội vào lò luyện. Cuộc chiến chống lại Serbia, được ủng hộ nhiệt tình bởi giới tài phiệt và nhà thờ, cũng nhận được sự chúc phúc của đảng 1848, đảng của giai cấp tư sản “tự do”, những kẻ vốn từ lâu đã vứt bỏ ước mơ độc lập dân tộc trước kia để lao mình vào cuộc chiến cùng với bọn đế quốc kẻ cướp ở Vienna và Berlin.

Khi bắt đầu chiến tranh, cũng như ở các nước khác, giai cấp công nhân bị tê liệt bởi làn sóng đầu tiên của sự nhiệt thành yêu nước. Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, bất chấp những ngôn từ "tả khuynh" trước đây được vay mượn từ cái gọi là “chủ nghĩa Marxist Áo”, cũng đã nhanh chóng nhảy vào cuộc chiến yêu nước. Họ biện minh cho cuộc chiến này như là cuộc chiến để “bảo vệ nền dân chủ chống lại nước Nga man rợ”, thậm chí là cuộc chiến “để có ngày làm việc ngắn hơn và mức lương cao hơn,” rao giảng sự hợp tác giai cấp và “hòa bình giai cấp.”

Nhưng khi chiến tranh kéo dài, mở ra trước mắt công nhân và nông dân là thực tế đau thương. “Cuộc chiến cho một ngày làm việc ngắn hơn” có nghĩa là người công nhân phải làm việc 60 giờ một tuần. Trong các nhà máy, trẻ em từ 10 đến 12 tuổi đã phải làm việc 12 giờ một ngày và lâu hơn. Lợi nhuận tăng vọt trong khi tiền lương cứ giảm đều đặn. Vào năm 1916, đồng tiền của Hungary giá trị chỉ còn bằng 51% giá trị của nó trước chiến tranh, và nó vẫn tiếp tục giảm mạnh trong những năm sau. Sự gián đoạn của chiến tranh gây ra sự sụp đổ khủng khiếp của ngành công nghiệp.

Điều kiện ở tiền tuyến còn tồi tệ hơn. Hàng trăm nghìn binh lính Hungary đã bỏ mạng một cách thê thảm trong mùa đông lạnh giá năm 1914-15 trên dãy Carpathian. Trong số chín triệu người nhập ngũ thì hơn năm triệu người đã thiệt mạng, bị thương, bị bắt làm tù binh hoặc mất tích cho đến khi chiến tranh kết thúc. Trong số này, Hungary góp 2 triệu người.

Sự bất mãn giữa các thành phần người Hungary trong quân đội Áo-Hung đã dẫn đến tình huống mà quân Hungary bị dồn kẹp vào giữa phòng tuyến quân Đức và súng máy quân Áo chĩa sau lưng. Tình trạng đào ngũ ngày càng gia tăng cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười

Trong suốt những năm 1915 - 1916, số lượng các cuộc đình công tăng lên đều đặn. Sự mệt mỏi vì chiến tranh của quần chúng càng trở nên trầm trọng hơn trong trường hợp của Hungary bởi ý thức chảy bỏng về sự áp bức dân tộc. Sự lên men ngày càng tăng trong các nhà máy, doanh trại và các khu công nhân cũng gây ra những bất đồng ngay trong chính nội bộ giai cấp thống trị.

Ngay từ năm 1915, Bá tước Karolyi đã thành lập Đảng Độc lập chống Đức theo chủ nghĩa hòa bình và cố gắng thiết lập liên lạc với phe Hiệp ước. Ông ta đại diện cho một bộ phận của giai cấp tư sản có tầm nhìn xa hơn, cảm nhận được khả năng thất bại của Đức và chuẩn bị để cầu xin lòng thương xót từ chủ nghĩa đế quốc Anh, cố gắng leo lên nắm quyền bằng lưỡi lê của phe Hiệp ước thay vì của Đức.

Cách mạng Tháng Hai 1917 nổ ra ở Nga đã tạo động lực to lớn cho phong trào cách mạng ở Hungary. Vào ngày 1 tháng 5 năm 1917, một làn sóng đình công và biểu tình lớn đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ phản động của Bá tước Tisza vào ngày 23 tháng 5. Một chính phủ mới được thành lập bởi Bá tước Esterhazy, người đã cố gắng duy trì sự hoà hoãn giữa các giai tầng nhằm ngăn tình hình vượt hoàn toàn khỏi tầm kiểm soát. Chính phủ liên minh được mở rộng để bao gồm các nhóm tư sản khác nhau, trong khi các nhà lãnh đạo SDP ủng hộ chính phủ từ bên ngoài.

Các công nhân đã đúng khi đánh giá động thái này là một dấu hiệu của sự yếu kém và lợi thế thuộc về họ. Và chính phủ mới đã vấp phải làn sóng đình công nổ ra một cách tự phát, bất chấp sự phản đối từ các nhà lãnh đạo công đoàn “ôn hòa”. Một trong số này, Samu Jasza sau này đã phải thừa nhận rằng: “Ngay từ 1917 đã có nhiều cuộc đình công nổ ra bất chấp các công đoàn khăng khăng rằng không được để công việc bị gián đoạn”. Những nhà lãnh đạo đớn hèn này đã bị buộc phải “lãnh đạo từ phía sau”, hoặc chịu mất tất cả ảnh hưởng trong giới công nhân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã có tác động làm cả Hungary rúng động. Sự kích động, chủ yếu là chống chiến tranh, của Trotsky tại các cuộc đàm phán Hòa bình ở Brest-Litovsk đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công nhân, nông dân và binh lính, những người đã mệt mỏi vì chiến tranh. Yêu cầu về một “nền hòa bình không thôn tính và bồi thường” đã vang lên trong các nhà máy, nơi làng mạc và dưới các chiến hào. Dưới áp lực không thể cưỡng lại của quần chúng, đảng phản chiến của giai cấp tư sản, do Karolyi, “Kerensky của Hungary” lãnh đạo, đã tìm thấy dũng khí mới để thúc đẩy những đòi hỏi của họ.

Sự lên men tinh thần phản chiến trong các nhà máy đã dẫn đến cuộc tổng đình công ở Budapest vào ngày 18 tháng 1 năm 1918. Cuộc đình công đã nhanh chóng khơi mào cho các cuộc mít tinh đông đảo, trong đó có nhiều binh lính tham gia. Chỉ trong tháng Giêng làn sóng nhanh chóng quét qua cả Áo, Hungary và Đức. Chính hơi thở nóng bỏng của cuộc cách mạng ở hậu phương đã buộc Czernin, đại diện của Áo tại Brest-Litovsk, phải chấp nhận lập trường hòa giải khi đối diện với chính phủ Bolshevik, mặc dù điều này đã bị bác bỏ bởi Hoffman đại diện của Bộ Tổng tham mưu Đức.

Cũng vì điều này mà chính phủ Hungary đã phải vội vàng mở rộng quyền bầu cử. Như mọi khi, giai cấp thống trị chỉ sẵn sàng thực hiện những cải cách nghiêm túc một khi họ cảm thấy bị đe dọa mất đi quyền lực và đặc quyền.

Giai cấp tư sản khiếp sợ, và những nhà lãnh đạo lao động cánh hữu, những người đã ủng hộ chiến tranh và phản đối mọi phong trào đấu tranh của công nhân cũng vậy. Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, bất chấp sự hối thúc kéo dài cuộc tổng đình công, đã vội đình chỉ nó vào ngày 21 tháng 1, chỉ bốn ngày sau khi cuộc tổng đình công bắt đầu. Sự phản bội này chỉ góp phần làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong hàng ngũ của SDP và làm gia tăng đáng kể sức mạnh của phe đối lập cánh tả.

Chiều sâu của cuộc cách mạng có thể được nhìn thấy trong sự thức tỉnh của những bộ phận lạc hậu và thụ động hơn giữa hàng ngũ những người bị áp bức, đặc biệt là những phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, những người đã đóng một vai trò anh hùng trong những sự kiện này. Điều đó được thể hiện qua một thông tư bí mật của Bộ Chiến tranh vào ngày 3 tháng 5 năm 1918:

“Các công nhân nữ không chỉ thường xuyên cố gắng gây rối nhà máy bằng cách làm gián đoạn sản xuất, mà thậm chí còn có những bài phát biểu mang tính kích động, tham gia biểu tình, diễu hành ở tuyến đầu với đứa con trong tay và cư xử theo lối làm xúc phạm đến những đại diện của luật pháp.”

Vào ngày 20 tháng 6 năm 1918, một cuộc bãi công mới nổ ra do hậu quả của việc bắn giết công nhân. Các Xô viết, hay hội đồng công nhân, được thành lập để đấu tranh cho các yêu cầu của công nhân: hòa bình, phổ thông đầu phiếu, tất cả quyền lực thuộc về các Xô viết. Cuộc đình công lan rộng từ Budapest đến các trung tâm công nghiệp khác. Tuy nhiên, một lần nữa nó lại bị ban lãnh đạo buộc phải đình chỉ chỉ sau mười ngày.

Quần chúng đã chuẩn bị sẵn sàng để đấu tranh giành quyền lực, nhưng lại bị các nhà lãnh đạo của chính họ cản trở trên mỗi bước. Nhưng điều kiện không thể chịu đựng được của quần chúng, cùng với sự bất mãn và thất vọng tích tụ trong quá khứ đã dẫn đến một sự bùng nổ mới vào mùa Thu năm 1918.

Với sự sụp đổ của Mặt trận Bulgaria, làn sóng đào ngũ đã thực sự biến thành một trận lụt nhấn chìm đất nước. Có những cuộc nổi dậy lẻ tẻ và vô nghĩa trong quân đội và hải quân. Các nhóm đào ngũ có vũ trang liên kết với những người bãi công và nông dân nổi loạn trong các cuộc đụng độ với cảnh sát và tham gia vào các cuộc chiếm đất. Khi việc bại trận của các cường quốc Trung tâm trở nên rõ ràng, những điều nhỏ bé này trở thành phổ biến.

Bộ máy nhà nước tan rã và sụp đổ dưới sức nặng của chính nó. Chính phủ ở Budapest không còn nơi bấu víu và quyền lực đã chuyển ra các đường phố.

Giữa các cuộc đình công, bãi công và các cuộc biểu tình trên đường phố, giai cấp thống trị đã phân ly trong sự chia rẽ, trong Nghị trường là những cơn sóng gió. Vào ngày 17 tháng 10, Bá tước Tisza tuyên bố trong sự mất tinh thần: “Chúng ta đã thua trong cuộc chiến này.” Chế độ đầu sỏ của tư sản và địa chủ, cảm nhận được quyền lực đang tuột dần khỏi tay, tìm kiếm trong tuyệt vọng tuyến phòng thủ thứ hai và đó là kẻ thù của ngày hôm qua - Karolyi.

Vào ngày 28 tháng 10, tại Budapest đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn đòi Hungary độc lập. Vào ngày 29 tháng 10, Hungary được tuyên bố là một nước cộng hòa. Và vào ngày 30 tháng 10 đã có một cuộc nổi dậy của công nhân, binh lính, thủy thủ và sinh viên ở Budapest.

Chính phủ sụp đổ khi chưa kịp nổ một phát súng. Trên các đường phố, quân nổi dậy hô vang các khẩu hiệu như “Nước Hungary độc lập và dân chủ muôn năm!”“Đả đảo bọn quý tộc!”… “Nói không với chiến tranh!”… “Chỉ có hội đồng binh lính mới được ra lệnh!” Đến đêm 31 tháng 10, hầu hết các vị trí chiến lược đã được nghĩa quân chiếm đóng và toàn bộ tù chính trị đã được giải thoát.

Cách mạng đã thành công nhanh chóng và không đau đớn. Giai cấp thống trị, mất cảnh giác và thiếu cơ sở thực tế, không kịp đưa ra phản kháng. Đó là một cuộc nổi dậy quần chúng tự phát giống như Cách mạng Tháng Hai ở Nga, không lãnh đạo và không có một chương trình rõ ràng. Các nhà lãnh đạo Lao động không làm gì cả nếu không muốn nói cản trở, bởi cách mạng là điều mà họ không muốn và sợ như bệnh dịch.

Tuy nhiên, quần chúng công nhân, binh lính và nông dân, dẫu thiếu một đảng cách mạng và một chương trình, vẫn tiếp tục mò mẫm để hướng tới một chương trình như vậy. Có lẽ họ không hiểu rõ ràng những gì mình muốn, nhưng họ biết rất rõ những gì họ không muốn. Họ không muốn chế độ cai trị bởi bọn hãnh tiến và đầu sỏ tham nhũng; họ không muốn chế độ quân chủ hay bất kỳ sự thay thế nào tương tự; họ không muốn quan hệ ruộng đất phong kiến và sự áp bức dân tộc.

Khi đấu tranh cho những vấn đề nhức nhối này, quần chúng nhanh chóng hiểu ra sự bất khả thi của những giải pháp nửa vời cho các vấn đề của họ và tính tất yếu của một trận lũ quét, một sự tái thiết toàn bộ xã hội theo những lộ trình mới để loại bỏ tất cả những rác rưởi của áp bức phong kiến ​​và sỉ nhục dân tộc được tích tụ trong nhiều thế kỷ.

Các công nhân yêu cầu một nền Cộng hòa nhưng các chính trị gia theo chủ nghĩa tự do tư sản của Đảng 1848 và các nhà lãnh đạo cánh hữu của Lao động đã cực lực chống lại nó đến chừng nào có thể. Phong trào quần chúng đã phải tóm cổ và đẩy vào chính quyền những "nhà cách mạng" bất đắc dĩ này.

Cuộc cách mạng không đổ máu

Ngay cả khi đã nắm quyền họ vẫn tận tâm hành động một cách ngoan cố để bảo vệ hệ thống của giai cấp thống trị và đặc quyền. Sự khiếp sợ của họ đối với quần chúng còn lớn hơn gấp trăm lần nỗi ác cảm dành cho phong kiến phản động ​​và do đó, họ đã cố gắng hết sức để ủng hộ bất cứ điều gì giúp duy trì hiện trạng.

“Ai giúp được bạn mới là bạn thực sự” là câu nói rất hay trong chính trị cũng như trong cuộc sống. Các chủ ngân hàng, đầu sỏ phong kiến, các giám mục và tướng lĩnh nhận ra rằng toàn bộ tương lai của họ với tư cách là một giai cấp đặc quyền nằm trong tay những người tự do tư sản đáng ghét cùng các đối tác Dân chủ Xã hội của họ, do vậy họ đã tụ tập xung quanh “Kerensky của Hungary” núp sau những chiếc áo “dân chủ” mong manh. Mặt khác, những người lao động và binh lính lại đặt hy vọng vào, các Xô Viết, các tổ chức được sinh ra từ cuộc đấu tranh của chính họ, điều này cũng giống như ở Nga sau tháng 2 năm 1917.

Cũng như ở Nga, ở Hungary cũng tồn tại những yếu tố của quyền lực kép. Nhưng khác ở Nga, nó đã không có một Đảng giống như đảng Bolshevik, có đủ khả năng để lèo lái con thuyền cách mạng theo hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cánh tả của SDP, với sự bối rối và thiếu một chương trình rõ ràng, không có khả năng đóng một vai trò độc lập, trong khi các nhà lãnh đạo lao động cánh hữu xắn tay vào giúp đỡ Karolyi khôi phục lại những quan hệ giai cấp cũ dưới chiêu bài của cuộc cách mạng “dân chủ-tư sản”.

Ngày nay các “nhà lý luận” của Đảng cộng sản vẫn gọi đây là cuộc cách mạng “dân chủ - tư sản”. Trên thực tế, giai cấp tư sản đã không có vai trò gì trong cuộc cách mạng, không có ý định nắm chính quyền và tiêu diệt nhà nước bán phong kiến ​​cũ, thậm chí còn chống lại thể chế cộng hòa tư sản.

Quyền chủ động ở mọi giai đoạn vẫn nằm chắc trong tay công nhân và binh lính, họ đã buộc những người tự do phải lên nắm chính quyền và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ - tư sản từ bên dưới. Nói cách khác, những gì chúng ta có ở đây không phải là cuộc cách mạng dân chủ - tư sản mà là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bị đẻ non vì không có lãnh đạo cách mạng chân chính và sự phản bội của các lãnh đạo Dân chủ xã hội.

Chính phủ tư sản Karolyi tỏ ra là yếu kém và bất lực hơn gấp ngàn lần so với Chính phủ lâm thời Nga sau tháng 2 năm 1917. Nó không thể và cũng không sẵn sàng để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ cơ bản nào của cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Hungary.

Một mặt, giai cấp vô sản là lực lượng duy nhất thực sự có tổ chức trong xã hội. Quyền lực nằm trong tay công nhân và binh lính, thông qua tổ chức của họ là các Xô viết. Mặt khác, giai cấp vô sản bị chặn đường tiến quân bởi các nhà lãnh đạo “ôn hòa” của SDP và các công đoàn bằng chủ trương sai lầm “hoãn đấu tranh giai cấp để bảo vệ nền dân chủ” v.v..

Giống như những người theo chủ nghĩa Menshevik Nga vào năm 1917 và những người theo chủ nghĩa Stalin trên khắp thế giới sau này, các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Hungary đã kêu gọi công nhân và nông dân gác lại cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội vì lợi ích của việc củng cố nền dân chủ (tư sản).

Họ không nhận ra rằng những mâu thuẫn to lớn trong xã hội chắc chắn làm phát sinh sự phân cực giữa các giai cấp, lựa chọn chỉ có một trong hai: hoặc giai cấp công nhân, dẫn đầu tất cả các tầng lớp bị áp bức, bóc lột trong xã hội, lật đổ giai cấp tư sản và đập tan trò lừa về “Hội đồng quốc gia” của Karolyi, nghiền nát không thương tiếc các lực lượng phản động đang ẩn nấp đằng sau cái mặt nạ đó; hoặc, chính những lực lượng này sẽ lợi dụng tình hình để phục hồi sức mạnh, tập hợp lại và phát động một cuộc phản công mới, khi đó nó sẽ quăng chiếc găng tay nhung của “nền dân chủ” sang một bên và để lộ ra nắm tay sắt của phản ứng phát xít.

Không có “con đường trung dung”. Hoặc những người lao động sẽ chiến thắng và thiết lập một nền dân chủ của người lao động, hoặc giai cấp thống trị sẽ giáng đòn trả thù khủng khiếp lên giai cấp công nhân và tầng lớp nông dân nghèo.

SDP đã tăng trưởng nhảy vọt trong thời kỳ đầu. Quần chúng, khi mới thức tỉnh về đời sống chính trị, đã gia nhập vào các tổ chức lao động quen thuộc với họ mà chưa ý thức được vai trò của người lãnh đạo. Không chỉ công nhân, mà nhiều trí thức, chuyên viên, thậm chí cả cảnh sát, công chức cũng tham gia SDP, một số vì lý do chân thành, một số khác xem nó như một “chính sách bảo hiểm” hướng tới tương lai. Đột nhiên, các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Cộng hòa, cho đến nay vẫn bị đàn áp như những người cấp tiến nguy hiểm, trở nên được tôn trọng như thể những vị cứu tinh của xã hội.

Giờ đây, khi chính danh của chế độ quân chủ đã mất đi một cách không thể cứu vãn, tất cả các phần tử phản động của xã hội đã tập hợp lại xung quanh ngọn cờ của nền cộng hòa tư sản, được kiên quyết giữ vững bởi Karolyi và Đảng Dân chủ Xã hội.

Tuy nhiên, quần chúng không hề chậm chạp mà khám phá ra hố sâu rộng lớn ngăn cách giữa loại cộng hòa mà họ muốn và loại cộng hòa mà họ hiện có. Được khuyến khích từ những thành công, công nhân đã xuống đường để thúc đẩy các đòi hỏi của giai cấp họ, bất chấp những lời kêu gọi điên cuồng từ các nhà lãnh đạo rằng họ phải bình tĩnh. Vào ngày 16 tháng 11, một cuộc biểu tình khổng lồ của hàng trăm nghìn người tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội để đòi hỏi một nền cộng hòa xã hội chủ nghĩa.

Họ không lật đổ Đế chế Habsburg 400 năm tuổi chỉ để trao lại quyền lực lại cho các ông chủ cũ trong cái tên mới. Những người lính từ mặt trận tràn về Budapest, xé phù hiệu khỏi vai các sĩ quan. Trên các đường phố của thủ đô đầy ắp quân đội: 300.000 người chờ đợi giải ngũ. Sĩ quan và giai cấp tư sản bị tấn công trên đường phố.

Chính phủ Karolyi chỉ là một chính phủ trên danh nghĩa. Nó không có quân đội đáng tin cậy làm chỗ dựa, các lực lượng đã nằm trong tay công nhân. Nền kinh tế gần như sụp đổ do Hungary bị các nước Đồng minh phong tỏa. Tình hình thực phẩm rất nguy cấp. Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu quần chúng, chính phủ Karolyi đã vạch ra một chương trình cải cách ruộng đất nhằm phân phối lại các điền trang có diện tích trên 500 mẫu Anh cho nông dân với tiền bồi thường do chính phủ chi trả.

Karolyi, bản thân là một chủ đất, đã giao tài sản của mình cho nông dân. Nhưng tấm gương của ông không được các chủ đất khác noi theo. Cải cách ruộng đất vẫn nằm trên giấy, cũng giống như tất cả các cải cách khác của chính phủ này. Đối với vấn đề ruộng đất, vấn đề áp bức dân tộc, nền dân chủ tư sản Hungary đã không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Như chính Karolyi sau này phải phàn nàn: “Tình hình giờ đây đã thay đổi hoàn toàn, và chúng tôi có đề xuất cái gì đó, một đề xuất trước kia là cực kỳ tự do, thì nay đã trở nên hoàn toàn lạc hậu. Những người thiểu số của ngày hôm qua chỉ coi mình là kẻ mai kia chiến thắng, và từ chối hình dung ra bất kỳ giải pháp nào bên trong khuôn khổ của Vương miện St.Stephen, chính cái tên này cũng là một sự xúc phạm đối với họ.”

“Quá ít và quá muộn” sẽ là một câu mở đầu điếu văn phù hợp cho nền dân chủ tư sản dở tệ ở Hungary, lên nắm quyền khi lịch sử đã xác quyết rằng cách mạng vô sản là giải pháp duy nhất để giải quyết các vấn đề mà giai cấp tư sản không có khả năng để giải quyết. Đối với sự bất bình ngày càng tăng trong nước, một mối đe dọa mới giờ đây lại xuất hiện.

Sự sụp đổ của Karolyi

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, giai cấp tư sản dân tộc ở các nước Đông cũng như Trung Âu, bao gồm cả Hungary, đã tập hợp dưới ngọn cờ của chủ nghĩa đế quốc Đức; nhưng cùng với sự thất bại của Đức và sự tan rã của đế chế Áo-Hung, giai cấp thống trị ở các quốc gia mới được định hình trong sự hỗn loạn ganh đua với nhau để nhận được sự ủng hộ từ các đế quốc Anh-Pháp-Mỹ, đồng thời chiến tranh chống lại nhau để giành giật lãnh thổ.

“Học thuyết Wilson” của Đế quốc Mỹ, đề cao nền dân chủ và quyền tự quyết cho các nước nhỏ, cốt để tạo ra cái cớ thuận tiện cho sự can thiệp vào một loạt các cuộc chiến tranh nhỏ, trải dài từ Trung đến Đông Âu của Ba Lan, ràng buộc các quốc gia mới thành lập một cách vững chắc hơn vào cỗ xe chiến thắng của các đế quốc Anh - Pháp - Hoa Kỳ thông qua những ngân hàng, đường sắt và các quỹ tín thác khổng lồ.

Khẩu hiệu về một Hợp chủng quốc Xã hội Chủ nghĩa ở Châu Âu, do Quốc tế Cộng sản mới thành lập đưa ra, đại biểu cho hy vọng duy nhất của các dân tộc Châu Âu, bị chia cắt và đổ máu bởi chiến tranh, nạn đói và sự sụp đổ về kinh tế. Chỉ có sự thành công của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mới có thể đưa ra một lối thoát cho các quốc gia nhỏ bé và lạc hậu của châu Âu khỏi những con hẻm mù mịt, để họ tìm lại được chính mình.

Giai cấp thống trị của Hungary đã cố gắng trốn khỏi cơn bão bằng cách ẩn mình sau những hình thức của dân chủ nghị viện. Nhưng những biến động xã hội do chiến tranh gây ra không chấp nhận là giải pháp nửa vời. Thậm chí so với Chính phủ lâm thời ở Nga thì chính phủ Karolyi đã bộc lộ sự phá sản của mình nhanh chóng và theo một cách thức nổi bật hơn nhiều.

Như Lênin đã nói: “Giai cấp tư sản Hungary phải thừa nhận với thế giới rằng họ tự nguyện từ bỏ và sức mạnh duy nhất trên thế giới này có khả năng dẫn dắt quốc gia trong thời điểm khủng hoảng là chính quyền Xô Viết.” (Các tác phẩm, tập 29, tr. 270)

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ là tối hậu thư mà phe Đồng minh gửi cho chế độ Karolyi vào ngày 20 tháng 3 năm 1919, yêu cầu Hungary phải chấp nhận một đường phân chia ranh giới mới. Chỉ vài tháng trước đó, vào thời điểm bắt đầu Đình chiến, Hungary đã chịu mất một phần lãnh thổ một cách nhục nhã. Nhưng giờ đây, khi những tên cướp họp lại ở Paris chúng lại đòi hỏi thêm nữa.

Bất lực, chính phủ Karolyi cố gắng trì hoãn bằng đề xuất về một cuộc trưng cầu dân ý, nó ngay lập tức bị từ chối. Phe Đồng minh đòi hỏi câu trả lời ngay trong ngày. Chịu áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài, cũng như nhận ra sự bất lực của bản thân, Karolyi từ chức, chối bỏ trách nhiệm với các công việc của quốc gia.

Bằng cách này toàn thể giai cấp tư sản Hungary đã thừa nhận rằng mình hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo đất nước vào một thời điểm quyết định như vậy. Ngay ngày hôm sau, ngày 21 tháng 3, nước Cộng hòa Xô viết được tuyên bố thành lập. Giai cấp vô sản đã lên nắm chính quyền mà không cần bắn một phát súng nào.

Sự sụp đổ bất ngờ của Karolyi đồng nghĩa với một sự thay đổi đột ngột và mạnh mẽ vị thế của Đảng Cộng sản Hungary, mới chỉ được thành lập 4 tháng trước đó, họ đã bị bất ngờ khi phải đối mặt với vấn đề nắm quyền lực. Các nhà lãnh đạo của đảng này còn trẻ và hoàn toàn thiếu kinh nghiệm. Quan điểm của họ, cũng giống như quan điểm của nhiều Đảng Cộng sản mới thành lập, được tô điểm bởi sự pha trộn giữa chủ nghĩa cực tả non trẻ và chủ nghĩa nghiệp đoàn.

Sự thiếu nhẫn nại đã khiến họ coi nhẹ động lực của các tiến trình cách mạng và mối quan hệ phức tạp giữa các giai cấp, đảng và lực lượng lãnh đạo của nó. Điều này có thể hiểu được. Đảng Bolshevik Nga đã hình thành trong nhiều thập kỷ. Đằng sau nó là những kinh nghiệm của cuộc cách mạng 1905 và công việc trong những tình huống đa dạng nhất.

Còn các đảng mới của Quốc tế Cộng sản, trong hầu hết các trường hợp, đều được tạo thành từ những tân binh trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm và chưa qua thử thách, những người đã đến với chủ nghĩa Bolshevism trong cơn bão táp thổi bùng nên bởi Cách mạng Tháng Mười. Họ còn chưa kịp định thần, tích lũy kinh nghiệm và có uy tín cần thiết trong mắt quần chúng thì đã phải lao vào phong trào cách mạng đầy biến động của những năm 1918-1920. Không ở đâu sự chuyển mình lại đột ngột như ở Hungary.

Các nhà lãnh đạo trẻ của CP, chủ yếu là các cựu tù binh mới vừa trở về từ Nga, họ đã thể hiện lòng dũng cảm, sáng kiến ​​và nghị lực quên mình. Nhưng ngay từ đầu, sự nhầm lẫn của họ về các vấn đề lý luận đã khiến họ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng ở ngay những vấn đề cơ bản, điều mà sau này sẽ gây ra những hậu quả tai hại.

Trong vấn đề then chốt như đất đai, họ chủ trương tịch thu các điền trang lớn, nhưng phản đối việc phân chia lại ruộng đất cho nông dân với lý do rằng điều này có lợi cho sự phát triển của các chủ sở hữu nhỏ và cản trở sự phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong các làng xã. Về vấn đề dân tộc, thay vì ủng hộ một cách rõ ràng quyền tự quyết, họ lại đưa ra khẩu hiệu về cơ bản là vô nghĩa “sự phát triển tự thân của giai cấp vô sản”.

Tuy nhiên, trong bầu không khí cách mạng phổ biến, những người Cộng sản, bất chấp những sai lầm của mình, đã nhanh chóng giành được vị thế, họ đã thâm nhập được vào các trại lính, các nhà máy và tổ chức công đoàn, cho đến lúc đó vẫn còn do các lãnh đạo lao động cánh hữu thống trị.

Với tâm trạng của quần chúng, CP đã trải qua một sự phát triển bùng nổ chỉ trong vài tuần, không chỉ ở Budapest vô sản, mà còn ở Szeged, thành phố lớn thứ hai, nơi một bộ phận lớn của SDP đã chuyển qua họ và nhiều đơn vị đồn trú địa phương công khai ủng hộ Đảng. Quan trọng nhất là vào tháng 12 năm 1918, Liên đoàn Thanh niên của SDP đã chuyển sang khối CP.

Bị báo động vì sự phát triển nhanh chóng của CP, điều đe dọa về lâu về dài sẽ làm suy yếu khả năng của họ để nắm trong tay người lao động có tổ chức, các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội đã bắt đầu một chiến dịch hăm dọa nhằm chống lại những người Bolshevik “Nga”, “những kẻ gây chia rẽ” và “bọn phản cách mạng từ cánh tả”. Cũng giống như những người theo chủ nghĩa Menshevik ở Nga, các nhà lãnh đạo SDP Hungary coi Hungary là “chưa chín muồi” cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ý tưởng mà họ dựa trên là về một quá trình tiến hóa lâu dài, trong đó, một cách hòa bình, dần dần mà không có những biến động đột ngột, Hungary sẽ vượt qua, trước hết là một thời kỳ dân chủ tư sản kéo dài và sau đó, có lẽ là 50 hoặc 100 năm, xã hội Hungary rồi sẽ “sẵn sàng” cho chủ nghĩa xã hội.

Thật không may cho những người theo ý thức hệ của chủ nghĩa dần dần, dòng sự kiện đang di chuyển nhanh chóng theo hướng ngược lại. Nhận thấy sự thất bại của chế độ dân chủ tư sản trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của mình, quần chúng đã trực tiếp hành động với một làn sóng của việc chiếm đóng nhà máy.

Sự kiểm soát của người lao động được thiết lập ở nhiều trung tâm. Liên tục có các cuộc biểu tình trên đường phố của công nhân, binh lính và những người thất nghiệp. Vào cuối tháng 1 năm 1919 đã xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh lính chính phủ và những người bãi công. Sự bất bình lan sang quân đội. Vấn đề dân tộc dấy lên với cường độ mới trước những biến động mang tính cách mạng ở miền Tây Ukraine. Những lời hứa của Karolyi về quyền tự chủ, không làm suy yếu phong trào mà ngược lại chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa.

Theo gương của Noske và Scheidemann ở Đức, nơi mà Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht đã bị sát hại vào tháng Giêng bởi sự xúi giục của các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, ban lãnh đạo SDP cũng đã tiến hành một chiến dịch chống Cộng, lên đến đỉnh điểm là một vụ khiêu khích tương tự như Những ngày tháng Bảy ở Nga, lãnh đạo của CP là Bela Kun cùng các đồng đội bị bỏ tù và đánh đập dã man.

Tuy nhiên, chính phủ đã tính toán sai. Trong một tình huống cách mạng, tâm trạng của quần chúng có thể thay đổi nhanh chóng. Vụ bắt giữ đã làm nổi bật vai trò phản cách mạng của các nhà lãnh đạo SDP trong chính phủ. Quần chúng từng ngây thơ hướng về các nhà lãnh đạo SDP với hy vọng tìm ra giải pháp cho các vấn đề của mình, nay đã nhanh chóng quay sang chống lại họ.

CP, từ một thiểu số nhỏ, nay đã giành được sự ủng hộ của đa số trong các bộ phận then chốt của phong trào công nhân. Các công nhân rút ra một kết luận đơn giản: nếu chính phủ này chống lại chủ nghĩa Bolshevism thì chúng ta ủng hộ nó. Giờ đây tại các cuộc họp công khai các nhà lãnh đạo SDP phải hét lên để nhận được sự chú ý.

Ngay cả những đảng viên cánh hữu của Đảng Dân chủ Xã hội, như Erno Garami sau này cũng phải thừa nhận rằng: “việc bắt giữ các thủ lĩnh Bolshevik không những không làm suy yếu mà còn tăng cường sức chiến đấu cho họ.” Một người khác, Wilhelm Bohm, viết: “Bị tước đoạt các nhà lãnh đạo, phong trào Bolshevik đã có được một sức mạnh mới.”

Lúc này sự chuyển động diễn ra mạnh mẽ hướng về CP. Các vụ bắt giữ là chất xúc tác cho tất cả sự bất mãn và thất vọng tích tụ trong quần chúng. Trong suốt tháng Ba, có một xu hướng không thể nhầm lẫn hướng về cuộc nổi dậy vũ trang. Tại Szeged vào ngày 10 tháng 3, Xô Viết địa phương đã nhanh chóng giành được quyền kiểm soát, các thị trấn khác cũng theo sau. Nông dân chiếm giữ các vùng đất của Bá tước Esterhazy mà không cần đợi các sắc lệnh của chính phủ.

Bị chao đảo bởi sự thay đổi bất ngờ của các sự kiện, các nhà lãnh đạo cải cách trong phong trào lao động đã cố gắng làm chệch hướng phong trào theo các kênh vô hại bằng cách đưa ra khẩu hiệu về một hội đồng đa thành phần. Nhưng các nhà lãnh đạo của SDP đã bị phong trào mãnh liệt của quần chúng bỏ xa. Các tiểu đoàn vũ trang của công nhân trong các nhà máy lớn của Budapest đã tuyên bố ủng hộ CP.

Các công nhân đã rút ra những kết luận mang tính cách mạng từ toàn bộ tình hình. Họ đã lật đổ 400 năm thống trị của Habsburg bằng chính sức mạnh và tổ chức của mình. Xô viết của công nhân không chỉ sở hữu những vũ khí nhỏ mà còn cả súng máy và pháo binh. Ở bên kia, chính phủ không có lực lượng vũ trang đáng tin cậy nào để dựa vào.

Quần chúng đã trải qua trường học khắc nghiệt của chiến tranh, cách mạng và phản cách mạng với cái mặt nạ dân chủ, và bây giờ đang chuẩn bị cho một sự lật đổ quyết định. Các lập luận ôn hòa của các nhà lãnh đạo SDP hiện đã đóng băng.

Các công nhân đã lý giải chúng một cách chính xác, đó là những nỗ lực để chuyển hướng sự chú ý của họ khỏi mục tiêu trung tâm là nắm quyền lực. Công nhân ngày càng thiếu kiên nhẫn với vai trò của các nhà lãnh đạo Xã hội-Dân chủ, điều này được thể hiện qua việc các công nhân nhà in Budapest từ chối in tờ báo Nepszava của SDP. Vụ việc xảy ra vào ngày 20 tháng 3 - cùng ngày Đồng minh gửi tối hậu thư cho Karolyi. Vào ngày 21, cuộc đình công của những người thợ in đã biến thành một cuộc tổng đình công, yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo CP và chuyển giao quyền lực cho giai cấp công nhân.

Phong trào tự phát này đã gây ra sự chia rẽ trong ban lãnh đạo của SDP. Một bộ phận lãnh đạo, công khai xác định mình đứng về giai cấp tư sản, đã chuẩn bị để thực hiện vai trò phản cách mạng giống như Noske và Scheidemann ở Đức. Những người khác thận trọng hơn. Chính phủ Karolyi rơi vào tình trạng sụp đổ trước tối hậu thư của Đồng minh.

Bị sa sút tinh thần, những người theo chủ nghĩa tự do tư sản trao lại quyền lực cho những người lãnh đạo lao động cải cách, họ nhận món quà với trái tim nặng trĩu và đôi tay run rẩy. Các nhà tư sản đặt tất cả các nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng lên vai những người “ôn hòa” Dân chủ Xã hội. Nhưng những người đó, dẫu luôn sẵn sàng chấp nhận “nghĩa vụ yêu nước” lại ở một vị thế đặc biệt yếu.

Ảnh hưởng của họ đối với quần chúng nhanh chóng giảm xuống không còn gì. Làm thế nào họ có thể duy trì được bản thân? Tiếp theo là một sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử: các nhà lãnh đạo SDP, vẫn còn trong chính phủ, đã đến nhà tù để thương lượng với các nhà lãnh đạo CP, đã bị bỏ tù với sự đồng tình của họ không lâu trước đó. Thực tế này tự nó chứng tỏ những thay đổi lớn trong tương quan lực lượng giai cấp diễn ra trong hoàn cảnh cách mạng.

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.