(Tài liệu này được thông qua tại đại hội IMT thế giới cuối tháng 7 năm 2018 với tiêu đề ban đầu là “lý thuyết Marxist và cuộc đấu tranh chống lại những ý tưởng xa lạ”. Mục đích của nó là vạch ra ranh giới giữa chủ nghĩa Marx với một loạt các ý tưởng duy tâm và hậu hiện đại, đang ảnh hưởng mạnh mẽ trong phong trào lao động thế giới, tăng cường cho cuộc đấu tranh bảo vệ lý thuyết Marxist chân chính.)
Lời mở đầu
Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đang phơi bày những mâu thuẫn lâu đời trong xã hội hiện đại, những giá trị và đạo đức của nó, những bất công và áp bức không thể chịu đựng được của nó. Trong đó sự đối nghịch giữa lao động làm thuê và Tư bản vẫn là mâu thuẫn trung tâm của xã hội. Mặc dù vậy, sự áp bức tồn tại dưới không chỉ một mà có nhiều hình thức khác nhau, một vài trong số chúng đã lâu đời và ăn sâu bén rễ hơn nhiều so với chế độ nô lệ về tiền lương.
Sự áp bức phụ nữ trong một thế giới bị thống trị bởi đàn ông có lẽ là hình thức phổ biến và tàn bạo nhất. Do vậy trong cuộc đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa thì cuộc nổi dậy của người phụ nữ chống lại sự áp bức quái dị này có tầm quan trọng thiết yếu, chiến thắng là không thể nếu không có sự tham gia đầy đủ của họ.
Nhờ sự ổn định trong nhiều thế kỷ xã hội có giai cấp đã thiết lập lên một cứ điểm vững chắc trong gia đình: đó là sự nô lệ của phụ nữ bởi đàn ông. Hình thức nô lệ này lâu đời hơn nhiều so với chủ nghĩa tư bản, như Engels giải thích, sự xuất hiện của gia đình gia trưởng tượng trưng cho “sự thất bại lịch sử của giới nữ”. Người đàn ông nắm quyền ra lệnh trong nhà trong khi người phụ nữ bị hạ thấp địa vị và rơi vào tình trạng lệ thuộc, trở thành nô lệ tình dục và đơn thuần chỉ là công cụ để sản xuất trẻ em.
Nhưng cùng với tất cả các thể chế man rợ khác mà chúng ta đã và đang thừa hưởng từ quá khứ, sự thống trị này của đàn ông và vị trí phụ thuộc của phụ nữ trong xã hội và gia đình giờ đây đang bị nghi ngờ. Tại sao phụ nữ nên tiếp tục chấp nhận vị trí công dân hạng hai? Việc đặt câu hỏi về vai trò của phụ nữ trong xã hội và gia đình có ý nghĩa cách mạng quan trọng và có thể dẫn đến một câu hỏi mang tính cách mạng của chính xã hội tư bản.
Sự suy thoái của của chủ nghĩa tư bản dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng trong điều kiện sống của toàn thể giai cấp công nhân. Nhưng đối với phụ nữ và thanh niên nó càng khắc nghiệt hơn nhiều. Hi vọng vào công việc và nhà ở đầy đủ dường như là không tưởng với nhiều người. Một bản án thường trực lơ lửng trên đầu những người mẹ đơn thân và con cái của họ là nghèo đói và khổ cực bất tận. Thậm chí để có một mái nhà trên đầu thôi cũng là điều không thể. Tại nơi làm việc, phụ nữ phải chịu mức lương không công bằng đi cùng với sự quấy rối và lạm dụng. Tình hình đã trở nên hoàn toàn không thể chịu đựng được.
Có thể đánh giá mức độ văn minh của một nền văn hóa nhất định qua cách nó đối xử với phụ nữ, trẻ em và người già. Từ quan điểm này, chủ nghĩa tư bản hiện đại ít văn minh, vô nhân đạo và tàn ác hơn nhiều các hình thức xã hội trước đó của loài người. Mức độ tha hóa và sự suy thoái của con người, thái độ thờ ơ với sự đau khổ của con người và thói ích kỷ đê hèn đã đạt tới mức độ chưa từng biết trong lịch sử.
Sự suy thoái của xã hội tư bản bộc lộ trong hình thức man rợ nhất của đại dịch bạo lực đối với phụ nữ. Ở Ấn Độ, Pakistan, Argentina, Mexico và các quốc gia khác, có những vụ bắt cóc, cưỡng hiếp và giết người chưa từng thấy. Ngay cả trong những xã hội luôn tự nhận là văn minh, những nỗi kinh hoàng tương tự cũng đang trút lên đầu phụ nữ và trẻ em. Đó là triệu chứng bệnh cấp tính của một xã hội đang trên bờ vực thẳm.
Cảm giác bị ghẻ lạnh, bất công và áp bức ngày càng tăng đang thúc đầy một phong trào nổi loạn chung của phụ nữ chống lại hiện trạng. Sự thức tỉnh của hàng triệu phụ nữ, đặc biệt là thế hệ trẻ, đầy phẫn nộ với mọi sự phân biệt đối xử, áp bức và lăng mạ mà hệ thống bất công đang đang trút lên đầu họ; đó là một hiện tượng hoàn toàn tiến bộ và cách mạng mà chúng ta, những người Marxist nên chân thành tôn vinh và ủng hộ hết sức.
Đối với sự giải phóng hoàn toàn phụ nữ những người Marxist luôn ủng hộ trăm phần trăm, không chút do dự hay e ngại. Đối với mọi mức độ của sự áp bức với phụ nữ chúng ta kiên quyết chống lại, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Dù bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng không thể chấp nhận cảm tưởng rằng đây là một vấn đề thứ yếu trong cuộc đấu tranh giai cấp nói chung. Sẽ là nguy hiểm cho sự nghiệp của chủ nghĩa Marx nếu phụ nữ tin rằng những người Marxist sẵn sàng trì hoãn cuộc đấu tranh cho quyền lợi của họ cho tới sau thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Điều đó hoàn toàn sai lầm và là một bức biếm họa xấu xa đối với chủ nghĩa Marx cách mạng.
Mặc dù sự giải phóng hoàn toàn phụ nữ (và cả nam giới) đúng là chỉ có thể đạt được trong một xã hội không còn giai cấp, và cũng đúng là, một xã hội như vậy chỉ có thể đạt được thông qua cuộc cách mạng lật đổ chủ nghĩa tư bản. Nhưng không thể yêu cầu phụ nữ đặt sang một bên những nhu cầu khẩn thiết, cấp bách của họ và trông chờ sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ là không tưởng nếu không có cuộc đấu tranh bền bỉ, mỗi ngày dưới chủ nghĩa tư bản.
Các nhà Marxist phải đấu tranh cho mọi cải cách nhỏ nhất nhằm cải thiện mức sống của nhân dân lao động dưới chế độ tư bản vì hai lý do: Trước hết là để bảo vệ người lao động chống lại sự bóc lột, bảo vệ mức sống, quyền dân chủ và các điều kiện cơ bản nhất của một nền văn minh, để bảo vệ văn hóa và văn minh trước sự man rợ. Thứ hai, và quan trọng nhất là, chỉ nhờ kinh nghiệm đấu tranh hàng ngày mà một giai cấp mới có thể có được ý thức về sức mạnh của chính mình, để phát triển tổ chức và nâng cao ý thức tập thể tới mức độ mà lịch sử yêu cầu.
Sự đòi hỏi, như những kẻ bè phái và giáo điều đã làm, rằng các công nhân nên gạt sang một bên những yêu cầu hàng ngày của họ vì “lợi ích của cuộc cách mạng” là đỉnh cao của sự ngu ngốc. Nó sẽ khiến chúng ta bị cô lập và xa cách. Theo con đường đó, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ mãi mãi là một điều hoang đường. Cũng như vậy, cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ chống lại chủ nghĩa sôvanh nam giới phản động, cho những cải cách tiến bộ và bình đẳng hoàn toàn trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế, là một nghĩa vụ cơ bản của tất cả những người Marxist cách mạng chân chính.
Vào ngày 8 tháng 3 năm 2018, chúng ta đã chứng kiến một tiềm năng cách mạng khổng lồ đang thành hình trong phong trào phụ nữ ở Tây Ban Nha, khi 5,3 triệu người (cả phụ nữ và nam giới) đã đáp lời kêu gọi cho hành động đình công. Hàng trăm ngàn người đã tham gia biểu tình trên khắp Tây Ban Nha. Sự huy động tuyệt vời này tuy được tổ chức dưới ngọn cờ của nữ quyền nhưng nó cũng phản ánh một tâm trạng bất mãn to lớn trước một loạt các vấn đề quan trọng trong xã hội Tây Ban Nha, ví dụ như cuộc biểu tình lớn của những người hưu trí tổ chức cùng thời gian này.
Những vấn đề trọng tâm liên quan trực tiếp đến sự áp bức phụ nữ bao gồm: Sự phân biệt về tiền lương, bạo lực và quấy rối với phụ nữ trong gia đình, trong giáo dục, tại nơi làm việc, những gánh nặng của việc nhà... Điều này được minh chứng bởi vụ hãm hiếp tập thể tàn bạo ở Pamplona và hành vi tai tiếng của các thẩm phán cánh hữu, đó là một bằng chứng rõ ràng về sự thối nát và phản động của toàn bộ nhà nước, cảnh sát và tư pháp Tây Ban Nha, tất cả đều được kế thừa trực tiếp từ chế độ độc tài Franco, đó cũng là sự phản bội của cái gọi là Chuyển đổi Dân chủ.
Một chân lý cơ bản của chủ nghĩa Marx là trong bất kỳ phong trào quần chúng nào cũng cần phải phân biệt rạch ròi giữa các yếu tố phản động và tiến bộ. Không có gì phải nghi ngờ rằng có một yếu tố tiến bộ to lớn trong phong trào phi thường này, chúng ta hỗ trợ điều đó với tất cả sự chân thành và lòng nhiệt tình. Nhưng nó sẽ hoàn toàn sai lầm và một chiều nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh này của phong trào và bỏ qua phía bên kia. Đó là vai trò của những người lãnh đạo phong trào, họ đã làm gì? Họ yêu cầu chỉ phụ nữ mới được đứng vào hàng ngũ, tách phụ nữ ra thành một khối riêng và mong muốn chỉ lá cờ tím được hiện diện. Cuộc đình công chỉ có sự tham gia của phụ nữ, trong khi những người đàn ông thay thế họ tại nơi làm việc - nghĩa là, đóng vai trò là kẻ phá hoại đình công! Điều này sẽ hạn chế nghiêm trọng phạm vi của phong trào mùng 8 tháng 3 và khiến cho một cuộc tổng đình công hoàn toàn là không thể. Điều này thực sự đi ngược lại lợi ích của phong trào và phản ánh một cách rõ ràng tầm nhìn hẹp hòi, chính sách phản động và gây chia rẽ của các nhà nữ quyền tư sản và tiểu tư sản.
Các đồng chí ở Tây Ban Nha của chúng ta đã can thiệp mạnh mẽ vào phong trào quần chúng này và thu được nhiều thiện cảm. Mặc dù chúng ta không tự gọi mình là nữ quyền, nhưng một cách rõ ràng chúng ta hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ và sẵn sàng kề vai sát cánh với tất cả những người đang đấu tranh chống áp bức. Trong tất cả các cuộc biểu tình và các cuộc họp, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của sự định kiến đối với chúng tôi, ít nhất là từ phần lớn phụ nữ coi mình là nữ quyền.
Có đúng là nữ quyền không phải là một trường phái tư tưởng hay lý thuyết? Điều đó phụ thuộc vào cách bạn nhìn vào nó. Hoàn toàn đúng khi hàng triệu người tham gia các cuộc đình công và biểu tình ở Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 3 dưới ngọn cờ nữ quyền mà không liên quan gì tới định kiến nữ quyền của lãnh đạo. Họ đã chiến đấu theo bản năng để chống lại các hiện tượng phản động, những thứ khiến cho họ tràn ngập phẫn nộ. Đó là điểm khởi đầu cho sự phát triển cách mạng.
Tuy vậy, lãnh đạo của phong trào lại nằm trong tay các nhà nữ quyền tư sản và tiểu tư sản, những người chắc chắn đại diện cho một trường phái tư tưởng và một hệ tư tưởng nhất định đối lập về cơ bản, không chỉ với chủ nghĩa Marx, mà cả với chính cuộc đấu tranh giải phóng cho phụ nữ.
Ngày nay, khái niệm về nữ quyền đã trở nên rộng lớn tới mức mà nó trở nên gần như vô nghĩa. Thật bất ngờ, ai cũng có thể trở thành một nhà nữ quyền. Ngay cả các chính trị gia phản động của PP cũng tự mô tả mình là nữ quyền, bởi vì, như bạn thấy đấy, họ có các nữ bộ trưởng - dù mỗi người trong số họ đều phản động và tham nhũng chẳng kém các đồng nghiệp nam.
Phiên bản cũ của PP, Ciudadanos, đặc biệt khăng khăng rằng nó một cách tự nhiên là nữ quyền. Nhưng thực tế của chủ nghĩa nữ quyền tư sản này đã bị phơi bày rõ ràng bởi thực tế là chính lãnh đạo đảng Albert Rivera đã tuyên bố rằng họ không thể ủng hộ cuộc tấn công của nữ quyền vào ngày 8 tháng 3 chỉ vì nó chống chủ nghĩa tư bản. Cũng phải lưu ý rằng những chính trị gia của Ciudadanos cuối cùng cũng quyết định gia nhập các cuộc biểu tình nhưng đã bị chính những người biểu tình la ó và trục xuất khỏi phong trào.
Ngay cả trong số bộ phận tiên tiến nhất cũng có đủ những nhầm lẫn và ảo tưởng, được nuôi dưỡng một cách có chủ ý bởi các nhà “lý thuyết gia” nữ quyền tư sản và tiểu tư sản. Một ý tưởng trong số đó được phổ biến một cách rộng rãi đó là đặc tính “đường ngang” của phong trào, đó là phong trào bao hàm tất cả phụ nữ bất kể vị trí giai cấp, tư tưởng chính trị...
Với cách tiếp cận thân thiện và kiên nhẫn, chúng ta có thể chống lại những định kiến này và làm rõ sự nhầm lẫn. Nhưng chúng ta phải tránh hòa tan biểu ngữ của mình. Để thu hút được những yếu tố tốt nhất trong phong trào cần phải duy trì mọi lúc vị thế Marxist vững chắc và rõ ràng.
Chúng ta có cần thiết tự nhận mình là nữ quyền để liên kết với xu hướng quan trọng này? Với tất cả kinh nghiệm của chúng ta đó là điều không thể. Một ví dụ đáng lưu ý. Tại Antequera (Málaga), chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp về tổ chức đình công nữ quyền vào ngày 8 tháng 3 với một số diễn giả nữ từ cánh tả và các tổ chức công đoàn. Một trong những đồng chí nữ của chúng tôi đã phát biểu tại cuộc họp, giải thích rằng cô ấy là một đoàn viên công đoàn đồng thời cũng là một người Marxist cách mạng và phác họa chương trình hành động của chúng tôi. Kết thúc cuộc họp, một nhóm phụ nữ trẻ, ngay lập tức tiếp cận cô tại quầy hàng của chúng tôi và nói rằng họ muốn tham gia. Những phụ nữ trẻ này rõ ràng coi bản thân là nữ quyền. Nhưng đó không phải là trở ngại trong khi họ tiếp cận chương trình của chủ nghĩa Marx.
Nếu các đồng chí của chúng ta đã áp dụng một thái độ bè phái và giáo điều đối với phong trào, họ chắc chắn sẽ xa lánh những người phụ nữ như vậy. Không cần phải nghi hoặc để nói rằng đó là một cách tiếp cận ngu ngốc. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn phải giữ nguyên tắc, chúng ta là những người Marxist đang đấu tranh cho quyền của phụ nữ và chúng ta tin rằng cuộc đấu tranh quan trọng này chỉ có thể giành thắng lợi khi nó là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp cách mạng nói chung cho một sự thay đổi xã hội tới tận gốc rễ.
Ở đây có một sự tương đồng rất rõ ràng trong thái độ của những người theo chủ nghĩa Marx đối với câu hỏi quốc gia. Chúng ta có ủng hộ nhu cầu đòi độc lập của Catalonia khỏi nhà nước Tây Ban Nha không? Vâng, đúng vậy. Nhưng trong khi làm như vậy, chúng ta cũng phải giải thích rõ ràng rằng, trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản, độc lập sẽ không giải quyết được điều gì. Lập trường của chúng tôi là một Cộng hòa Công nhân Catalan, trong tương lai có thể tạo thành một phần của liên đoàn xã hội chủ nghĩa của nhân dân Iberia.
Nhưng do đó chúng ta có thể tự gọi mình là những nhà Marxist dân tộc không? Chắc chắn không! Chúng ta không phải là những người theo chủ nghĩa dân tộc, mà là những người theo chủ nghĩa quốc tế vô sản. Một phần trong chương trình quốc tế cách mạng của chúng ta là sự hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của nhân dân Catalan để giải thoát mình khỏi sự đô hộ của nhà nước Tây Ban Nha phản động, chính phủ PP thối nát và chế độ quân chủ phi dân chủ được thừa hưởng từ thời Franco. Với điều đó thì cụm từ Marxist dân tộc hoàn toàn mâu thuẫn.
Một lần nữa, kinh nghiệm của chúng tôi ở Catalonia đã chỉ ra rằng không cần thiết phải sử dụng ngôn ngữ khó hiểu đến vậy để thuyết phục các yếu tố tốt nhất và cách mạng nhất trong công nhân và thanh niên, nhiều người trong số họ bắt đầu hiểu bản chất hạn chế và phản động của chủ nghĩa dân tộc tư sản và tiểu tư sản và sẵn sàng tìm kiếm một sự thay thế triệt để, cách mạng và giai cấp hơn.
Xét cho tới cùng thì tất cả các câu hỏi - câu hỏi về áp bức dân tộc, cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc - đều có một đặc điểm giai cấp. Và đó là phân giới cơ bản để xác lập vị trí của chủ nghĩa Marx so với chủ nghĩa dân tộc, nữ quyền và mọi biểu hiện khác của cuộc đấu tranh chống áp bức.
Phong trào ngày 8 tháng 3 ở Tây Ban Nha rất thích hợp để nhấn mạnh điểm này. Phong trào quần chúng chống lại sự áp bức phụ nữ có một tiềm năng cách mạng to lớn. Nhưng tiềm năng này chỉ có thể được phát huy tối đa khi nó vượt ra khỏi những giới hạn hẹp hòi của nữ quyền tư sản và tiểu tư sản và liên kết mình với phong trào đấu tranh chung của giai cấp công nhân nhằm thay đổi xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta là hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi cần thiết đó.
Trong khi tích cực tham gia vào các phong trào như vậy và cố gắng thu hút về mình các yếu tố tốt nhất, chúng ta phải luôn luôn phơi bày sự phân chia giai cấp sâu sắc tồn tại trong tất cả các phong trào này, đặt mình vào giữa những trào lưu tiến bộ của chúng, trong khi vạch mặt và chỉ trích vai trò lãnh đạo phản động của giai cấp tư sản và tiểu tư sản.
Tầm quan trọng của lý thuyết
Engels thường nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết đối với phong trào cách mạng. Ông chỉ ra rằng không chỉ có hai hình thức đấu tranh (chính trị và kinh tế), mà là ba, đặt cuộc đấu tranh lý thuyết ngang tầm với hai hình thức đầu tiên. Lenin hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Engels khi ông viết trong Phải làm như thế nào? :
Điều kiện tiên quyết để xây dựng một chủ nghĩa Marxist quốc tế chân chính là sự bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx. Điều này bao hàm một cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại tất cả các ý tưởng xét lại, mà về bản chất là sự phản ánh của áp lực từ các lực lượng xa lạ đối với phong trào công nhân.
Marx và Engels đã tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi nỗ lực để nhấn chìm xuống đáy những ý tưởng của phong trào, bóc trần một cách không khoan nhượng những lý thuyết sai lầm, đầu tiên là chủ nghĩa xã hội không tưởng sau đó của những người theo Proudhon và Bakunin, cuối cùng chống lại xu hướng cơ hội Katheder-Sozialisten như Dühring - vị giáo sư đại học "thông minh", người giả bộ như "đang cập nhật lại ý tưởng chủ nghĩa xã hội", nhưng thực chất là cố gắng tước bỏ bản chất cách mạng của chủ nghĩa Marx.
Lenin, ngay từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng đã tuyên chiến với những người “trẻ tuổi”, những người như Dühring, tuyên bố rằng một vài ý tưởng của Marx đã lỗi thời và cần phải được sửa đổi, yêu cầu sự “phê bình tự do”. Ông đã chỉ ra rằng cái gọi là “sự phản đối chủ nghĩa giáo điều”, chỉ là cái cớ để họ thay thế nội dung cách mạng của chủ nghĩa Marx bằng chính sách cơ hội với “những hành động nhỏ mọn”, một xu hướng sau này được kết tinh thành xu hướng Menshevik.
Sau đó, trong thời kỳ phản động sau sự thất bại của Cách mạng 1905, tâm trạng tuyệt vọng giữa các tầng lớp trí thức trung lưu đã len lỏi vào bên trong Bolshevik khi một bộ phận lãnh đạo (Bogdanov và Lunacharsky) bắt đầu rêu rao về tính thời thượng của chủ nghĩa duy tâm chủ quan (Neo-Kantianism) và chủ nghĩa thần bí.
Không phải ngẫu nhiên mà Lenin đã viết ra một trong những tác phẩm triết học quan trọng nhất của mình, ”Chủ nghĩa duy vật và phê bình Empirio” để chống lại những ý tưởng này. Chúng ta cần phải nói thêm rằng Lenin đã sẵn sàng cắt đứt với phần lớn các nhà lãnh đạo Bolshevik về những câu hỏi triết học này, tương tự với chính trị cực tả.
Trước khi chết Trotsky đã tham gia vào một cuộc đấu tranh rất gay gắt chống lại khuynh hướng tiểu tư sản của SWP ở Mỹ (Burnham và Shachtman) trong câu hỏi về bản chất giai cấp của Liên Xô. Trotsky giải thích rằng họ đã sai lầm khi khước từ sự bảo vệ Liên Xô, bởi một mặt, đó là sự phản ánh áp lực của các tầng lớp xa lạ ( trí thức tiểu tư sản) lên SWP, mặt khác, là sự bác bỏ triết học Marxist ( tính biện chứng) .
Từ một vài ví dụ này, chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của cuộc đấu tranh lý thuyết trong suốt lịch sử phong trào của chúng ta. Điều làm nên khuynh hướng Marxist quốc tế (IMT) trước tất cả các khuynh hướng khác trên hết là thái độ siêng năng của chúng ta đối với lý thuyết. Trong hơn một thế kỷ rưỡi, chủ nghĩa Marx đã thiết lập được một chương trình khoa học dựa trên những quy luật chi phối sự vận động của xã hội tư bản. Đây là một cuộc chinh phạt khổng lồ, mà chúng ta phải bảo vệ để chống lại tất cả các cuộc tấn công - cho dù là từ cánh hữu hay cánh tả.
IMT có một truyền thống đáng tự hào về mặt này. Trong thời kỳ mà nhiều người đang từ bỏ các ý tưởng của chủ nghĩa Marx, bao gồm nhiều người trước đây tự nhận là “Cộng sản”, chúng tôi vẫn không nản lòng trong việc bảo vệ những ý tưởng căn bản của Marx, Engels, Lenin và Trotsky. Đây là những gì đã đặt chúng tôi vững chắc trước các xu hướng khác trong phong trào lao động.
Chúng tôi luôn từ chối nhượng bộ những người theo chủ nghĩa xét lại, những người đang phản ánh những áp lực của hệ tư tưởng tư sản và tiểu tư sản. Chúng tôi vẫn đứng vững trước những điệp khúc chói tai đòi hỏi những “ý tưởng mới” để thay cho những ý tưởng được cho là “đã lỗi thời” của Marx, trong thực tế, đó vẫn là những ý tưởng cấp tiến nhất, những ý tưởng duy nhất có thể giải thích cuộc khủng hoảng hiện nay và cho thấy cách để ra khỏi nó.
Sự suy đồi về văn hóa
Có những giai đoạn trong lịch sử được đặc trưng bởi một tâm trạng bi quan, nghi ngờ và tuyệt vọng. Trong những thời kỳ này, khi niềm tin vào xã hội hiện tại và hệ tư tưởng của nó mất đi, mọi người mong mỏi tìm kiếm một sự thay thế khả dĩ, do đó mà sản sinh nhu cầu cuộc cách mạng. Nhưng xã hội cũ, mặc dù đang mục rữa vẫn còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Không còn khả năng thúc đẩy sự tiến bộ, nó trở thành nguồn gốc của tiêu cực, cũng tựa như một xác chết đang tỏa ra mùi hôi thối.
Trong những ngày tuổi trẻ, giai cấp tư sản đặt niềm tin vào sự tiến bộ, bởi vì, mặc cho tất cả những đặc điểm tàn bạo và bóc lột của chính nó, chủ nghĩa tư bản vẫn đóng một vai trò rất tiến bộ trong việc phát triển lực lượng sản xuất, nhờ đó mà đã đặt nền tảng vật chất cho một giai đoạn cao hơn của xã hội loài người: chủ nghĩa xã hội.
Trong quá khứ, khi giai cấp tư sản vẫn có khả năng đóng vai trò tiến bộ, nó là một hệ tư tưởng cách mạng. Nó tạo ra những nhà tư tưởng vĩ đại và độc đáo: Locke và Hobbes, Rousseau và Diderot, Kant và Hegel, Adam Smith và David Ricardo, Newton và Darwin. Nhưng trong thời kỳ suy tàn của nó sản phẩm trí tuệ của giai cấp tư sản phản ánh tất cả những dấu hiệu của sự lão hóa ngày càng nặng.
Sự thất bại của chủ nghĩa hậu hiện đại để tiến lên phía trước về mặt triết học trong thời đại của chúng ta tự nó đã là một sự thú nhận về sự phá sản tệ hại nhất của giới trí thức. Những trí thức hợm hĩnh sải bước quanh khuôn viên trường đại học với dáng vẻ bề trên và một thái độ khinh miệt hoàn toàn các nhà triết học trong quá khứ; nhưng sự nghèo nàn về nội dung của cái gọi là triết học này quá rõ ràng đến nỗi những con bọ chét hậu hiện đại ngay lập tức bị thu nhỏ lại tới mức không là gì khi so sánh với bất kỳ nhà tư tưởng vĩ đại nào.
Chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận khái niệm tiến bộ lịch sử nói chung, đơn giản là vì cái xã hội sinh ra nó đã không còn khả năng tiến bộ. Những “kẻ phát ngôn” của chủ nghĩa hậu hiện đại này có thể trở nên quan trọng đơn giản chỉ là vì một triết học mới tự nó đã là một sự lên án mạnh mẽ cho sự phá sản về lý thuyết của chủ nghĩa tư bản và tầng lớp trí thức tư sản trong kỷ nguyên suy tàn của chủ nghĩa đế quốc. Như Hegel từng nói: “Bằng cách thỏa mãn ít nhất có thể nhu cầu tinh thần của con người, chúng ta có thể đo lường mức độ thiếu thốn của nó.”
Đây không phải là một sự ngẫu nhiên. Kỷ nguyên hiện tại được đặc trưng bởi sự mơ hồ về tư tưởng, sự bội phản, sự tan rã và chia rẽ. Trong hoàn cảnh đó, một tâm trạng bi quan bao trùm lên tầng lớp trí thức, những người mà mới ngày hôm qua hãy còn tin rằng chủ nghĩa tư bản sẽ không bao giờ kết thúc và sự đảm bảo vĩnh viễn mức sống sung túc.
Để cứu các chủ ngân hàng, chủ nghĩa tư bản đang chuẩn bị hy sinh phần còn lại của xã hội. Hàng triệu người đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Sự phá hủy trên toàn thể không chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp lao động, mà còn mở rộng tới tầng lớp trung lưu, các sinh viên và giáo sư, các nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên, các nhạc sĩ và nghệ sĩ, giảng viên và bác sĩ.
Có một sự lên men trong toàn thể tầng lớp trung lưu, trong đó biểu hiện cấp tính nhất của nó được tìm thấy trong tầng lớp trí thức. Đây là một tầng lớp, bị nghiền nát giữa các trùm tư bản và giai cấp công nhân, cảm nhận một cách sâu sắc sự bấp bênh trong hiện trạng của chính nó. Trong khi một số đang bị cực đoan hóa về phía cánh tả, thì phần lớn, đặc biệt là trong giới hàn lâm, bị trói chặt trong tâm trạng bi quan và do dự.
Khi họ nói rằng “không có thứ gì gọi là tiến bộ”, điều đó thực sự có nghĩa là: xã hội hiện tại hoàn toàn không có gì để đảm bảo rằng ngày mai sẽ đỡ tệ hơn ngày hôm nay. Điều đó hoàn toàn chính xác, nhưng, thay vì đưa ra kết luận rằng cần phải chiến đấu để lật đổ cái hệ thống hiện tại đã đưa loài người vào ngõ cụt của lịch sử và đe dọa tương lai của cả nền văn minh và văn hóa nhân loại, thì họ lại cuộn mình vào một góc, chạy trốn khỏi bản thân và cố an ủi cái lương tâm đang cắn rứt rằng “dù sao đi nữa thì điều đó cũng không phải là một sự tiến bộ!”
Mặt khác, thoát khỏi những định kiến hẹp hòi, thiếu tầm nhìn và sự hèn nhát của trí thức này, không tránh khỏi sự tuôn ra những kết luận thực dụng hơn: Một sự từ chối ý tưởng cách mạng trong việc ủng hộ “những hành động nhỏ bé” (như những cuộc tranh luận vụn vặt về ngôn từ và “những bài tường thuật”) , phủ nhận cuộc đấu tranh giai cấp, đặt “cái tôi” bản thân lên trên người khác, do đó mà dẫn tới sự chia rẽ ngày càng tăng, và cuối cùng là nguyên tử hóa phong trào.
Tất nhiên, có những sự khác biệt giữa ngày hôm nay và thời điêm năm 1908 khi Lenin phải đấu tranh quyết liệt để bảo vệ các ý tưởng. Nhưng sự khác biệt này chỉ đơn thuần là về hình thức. Còn nội dung thì rất giống nhau, tựa như song sinh vậy. Và kết quả thực tế của điều này là trăm phần trăm phản động.
Một thời đại của sự bội phản
Lenin luôn trung thực trước các vấn đề và mối trở ngại. Khẩu hiệu của ông là: Nói đi đôi với làm. Đôi khi sự thật không dễ chịu chút nào, nhưng chúng ta luôn phải nhìn thẳng vào nó. Một trong những sự thật đó là trước những hoàn cảnh khách quan và chủ quan, phong trào cách mạng đã thoái trào và những lực lượng chân chính của chủ nghĩa Marx bị giảm xuống chỉ còn là thiểu số. Bất cứ ai phủ nhận điều đó chỉ đơn thuần là tự lừa dối bản thân và những người khác.
Trong những thập kỷ gần đây, người ta gào thét đến chói tai những yêu cầu sửa đổi các định đề cơ bản của chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx, theo họ, đồng nghĩa với “chủ nghĩa giáo điều” hay thậm chí là cội nguồn của chủ nghĩa Stalin. Hoàn toàn không phải là một tình cờ khi người ta cố công tìm kiếm tuyệt vọng “những ý tưởng hiện đại” nhằm thay thế cho “những ý tưởng cũ đã bị mất uy tín” của chủ nghĩa Marx.
Giai cấp công nhân không sống tách biệt với các giai cấp khác và chắc chắn chịu ảnh hưởng của những ý thức giai cấp và hệ tư tưởng xa lạ. Chúng ta cũng vậy, sống và làm việc trong xã hội, cũng thường xuyên phải chịu những áp lực và tâm trạng này. Tâm trạng của toàn xã hội cũng có thể thâm nhập vào giai cấp công nhân và các tổ chức của nó. Trong thời kỳ mà đấu tranh giai cấp giậm chân tại chỗ, áp lực từ giai cấp tư sản và đặc biệt là giai cấp tiểu tư sản được tăng cường.
Sau một thời gian dài khi các công nhân rơi vào trạng thái thụ động, các phần tử tiểu tư sản trở thành tiếng nói hàng đầu trong phong trào lao động và công nhân bị gạt sang một bên. Tiếng nói của công nhân bị nhấn chìm bởi dàn hợp xướng của những kẻ “khôn ngoan”, những kẻ đã mất hết ý chí chiến đấu và chỉ lo thuyết phục công nhân rằng cách mạng rồi sẽ chỉ mang tới cho họ những giọt nước mắt và sự thất vọng.
Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Stalin, bối rối và suy sụp về ý thức hệ trở thành tâm trạng chung. Nhiều người đã giã từ phong trào cộng sản trong khi sự nhạo báng và chủ nghĩa hoài nghi trở thành cái mốt thời thượng. Thất vọng trước sự phản bội của các đảng Xã hội và đảng Cộng sản, các trí thức cánh tả đã đáp lại, không phải bằng cách cắt đứt với chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa cải cách, mà bằng cách tránh xa những tư tưởng của Marx và cách mạng chủ nghĩa xã hội nói chung.
Nhiều người, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa Stalin, đã từ bỏ chủ nghĩa Marx và cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và bắt đầu sự truy tìm viển vông những “phương thức mới” ( giống như chiếc nồi vàng ở cuối cầu vồng sẽ chẳng bao giờ có thể tìm ra). Đối với những kẻ hoài nghi già nua này, tất cả những mơ ước thời trẻ về cách mạng giờ đây có vẻ như chỉ là sự dại dột (những sai lầm của tuổi trẻ, như Heinz Dieterich, người theo chủ nghĩa xét lại, thích gọi chúng như vậy). Và người ta cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ để đoạn tuyệt với quá khứ, để sửa chữa những sai lầm của tuổi trẻ và cùng với đó là ngăn thế hệ trẻ theo đuổi con đường “tội lỗi đó”.
Các tổ chức của phong trào lao động dần dần bị đẩy sang cánh hữu. Công nhân bị gạt sang một bên bởi các tầng lớp trung lưu. Chính điều này đã khiến nhiều công nhân rơi vào trạng thái thụ động và dẫn tới sự gia tăng của yếu tố tiểu tư sản.
Trong những giai đoạn như vậy, tiếng nói của công nhân bị nhấn chìm bởi dàn hợp xướng của “sự cách tân” ví dụ như “chủ nghĩa tân hiện thực”,“lao động mới” , vân vân và vân vân. Những ý tưởng tiểu tư sản ngày càng chiếm ưu thế trong khi những ý tưởng về chính trị giai cấp và chủ nghĩa xã hội cách mạng được tuyên bố là “đã lỗi thời”. Thay vì “chủ nghĩa Marx giáo điều” chúng ta có rất nhiều, rất nhiều những ý tưởng khác nhau: chủ nghĩa hòa bình, nữ quyền, chủ nghĩa môi trường - thực tế, là bất kỳ “học thuyết” nào bạn thích, ngoại trừ, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx.
Trotsky đã phải đối phó với một hiện tượng tương tự khi ông viết Chương trình chuyển tiếp vào năm 1938:
Ngày nay vấn đề không tốt hơn là mấy với các giáo phái cực tả, những kẻ tồn tại một cách khổ sở bên lề của phong trào lao động. Mặc dù họ viện dẫn Marx, Lenin và Trotsky mọi lúc, họ không thèm in lại các tác phẩm của họ, được ưa chuộng hơn là những ý tưởng “hiện đại” (hay hậu hiện đại) mà họ đã tiếp quản một cách bất chính từ giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Phe phái Mandelite ( còn được gọi là Ban thư ký Thống nhất của Quốc tế thứ tư) là ví dụ rõ ràng nhất cho điều này.
Ở một thái cực khác, các giáo phái như Taaffeites (CWI), SWP ở Anh và Lutte Ouvrière ở Pháp ném mình trở lại bãi lầy của “chủ nghĩa kinh tế” điều mà chính Lenin đã từng lên án mạnh mẽ. Bộ mặt mị dân của “chủ nghĩa công nhân” và sự khước từ sinh viên và trí thức chỉ là mặt tiền để che đậy cho sự khinh miệt đối với lý thuyết và thay thế chính trị cách mạng bằng cái gọi là “chính trị thực dụng” và “vấn đề của bánh mì và bơ”. Thật khó có thể thấy sự xuyên tạc chủ nghĩa Marx chân chính nào tồi tệ hơn được nữa.
Ý tưởng mới cho cái cũ
Trong câu chuyện Aladdin và cây đèn thần, tên phù thủy nham hiểm hóa trang thành một người bán hàng rong và đề nghị đổi miễn phí chiếc đèn cũ kỹ lấy chiếc đèn mới, sáng bóng. Công chúa vợ Aladdin đã dại dột chấp nhận lời đề nghị, và vì thế mất đi thần đèn đầy sức mạnh. Đó tuy là một câu chuyện giải trí nhưng lại chứa đựng một thông điệp nghiêm túc: Thật dại dột khi đánh đổi những thứ mà giá trị đã được chứng minh bằng một thứ trông hào nhoáng nhưng hóa ra lại là giả tạo.
Thật mỉa mai khi chính vào thời điểm này, khi cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn minh oan cho chủ nghĩa Marx thì lại có một cuộc đua thực sự của “cánh tả” để vứt bỏ lý thuyết Marxist ra khỏi tàu, như thể nó là thứ vô dụng thừa thãi. Những người nguyên là “cộng sản” mới chỉ trước đây ít lâu thậm chí còn né tránh nói về chủ nghĩa xã hội và quăng vào sọt rác những tác phẩm của Marx và Engels.
Những ý tưởng cách mạng của chủ nghĩa Marx được trình bày như thể đã lỗi thời và không còn thích hợp. Những trí thức trung lưu và những “kẻ cấp tiến” lao mình vào nỗ lực làm mất uy tín chủ nghĩa Marx. Bầu không khí chung của sự hỗn loạn về tư tưởng, sự nghi ngờ về chủ nghĩa Marx “chính thống” và sự bác bỏ lý thuyết có thể tác động một cách nguy hiểm tới ngay cả hàng ngũ của chúng ta.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thấy những điều như vậy. Những khuynh hướng cải lương phản cách mạng luôn có mặt trong phong trào. Như chúng ta đã thấy, Marx, Lenin, Engels hay Trotsky đều đã phải đối diện với những thứ tương tự như chiến dịch cho “những ý tưởng mới”, thứ vốn luôn là khẩu hiệu của mọi nhà xét lại từ Dühring cho tới Bernstein. Chúng tôi đã giải quyết một vài trong số những lựa chọn thay thế đương đại này trong cuốn sách của Alan Woods, Cải cách hay Cách mạng, Chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21, Trả lời Heinz Dieterich.
Mưu cầu không ngừng để xét lại chủ nghĩa Marx phản ánh sự tuyệt vọng của thế hệ cũ, những người đã bị mất tinh thần bởi những thất bại trong quá khứ, đã mất đi ý chí đấu tranh cho sự thay đổi mang tính cách mạng trong thực tiễn, nhưng muốn cứu rỗi lương tâm của mình bằng cách ra vẻ như một nhà Marxist, một bậc “cao niên và kinh nghiệm”, người hiểu rằng những “ý tưởng cũ” tất cả chỉ là những giấc mơ không tưởng chẳng còn liên quan gì với thế giới thực tại.
Mục đích duy nhất của những lập luận này là nhằm thu hút sự chú ý của giới trẻ, gây nhầm lẫn tối đa và làm thành một rào cản ngăn chặn những thế hệ sau tiếp cận với chủ nghĩa Marx. Nó chỉ là tấm gương phản chiếu chiến dịch của giai cấp tư sản chống lại chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng nó nguy hiểm và tai hại hơn nhiều vì được tiến hành dưới một biểu ngữ giả dối.
Những kẻ ủng hộ nó hoàn toàn chống lại cách mạng và chủ nghĩa xã hội nhưng họ không dám thừa nhận điều này - thậm chí ngay với chính họ ( liệu họ có thực sự tin vào những điều vô nghĩa mà họ đã viết là điều mà chỉ một chuyên gia tâm lý học mới có thể xác định). Họ ngụy trang thông điệp phản động chống cách mạng và chủ nghĩa xã hội của mình dưới một lớp dày của những cụm từ “cánh tả” và “cấp tiến”, khiến cho việc xác định chúng không dễ. Những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội bị dìm xuống nước, bị sửa đổi hay chỉ đơn giản là bị quẳng đi.
Xu hướng Marxist không tránh khỏi những áp lực từ chủ nghĩa tư bản. Tâm trạng bối rối và bi quan của những người trí thức trung lưu đôi khi có thể tìm thấy tiếng vang trong phong trào Marxist, nơi họ thể hiện chính mình trong một cuộc tấn công liên tục vào “tư tưởng chính thống buồn tẻ” và đòi hỏi không ngừng cho “một thứ gì đó mới mẻ”, điều đó nhắc nhở cho chúng ta rất nhiều về tên phù thủy nham hiểm trong câu truyện của Aladdin.