CHỦ NGHĨA MARX VỚI VẤN ĐỀ DÂN TỘC (PHẦN II)

Vấn đề dân tộc có một lịch sử lâu dài trong kho vũ khí lý thuyết của chủ nghĩa Mác. Từ các tác phẩm của Marx và Engels, chúng ta có thể tìm thấy một số nhận xét rất thú vị và sâu sắc về vấn đề dân tộc. Lenin sau này cũng dựa vào những tác phẩm này để xây dựng lên lý luận kinh điển của mình về vấn đề dân tộc. Ví dụ, Marx đã xem xét rất chi tiết về vấn đề Ba Lan và Ai-len, thứ cũng chiếm sự chú ý quan trọng của phong trào công nhân châu Âu thế kỷ XIX. Thật thú vị khi thấy rằng Marx, đã tiếp cận vấn đề dân tộc không phải trên khẩu hiệu, mà là biện chứng, thay đổi vị trí của mình đối với cả hai mặt của vấn đề.


Sự khác biệt giữa phép biện chứng cách mạng và tư duy trừu tượng đã được thể hiện rõ nét trong các cuộc tranh luận về vấn đề dân tộc diễn ra giữa Marx và Proudhon trong thời kỳ Quốc tế thứ nhất. Proudhon, nhà xã hội chủ nghĩa Pháp và ông tổ của chủ nghĩa vô chính phủ, người đã bác bỏ sự tồn tại của vấn đề dân tộc. Xuyên suốt lịch sử của phong trào luôn có những giáo phái trình bày một quan niệm trừu tượng về đấu tranh giai cấp. Họ không xuất phát từ thực tiễn của xã hội như nó vốn thế mà lạc lối trong thế giới tưởng tượng của chính mình. Những đệ tử của Proudhon trong Tổng hội Quốc tế thứ nhất coi cuộc đấu tranh của người Ba Lan, người Ý và Ai-len để giải phóng dân tộc là không hệ trọng. Tất cả những gì cần thiết là một cuộc cách mạng ở Pháp, và chỉ thế là đủ; mọi người cần chờ đợi. Nhưng những người bị áp bức không thể chờ đợi, và họ sẽ không chờ đợi. Vào năm 1866, Marx đã viết cho Engels tố cáo “phái Proudhonist” ở Paris:

“...tuyên bố về dân tộc là một sự ngớ ngẩn và là sự công kích Bismarck và Garibaldi. Trong cuộc bút chiến chống lại chủ nghĩa sô vanh, chiến thuật của họ rất hữu ích và có thể lý giải được. Nhưng khi các tín đồ của Proudhon ( những ông bạn tốt của tôi ở đây, Lafargue và Longuet cũng như những người theo họ) nghĩ rằng toàn châu Âu có thể và cần phải ngồi xuống một cách yên lặng và hòa bình cho đến khi các quý ông ở Pháp xóa bỏ được sự đói nghèo và ngu dốt - Họ đã trở nên lố bịch.” (Marx và Engels, Thư từ chọn lọc ( MESC), bức thư ngày 7 tháng 6 năm 1866)

Trong Tổng hội của Quốc tế thứ nhất hay Hiệp hội Công nhân Quốc tế (IWA), Marx đã phải chiến đấu trên cả hai mặt trận; một mặt chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản như Mazzini, và mặt khác chống lại những người theo chủ nghĩa bán vô chính phủ như Proudhon, người đã phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của vấn đề dân tộc. Vào ngày 20 tháng 6 năm 1866, Marx đã viết:

"Hôm qua có một cuộc thảo luận trong Hội đồng quốc tế về cuộc chiến hiện tại...Cuộc tranh luận đã kết thúc như dự kiến, với “vấn đề dân tộc” nói chung và quan điểm chúng ta đối với nó. Đại diện của 'Nước Pháp trẻ' (không phải là công nhân) đã đưa ra thông báo rằng tất cả các dân tộc và thậm chí cả các quốc gia đều là những định kiến ​​cổ xưa. Chủ nghĩa khuấy động của Proudhon...toàn thế giới phải chờ đợi cho đến khi người Pháp chín muồi cho một cuộc cách mạng xã hội...”

Nhưng mặc dù Marx và Engels đã cân nhắc rất kỹ đối với vấn đề dân tộc, cũng như chống lại Proudhon, họ luôn coi nó là lệ thuộc vào "vấn đề của lao động", vì họ luôn cân nhắc nó hoàn toàn từ quan điểm của giai cấp công nhân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề Ba Lan

Giống như Lenin, Marx có một vị trí rất linh hoạt trong vấn đề dân tộc, điều mà ông luôn tiếp cận từ lập trường lợi ích chung của giai cấp vô sản và cách mạng quốc tế. Trong một giai đoạn từ những năm 1840 tới 1860, Marx đã chủ trương không chỉ là quyền tự quyết cho Ba Lan mà còn là độc lập hoàn toàn. Ngay cả khi thực tế là phong trào độc lập của Ba Lan lúc đó được lãnh đạo bởi giới quý tộc Ba Lan phản động. Nguyên do mà Marx giữ vị trí đó không phải là vì một tình cảm gắn bó với chủ nghĩa dân tộc, hay bởi ông thấy quyền tự quyết là một loại thần dược trị bách bệnh.

Trong một trong những tác phẩm cuối cùng của mình, Chính sách đối ngoại của Sa hoàng Nga, Engels đã chỉ ra rằng người dân Ba Lan, bằng những cuộc đấu tranh anh hùng của họ chống lại Nga hoàng, trong nhiều lần đã cứu cuộc cách mạng ở phần còn lại của châu Âu, như vào năm 1792-94 khi Ba Lan bị Nga đánh bại nhưng cách mạng Pháp đã được cứu. Nhưng có một khía cạnh khác trong vấn đề của Ba Lan:

"Trước hết, Ba Lan, hoàn toàn hỗn loạn, một nước cộng hòa quý tộc, được thành lập dựa trên sự tước đoạt và áp bức với nông dân, với một hiến pháp làm cho mọi hành động mang tính quốc gia là điều không thể, và do đó làm cho đất nước trở thành miếng mồi ngon với các nước láng giềng. Ngay từ thuở lập quốc tới giờ, như chính người Ba Lan từng nói, trải qua sự hỗn loạn, toàn bộ đất nước thường bị quân đội nước ngoài chiếm đóng, họ sử dụng nó như thể một quán rượu nhưng lại rất thường xuyên quên trả tiền. " (Marx và Engels, Tác phẩm sưu tầm (MECW), tập 27, tr. 18)

Trong suốt thế kỷ 19, vấn đề Ba Lan chiếm vị trí trung tâm trong chính trị châu Âu đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào của giai cấp công nhân. Vào tháng 1 năm 1863, nhân dân Ba Lan nổi dậy. Cuộc nổi dậy lan rộng khắp Ba Lan và dẫn đến sự hình thành một chính phủ dân tộc. Nhưng quyền lãnh đạo của cuộc nổi dậy nằm trong tay của giới quý tộc kém cỏi, những kẻ không có khả năng thức tỉnh quần chúng để tham gia vào cuộc nổi dậy. Khi quyền lực được chuyển sang tay các địa chủ lớn, những kẻ về sau hy vọng vào sự can thiệp ngoại giao từ Pháp và Anh, đã đi đến thỏa hiệp với Sa hoàng - Thứ mà ông ta luôn sẵn sàng phá vỡ. Phong trào cuối cùng đã bị Nga nghiền nát. Dĩ nhiên, người Anh và Pháp chẳng thèm nhấc một ngón tay. Nhưng ngược lại, với người lao động châu Âu cuộc nổi dậy ở Ba Lan đã khơi dậy sự cảm thông và tình đoàn kết. Quốc tế thứ nhất được thành lập vào năm 1863 như là kết quả trực tiếp của một sáng kiến ​​quốc tế nhằm hỗ trợ phong trào cách mạng của người Ba Lan. Engels đã chỉ ra rằng hy vọng duy nhất cho cuộc nổi dậy của Ba Lan là giai cấp công nhân ở châu Âu "Nếu họ cầm cự", ông viết cho Marx vào ngày 11 tháng 6 năm 1863, "họ vẫn có thể hòa vào một phong trào chung ở châu âu thứ sẽ cứu họ; nhược bằng không, nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, Ba Lan sẽ kết thúc trong mười năm, một cuộc nổi dậy kiểu này sẽ làm cạn kiệt sức chiến đấu của quần chúng trong nhiều năm. " (MESC, trang 150.)

Quan điểm của Marx đối với vấn đề Ba Lan được xác định bởi tầm nhìn cách mạng chung của ông đối với cách mạng thế giới. Vào thời điểm đó, Sa hoàng Nga là kẻ thù chính của giai cấp công nhân và nền dân chủ, một thế lực phản động quái dị ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức. Vì không có giai cấp công nhân ở Nga vào thời điểm đó, nên không có khả năng cách mạng ngay lập tức ở Nga. Như Lenin về sau đó bày tỏ, "Nga vẫn im lìm trong khi Ba Lan đang sôi sục". (LCW, Quyền tự quyết của các dân tộc, Từ tháng Hai tới Tháng Năm, 1914, tập. 20, tr. 108.) Do đó, Marx ủng hộ nền độc lập của Ba Lan như một đòn mạnh giáng vào kẻ thù chính là Nga hoàng. Nhưng vào năm 1851, Marx đã rút ra kết luận bi quan về “hiệp sĩ biếng nhác” Ba Lan, ông đã hoài nghi về triển vọng thành công của các cuộc nổi dậy do giới quý tộc Ba Lan lãnh đạo.

Từ điều này, rõ ràng là đối với cả Marx và Lenin, nhu cầu tự quyết và vấn đề dân tộc nói chung luôn chiếm một vị trí phụ thuộc vào cuộc đấu tranh giai cấp và quan điểm về cách mạng vô sản. Tức là hỗ trợ cho các phong trào vì quyền tự quyết không bao giờ là một nghĩa vụ tuyệt đối cho những người theo chủ nghĩa Marx. Chính Marx, người ban đầu ủng hộ nền độc lập của Ba Lan nhưng hoàn toàn phản đối sự độc lập của người Séc và cũng như các phong trào giải phóng ở Balkan vào nửa cuối thế kỷ 19. Hai vị trí trái ngược nhau này trên thực tế đều được thúc đẩy bởi những cân nhắc cách mạng giống nhau. Marx hiểu rằng, trong khi chiến thắng của người Ba Lan sẽ là một đòn mạnh giáng vào nước Nga Sa hoàng do vậy mà nó có ý nghĩa cách mạng, trong khi phong trào dân tộc ở Nam Slav đã được Sa hoàng sử dụng như là một công cụ trong chính sách bành trướng của nó ở Balkan. Như vẫn thường xảy ra trong lịch sử, cuộc đấu tranh của các dân tộc bé nhỏ trở thành quân cờ trong tay các thế lực phản động lớn. Bất cứ ai không nắm bắt được khía cạnh này của vấn đề dân tộc chắc chắn sẽ rơi vào một cái bẫy phản động.

Lúc sắp mất, Engels, với tầm nhìn xa phi thường, đã tiên đoán về những biến chuyển của cách mạng Nga như sau:

“Và ở đây chúng ta đến với cốt lõi của vấn đề. Sự phát triển bên trong nước Nga kể từ năm 1856, được thúc đẩy bởi chính Chính phủ, thực hiện đúng chức năng của mình. Cuộc cách mạng xã hội đã có những bước tiến lớn. Nước Nga đang ngày càng hiện đại hóa; nền sản xuất hiện đại, máy hơi nước, đường sắt, sự chuyển đổi tất cả các khoản thanh toán bằng hiện vật sang thành thanh toán bằng tiền, và cùng với điều này là sự sụp đổ của nền tảng xã hội cũ đang gia tăng nhanh chóng hơn bao giờ hết. Nhưng cùng ở một mức độ tương tự là sự không thể hòa hợp giữa nền chuyên chế của sa hoàng với một xã hội trong quá trình hình thành. Các đảng đối lập đang thành hình - lập hiến và cách mạng - mà chính phủ chỉ có thể áp chế bằng cách gia tăng sự tàn bạo. Và ngành ngoại giao của Nga sẽ chứng kiến ​​trong cơn rùng mình cái ngày mà người dân Nga đòi được lắng nghe, và khi việc giải quyết các vấn đề nội bộ của chính họ sẽ khiến họ không có thời giờ mà quan tâm tới những thứ viển vông như cuộc chinh phạt Constantinople, Ấn Độ hay siêu cường của thế giới. Cuộc cách mạng năm 1848 đã dừng lại ở biên giới Ba Lan, nay đang gõ cửa nước Nga và giờ đây, có rất nhiều đồng minh chỉ còn đợi thời điểm thích hợp để mở cánh cửa đó cho nó. "(MECW, tập 27, trang 45.)

Những dòng phi thường! Ngay từ năm 1890, 15 năm trước cuộc cách mạng Nga đầu tiên và 27 năm trước tháng 10, Engels đã dự đoán được những sự kiện lớn này và cũng liên kết số phận của vấn đề dân tộc ở châu Âu với cách mạng Nga. Sự thật đã cho thấy là Engels đúng. Như Lenin sau này giải thích, từ những năm 1880 trở đi, khẩu hiệu độc lập cho Ba Lan đã không còn là một khẩu hiệu thích hợp nữa vì sự phát triển của giai cấp công nhân ở Nga đã mở ra triển vọng cho cách mạng ở chính nước Nga.

Chiến tranh Pháp - Phổ

Dưới ảnh hưởng của Marx và Engels, Quốc tế thứ nhất đã lấy lập trường của chủ nghĩa quốc tế làm nguyên tắc trong tất cả các vấn đề cơ bản. Lập trường Quốc tế chủ nghĩa không còn chỉ đơn thuần là trên lý thuyết nữa mà còn là trong thực tiễn. Ví dụ, trong một cuộc đình công ở một quốc gia, các thành viên của Quốc tế sẽ thảo luận và giải thích các vấn đề ở mỗi quốc gia để ngăn chặn việc sử dụng công nhân nước ngoài phá hoại đình công.

Như chúng ta đã thấy, một trong những vấn đề trung tâm mà giai cấp công nhân phải đối mặt trong nửa đầu thế kỷ 19 là sự thống nhất nước Đức. Marx và Engels buộc phải có sự hỗ trợ quan trọng cho việc thống nhất nước Đức, mặc dù hành động tiến bộ khách quan này được thực hiện bằng biện pháp phản động của Bismarck. Nhưng điều này tuyệt không phải là biểu hiện của một sự đầu hàng trước Bismarck hay từ bỏ vị trí giai cấp. Quốc tế I ban đầu coi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ giai đoạn 1870-71 là cuộc chiến phòng thủ với Đức. Điều đó chắc chắn là chính xác. Chế độ Bonapartist phản động của Napoléon III đã có ý định dùng vũ lực để ngăn chặn sự thống nhất dân tộc của Đức. Nhưng ông tính toán sai, quân đội Phổ cắt qua lực lượng Pháp mất tinh thần như một con dao nóng xuyên qua bơ.

Chiến tranh Pháp-Phổ là một trường hợp điển hình cho lập trường linh hoạt và cách mạng của Marx về vấn đề dân tộc. Ông đã buộc phải hỗ trợ quan trọng cho Phổ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi nó có tính chất hoàn toàn là phòng thủ. Ở đây, vị trí của Marx đã được xác định, không phải bởi những cân nhắc hời hợt hay tình cảm ( ông ghét nước Phổ phản động của Bismarck) mà hoàn toàn từ quan điểm về lợi ích của giai cấp vô sản và cách mạng quốc tế. Một mặt, chiến thắng của Phổ sẽ mang lại sự thống nhất cho nước Đức, một nhiệm vụ tiến bộ trong lịch sử. Ở mặt khác, sự thất bại của Pháp đồng nghĩa với việc chế độ Bonapartist của Louis Bonaparte sẽ bị lật đổ, mở ra viễn cảnh phát triển cho cách mạng ở Pháp. Nó cũng sẽ là một đòn mạnh giáng vào chế độ Sa hoàng Nga kẻ đang dựa vào chính phủ Bonapartist ở Paris để giữ cho Đức bị yếu và chia rẽ. Đó là lý do tại sao Marx ban đầu ủng hộ Phổ trong cuộc chiến với Pháp, mặc dù thực tế là một chiến thắng của Phổ sẽ có tác dụng củng cố sức mạnh của Bismarck ít nhất trong một thời gian.

Nhưng tuyên bố khái quát này không làm cạn kiệt câu hỏi về thái độ của chủ nghĩa Marx đối với chiến tranh. Tại mọi thời điểm cần phải tiếp cận vấn đề dân tộc từ quan điểm giai cấp. Ngay cả khi một cuộc đấu tranh dân tộc cụ thể có một nội dung tiến bộ, thì giai cấp vô sản luôn cần phải duy trì sự độc lập giai cấp của mình khỏi giai cấp tư sản. Trong quá trình chiến tranh, Marx đã thay đổi vị trí của mình. Khi Louis Bonaparte bị lật đổ (vào tháng 10 năm 1870) và một nền cộng hòa đã được tuyên bố ở Pháp, tính chất tham chiến của Phổ đã thay đổi, từ một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sang một chiến dịch xâm lược nhằm vào nhân dân Pháp. Nó không còn mang tính chất tiến bộ và do đó mà Marx đã lên án nó. Việc Phổ chiếm Alsace-Lorraine cũng là một hành động phản động triệt để và không thể biện minh bằng cách đề cập đến nhiệm vụ tiến bộ của việc thống nhất nước Đức. Nó chỉ đơn thuần nhằm khuấy động lòng căm thù dân tộc giữa Pháp với Đức và chuẩn bị mặt bằng cho cái lò mổ đế quốc trong những năm 1914-18.

Sự thất bại của quân đội Pháp đã ngay lập tức dẫn tới cuộc cách mạng ở Pháp và mở ra trang sử huy hoàng của Công xã Paris. Marx đã khuyên các công nhân của Paris hãy chờ đợi, nhưng một khi họ hành động, anh ta lập tức lao mình vào bảo vệ cho Công xã Paris bởi lúc này bản chất của cuộc chiến đã thay đổi. Vấn đề dân tộc đối với Marx luôn phụ thuộc vào cuộc đấu tranh giai cấp (“câu hỏi lao động”). Tính đúng đắn của vị trí này được bộc lộ trong sự tương phản với hành vi của giai cấp thống trị trong mọi cuộc chiến. Cho dù sự đối kháng dân tộc giữa giai cấp thống trị ở các quốc gia chiến tranh gay gắt tới mức nào thì họ sẽ vẫn luôn đoàn kết để đánh bại các công nhân. Do đó mà các tướng quân Phổ đã đứng sang một bên trong khi kẻ thù của họ, lực lượng Versaille phản động, tấn công Paris và tàn sát những người vô sản.

Marx với Ai-len

Cũng như Ba Lan, câu hỏi về vị trí của Marx với vấn đề Ai-len cũng được xác định hoàn toàn bởi những cân nhắc mang tính cách mạng. Trong khi thông cảm một cách tự nhiên với nhân dân Ai-len bị áp bức, Marx luôn khiến các nhà lãnh đạo dân tộc tư sản và tiểu tư sản phải chịu một sự chỉ trích không thể tin nổi. Ngay từ đầu, Marx và Engels đã giải thích rằng giải phóng dân tộc Ai-len liên quan chặt chẽ đến vấn đề giải phóng xã hội, đặc biệt là một giải pháp mang tính cách mạng cho vấn đề đất đai. Phân tích tầm nhìn xa này có ảnh hưởng lớn đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung, không chỉ ở Ai-len.

Trong một lá thư gửi cho Eduard Bernstein ngày 26 tháng 6 năm 1882, Engels đã chỉ ra rằng phong trào Ai-len bao gồm hai xu hướng: Một là phong trào ruộng đất triệt để bùng nổ trong hành động hoàn toàn tự phát của nông dân và tìm thấy biểu hiện chính trị của mình trong nền dân chủ cách mạng, và hai là “phe đối lập dân tộc - tự do của giai cấp tư sản thành thị”. Đó là thực chất của phong trào nông dân trong tất cả các thời kỳ. Nó chỉ có thể thành công một khi mà nó tìm thấy được một sự lãnh đạo trong các trung tâm đô thị. Trong điều kiện hiện đại, đó là giai cấp tư sản hoặc vô sản. Nhưng giai cấp tư sản trong suốt lịch sử của mình đã tự chứng minh rằng nó không có khả năng giải quyết bất kỳ vấn đề cơ bản nào của cuộc cách mạng dân chủ tư sản - bao gồm cả vấn đề độc lập dân tộc. Ai-len là ví dụ kinh điển cho điều này.

Trọng tâm trong lập trường của Marx và Engels là triển vọng về một Liên đoàn tự nguyện gồm Ai-len, Anh, Scotland và xứ Wales . Và lập trường này luôn được liên kết với lập trường rằng công nhân phải nắm lấy quyền lực. Chính vì điều này mà đòi hỏi sự bảo vệ vô điều kiện cho sự thống nhất của giai cấp công nhân. Do đó, Engels đã viết vào tháng 1 năm 1848:

“Nhân dân Ai-len phải chiến đấu hết mình, và liên kết chặt chẽ với giai cấp công nhân Anh và những người theo Phong trào hiến chương, để giành được sáu điểm của Hiến chương Nhân dân - Bầu cử quốc hội hàng năm, phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu kín, bãi bỏ tư cách tài sản đối với các thành viên quốc hội, thanh toán cho các nghị sĩ và bình đẳng giữa các khu vực bầu cử. Chỉ sau khi giành được sáu điểm này, Sự bãi bỏ [của Liên hiệp] mới có thuận lợi cho Ai-len.” (Engels, Feargus O'Connor và người dân Ai-len, ngày 9 tháng 1 năm 1848, nhấn mạnh của chúng tôi.)

Ngay từ đầu, Marx và Engels đã tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại những người dân tộc tự do thuộc tầng lớp trung lưu Ai-len như Daniel O'Connell, kẻ đã bị họ tố cáo là một tên bịp bợm, một kẻ phản bội nhân dân Ai-len. Về sau họ đã có sự hỗ trợ quan trọng, trong một thời gian, cho những người tiểu tư sản Fenian. Điều này là hiển nhiên và chính xác ở vào thời điểm mà phong trào công nhân còn chưa tồn tại ở Ai-len, nơi vẫn còn hoàn toàn là một xã hội nông nghiệp cho tới tận những năm đầu của thế kỷ 20. Nhưng Marx và Engels không bao giờ hành động như kẻ cổ vũ cho sự lãnh đạo của những người Fenian mà luôn khẳng định một vị trí giai cấp độc lập. Họ chỉ trích gay gắt các chiến thuật phiêu lưu của tiểu tư sản Fenian, khuynh hướng khủng bố, dân tộc hẹp hòi và khước từ sự cần thiết phải liên kết với phong trào công nhân ở Anh. Bất chấp thực tế là những người Fenian là bộ phận tiên tiến nhất trong phong trào dân chủ cách mạng ở Ai-len và thậm chí còn thể hiện khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, Marx và Engels không có bất kỳ ảo tưởng nào với điều đó. Vào ngày 29 tháng 11 năm 1867, Engels đã viết cho Marx:

"Đối với những người Fenian, bạn đã hoàn toàn đúng. Sự tệ hại của người Anh không được khiến chúng ta quên rằng các nhà lãnh đạo của giáo phái này chủ yếu là những kẻ lừa đảo và là một phần của sự bóc lột và chúng ta không thể để mình phải chịu trách nhiệm cho những thứ ngu ngốc được tìm thấy trong mọi âm mưu. Và chắc chắn là chúng sẽ xảy ra. "

Lời của Engels đã sớm được chứng minh là đúng. Chỉ hai tuần sau, vào ngày 13 tháng 12 năm 1867, một nhóm người Fenian đã đánh bom nhà tù Clerkenwell ở Luân Đôn trong một nỗ lực không thành công để giải thoát những đồng đội bị cầm tù của họ. Vụ nổ đã phá hủy một số ngôi nhà lân cận và làm bị thương 120 người. Như dự đoán, vụ việc đã khơi dậy một làn sóng ác cảm chống lại Ai-len trong dân chúng. Ngày hôm sau Marx đã phẫn nộ khi viết cho Engels:

"Hành động mạo hiểm sau chót của những người Fenian ở Clerkenwell là một thứ rất ngu ngốc. Quần chúng ở London, những người đã thể hiện sự đồng cảm lớn với Ai-len, sẽ bị nó làm cho giận dữ và ngả vào vòng tay của các đảng thân chính phủ. Đừng đòi hỏi giai cấp vô sản London chấp nhận bị thổi bay chỉ để vinh danh các sứ giả Fenian. Luôn là cái kết bi thảm với một loại âm mưu như vậy, những bí mật khoa trương."

Vài ngày sau, vào ngày 19 tháng 12, Engels trả lời như sau:

“Điều ngu ngốc ở Clerkenwell rõ ràng là việc làm của một số kẻ đặc biệt cuồng tín; đó là hiểm họa từ mọi âm mưu sẽ dẫn đến sự ngu ngốc đó, bởi vì ‘sau tất cả, một cái gì đó phải xảy ra, sau tất cả điều gì đó phải được thực hiện’. Đặc biệt, đã có rất nhiều tiếng la ó ở Mỹ về vụ nổ và đốt phá doanh nghiệp này, và theo sau đó là những lời đánh giá và những xúi giục bậy bạ. Hơn nữa, những kẻ ăn thịt lại là những kẻ hèn nhát nhất, như Allen này, những kẻ coi bộ sẵn sàng đảo ngược để làm nhân chứng, và cả cái ý tưởng giải phóng Ai-len chỉ bằng cách đốt cháy một cửa hàng may đo ở London!”

Nếu Marx và Engels có thể viết ra những từ ngữ khinh miệt đến vậy về những người Fenian thì không thể đoán được họ sẽ nói ra sao về chiến thuật khủng bố của IRA trong suốt 30 năm qua, "Clerkenwell tàn bạo" khi so với nó thật chỉ là trò trẻ con. Tính phản động nhất của chủ nghĩa khủng bố cá nhân này là ở chỗ nó không làm suy yếu nhà nước tư sản, ngược lại chỉ củng cố nó nhờ việc chia rẽ giai cấp công nhân và làm suy yếu nó khi phải đối diện với những kẻ bóc lột. Đây chắc chắn là điểm hạn chế nhất của những người Fenian mà Engels đã chỉ trích khi ông viết một cách khinh bỉ rằng:

“với những gã tiểu quý tộc này, toàn bộ phong trào lao động hoàn toàn là dị giáo và nông dân Ai-len không được phép biết rằng các công nhân xã hội chủ nghĩa là đồng minh duy nhất của họ ở Châu Âu.” (MESC, Engels gửi Marx , ngày 9 tháng 12 năm 1869.)

Đương nhiên, Marx và Engels đã bảo vệ các tù nhân Fenian chống lại sự đối xử vô nhân đạo của nhà nước Anh. Họ cũng luôn bảo vệ quyền của người Ai-len để tự quyết định số phận của chính mình. Nhưng họ làm điều này từ quan điểm xã hội chủ nghĩa chứ không phải từ dân tộc chủ nghĩa. Là những nhà cách mạng kiên định và những người ủng hộ chủ nghĩa quốc tế của vô sản, Marx và Engels luôn nhấn mạnh mối liên kết giữa số phận của Ai-len với viễn cảnh về cách mạng vô sản ở Anh. Trong những năm 1840 và 1850, Marx đã nghĩ rằng Ai-len chỉ có thể giành được độc lập nhờ thắng lợi của giai cấp công nhân Anh. Nhưng sau đó, vào những năm 1860, ông đã thay đổi ý kiến và chấp nhận quan điểm rằng nhiều khả năng một chiến thắng ở Ai-len có thể sẽ là tia lửa châm ngòi cho cuộc cách mạng ở Anh. Chỉ đọc thoáng qua thôi những bài viết của Marx về vấn đề Ai-len cũng có thể thấy rằng việc ông bảo vệ độc lập của Ai-len sau năm 1860 được xác định hoàn toàn bởi lợi ích chung của cách mạng vô sản, trên hết là ở Anh, quốc gia mà ông coi là then chốt cho sự thành công của cách mạng thế giới. Trong một cuộc trao đổi bí mật với các thành viên của Tổng hội, được viết vào tháng 3 năm 1870, Marx đã giải thích quan điểm của mình như sau:

"Mặc dù sáng kiến cách mạng chắc sẽ đến từ Pháp, nhưng chỉ mình nước Anh là có thể đóng vai trò đòn bẩy cho một cuộc cách mạng quan trọng về kinh tế. Đây là quốc gia duy nhất không còn nông dân và là nơi mà sự tích tụ sở hữu ruộng đất trong tay chỉ một vài người.Đây là quốc gia duy nhất nơi mà hình thái của chủ nghĩa tư bản thể hiện trong sự phối hợp lao động trên quy mô lớn dưới sự kiểm soát của tư bản, bao trùm gần như toàn bộ nền sản xuất. Đây là quốc gia duy nhất có phần lớn dân số là những người lao động làm thuê. Đây là quốc gia duy nhất nơi mà cuộc đấu tranh giai cấp và công tác tổ chức giai cấp công nhân thực hiện bởi các Công đoàn đã đạt được một mức độ trưởng thành và phổ biến nhất định. Đây là quốc gia duy nhất, bởi vì sự thống trị của nó trên thị trường thế giới nên mọi cuộc cách mạng trong các vấn đề kinh tế sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến toàn thế giới. Nếu như chủ nghĩa địa chủ và chủ nghĩa tư bản là tấm gương kinh điển ở Anh, ở mặt khác, các điều kiện vật chất cho sự hủy diệt của chúng chính lại trưởng thành nhất ở đây. "(Xem Biên bản họp của Tổng hội Quốc tế thứ nhất, 1868-70.)

Nhìn từ điểm này, vấn đề dân tộc ở Ai-len chỉ là một phần trong bức tranh rộng lớn hơn về viễn cảnh của cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thế giới. Không thể hiểu được thái độ của Marx đối với Ai-len nếu đặt bên ngoài bối cảnh này. Nguyên do vì sao mà Marx ủng hộ nền độc lập của Ai-len sau năm 1860 là vì ông đã đi đến kết luận rằng lợi ích của giới địa chủ Anh, người có căn cứ quan trọng nhất của mình ở Ai-len, có thể dễ dàng bị đánh bại bởi một phong trào cách mạng dựa trên giai cấp nông dân Ai-len trong đó quyền tự quyết dân tộc gắn liền chặt chẽ với một giải pháp tiến bộ cho vấn đề ruộng đất. Trong cùng một bản ghi nhớ, Marx đã giải thích: “Nếu nước Anh là thành lũy của chủ nghĩa địa chủ và chủ nghĩa tư bản châu Âu thì nơi duy nhất có thể giáng cho chính quyền Anh một đòn nặng nề chính là Ai-len.”

Thứ nhất, Ai-len là bức tường thành của chế độ địa chủ Anh. Nếu nó sụp đổ ở Ai-len nó sẽ sụp đổ ở nước Anh. Ở Ai-len điều này dễ gấp trăm lần kể từ khi cuộc đấu tranh kinh tế tập trung hoàn toàn vào vấn đề sở hữu ruộng đất, kể từ khi cuộc đấu tranh này cũng đồng thời là vấn đề dân tộc, kể từ khi người dân có tinh thần cách mạng và sự giận dữ hơn ở Anh. Chế độ địa chủ ở Ai-len chỉ có thể duy trì được là bởi quân đội Anh. Ở thời điểm mà liên minh ép buộc giữa hai nước kết thúc, một cuộc cách mạng xã hội sẽ ngay lập tức nổ ra ở Ai-len, mặc dù trong những hình thức đã lạc hậu. Chế độ địa chủ ở Anh sẽ không chỉ mất đi một nguồn của cải lớn, mà còn cả lực lượng tinh thần lớn nhất của nó, đó là đại biểu cho sự thống trị của Anh ở Ai-len. Thêm nữa, chừng nào còn duy trì quyền lực cho địa chủ ở Ai-len, giai cấp vô sản Anh sẽ khiến cho họ trở nên bất khả xâm phạm ở chính nước Anh.

"Thứ hai, giai cấp tư sản Anh không chỉ khai thác sự nghèo nàn của Ai-len mà còn kìm hãm giai cấp công nhân Anh bằng những người dân nghèo nhập cư Ai-len, từ đó mà chia giai cấp vô sản thành hai phe thù địch. Ngọn lửa cách mạng của công nhân Celtic không tương đồng với bản tính của công nhân Anglo-Saxon, rắn rỏi, nhưng chậm chạp. Ngược lại, ở tất cả các trung tâm công nghiệp lớn của Anh đều có sự đối kháng sâu sắc giữa vô sản Ai-len và vô sản Anh. Người công nhân Anh căm ghét công nhân Ai-len, người họ coi như một đối thủ cạnh tranh làm giảm tiền lương và tiêu chuẩn sống. Giữa họ là sự ác cảm cả về dân tộc và tôn giáo. Giữa họ giống như những người da trắng nghèo của các bang miền Nam của Bắc Mỹ với nô lệ da đen của họ. Sự đối nghịch này giữa những người vô sản Anh được nuôi dưỡng và ủng hộ bởi giai cấp tư sản. Nó biết rằng chia rẽ này là bí quyết thực sự cho việc duy trì sức mạnh của nó.” ( Cùng nguồn)

Và Marx kết luận:

“Các nghị quyết của Tổng hội về ân xá ở Ai-len chỉ đóng vai trò mở đầu cho các nghị quyết khác, nó sẽ xác nhận rằng, ngoài công lý quốc tế, đó sẽ là tiền đề cho sự giải phóng giai cấp công nhân Anh, để thay đổi liên minh cưỡng bức hiện nay (tức là sự nô dịch Ai-len) thành liên minh của bình đẳng và tự do, nếu được, hoặc nếu cần thiết thì phải trở thành sự tách biệt hoàn toàn.” ( Cùng nguồn)

Cần lưu ý ở đây là cách mà Marx cẩn thận lựa chọn lời nói của mình, và cách anh ấy thể hiện một cách thận trọng vị trí của vô sản trong vấn đề dân tộc. Đầu tiên, vấn đề về Ai-len không thể được xem xét tách biệt khỏi quan điểm về cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thế giới, mà trong đó nó được coi là một phần không thể thiếu. Đặc biệt hơn nữa, nó còn được coi là điểm khởi đầu cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Anh. Nhưng sau đó thì sao? Marx không chấp nhận rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ai-len sẽ nhất thiết phải kết thúc bằng việc tách ra khỏi Anh. ông đã nói đến hai khả năng: hoặc là một “liên minh tự do và bình đẳng” mà ông rõ ràng coi là thích hợp hơn (“nếu được”) - hoặc “tách hoàn toàn”, mà ông cho là có thể nhưng không phải là kết quả mong muốn nhất. Hai khả năng này sẽ đi theo hướng nào rõ ràng là phụ thuộc, trên hết, vào cách hành xử và thái độ của giai cấp vô sản Anh và tầm nhìn về một thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở chính nước Anh .

Do đó, tầm nhìn của Marx luôn hướng về cách mạng vô sản và chủ nghĩa quốc tế. Điều này, và chỉ có điều này, là điều quyết định thái độ của ông đối với vấn đề Ai-len và các loại hình khác của vấn đề dân tộc. Đối với Marx và Engels, “vấn đề lao động” luôn là vấn đề trung tâm. Sẽ không bao giờ họ hạ thấp sự tuyên truyền và khích động của mình đối với vấn đề Ai-len thành một khẩu hiệu đơn giản, một dòng kiểu như: "rút quân!" hoặc là thành những cố vấn không lương cho những người theo chủ nghĩa dân tộc. Trái lại, họ đã tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại chính sách mị dân độc hại của những người dân tộc chủ nghĩa tư sản và tiểu tư sản Ai-len, và vì sự thống nhất cách mạng của giai cấp công nhân Ai-len và Anh.

Lịch sử đã chỉ ra rằng Marx và Engels đã đúng trong đánh giá của họ về những người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản và tiểu tư sản Ai-len. Năm 1922, giai cấp tư sản dân tộc Ai-len đã phản bội cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng cách đồng ý sự chia cắt giữa Bắc và Nam. Kể từ đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản đã chứng tỏ họ không có khả năng giải quyết "vấn đề biên giới". Chiến thuật của chủ nghĩa khủng bố cá nhân, bị chỉ trích mạnh mẽ bởi Marx và Engels, đã được chứng minh là vừa phản tác dụng vừa là sự bất lực. Sau 30 năm của cái gọi là "cuộc đấu tranh vũ trang" ở Bắc Ai-len, sự thống nhất của Ai-len ngày càng xa hơn bao giờ hết. Cách duy nhất để giải quyết những gì dang dở của vấn đề dân tộc ở Ai-len là trên cơ sở lập trường giai cấp, xã hội chủ nghĩa và quốc tế, lập trường của Marx, lenin, và nhà cách mạng vô sản, người liệt sĩ vĩ đại, James Connolly.

Chỉ có giai cấp công nhân mới có thể giải quyết được vấn đề bằng sự đoàn kết xung quanh một chương trình giai cấp và tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại giai cấp tư sản ở London cũng như Dublin. Điều kiện tiên quyết để thành công là sự thống nhất của giai cấp công nhân. Điều này không bao giờ có thể đạt được trên dòng dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản đã gây ra những thiệt hại khôn xiết đối với sự nghiệp đoàn kết của công nhân ở Bắc Ai-len. Các vết thương có thể, và phải, được chữa lành, nhưng nó chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở đoạn tuyệt với chủ nghĩa dân tộc và việc áp dụng các chính sách giai cấp, bằng sự hồi sinh tinh thần và ý tưởng của Larkin và Connolly. Vấn đề dân tộc ở Ai-len sẽ chỉ được giải quyết thông qua sự chuyển đổi xã hội xã hội chủ nghĩa, hoặc không bao giờ.

Quốc tế hai

Ra mắt vào năm 1889, Quốc tế xã hội chủ nghĩa, không giống như Quốc tế thứ nhất, nó bao gồm các tổ chức quần chúng dưới hình thức các đảng Dân chủ xã hội đại chúng và các công đoàn. Điều không may là Quốc tế thứ hai được khai sinh trong thời kỳ tư bản ổn định kéo dài. Chỉ trong giai đoạn 1870-1900 sản lượng dầu thế giới đã tăng gấp hai lần rưỡi. Đường sắt mở rộng hai lần rưỡi. Đức và Hoa Kỳ bắt đầu thách thức quyền bá chủ của Vương quốc Anh. Một cuộc ganh đua bắt đầu đã chia thế giới thành những phạm vi ảnh hưởng và thuộc địa. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp cũng có nghĩa là sự tăng trưởng đồng thời của giai cấp công nhân và các tổ chức của nó ở các nước tư bản phát triển. Trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ 19, giai cấp công nhân ở Hoa Kỳ và Nga đã tăng hơn ba lần. Ở Anh từ năm 1876 đến 1900, các công đoàn đã tăng gấp bốn lần. Ở Đức, số lượng thành viên công đoàn tăng từ hàng chục nghìn lên đến hàng triệu người. Và song song với điều này đã có sự tăng trưởng ổn định về số lượng thành viên, phiếu bầu và ảnh hưởng của các Đảng Dân chủ Xã hội đại chúng.

Nhưng ngay từ đầu, mặc dù về mặt lý thuyết nó đấu tranh cho chủ nghĩa Mác nhưng Quốc tế mới thiếu đi sự rõ ràng về mặt lý thuyết, điều vốn được đảm bảo bởi sự hiện diện của Marx và Engels. Xác thực cho điều này là thái độ của nó đối với vấn đề dân tộc. Quốc tế thứ hai đã không thực sự hiểu về vấn đề dân tộc, thứ đã không được thảo luận một cách thỏa đáng trong các đại hội. Năm 1896, Đại hội Quốc tế ở Luân Đôn đã thông qua nghị quyết sau đây:

“Đại hội tuyên bố ủng hộ quyền tự quyết đầy đủ cho tất cả các dân tộc và sự cảm thông với công nhân của bất kỳ quốc gia nào hiện nay đang chịu đựng ách thống trị của quân đội, quốc gia hoặc các chế độ chuyên quyền nào đó, và kêu gọi công nhân của tất cả các quốc gia đó bước vào hàng ngũ, vai kề vai với những người công nhân có ý thức giai cấp trên toàn thế giới, để tổ chức lật đổ chủ nghĩa tư bản quốc tế và thiết lập nền dân chủ xã hội quốc tế.” (Trích dẫn trong EH Carr, Cuộc cách mạng Bolshevik , tập 1, trang 423.)

Tuy nhiên, vị trí của Quốc tế thứ hai về vấn đề thuộc địa rất lập lờ và mơ hồ. Cánh tả có khuynh hướng giữ lập trường chống thực dân, nhưng vài người lại sẵn sàng biện minh cho chủ nghĩa thực dân bằng lý do "sứ mệnh văn minh". Do đó, trong các cuộc tranh luận về vấn đề thuộc địa tại đại hội Amsterdam năm 1904, đại biểu Hà Lan van Kol đã công khai bảo vệ chủ nghĩa thực dân. Ông đã chuyển tới một nghị quyết nêu rõ:

"Những đòi hỏi mới sẽ khiến cho chính chúng kết nối với nhau sau chiến thắng của giai cấp công nhân và sự giải phóng kinh tế của nó sẽ khiến cho việc chiếm hữu các thuộc địa là cần thiết, ngay cả dưới hệ thống chính quyền xã hội chủ nghĩa trong tương lai." Và ông đã hỏi đại hội: "Chúng ta có thể bỏ mặc một nửa địa cầu cho những con người vẫn còn trì trệ trong sự lạc hậu của họ, những người đã bỏ mặc sự giàu có khổng lồ trong lòng đất không khai thác và để những phần đất màu mỡ nhất của hành tinh chúng ta không được khai khẩn?" ( Cuộc đấu tranh của Lenin cho một Đảng Cách mạng , trang 5.)

Đại hội đã gửi lời chúc mức nhiệt thành tới Dadabhai Naoroji, người sáng lập và là chủ tịch của Đảng Quốc đại Ấn Độ, nhưng trong nghị quyết về Ấn Độ, trong khi kêu gọi tự trị, đã xác định rằng Ấn Độ sẽ vẫn thuộc chủ quyền của Anh. Nó không tán thành cũng không bác bỏ quan điểm của Van Kol. Trong cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư, một nghị quyết phân biệt chủng tộc đã được đại biểu của Mỹ chuyển tới và được người Áo và Hà Lan ủng hộ. Nhưng dù sao nó đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội tới mức phải rút bỏ. Tuy nhiên, việc một nghị quyết như vậy có thể được đưa ra trong một Đại hội quốc tế là một dấu hiệu áp lực của những tư tưởng tư sản và dân tộc lên các đảng Xã hội.

Cuộc cách mạng ở Nga năm 1905 đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng thuộc địa, truyền cảm hứng cho quần chúng hành động để bảo vệ khát vọng dân tộc của họ ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ấn Độ. Điều đó làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong hàng ngũ của Quốc tế xã hội chủ nghĩa về vấn đề thuộc địa và dân tộc. Tại Đại hội Stuttgart năm 1907, nơi Lenin và Rosa Luxemburg chuyển tới các sửa đổi nổi tiếng của họ về chiến tranh, đã có một cuộc tranh luận gay gắt giữa Cánh tả (trong các trung tâm thực tế) được đại diện bởi Lebedour và Cánh hữu, do người theo chủ nghĩa xét lại Eduard Bernstein dẫn đầu, về vấn đề thuộc địa. Các đại biểu Hà Lan, những người theo chủ nghĩa đế quốc tiểu tư sản điển hình, một lần nữa là những người bảo vệ chủ nghĩa thực dân thẳng thắn nhất. Cánh tả là một thiểu số trong việc chống lại nó. Trong quá trình tranh luận sôi nổi, Bernstein đã đưa ra những nhận xét sau:

“Chúng ta cần tránh xa cái quan điểm không tưởng rằng chỉ đơn giản là từ bỏ các thuộc địa. Hậu quả cuối cùng của quan điểm như vậy sẽ là đưa Hoa Kỳ trở lại Ấn Độ ( Huyên náo). Đó là các thuộc địa; chúng ta phải chấp nhận điều đó. Các nhà xã hội cũng nên thừa nhận sự cần thiết của các dân tộc văn minh phải hành động như là những người bảo vệ cho những kẻ kém văn minh.” ( Cùng nguồn, Trang 10.)

Bác bỏ lập luận về vai trò “văn minh” của chủ nghĩa thực dân, đại biểu Ba Lan Karski (Julian Marchlewski) trả lời:

“David đã quả quyết về quyền của một quốc gia trong việc giám hộ đối với một quốc gia khác. Nhưng chúng ta đều biết ý nghĩa thực sự của việc giám hộ này, cả hai Sa hoàng Nga và chính phủ Phổ cũng hành động như thể những kẻ bảo vệ cho chúng tôi (“Rất tuyệt!”), David đã trích dẫn Marx để hỗ trợ cho quan điểm của ông rằng mọi quốc gia đều phải thông qua chủ nghĩa tư bản, nhưng ở đây ông đã sai khi làm như vậy. Marx đã nói rằng các nước đã bắt đầu phát triển tư bản sẽ phải tiếp tục quá trình hoàn thành. Nhưng ông không bao giờ nói rằng đây là điều kiện tiên quyết cho tất cả các quốc gia...

“Chúng tôi, những nhà xã hội chủ nghĩa hiểu rằng có những nền văn minh khác bên ngoài châu Âu tư bản. Chúng tôi hoàn toàn không có ý tự phụ về cái gọi là nền văn minh của chúng tôi, cũng không định áp đặt nó lên các dân tộc châu Á với nền văn minh cổ đại của họ. (“Tuyệt vời!”) David nghĩ rằng các thuộc địa sẽ chìm vào sự man rợ nếu để mặc nó, nhưng với Ấn Độ dường như điều đó khó có thể xảy ra. Thay vì thế tôi hình dung rằng nếu độc lập, Ấn Độ sẽ tiếp tục thu lợi từ sự ảnh hưởng của nền văn minh châu Âu trong sự phát triển tương lai và nó sẽ phát triển theo cách này với tiềm năng tối đa của nó.” ( Cùng nguồn., Trang 11.)

Cuối cùng, nghị quyết về Ấn Độ đã không được đưa ra bỏ phiếu.

Mặc dù các nhà lãnh đạo của Quốc tế đã cố gắng hàn gắn những vết nứt bằng đủ những thủ thuật ngoại giao, nhưng kết quả cuối cùng của nó vẫn là thảm họa khi vào tháng 8 năm 1914, hầu hết các đảng của Quốc tế thứ hai, ngoại trừ Nga và Serbs, đã phản bội các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế và ủng hộ chiến tranh đế quốc. Sự vắng mặt của một chính sách quốc tế cách mạng chân chính đã được phơi bày rõ ràng vào Mùa hè năm 1914 khi Quốc tế thứ hai sụp đổ dọc theo đường ranh chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cải cách.

“Tự trị văn hóa - dân tộc”

Một biến thể đặc biệt của vấn đề dân tộc trong Quốc tế thứ hai đã được đưa ra bởi Đảng Dân chủ Xã hội Áo trước Thế chiến thứ nhất. Họ bảo vệ lý thuyết về cái gọi là tự trị văn hóa - dân tộc. Vị trí tương tự đã được thông qua ở Nga bởi Bund Do Thái. Tại Hội nghị của Dân chủ Xã hội Áo (1899), ý tưởng về quyền tự trị văn hóa dân tộc được bảo vệ bởi Nam Slav đã bị bác bỏ. Thay vào đó, Hội nghị đã thông qua khẩu hiệu Khu vực tự trị, mặc dù không đầy đủ nhưng chắc chắn là khá hơn. Sau đó, dưới ảnh hưởng của nhà lý luận ôn hòa Otto Bauer và đồng chí Karl Renner (người đã viết dưới bút danh của Rudolf Springer), Đảng đã thay đổi vị trí và thông qua đường lối tự trị văn hóa - dân tộc.
Từ chối mối liên kết giữa dân tộc và lãnh thổ, Bauer định nghĩa một dân tộc là “một cộng đồng tương đồng về đặc tính”. (Otto Bauer, Die Nationalfrage and die Sozialdemokratie, Vienna, 1924, tr.2.) Nhưng đặc tính dân tộc là gì? Bauer định nghĩa nó là "tổng hòa các đặc tính phân biệt người của một dân tộc này với người của một dân tộc khác - Những đặc tính phức tạp và thần thánh để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác." ( Cùng nguồn, tr.6.) Bản chất cũ rích của định nghĩa này là rõ ràng. Đó chỉ một phép lặp thừa thuần túy: một đặc tính dân tộc là những gì làm cho một dân tộc khác với một dân tộc khác! Và điều gì làm cho một dân tộc khác với một dân tộc khác? “Đặc tính của một dân tộc được quyết định bởi không gì khác ngoài định mệnh của họ… Một dân tộc không là gì khác ngoài một cộng đồng định mệnh [được xác định] bởi những điều kiện mà trong đó mọi người sản xuất ra phương tiện sinh hoạt và phân phối sản phẩm của họ." ( Cùng nguồn, Tr.24.)

Do đó, một dân tộc, theo Bauer, là “sự kết hợp của những người bị ràng buộc vào một đặc tính cộng đồng bởi một cộng đồng định mệnh.” ( Cùng nguồn, Tr.135). Renner định nghĩa nó như sau: “Một dân tộc là một liên minh của những con người có cùng suy nghĩ và tiếng nói, [đó là] một cộng đồng văn hóa của những người hiện đại không còn gắn liền với đất đai.” (R. Springer, Das Nationale Problem, Leipzig-Vienna, 1902, tr.35) Cách tiếp cận vấn đề dân tộc này không khoa học, mà chủ quan và "về mặt tâm lý" - có thể nói là huyền bí. Đó là một nỗ lực không thành công và cơ hội chủ nghĩa để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề dân tộc trong đế chế Áo-Hung thông qua sự nhượng bộ với chủ nghĩa dân tộc tư sản. Ngược lại, chủ nghĩa Mác tiếp cận vấn đề dân tộc từ quan điểm lịch sử - kinh tế.

Trái ngược với những người Bolshevik, những người tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề dân tộc thông qua cuộc cách mạng lật đổ Sa hoàng, Đảng Dân chủ Xã hội Áo đã tiếp cận vấn đề theo tinh thần cải cách và tiệm cận nhỏ nhặt. Bauer viết: “Do đó, trước tiên chúng tôi cho rằng dân tộc Áo sẽ vẫn ở trong cùng một liên minh chính trị, trong đó họ tồn tại cùng một lúc, và hỏi xem các dân tộc trong liên minh này sẽ sắp xếp mối quan hệ giữa họ và nhà nước như thế nào.” (Trích dẫn trong Stalin, Vấn đề dân tộc và chủ nghĩa Mác, tr.23)
Một khi mối liên kết giữa dân tộc và lãnh thổ bị phá vỡ, yêu cầu được đưa ra là nhóm các thành viên của các dân tộc khác nhau sống ở các khu vực khác nhau thành một liên minh dân tộc chung giữa các tầng lớp. Các thành viên của các nhóm dân tộc khác nhau sẽ cùng nhau tham gia các hội nghị và bỏ phiếu để quyết định họ thuộc dân tộc nào. Người Đức, người Séc, người Hung, người Ba Lan, v.v., sau đó sẽ bỏ phiếu cho Hội đồng dân tộc của riêng họ, một "nghị viện văn hóa của dân tộc", theo cách nói của Bauer. Bằng cách đó, đảng Dân chủ Xã hội Áo đã cố gắng né tránh một cú đụng độ trực diện với triều đại Habsburg và hạ thấp vấn đề dân tộc thành một vấn đề văn hóa - ngôn ngữ thuần túy. Bauer đã đi xa đến mức khẳng định rằng khu vực tự trị cho các dân tộc sẽ là bước đệm cho chủ nghĩa xã hội, “phân chia nhân loại thành các dân tộc định giới các cộng đồng” và “Hiện diện một bức tranh kẻ caro của những liên minh dân tộc của những cá nhân và đoàn thể”.

Triết lý này hoàn toàn trái ngược với quan điểm giai cấp và nguyên tắc quốc tế của chủ nghĩa Marx. Nó tiêu biểu cho chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản được ngụy trang dưới cụm từ "xã hội chủ nghĩa". Vì lẽ đó mà Lenin không tiếc lời miệt thị nó. Ông đặc biệt thù địch với ý tưởng về các trường riêng biệt dành cho các dân tộc khác nhau. Về điều này, Lenin đã viết:

“‘Tự trị văn hóa - dân tộc’ ẩn chứa một sự thâm hiểm vô cùng, và do đó nó là thứ độc hại nhất của chủ nghĩa dân tộc, nó ẩn chứa một sự hủy hoại người công nhân bằng những khẩu hiệu về văn hóa dân tộc và sự tuyên truyền có tác hại sâu sắc và thậm chí là sự chia rẽ phi dân chủ các trường học theo dân tộc. Nói tóm lại, chương trình này chắc chắn mâu thuẫn với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp vô sản và chỉ phù hợp với lý tưởng của giai cấp tư sản dân tộc chủ nghĩa.” (LCW,Chương trình quốc gia của RSDLP , ngày 15 tháng 12 năm 1913, tập. 19.)

Không nơi nào mà tính độc hại của lý thuyết tiểu tư sản này rõ ràng hơn là trong lĩnh vực giáo dục. Do đó, Lenin đã phản đối bất kỳ địa vị đặc quyền nào đối với ngôn ngữ, đồng thời để chống lại Otto Bauer và những người ủng hộ "tự trị văn hóa dân tộc", ông cũng kịch liệt phản đối việc thành lập các trường riêng biệt cho trẻ em thuộc các dân tộc khác nhau :

“Sự thi hành trong thực tế của kế hoạch ‘đặt ra ngoài’ (bên ngoài của, tách rời với, lãnh thổ mà một dân tộc cụ thể sinh sống), hay là tự trị ‘văn hóa - dân tộc’, chỉ có một ý nghĩa: chia rẽ các vấn đề giáo dục theo dân tộc, tức là việc đưa giáo dục dân tộc vào các vấn đề học đường. Nó đủ để cho thấy rõ ràng những toan tính thực chất của kế hoạch Bund nổi tiếng, đủ để cho thấy tính chất hoàn toàn phản động của nó, ngay cả từ quan điểm dân chủ, chứ đừng nói gì đến cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cho chủ nghĩa xã hội.”(LCW, Nhận xét phê phán về vấn đề dân tộc, từ tháng 10-12, 1913, tập 20.)

Ở đây chúng ta thấy sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng của Lênin và chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản. Những người mácxít sẽ chiến đấu chống lại bất kỳ hình thức áp bức dân tộc nào, kể cả áp bức ngôn ngữ. Không thể chấp nhận việc một người đàn ông hay phụ nữ bị tước quyền nói ngôn ngữ của mình, trong học tập, hay sử dụng ở tòa án hoặc bất kỳ chức năng chính thức nào khác. Nói chung, không có lý do chính đáng nào cho sự tồn tại của ngôn ngữ "chính thức" hay bất kỳ đặc quyền đặc biệt nào được trao cho ngôn ngữ này hơn là ngôn ngữ khác. Nhưng để tách trẻ em trên cơ sở dân tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo là hoàn toàn phản động và suy đồi. Sự tách biệt trong các trường học đã đóng một vai trò phản động ở Nam Phi và Hoa Kỳ. Và sự tách biệt của trẻ em Công giáo và Tin lành ở Bắc Ai-len trong cái gọi là trường tôn giáo cũng đóng một vai trò không kém phần độc hại. Tôn giáo không có chỗ trong hệ thống giáo dục và nên tách biệt hoàn toàn với nó. Nếu các nhà thờ muốn dạy các giáo lý của họ, họ phải thực hiện nó trong thời gian riêng của họ và bằng tiền riêng của họ, được huy động từ hội chúng của họ chứ không phải nhà nước. Và trong khi các trường học phải đảm bảo cho nhu cầu của các nhóm ngôn ngữ khác nhau, và phải tìm được tiền cho mục đích này, việc tách biệt trẻ em trên các dòng ngôn ngữ dân tộc sẽ tạo cơ sở cho định kiến ​​và xung đột trong cuộc sống sau này.

Sự thù địch đối với người Pháp trong cộng đồng người Flemish ở Bỉ là sản phẩm của các thế hệ phân biệt đối xử với ngôn ngữ Flemish và sự áp đặt cưỡng bức tiếng Pháp. Tuy nhiên, vẫn có thể có những sự đan xen trong vấn đề này. Ở Nam Phi, việc dạy ngôn ngữ bản địa trong các trường học (thay vì tiếng Anh) là một biện pháp để áp bức dân tộc. Một điều tương tự là những người tiêu biểu của các dân tộc không phải là người Nga đã cố gắng dạy cho con cái họ tiếng Nga. Ví dụ, trong các trường học giáo hội ở Armenia, trẻ em được dạy tiếng Nga, mặc dù điều đó không bắt buộc. Điều mà những người Bolshevik phản đối là sự phân biệt đối xử với bất kỳ ngôn ngữ nào, đối với sự đồng hóa cưỡng bức và áp đặt cưỡng bức một ngôn ngữ và văn hóa thống trị. Nhưng không có lý gì mà bất kỳ ngôn ngữ nào nên là một thứ độc quyền. Ở Thụy Sĩ không chỉ hai mà có tới ba ngôn ngữ chính thức. Bây giờ với công nghệ hiện đại, không có lý gì mọi người không thể tiếp nhận được giáo dục và giao tiếp trong quốc hội hoặc tại một tòa án của pháp luật bằng bất kỳ ngôn ngữ nào mà họ muốn. Điều không thể chấp nhận được chính là ở chỗ đưa chất độc dân tộc hoặc tôn giáo vào các trường học:

"Những người Marxist, những người dân tộc - xã hội chủ nghĩa thân yêu, có một chương trình giáo dục chung đòi hỏi, ví dụ, những trường học thế tục hoàn toàn. Theo quan điểm của những người Marxist, sự chệch hướng ra khỏi chương trình chung này không bao giờ là được phép ở mỗi quốc gia dân chủ ở bất cứ nơi đâu (và vấn đề về việc giới thiệu bất kỳ chủ đề, ngôn ngữ ‘địa phương’ nào,v.v...phải được quyết định bởi quyết định của người dân địa phương). Tuy nhiên, nguyên tắc giáo dục 'nên được rút ra khỏi phạm vi hiệu lực của nhà nước' và chuyển sang các dân tộc, tuy nhiên, cùng với đó các công nhân của chúng ta phải cho phép các 'dân tộc' trong nhà nước dân chủ của chúng ta tiêu tiền của nhân dân vào các trường giáo sĩ! Khỏi cần phải nói, ông Liebmann đã bộc lộ rõ ​​bản chất phản động của ‘tự trị văn hóa-dân tộc’!”( LCW, Nhận xét quan trọng về vấn đề dân tộc, tháng 10-12 / 1913, tập. 20.)

Về vấn đề này, như mọi khía cạnh khác của vấn đề dân tộc, trong khi kiên quyết đấu tranh với tất cả các biểu hiện của sự áp bức và phân biệt đối xử, không có ngoại lệ, những người Marxist làm thế từ một vị trí giai cấp. Do đó, tại Bỉ, nơi những người theo chủ nghĩa dân tộc Flemish và Walloon đã thử cố gắng và không may là đã có một số thành công trong việc chia rẽ xã hội Bỉ và Phong trào Lao động trên lằn ranh dân tộc bằng vấn đề ngôn ngữ, công nhân Marxist Bỉ đã đưa ra các đề xuất sự chuyển tiếp về vấn đề ngôn ngữ. Ví dụ, trong đó, một công nhân bị buộc phải học tiếng Flemish hoặc tiếng Pháp bởi chủ của họ, họ yêu cầu phải được nghỉ làm để học trong khi vẫn hưởng lương đầy đủ và các khóa học phải được trả tiền bởi các ông chủ dưới sự kiểm soát của các tổ chức công nhân, và hơn nữa, nên được trả thêm tiền để học các kỹ năng mới.

Từ tất cả những điều này cho thấy rõ ràng Lenin luôn nhất quyết đòi hỏi phải tiếp cận vấn đề dân tộc một cách nghiêm túc theo quan điểm giai cấp. “Khẩu hiệu về nền dân chủ công nhân”, Lenin viết, “không phải là ‘văn hóa dân tộc’, mà là văn hóa dân chủ quốc tế và phong trào của giai cấp công nhân toàn thế giới." (LCW, Nhận xét quan trọng về vấn đề dân tộc, tháng 10-12 / 1913, tập 20.)

Và một lần nữa:

“Chương trình dân tộc của nền dân chủ công nhân là: hoàn toàn không có đặc quyền cho bất kỳ một dân tộc hay bất kỳ một ngôn ngữ nào; việc giải quyết vấn đề tự quyết chính trị của các dân tộc, nói cách khác, sự ly khai nhà nước của họ sẽ theo cách hoàn toàn tự do và dân chủ, thông qua luật pháp bao trùm cả nước và tuyên bố bất hợp pháp và vô hiệu hóa mọi biện pháp hay bất cứ cách nào trao đặc quyền cho bất kỳ một dân tộc nào, vi phạm quyền bình đẳng của các dân tộc hoặc quyền của một dân tộc thiểu số và bằng sự công minh của luật pháp mọi công dân của nhà nước sẽ có quyền yêu cầu bãi bỏ một biện pháp như vậy vì vi hiến và truy tố hình sự những người tiến hành thực hiện nó.”( Cùng nguồn.)

Bản chất gây chia rẽ của “tự trị văn hóa - dân tộc” đã được thể hiện rõ ràng bởi những tác động có hại của nó đối với sự đoàn kết của công nhân ở chính Áo. Sau Đại hội Wimberg, Đảng Dân chủ Xã hội Áo bắt đầu chia thành các đảng dân tộc khác nhau. Thay vì một đảng công nhân thống nhất cho tất cả các dân tộc, sáu đảng riêng biệt được thành lập là Đức, Séc, Ba Lan, Ruthian, Ý và Nam Tư. Điều này khuyến khích sự lan truyền của tình cảm sô vanh và sự đối kháng dân tộc trong phong trào công nhân, với kết quả tiêu cực: Đảng Séc sẽ không liên hệ gì với Đảng Đức, v.v.

Như mọi khi, các chính sách trong thực tế của chủ nghĩa cải cách đã đạt được kết quả ngược lại với những dự định ban đầu. Chương trình tự trị văn hóa dân tộc nhằm ngăn chặn sự tan vỡ của đế chế Áo-Hung chính xác đã có tác dụng ngược lại. Việc lật đổ triều Hapsburg hẳn đã có thể dẫn đến một cuộc cách mạng vô sản giống như Cách mạng tháng Hai ở Nga. Nhưng với sự thất bại của giai cấp công nhân để nắm quyền trực tiếp đã dẫn đến sự tan rã của Áo-Hung trên các lằn ranh dân tộc, trong khi chính sách của Lenin về quyền tự quyết của các dân tộc có tác dụng đoàn kết công nhân và nông dân của hầu hết các dân tộc bị áp bức và do đó tạo ra các điều kiện cho một liên đoàn Xô Viết. Đây, không phải chủ nghĩa ly khai mà là vị trí của chủ nghĩa Bôn-sê-vích. Nó đã được minh oan sau năm 1917.

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.