Thoạt nhìn, của cải trong chế độ tư sản biểu hiện ra là một đống hàng hóa khổng lồ và từng hàng hoá là hình thái tồn tại đơn giản nhất của nó. Nhưng mỗi hàng hóa lại thể hiện dưới hai mặt là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi(1).
[Source]
Theo lối nói của các nhà kinh tế học Anh, thì hàng hoá trước hết là "một vật nào đó, cần thiết, có ích cho đời sống hoặc làm cho đời sống dễ chịu", là một đối tượng của nhu cầu của con người, là một tư liệu sinh hoạt hiểu theo nghĩa rộng nhất. Phương thức tồn tại ấy của hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng nhất trí với phương thức tồn tại tự nhiên, có thể sờ mó được của nó. Chẳng hạn, lúa mì là một giá trị sử dụng đặc biệt, khác với các giá trị sử dụng của bông, thuỷ tinh, giấy v. v.. Giá trị sử dụng chỉ có giá trị đối với việc tiêu dùng và chỉ được thực hiện trong quá trình tiêu dùng mà thôi. Cùng một giá trị sử dụng có thể được sử dụng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, tổng số các khả năng sử dụng có ích của nó đều bao hàm trong phương thức tồn tại của nó với tư cách là một vật có những thuộc tính nhất định. Hơn nữa, giá trị sử dụng không những được quy định về chất, mà còn được quy định về lượng nữa. Tuỳ theo các đặc điểm tự nhiên của chúng, các giá trị sử dụng khác nhau có những thước đo khác nhau: ví dụ một đấu lúa mì, một tập giấy, một ác-sin vải v. v..
Dù hình thái xã hội của của cải như thế nào đi nữa, các giá trị sử dụng bao giờ cũng tạo nên nội dung của của cải ấy, nội dung này lúc đầu không liên quan gì đến cái hình thái xã hội ấy. Mùi vị của lúa mì chẳng chỉ rõ ai là người đã trồng ra nó cả: người nông nô Nga, người tiểu nông Pháp hay nhà tư sản Anh. Giá trị sử dụng tuy là đối tượng của các nhu cầu xã hội, do đó nó được đặt vào trong mối liên hệ xã hội, nhưng nó không biểu hiện một quan hệ sản xuất xã hội nào cả. Ví dụ, hàng hoá đó, với tư cách là một giá trị sử dụng, là một hạt kim cương. Nhìn vào hạt kim cương, người ta không nhận ra được nó là một hàng hoá. Khi nó được dùng như một giá trị sử dụng, cho nhu cầu của thẩm mỹ hay của kỹ thuật, trên ngực người kỹ nữ hay trong tay người thợ cắt kính, thì nó là kim cương chứ không phải là hàng hoá. Đối với hàng hoá, một điều kiện tất yếu của nó phải là một giá trị sử dụng, nhưng đối với giá trị sử dụng, có là hàng hoá hay không, cũng không quan hệ gì cả. Khi giá trị sử dụng chẳng quan hệ gì tới mọi quy định kinh tế về hình thức, nghĩa là khi giá trị sử dụng được coi là giá trị sử dụng, thì nó không thuộc lĩnh vực của khoa kinh tế chính trị(2). Giá trị sử dụng chỉ thuộc về lĩnh vực này khi bản thân nó là một quy định về hình thức. Trực tiếp thì giá trị sử dụng là cái cơ sở vật chất trong đó biểu hiện một quan hệ kinh tế nhất định, giá trị trao đổi.
Trước hết giá trị trao đổi biểu hiện thành một quan hệ về lượng, theo đó các giá trị sử dụng có thể trao đổi được lẫn nhau. Trong một quan hệ như thế, các giá trị sử dụng đại biểu cho cùng một lượng trao đổi. Ví dụ, một quyển sách của Propertius và tám ôn-xơ thuốc lá hít có thể có một giá trị trao đổi giống nhau, mặc dù những giá trị sử dụng của thuốc lá và khúc bi thường có tính chất rất khác nhau. Về mặt là giá trị trao đổi, thì một giá trị sử dụng có giá trị ngang với một giá trị sử dụng khác, miễn là các giá trị sử dụng đó được lấy theo những tỷ lệ đúng đắn. Giá trị trao đổi của một lâu đài có thể thể hiện trong một số lượng hộp xi đánh giày nhất định. Ngược lại, các chủ xưởng sản xuất xi đánh giày ở London đã biểu hiện giá trị của hàng ngàn hộp xi của họ bằng các lâu đài. Như vậy, hàng hoá hoàn toàn không phụ thuộc gì vào hình thức tồn tại tự nhiên của chúng và vào bản chất đặc thù của những nhu cầu mà chúng thoả mãn với tư cách là giá trị sử dụng, lấy theo những số lượng nhất định chúng sẽ bằng nhau, thay thế lẫn nhau trong trao đổi, đóng vai những vật ngang giá, và do đó, chúng đại biểu cho cùng một thể thống nhất mặc dù bề ngoài chúng muôn màu muôn vẻ.
Các giá trị sử dụng đều trực tiếp là tư liệu sinh hoạt. Nhưng, ngược lại, bản thân các tư liệu sinh hoạt ấy lại là sản phẩm của đời sống xã hội, là kết quả của sức sống đã tiêu phí của con người, chúng là lao động được vật hoá. Về mặt là lao động xã hội vật thể hoá, tất cả mọi hàng hóa đều là kết tinh của cùng một thể thống nhất. Tính chất của thể thống nhất ấy, tức là của lao động thể hiện trong giá trị trao đổi, chính là điều mà bây giờ chúng ta phải xem xét.
Giả thiết rằng 1 ôn-xơ vàng, 1 tấn sắt, 1 quác-tơ lúa mì và 20 ác-sin lụa đại biểu cho những giá trị trao đổi bằng nhau. Với tư cách là những vật ngang giá, trong đó sự khác nhau về chất của giá trị sử dụng đã mất đi, chúng đại biểu cho một khối lượng ngang nhau của một lao động giống nhau. Lao động được vật hoá với những lượng bằng nhau trong các sản phẩm đó, phải là một thứ lao động giống nhau, không phân biệt, giản đơn, thể hiện ra trong vàng, sắt, lúa mì hay lụa, đối với thứ lao động đó cũng chẳng quan hệ gì cả, cũng như đối với dưỡng khí nằm ở trong rỉ sắt, không khí, nước nho hay là máu người ta, điều đó đối với nó cũng chẳng quan hệ gì cả. Nhưng khai thác vàng, lấy sắt ở mỏ, trồng lúa mì và dệt lụa là những loại lao động khác nhau về chất. Trên thực tế, sự khác nhau về vật thể giữa các giá trị sử dụng thể hiện ra trong quá trình sản xuất dưới hình thức sự khác nhau trong hoạt động sáng tạo ra các giá trị sử dụng ấy. Lao động sáng tạo ra giá trị trao đổi không phân biệt đối với chất liệu riêng biệt của các giá trị sử dụng, nên nó cũng không phân biệt đối với hình thức riêng biệt của bản thân lao động. Hơn nữa, những giá trị sử dụng khác nhau là những sản phẩm của hoạt động của những cá nhân khác nhau, tức là kết quả của các loại lao động có cá tính khác nhau. Nhưng, là những giá trị trao đổi, các giá trị trao đổi có đại diện cho thứ lao động giống nhau, không có những sự phân biệt nghĩa là thứ lao động trong đó không còn cá tính của các người lao động. Cho nên lao động tạo ra giá trị trao đổi là lao động chung trừu tượng.
Nếu như 1 ôn-xơ vàng, 1 tấn sắt, 1 quác-tơ lúa mì và 20 ác-sin lụa là những lượng giá trị trao đổi bằng nhau, hay là những vật ngang giá, thì 1 ôn-xơ vàng, ½ tấn sắt, 3 bu-sen lúa mì và 5 ác-sin lụa là những giá trị trao đổi có lượng hoàn toàn khác nhau, và sự khác nhau về lượng đó là sự khác nhau duy nhất mà nói chung các giá trị trao đổi có, với tư cách là giá trị trao đổi. Là những giá trị trao đổi có lượng khác nhau, các giá trị trao đổi đại diện cho một cái gì nhiều hơn hay ít hơn, cho những số lượng lớn hay nhỏ của thứ lao động giản đơn, giống nhau, chung, trừu tượng, cấu thành thực thể của giá trị trao đổi. Vấn đề đặt ra là: đo lường các lượng đó như thế nào? Hay nói cho đúng hơn: phương thức tồn tại về lượng của bản thân thứ lao động ấy là như thế nào, vì những sự khác nhau về lượng của hàng hoá với tư cách là giá trị trao đổi chỉ là những sự khác nhau về lượng của lao động đã vật hóa trong hàng hoá. Phương thức tồn tại về lượng của vận động là thời gian, cũng vậy, phương thức tồn tại về lượng của lao động là thời gian lao động. Khi chất lượng của lao động được xác định rồi, thì sự khác nhau duy nhất riêng có của lao động là sự khác nhau về độ dài của bản thân lao động. Với tư cách là thời gian lao động, lao động được đo bằng những đơn vị đo lường tự nhiên của thời gian: giờ, ngày, tuần lễ v. v.. Thời gian lao động chính là phương thức tồn tại sinh động của lao động, không kể hình thức, nội dung, cá tính của nó như thế nào; thời gian lao động chính là phương thức tồn tại sinh động của lao động về lượng, đồng thời cũng là thước đo nội tại của phương thức đó. Thời gian lao động được vật hóa trong các giá trị sử dụng của hàng hoá, là cái thực thể làm cho các giá trị sử dụng trở thành những giá trị trao đổi, vì vậy trở thành những hàng hoá, đồng thời nó cũng đo những lượng nhất định của giá trị của hàng hoá. Những lượng so sánh của các giá trị sử dụng khác nhau mà trong đó thời gian lao động giống nhau được vật hoá, là những vật ngang giá, hay là tất cả các giá trị sử dụng đều là những vật ngang giá theo những tỷ lệ trong đó các giá trị sử dụng này chứa đựng những lượng giống nhau về thời gian lao động đã chi phí, đã được vật hoá. Với tư cách là những giá trị trao đổi, tất cả các hàng hoá chỉ là những lượng nhất định của thời gian lao động đã kết đọng lại.
Để hiểu giá trị trao đổi do thời gian lao động quy định cần phải nắm vững những luận điểm cơ bản sau đây: lao động được quy thành lao động giản đơn, có thể nói là lao động không có chất lượng; phương thức đặc thù nhờ đó lao động tạo ra giá trị trao đổi, do đó sản xuất ra hàng hoá, là lao động xã hội; cuối cùng là sự khác nhau giữa lao động tạo ra giá trị sử dụng và lao động tạo ra giá trị trao đổi.
Muốn đo giá trị trao đổi của hàng hoá bằng thời gian lao động bao hàm trong những hàng hoá đó, thì phải quy các loại lao động khác nhau thành lao động không có sự phân biệt, giống nhau giản đơn, — tóm lại, thành lao động giống nhau về chất và do đó chỉ khác nhau về lượng mà thôi.
Việc quy như thế là một sự trừu tượng hoá, nhưng đó là sự trừu tượng hoá diễn ra hàng ngày trong quá trình sản xuất xã hội. Việc quy mọi hàng hóa thành thời gian lao động không phải là một sự trừu tượng hoá lớn hơn, đồng thời nó cũng không phải là một sự trừu tượng hoá kém hiện thực hơn việc quy mọi thể hữu cơ thành không khí. Thực ra, lao động được đo bằng thời gian như thế không thể hiện ra như là lao động của những chủ thể khác nhau, mà ngược lại, những cá nhân lao động khác nhau thể hiện ra là những khí quan đơn giản của lao động đó. Nói cách khác, lao động như nó biểu hiện ra trong các giá trị trao đổi, có thể gọi là lao động nói chung của con người. Sự trừu tượng hoá đó của lao động nói chung của con người tồn tại trong thứ lao động trung bình mà mỗi cá nhân trung bình của một xã hội nhất định có thể thực hiện được, đó là sự chi phí sản xuất nhất định về bắp thịt, thần kinh, óc v. v. của con người. Đó là thứ lao động giản đơn(3) mà mỗi cá nhân trung bình đều có thể học được và phải thực hiện dưới một hình thức này hay một hình thức khác. Bản thân tính chất của thứ lao động trung bình đó thay đổi tùy theo các nước và các thời đại văn minh, nhưng trong mỗi xã hội đang tồn tại thì nó thể hiện ra như là cái đã được xác định. Lao động giản đơn là bộ phận lớn hơn cả trong toàn khối lượng lao động của xã hội tư sản, như người ta có thể thấy rõ khi tham khảo bất kỳ thống kê nào. A sản xuất sắt trong 6 giờ và vải trong 6 giờ, và B cũng sản xuất sắt trong 6 giờ và vải trong 6 giờ, hay là A sản xuất sắt trong 12 giờ và B sản xuất vải trong 12 giờ, thì đấy rõ ràng chỉ là cách sử dụng khác nhau của cùng một thời gian lao động giống nhau mà thôi. Nhưng lao động phức tạp cao hơn mức trung bình vì nó là lao động có cường độ lớn hơn và có tỷ trọng cao hơn thì sao? Lao động loại này được quy thành lao động giản đơn cộng lại, thành lao động giản đơn được nâng lên lũy thừa, thành thử một ngày lao động phức tạp chẳng hạn bằng ba ngày lao động giản đơn. Ở đây chưa phải lúc xét các quy luật chi phối việc quy lao động phức tạp thành lao động giản đơn. Nhưng rõ ràng là việc quy như thế đã xảy ra, vì với tư cách là giá trị trao đổi, một sản phẩm do lao động phức tạp nhất làm ra là vật ngang giá — theo một tỷ lệ nhất định — của một sản phẩm do lao động giản đơn trung bình làm ra và, do đó nó ngang với một số lượng nhất định của lao động giản đơn này.
Việc quy định giá trị trao đổi bằng thời gian lao động còn giả định là một lượng lao động ngang nhau, đã được vật hoá trong một hàng hoá nhất định, ví dụ một tấn sắt, không kể đó là lao động của A hay là của B, hoặc là những cá nhân khác nhau dùng một số lượng thời gian lao động bằng nhau để sản xuất ra cùng một giá trị sử dụng nhất định giống nhau về lượng và chất. Nói cách khác, người ta giả định là thời gian lao động chứa đựng trong một hàng hoá nào đó là thời gian cần thiết để sản xuất ra hàng hoá đó, nghĩa là thời gian lao động cần có để sản xuất ra cũng một hàng hoá giống như thế trong các điều kiện sản xuất chung đó.
Qua sự phân tích về giá trị trao đổi, thì các điều kiện của lao động tạo ra giá trị trao đổi là những tính quy định xã hội của lao động hay là những tính quy định của lao động xã hội, nhưng không phải là xã hội nói chung, mà là xã hội thuộc loại đặc thù. Đó là một loại đặc thù của tính chất xã hội. Trước hết, tính chất giản đơn, không có những sự phân biệt, của lao động, là sự ngang nhau giữa lao động của các cá nhân khác nhau, là mối quan hệ lẫn nhau giữa lao động của họ với tư cách là lao động ngang nhau, do chỗ thực tế đem tất cả các loại lao động quy thành lao động cùng loại. Chừng nào lao động của mỗi cá nhân được thể hiện thành giá trị trao đổi, thì chừng ấy lao động đó mang tính chất xã hội của sự ngang nhau đó, và nó chỉ được thể hiện trong giá trị trao đổi trong chừng mực nó được đem so sánh với lao động của tất cả các cá nhân khác, với tư cách là lao động ngang nhau.
Hơn nữa, trong giá trị trao đổi, thời gian lao động của từng cá nhân trực tiếp thể hiện thành thời gian lao động chung và tính chất chung đó của lao động cá nhân trực tiếp thể hiện thành tính chất xã hội của nó. Thời gian lao động biểu hiện trong giá trị trao đổi là thời gian lao động của một cá nhân, nhưng của một cá nhân hoàn toàn không khác gì với cá nhân khác; đó là thời gian lao động của tất cả các cá nhân, vì họ thực hiện một lao động ngang nhau; vì vậy, thời gian lao động của người này để sản xuất ra một hàng hoá nhất định là thời gian lao động cần thiết mà bất cứ một người nào khác cũng sẽ phải chi phí để sản xuất ra cùng một hàng hoá đó. Đó là thời gian lao động của một cá nhân, là thời gian lao động của anh ta, nhưng chỉ với tư cách là thời gian lao động chung cho tất cả mọi người, cho nên đối với nó, không cần biết nó là thời gian lao động của cá nhân nào cả. Với tư cách là thời gian lao động chung, thời gian lao động đó thể hiện trong sản phẩm chung, trong vật ngang giá chung, trong một lượng nhất định của thời gian lao động đã được vật hoá; đối với lượng thời gian lao động đã được vật hoá này thì chẳng kể hình thái nhất định của giá trị sử dụng trong đó nó trực tiếp thể hiện thành sản phẩm của một cá nhân là như thế nào, — lượng thời gian đó có thể tùy ý biến thành bất cứ một hình thái giá trị sử dụng nào khác, trong đó nó thể hiện ra là sản phẩm của bất cứ một cá nhân nào khác. Nó chỉ là một đại lượng xã hội, bởi vì nó là một đại lượng chung. Muốn cho kết quả lao động của cá nhân trở thành một giá trị trao đổi, thì kết quả lao động của cá nhân đó phải là một vật ngang giá chung, nghĩa là thời gian lao động của cá nhân phải thể hiện thời gian lao động chung, hoặc thời gian lao động chung phải thể hiện thời gian lao động của cá nhân. Mọi việc xảy ra tựa hồ như là các cá nhân khác nhau đã kết hợp thời gian lao động của họ thành một khối và đã làm cho những lượng khác nhau của thời gian lao động mà họ đã tập thể chi phối mang cái hình thái những giá trị sử dụng khác nhau. Cho nên, trên thực tế thời gian lao động của mỗi cá nhân riêng lẻ là thời gian lao động mà xã hội cần đến để sản xuất một giá trị sử dụng nhất định, nghĩa là để thỏa mãn một nhu cầu nhất định. Nhưng đây chỉ nói đến cái hình thái đặc thù trong đó lao động có tính chất xã hội. Ví dụ, một thời gian lao động nhất định của một người kéo sợi được vật hóa thành 100 pao sợi lanh. Giả dụ là 100 ác-sin vải, sản phẩm của người thợ dệt, cũng đại diện cho một số lượng thời gian lao động như vậy. Vì hai sản phẩm này đại diện cho cùng một số lượng thời gian lao động chung giống nhau và do đó chúng là những vật ngang giá của mọi giá trị sử dụng chứa đựng cũng ngần ấy thời gian lao động nên chúng là những vật ngang giá đối với nhau. Chỉ vì thời gian lao động của người kéo sợi và thời gian lao động của người thợ dệt biểu hiện thành thời gian lao động chung, nên sản phẩm của họ biểu hiện thành những vật ngang giá chung; ở đây, lao động của người thợ dệt trở thành lao động cho người kéo sợi và lao động của người kéo sợi trở thành lao động cho người thợ dệt, lao động của người này trở thành lao động cho người kia, nghĩa là lao động của họ có được cái hình thái tồn tại xã hội đối với cả hai. Trái lại, trong nền sản xuất gia trưởng nông thôn, người kéo sợi và người dệt vải cùng sống dưới một mái nhà, khi phụ nữ kéo sợi và nam giới dệt vải để phục vụ nhu cầu của gia đình họ chẳng hạn, thì sợi và vải là những sản phẩm xã hội, kéo sợi và dệt vải là lao động xã hội trong phạm vi gia đình. Nhưng tính chất xã hội của những sản phẩm đó không phải ở chỗ sợi với tư cách là vật ngang giá chung được đổi lấy vải với tư cách là vật ngang giá chung, hoặc là ở chỗ cả hai sản phẩm đó được đổi cho nhau với tư cách là những biểu hiện của cùng một thời gian lao động chung. Trái lại, mối liên hệ gia đình cùng với sự phân công lao động nguyên thuỷ của nó đã in cái dấu xã hội độc đáo của nó lên sản phẩm của lao động. Hoặc giả chúng ta lấy tô lao dịch và tô hiện vật ở thời trung cổ. Ở đây, cái cấu thành mối liên hệ xã hội là lao động nhất định của từng cá nhân dưới hình thức tự nhiên của nó, tính đặc thù, chứ không phải tính chất chung của lao động. Hoặc giả cuối cùng, chúng ta lấy lao động tập thể dưới hình thái nguyên thuỷ của nó, như ta thấy trong thời kỳ đầu lịch sử của mọi dân tộc văn minh(4). Ở đây tính chất xã hội của lao động rõ ràng không phải do lao động của cá nhân mang hình thái trừu tượng của tính chất chung, hoặc do sản phẩm của lao động cá nhân mang hình thái vật ngang giá chung tạo nên. Chính chế độ công xã [Gemein weesen], tiền đề của sản xuất, không cho phép lao động cá nhân trở thành lao động tư nhân và không cho phép sản phẩm của lao động cá nhân trở thành sản phẩm tư nhân; trái lại, chế độ công xã đã làm cho lao động cá nhân trực tiếp trở thành chức năng của một thành viên của cơ cấu xã hội. Lao động thể hiện trong giá trị trao đổi được coi là lao động của một cá nhân riêng lẻ. Nó trở thành lao động xã hội vì nó mang hình thái của cái đối lập trực tiếp với nó, hình thái của tính chất chung trừu tượng.
Sau hết, lao động tạo ra giá trị trao đổi có đặc trưng là: mối quan hệ xã hội giữa người với người thể hiện ra có thể nói là sai lệch, cụ thể là thành quan hệ xã hội giữa vật với vật. Chỉ vì một giá trị sử dụng được đem so với một giá trị sử dụng khác với tư cách là giá trị trao đổi, nên lao động của các cá nhân khác nhau mới quan hệ với nhau với tư cách là lao động ngang nhau và chung. Cho nên, nếu nói giá trị trao đổi là quan hệ giữa người với người là đúng(5), thì cũng phải nói thêm rằng: nó là mối quan hệ nằm dưới cái vỏ vật chất. Cũng như một pao sắt và một pao vàng, mặc dù các thuộc tính vật lý và hoá học của chúng khác nhau, đều đại diện cho một trọng lượng như nhau, các giá trị sử dụng của hai hàng hoá chứa đựng một thời gian lao động giống nhau cũng vậy, chúng cũng đại diện cho một giá trị trao đổi giống nhau. Do đó, giá trị trao đổi thể hiện ra thành một tính quy định xã hội của các giá trị sử dụng, một tính quy định vốn có của các giá trị sử dụng với tư cách là những vật, và nhờ có tính quy định đó mà trong quá trình trao đổi, các giá trị sử dụng thay thế lẫn nhau theo những tỷ số nhất định và hình thành những vật ngang giá, cũng giống như các đơn chất trong hoá học kết hợp với nhau theo những tỷ lệ nhất định và hình thành những đương lượng hoá học. Chỉ có thói quen của đời sống hàng ngày mới làm cho người ta coi việc quan hệ sản xuất xã hội mang hình thái vật thể là một việc bình thường và dĩ nhiên, thành thử, ngược lại, quan hệ giữa người với người trong lao động của họ, biểu hiện thành một quan hệ giữa vật với vật và giữa các vật đó với con người. Trong hàng hoá, sự thần bí hoá này còn rất giản đơn. Tất cả mọi người đều ít nhiều cảm thấy là quan hệ giữa các hàng hoá với nhau, với tư cách là giá trị trao đổi, thực ra là mối quan hệ giữa các cá nhân trong hoạt động sản xuất của họ cho nhau. Trong những quan hệ sản xuất cao hơn thì cái bề ngoài giản đơn đó sẽ mất đi. Tất cả mọi ảo tưởng của chủ nghĩa tiền tệ đều do người ta không thấy rằng tiền tệ đại biểu một quan hệ sản xuất xã hội, nhưng dưới hình thái một vật tự nhiên có những thuộc tính nhất định. Những nhà kinh tế học hiện đại ngạo mạn chế giễu các ảo tưởng của chủ nghĩa tiền tệ cũng để lộ một ảo tưởng giống như vậy khi họ nghiên cứu các phạm trù kinh tế cao hơn, ví dụ như phạm trù tư bản. Ảo tưởng đó bộc lộ ra trong sự kinh ngạc ngây thơ của họ khi cái mà họ vừa mới xác định một cách thô sơ là một vật lại bỗng nhiên biến thành quan hệ xã hội trước mắt họ, và sau đó khi cái mà họ vừa mới xếp vào loại quan hệ xã hội lại trêu ngươi họ dưới hình thái một vật.
Vì trên thực tế, giá trị trao đổi chẳng qua là quan hệ giữa lao động của cá nhân với tư cách là lao động ngang nhau và chung, chẳng qua là biểu hiện — dưới hình thái vật thể — của một hình thái lao động xã hội đặc thù, nên nói rằng lao động là nguồn gốc duy nhất của giá trị trao đổi, và do đó là nguồn duy nhất của của cải trong chừng mực của cải là do các giá trị trao đổi hợp thành, thì như vậy là một cách nói lập lại. Cũng là lắp lại khi nói rằng bản thân vật chất trong giới tự nhiên không có giá trị trao đổi(6) bởi vì nó không chứa đựng lao động và bản thân giá trị trao đổi không chứa đựng vật chất của giới tự nhiên. Nhưng khi William Petty gọi "lao động là cha của của cải và đất là mẹ của nó"[1], hoặc giám mục Berkeley hỏi:
“Bốn yếu tố và lao động của con người thêm vào đó há chẳng phải là nguồn gốc thực sự của của cải sao?”(7)
hoặc nữa là khi người Mỹ Thomas Cooper giải thích dưới một hình thức phổ cập rằng:
“Trong một chiếc bánh mì, nếu vứt bỏ số lao động đã hao phí vào chiếc bánh đó, - lao động của người thợ làm bánh, của người thợ xay bột, của người làm ruộng v.v. thì còn lại cái gì? Còn lại vài bông cỏ dại chẳng dùng được gì cho con người cả” (8)
Trong tất cả những lời suy luận đó, không phải người ta nói đến lao động trừu tượng với tư cách là nguồn gốc của giá trị trao đổi, mà nói đến lao động cụ thể với tư cách là nguồn gốc của của cải vật chất, tóm lại là lao động sản xuất ra giá trị sử dụng. Khi giả định giá trị sử dụng của hàng hoá, tức là người ta đã giả định tính chất hữu ích đặc biệt, tính chất hợp lý của lao động hao phí trong hàng hoá; nhưng, đứng về phương diện hàng hoá, mọi sự quan tâm đến lao động với tư cách là lao động có ích cũng đồng thời kết thúc với những nhận xét đó. Điều làm chúng ta quan tâm trong bánh mì, với tư cách là giá trị sử dụng, là những thuộc tính của nó với tư cách là một thức ăn, chứ không phải là lao động của người làm ruộng, của người thợ xay bột, của người thợ làm bánh v. v.. Nếu nhờ một sự phát minh nào đó mà lao động ấy giảm đi 19/20, thì chiếc bánh mì vẫn có một tác dụng như trước. Nếu chiếc bánh mì có rơi từ trên trời xuống, thì nó cũng không mất một chút nào giá trị sử dụng của nó cả. Trong lúc lao động tạo ra giá trị trao đổi được thực hiện trong tính chất ngang nhau của các hàng hoá với tư cách là những vật ngang giá chung, thì lao động với tư cách là hoạt động sản xuất có mục đích được thực hiện trong tính chất muôn màu muôn vẻ vô tận của giá trị sử dụng của các hàng hoá. Trong lúc lao động tạo ra giá trị trao đổi là lao động chung trừu tượng và ngang nhau, thì lao động tạo ra giá trị sử dụng lại là lao động cụ thể và đặc thù, lao động này, tuỳ theo hình thái và vật liệu, được chia ra thành những loại lao động muôn màu muôn vẻ khác nhau.
Về lao động tạo ra giá trị sử dụng, nói rằng nó là nguồn duy nhất của của cải mà nó sản xuất ra, nghĩa là nguồn duy nhất của của cải vật chất, thì không đúng. Vì lao động đó là hoạt động nhằm làm cho các yếu tố vật chất thích ứng với một mục đích nào đó, nên nó cần phải lấy vật chất làm tiền đề. Trong những giá trị sử dụng khác nhau, tỷ lệ giữa lao động và vật chất tự nhiên cũng rất khác nhau, nhưng bao giờ giá trị sử dụng cũng bao hàm một thực thể tự nhiên nào đó. Là hoạt động có mục đích nhằm đoạt lấy những yếu tố của tự nhiên dưới một hình thái này hay một hình thái khác, lao động là điều kiện tự nhiên của sự tồn tại của người, tức là điều kiện tự nhiên của sự trao đổi chất giữa con người với tự nhiên, điều kiện này không liên quan gì tới mọi hình thái xã hội. Trái lại, lao động tạo ra giá trị trao đổi là một hình thái đặc thù xã hội của lao động. Ví dụ, trong tính quy định vật chất của áo, với tư cách là một hoạt động sản xuất đặc biệt, lao động của người thợ may sản xuất ra áo chứ không phải sản xuất ra giá trị trao đổi của nó. Nó sản xuất ra giá trị trao đổi không phải với tư cách là lao động của người thợ may, mà với tư cách là lao động chung trừu tượng, nhưng lao động chung trừu tượng này lại thuộc về một mối liên hệ xã hội mà người thợ may chẳng hề tạo ra. Ví dụ, trong công nghiệp gia đình cổ đại, phụ nữ sản xuất áo mà không sản xuất ra giá trị trao đổi của áo. Nhà lập pháp Moses, cũng như viên chức thuế quan Adam Smith, đều biết rõ lao động với tư cách là một nguồn của của cải vật chất(9).
Bây giờ chúng ta hãy xét một vài quy định rõ ràng hơn rút ra từ việc quy giá trị trao đổi thành thời gian lao động.
Là giá trị sử dụng, hàng hoá có tác dụng như một nguyên nhân [Urouchlich]. Ví dụ, lúa mì có tác dụng làm thức ăn. Một chiếc máy thay thế lao động theo những tỷ lệ nhất định. Cái tác dụng của hàng hoá nhờ đó hàng hoá chỉ là một giá trị sử dụng, một vật phẩm tiêu dùng, — tác dụng này có thể gọi là sự phục vụ của hàng hoá, sự phục vụ mà hàng hoá đem lại với tư cách là giá trị sử dụng. Nhưng với tư cách là giá trị trao đổi thì hàng hoá bao giờ cũng chỉ được xét về mặt kết quả mà thôi. Ở đây vấn đề không phải là sự phục vụ mà hàng hoá đem lại, là sự phục vụ(10) mà trong quá trình sản xuất ra hàng hoá người ta đã đem lại cho nó. Vì vậy, giá trị trao đổi của một chiếc máy chẳng hạn, không phải do số lượng thời gian lao động mà chiếc máy đó thay thế quy định, mà do số lượng thời gian lao động đã chi phí để sản xuất ra chiếc máy đó và, do đó, cần thiết để sản xuất ra chiếc máy khác cùng loại.
Cho nên nếu số lượng lao động cần thiết để sản xuất hàng hoá không thay đổi, thì giá trị trao đổi của hàng hoá sẽ không thay đổi. Nhưng điều kiện dễ dàng hoặc khó khăn trong sản xuất lại luôn luôn thay đổi. Khi sức sản xuất của lao động tăng lên, người ta sản xuất ra cũng một giá trị sử dụng như vậy trong một thời gian ngắn hơn. Khi sức sản xuất của lao động giảm xuống, người ta sẽ cần nhiều thời gian hơn để sản xuất ra cũng một giá trị sử dụng như thế. Cho nên, số lượng thời gian lao động bao hàm trong một hàng hoá nào đó, nghĩa là giá trị trao đổi của hàng hoá đó, là một lượng khả biến; nó tăng hoặc giảm tỷ lệ nghịch với sự tăng lên hay giảm xuống của sức sản xuất của lao động. Trong công nghiệp chế tạo, sức sản xuất của lao động được sử dụng theo một tỷ lệ định trước, còn trong nông nghiệp và công nghiệp khai thác thì sức sản xuất của lao động còn phụ thuộc vào những điều kiện tự nhiên mà con người không thể kiểm soát được. Cùng một lao động như vậy có thể khai thác được nhiều hay ít các loại kim loại tùy theo trong vỏ trái đất có ít hoặc nhiều các loại kim loại đó. Cùng một lao động như vậy, nhưng trong năm được mùa, nó có thể vật hoá trong hai bu-sen lúa mì, còn trong năm mất mùa, nó thể vật hoá trong một bu-sen thôi. Ở đây, trạng thái nghèo nàn hay phong phú, cũng như các điều kiện của hàng hoá, vì những cái đó quyết định sức sản xuất, phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, của một lao động thực tế đặc biệt.
Dưới những thể tích không bằng nhau, các giá trị sử dụng khác nhau bao hàm một thời gian lao động giống nhau hoặc là một giá trị trao đổi ngang nhau. Nếu giá trị sử dụng của một hàng hoá chứa đựng một số lượng thời gian lao động nhất định có thể tích càng nhỏ so với các giá trị sử dụng khác, thì giá trị trao đổi đặc thù của nó càng lớn. Nếu như chúng ta thấy rằng trong những thời đại văn minh khác nhau, cách xa nhau, giữa một số giá trị sử dụng nào đó hình thành một loạt giá trị trao đổi đặc thù, giữa những giá trị trao đổi đặc thù này với nhau, nếu chúng không giữ đúng cùng một tỷ số, thì ít nhất cũng giữ một tỷ lệ chung theo một trật tự lên hoặc xuống, ví dụ như vàng, bạc, đồng, sắt hoặc lúa mì, lúa mạch, lúa đại mạch, lúa kiều mạch, — thì cái đó chẳng qua chỉ chứng tỏ là sự phát triển tiến bộ của các lực lượng sản xuất xã hội ảnh hưởng một cách đồng đều hoặc gần như đồng đều đến thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra các thứ hàng hoá khác nhau đó mà thôi.
Giá trị trao đổi của một hàng hoá không thể hiện ra trong giá trị sử dụng của bản thân nó. Tuy nhiên, với tư cách là sự vật hoá của thời gian lao động xã hội chung, giá trị sử dụng của một hàng hoá này được đặt vào trong những quan hệ nhất định với các giá trị sử dụng của các hàng hoá khác. Như vậy, giá trị trao đổi của hàng hoá này thể hiện ra trong các giá trị sử dụng của những hàng hoá khác. Về thực chất, vật ngang giá là giá trị trao đổi của một hàng hoá biểu hiện ra trong giá trị sử dụng của một hàng hoá khác nào đó. Ví dụ, khi người ta nói 1 ác-sin vải bằng 1/2 pao cà phê, thì giá trị trao đổi của vải được biểu hiện ra trong giá trị sử dụng của cà phê, trong một số lượng nhất định của giá trị sử dụng đó. Khi đã có tỷ lệ đó, thì người ta có thể dùng cà phê để biểu hiện giá trị của bất kỳ một số lượng vải nào. Đương nhiên, giá trị trao đổi của một hàng hoá, ví dụ của vải, không phải chỉ biểu hiện ra trong tỷ lệ mà theo đó một hàng hoá đặc thù khác, như cà phê chẳng hạn, làm thành vật ngang giá của nó. Số lượng thời gian lao động chung được thể hiện trong một ác-sin vải đồng thời cũng được thực hiện trong muôn ngàn các lượng giá trị sử dụng khác nhau của tất cả các hàng hoá khác. Giá trị sử dụng của mỗi hàng hoá khác, trong phạm vi tỷ lệ mà nó đại biểu cho cùng một số lượng thời gian lao động như thế, đều là vật ngang giá của một ác-sin vải ấy. Do đó, giá trị trao đổi của hàng hoá cá biệt này chỉ biểu hiện một cách đầy đủ trong rất nhiều đẳng thức trong đó giá trị sử dụng của tất cả các hàng hoá khác được coi là vật ngang giá của nó. Chỉ có trong tổng số các đẳng thức này, hoặc là chỉ có trong toàn bộ các tỷ lệ khác nhau, theo đó một hàng hoá nào đó có thể trao đổi với bất cứ một hàng hoá nào khác, thì hàng hoá này mới có được cái hình thức biểu hiện đầy đủ của nó là vật ngang giá chung. Ví dụ, loạt đẳng thức dưới đây:
1 ác-sin vải = ½ pao chè,
1 ác-sin vải = 2 pao cà phê,
1 ác-sin vải = 8 pao bánh mì,
1 ác-sin vải = 6 ác-sin vải hoa.
có thể biểu hiện thành:
1 ác-sin vải = 1/8 pao chè + 1/2 pao cà phê + 2 pao bánh mì + 11/2 ác-sin vải hoa.
Cho nên, nếu chúng ta đã có được tổng số các đẳng thức trong đó giá trị của một ác-sin vải được biểu hiện ra một cách đầy đủ, thì chúng ta sẽ có thể biểu hiện giá trị trao đổi của nó dưới hình thức một dãy số. Trên thực tế, dãy số này là vô tận, vì rằng phạm vi của hàng hoá không bao giờ khép lại hẳn, mà không ngừng mở rộng ra. Thế nhưng, nếu một hàng hoá nào đó lấy giá trị sử dụng của tất cả các hàng hoá khác để đo giá trị trao đổi của mình, thì ngược lại, tất cả các hàng hoá khác cũng lấy giá trị sử dụng của loại hàng hoá đó, — loại hàng hoá đã đo bản thân nó trong các hàng hoá khác, — để đo giá trị trao đổi của chúng(11). Nếu như giá trị trao đổi của một ác-sin vải biểu hiện bằng 1/2 pao chè, hoặc 2 pao cà phê, hoặc 6 ác-sin vải hoa, hoặc 8 pao bánh mì, v. v.; thì cà phê, chè, vải hoa, bánh mì, v. v., là ngang nhau trong những tỷ lệ theo đó chúng ngang với một lượng thứ ba, tức là vải, và do đó, vải làm thước đo chung đối với giá trị trao đổi của những thứ này. Mỗi hàng hoá với tư cách là thời gian lao động chung đã vật hóa, nghĩa là với tư cách là một số lượng thời gian lao động chung nhất định, lần lượt biểu hiện giá trị trao đổi của mình bằng những lượng giá trị sử dụng nhất định của tất cả các hàng hoá khác, và ngược lại, giá trị trao đổi của tất cả các hàng hoá khác lại được đo bằng giá trị sử dụng của một thứ hàng hoá đặc thù này. Nhưng, với tư cách là giá trị trao đổi, mỗi hàng hoá đồng thời là một thứ hàng hoá đặc thù dùng làm thước đo chung đối với giá trị trao đổi của tất cả các hàng hoá khác, đồng thời nó cũng chỉ là một trong nhiều hàng hóa, trong toàn bộ phạm vi những hàng hoá này, mỗi hàng hoá khác đều trực tiếp biểu hiện giá trị trao đổi của mình.
Lượng giá trị của một hàng hoá không phụ thuộc vào chỗ ngoài nó ra, có ít hay nhiều hàng hoá loại khác. Nhưng dãy đẳng thức thể hiện giá trị trao đổi của hàng hoá này dài hay ngắn lại do loại hàng hoá khác nhiều hay ít quyết định. Dãy đẳng thức đại biểu cho giá trị của cà phê chẳng hạn, biểu hiện phạm vi khả năng trao đổi của cà phê, biểu hiện những giới hạn trong đó cà phê được dùng làm giá trị trao đổi. Tương ứng với giá trị trao đổi của một hàng hoá với tư cách là sự vật hoá thời gian lao động xã hội chung, là sự biểu hiện tính ngang giá của nó bằng một số vô tận những giá trị sử dụng khác nhau.
Chúng ta đã thấy rằng giá trị trao đổi của một hàng hoá thay đổi tùy theo số lượng thời gian lao động trực tiếp bao hàm trong bản thân nó. Giá trị trao đổi đã thực hiện của nó, nghĩa là được biểu hiện bằng giá trị sử dụng của những hàng hoá khác, tất nhiên cũng phụ thuộc vào tỷ lệ thay đổi của thời gian lao động dùng để sản xuất ra mọi hàng hóa khác. Ví dụ, nếu như thời gian lao động cần thiết để sản xuất một đấu lúa mì không thay đổi, trong khi đó thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá khác lại tăng lên gấp đôi, thì giá trị trao đổi của một đấu lúa mì biểu hiện bằng các vật ngang giá của nó sẽ giảm đi một nửa. Trên thực tế, kết quả cũng sẽ giống như thế nếu thời gian lao động cần thiết để sản xuất một đấu lúa mì giảm đi một nửa, còn thời gian lao động cần thiết để sản xuất các hàng hoá khác vẫn không thay đổi. Giá trị của các hàng hoá là do cái tỷ lệ theo đó các hàng hoá có thể được sản xuất ra trong cùng một thời gian lao động quyết định. Để thấy rõ tỷ lệ đó có thể biến đổi như thế nào, chúng ta lấy ví dụ hai hàng hoá A và B. Trường hợp thứ nhất. Giả dụ thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hoá B không thay đổi. Trong trường hợp đó, giá trị trao đổi của A, biểu thị bằng B, sẽ giảm đi hoặc tăng lên tỷ lệ với thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra A giảm hay tăng. Trường hợp thứ hai. Giả dụ thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra A không thay đổi. Giá trị trao đổi của A biểu thị bằng B, sẽ tăng hoặc giảm tỷ lệ nghịch với tình hình tăng hoặc giảm của thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra B. Trường hợp thứ ba: thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra A và B tăng giảm theo một tỷ lệ giống nhau. Trong trường hợp đó, biểu hiện của sự ngang giá giữa A và B không thay đổi. Nếu do một hoàn cảnh nào đó, sức sản xuất của mọi loại lao động đều hạ thấp theo một mức độ như nhau, thành thử để sản xuất ra mọi hàng hóa đều cần dùng nhiều thời gian lao động hơn theo một tỷ lệ như nhau, thì giá trị của tất cả các hàng hóa đều sẽ tăng lên, biểu hiện cụ thể của giá trị trao đổi của chúng sẽ không thay đổi, và của cải thực tế của xã hội sẽ giảm bớt vì phải dùng nhiều thời gian lao động hơn để sản xuất ra cũng một khối lượng giá trị sử dụng như vậy. Trường hợp thứ tư: thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra A và B tăng lên hoặc giảm xuống, nhưng với mức độ khác nhau hoặc là thời gian lao động cần để sản xuất ra A tăng lên, nhưng thời gian lao động để sản xuất ra B lại giảm xuống, hoặc ngược lại. Tất cả các trường hợp đó đều có thể quy một cách giản đơn ra trường hợp sau này: thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá không thay đổi, trong khi thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra các hàng hoá khác thì tăng hay giảm.
Giá trị trao đổi của mọi hàng hoá biểu hiện ra bằng giá trị sử dụng của mọi hàng hóa khác, hoặc thành số nguyên hoặc thành phân số của giá trị sử dụng đó. Với tư cách là giá trị trao đổi, mỗi hàng hóa đều chia cắt được cũng giống như thời gian lao động đã vật hóa trong hàng hoá đó. Tính chất ngang giá giữa hàng hoá với nhau không phụ thuộc vào việc giá trị sử dụng của các hàng hoá đó có thể chia cắt được hay không được về mặt vật lý, cũng như trong việc cộng các giá trị trao đổi của hàng hoá, người ta không cần biết đến sự thay đổi hình thái cụ thể mà các giá trị sử dụng của những hàng hoá này phải trải qua khi chúng được biến thành một hàng hoá mới duy nhất.
Từ trước đến giờ, hàng hoá được xét dưới hai mặt, mặt giá trị sử dụng và mặt giá trị trao đổi, mỗi lần xét theo một mặt. Nhưng với tư cách là hàng hoá thì hàng hoá là sự thống nhất của giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, đồng thời, chỉ có trong quan hệ với các hàng hoá khác, thì nó mới là hàng hoá. Quan hệ thực tế giữa các hàng hoá với nhau là quá trình trao đổi của các hàng hoá đó. Đó là một quá trình xã hội mà các cá nhân độc lập với nhau tham gia vào đó và họ tham gia vào quá trình xã hội đó chỉ với tư cách là người sở hữu hàng hoá mà thôi; sự tồn tại của họ đối với nhau là sự tồn tại của hàng hoá của họ, cho nên về thực chất, họ chỉ là những đại biểu có ý thức của quá trình trao đổi mà thôi.
Hàng hoá là giá trị sử dụng như lúa mì, vải, kim cương, máy móc v. v.; nhưng với tư cách là hàng hoá, nó đồng thời lại không phải là giá trị sử dụng. Nếu nó là giá trị sử dụng đối với người sở hữu nó, nghĩa là trực tiếp là một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân người đó, thì nó sẽ không phải là hàng hoá. Đối với người sở hữu nó, thì nói cho đúng hơn, nó không phải là giá trị sử dụng, mà chỉ là người thể hiện yếu tố vật chất của giá trị trao đổi, hoặc chỉ giản đơn là một phương tiện trao đổi thôi; với tư cách là đại biểu tích cực của giá trị trao đổi, giá trị sử dụng trở thành một phương tiện trao đổi. Đối với người sở hữu nó, hàng hoá là giá trị sử dụng chỉ với tư cách là giá trị trao đổi(12). Cho nên trước tiên hàng hóa phải trở thành giá trị sử dụng cho người khác. Do chỗ hàng hoá không phải là giá trị sử dụng đối với người sở hữu nó, nên hàng hoá là giá trị sử dụng đối với người sở hữu các hàng hoá khác. Nếu không, lao động của người sở hữu nó là lao động vô ích, và do đó kết quả của lao động ấy không phải là hàng hoá. Mặt khác, hàng hoá lại phải trở thành giá trị sử dụng đối với bản thân người sở hữu nó, vì bản thân tư liệu sinh hoạt của người sở hữu nó ở ngoài hàng hoá đó, trong giá trị sử dụng của các hàng hoá của những người khác. Muốn trở thành giá trị sử dụng, hàng hoá phải đối diện với một nhu cầu nhất định mà nó là đối tượng thỏa mãn. Cho nên, giá trị sử dụng của các hàng hóa trở thành giá trị sử dụng bằng cách thay đổi vị trí một cách phổ biến, chuyển từ tay những người dùng chúng làm phương tiện trao đổi sang tay những người dùng chúng làm vật phẩm tiêu dùng. Chỉ có thông qua việc chuyển nhượng phổ biến đó của hàng hoá thì lao động bao hàm trong hàng hoá mới biến thành lao động có ích. Trong mối quan hệ này — mối quan hệ có tính chất một quá trình — của các hàng hoá với nhau với tư cách là những giá trị sử dụng, thì hàng hoá chưa có một hình thái kinh tế mới nhất định nào cả. Ngược lại, cái hình thái nhất định làm cho hàng hoá mang tính chất hàng hoá cũng biến đi. Ví dụ, khi chuyển từ tay người thợ làm bánh sang tay người tiêu dùng, bánh mì không thay đổi phương thức tồn tại của nó với tư cách là bánh mì. Trái lại, chỉ người tiêu dùng mới coi bánh mì là giá trị sử dụng, là một loại thức ăn nhất định, còn ở trong tay người làm bánh mì thì nó lại là đại biểu cho một quan hệ kinh tế, một vật cảm tính — siêu cảm tính. Do đó, sự biến đổi hình thái duy nhất mà hàng hoá trải qua trong quá trình trở thành giá trị sử dụng là việc vứt bỏ cái phương thức tồn tại hình thức trong đó đối với người sở hữu hàng hoá thì chúng không phải là giá trị sử dụng, còn đối với người không sở hữu thì nó lại là giá trị sử dụng. Muốn trở thành giá trị sử dụng, hàng hoá phải được chuyển nhượng một cách phổ biến, phải bước vào quá trình trao đổi, nhưng sự tồn tại của hàng hóa để trao đổi lại là sự tồn tại của hàng hoá với tư cách là giá trị trao đổi. Do đó, muốn được thực hiện với tư cách là giá trị sử dụng thì hàng hoá phải được thực hiện với tư cách là giá trị trao đổi.
Nếu xét trên góc độ giá trị sử dụng, một hàng hoá cá biệt lúc đầu là một vật độc lập, thì ngược lại, khi coi là giá trị trao đổi, một hàng hoá cá biệt ngay từ đầu đã được xét trong mối quan hệ với mọi hàng hóa khác. Tuy nhiên, quan hệ này vẫn chỉ là một quan hệ về mặt lý luận, chỉ có trong ý nghĩ mà thôi. Quan hệ đó chỉ trở thành quan hệ thực tế trong quá trình trao đổi. Thật vậy, mặt khác, hàng hoá là một giá trị trao đổi, vì người ta đã chi phí một lượng thời gian lao động nhất định để sản xuất ra nó, do đó, vì nó là thời gian lao động đã vật hóa. Nhưng dưới hình thức thể hiện trực tiếp của nó, hàng hoá chỉ là thời gian lao động cá nhân đã vật hóa, có một nội dung riêng biệt, chứ không phải là thời gian lao động chung. Cho nên, nó không phải trực tiếp là giá trị trao đổi mà còn phải trở thành giá trị trao đổi đã. Trước hết, chỉ có khi nào nó đại diện cho thời gian lao động dùng vào một việc có ích nhất định, tức là thời gian lao động bao hàm trong một giá trị sử dụng nào đó, thì nó mới có thể là sự vật hoá của thời gian lao động chung. Đó là một điều kiện vật chất mà chỉ có với điều kiện đó, thì thời gian lao động bao hàm trong hàng hoá mới được thừa nhận là thời gian lao động chung, xã hội. Do đó, nếu hàng hoá chỉ có thể trở thành giá trị sử dụng khi nào nó được thực hiện với tư cách là giá trị trao đổi, thì mặt khác, nó chỉ có thể thực hiện với tư cách là giá trị trao đổi khi nào qua sự chuyển nhượng, nó thể hiện ra là một giá trị sử dụng. Hàng hoá, với tư cách là giá trị sử dụng, chỉ có thể được chuyển nhượng đối với người coi nó là giá trị sử dụng, nghĩa là đối tượng của một nhu cầu riêng biệt. Mặt khác, hàng hoá chỉ được chuyển nhượng để lấy một hàng hoá khác, hay là, nếu chúng ta đứng về phía người sở hữu hàng hoá khác này, thì chúng ta sẽ thấy rằng người này cũng chỉ có thể chuyển nhượng hàng hoá của mình, nghĩa là thực hiện được hàng hoá của anh ta bằng cách đem hàng hóa của mình tiếp xúc với các nhu cầu riêng biệt mà hàng hoá này là đối tượng thỏa mãn. Do đó, trong sự chuyển nhượng phổ biến của hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng, thì các hàng hoá được đem liên hệ với nhau tùy theo sự khác nhau về thực thể của chúng, với tư cách là những vật đặc thù, nhờ có những thuộc tính đặc thù của chúng mà chúng thỏa mãn được những nhu cầu riêng biệt. Nhưng với tư cách là những giá trị sử dụng đơn thuần như vậy, thì các hàng hoá đó là những vật không liên quan gì với nhau cả và thậm chí không có quan hệ gì với nhau cả. Với tư cách là giá trị sử dụng, hàng hoá chỉ có thể trao đổi được với nhau khi chúng có quan hệ với những nhu cầu riêng biệt. Nhưng, sở dĩ hàng hoá có thể trao đổi được chỉ vì chúng là những vật ngang giá, còn hàng hoá là những vật ngang giá chỉ vì chúng là những số lượng thời gian lao động đã vật hóa ngang nhau, chính điều đó làm cho hoàn toàn không cần phải xét đến những thuộc tính tự nhiên của hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng, và do đó, không cần xét đến quan hệ của hàng hoá với các nhu cầu riêng biệt. Trái lại, với tư cách là giá trị trao đổi, một hàng hoá phát sinh tác dụng ở chỗ, với tư cách là vật ngang giá, nó thay thế một số lượng nhất định của bất kỳ hàng hoá nào khác, chẳng kể nó có là giá trị sử dụng đối với người sở hữu hàng hoá khác hay không. Nhưng đối với người sở hữu hàng hoá khác, nó chỉ là hàng hoá khi nào đối với người đó nó là giá trị sử dụng, còn đối với bản thân người sở hữu nó, nó chỉ biến thành giá trị trao đổi khi nào nó là hàng hoá đối với người khác. Cho nên cùng một mối quan hệ phải là mối quan hệ giữa các hàng hoá với tư cách là những đại lượng căn bản giống nhau và chỉ khác nhau về lượng; quan hệ ấy phải là quan hệ ngang nhau của những hàng hoá với tư cách là những vật trong đó thời gian lao động chung được vật hóa, và đồng thời quan hệ ấy lại phải là quan hệ của các hàng hoá với tư cách là những vật khác nhau về chất, là các giá trị sử dụng đặc thù thỏa mãn những nhu cầu riêng biệt, nói tóm lại, phải là một quan hệ trong đó các hàng hoá được phân biệt với tư cách là các giá trị sử dụng thực tế. Nhưng sự ngang nhau và sự không ngang nhau đó lại bài trừ lẫn nhau. Như thế không những ta thấy có một vòng luẩn quẩn, vì muốn giải quyết một vấn đề này thì phải giải quyết một vấn đề khác, hơn nữa ta còn thấy có một tổng thể những yêu cầu mâu thuẫn với nhau, vì việc thoả mãn một điều kiện này trực tiếp gắn liền với việc thoả mãn một điều kiện khác, trái ngược với nó.
Quá trình trao đổi hàng hoá phải là sự phát triển, đồng thời phải là sự giải quyết những mâu thuẫn này, nhưng những mâu thuẫn này lại không thể biểu hiện ra trong quá trình trao đổi dưới cái hình thức giản đơn ấy. Chúng ta chỉ mới thấy bản thân các hàng hoá quan hệ với nhau với tư cách là những giá trị sử dụng như thế nào, nghĩa là hàng hoá xuất hiện trong bản thân quá trình trao đổi với tư cách là giá trị sử dụng như thế nào. Trái lại, như chúng ta đã xét cho đến nay, giá trị trao đổi chỉ mới tồn tại trong sự trừu tượng hoá của chúng ta, hoặc, nếu người ta muốn, chỉ tồn tại trong sự trừu tượng hoá của người sử hữu hàng hoá cá biệt; đối với người này, hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng đang nằm ở trong kho, còn với tư cách là giá trị trao đổi thì nó đang nằm ở trong lương tâm của anh ta. Nhưng trong bản thân quá trình trao đổi, hàng hoá phải tồn tại không chỉ với tư cách là những giá trị sử dụng, mà còn phải tồn tại với tư cách là những giá trị trao đổi đối với nhau nữa, và phương thức tồn tại này của chúng phải thể hiện ra thành mối quan hệ của bản thân những hàng hoá đó đối với nhau. Khó khăn mà chúng ta gặp phải đầu tiên là: muốn biểu hiện thành giá trị trao đổi, thành lao động chung đã vật hóa, thì hàng hoá trước tiên phải được chuyển nhượng, phải được bán đi với tư cách là giá trị sử dụng, trong lúc đó, thì ngược lại, muốn chuyển nhượng hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng thì phải có sự tồn tại của hàng hoá với tư cách là giá trị trao đổi. Nhưng chúng ta giả định rằng khó khăn này đã được giải quyết. Giả dụ là hàng hoá đã vứt bỏ cái giá trị sử dụng đặc thù của nó, và thông qua việc chuyển nhượng giá trị sử dụng này, hàng hoá đã thoả mãn cái điều kiện vật chất: phải là lao động có ích cho xã hội chứ không phải là lao động đặc thù của một cá nhân cho bản thân họ. Khi đó, trong quá trình trao đổi, hàng hóa phải trở thành một giá trị trao đổi đối với các hàng hoá khác, phải trở thành vật ngang giá chung, phải là sự vật hoá của thời gian lao động chung, do đó hàng hoá không phải chỉ có tác dụng hạn chế của một giá trị sử dụng đặc thù, mà phải có khả năng trực tiếp biểu hiện bằng tất cả mọi giá trị sử dụng với tư cách là những vật ngang giá của nó. Nhưng mỗi hàng hóa đều là cái hàng hoá mà thông qua sự chuyển nhượng giá trị sử dụng đặc thù của mình, phải biểu hiện ra là sự vật hoá trực tiếp của thời gian lao động chung. Nhưng mặt khác, trong quá trình trao đổi, đối diện với nhau chỉ có những hàng hoá đặc thù, nghĩa là chỉ có lao động của những cá nhân riêng lẻ thể hiện ra trong những giá trị sử dụng đặc thù. Thời gian lao động chung tự nó là một sự trừu tượng. Bản thân sự trừu tượng này không tồn tại đối với các hàng hoá.
Chúng ta hãy xét tổng số các đẳng thức mà trong đó giá trị trao đổi của một hàng hoá biểu hiện cụ thể ra, ví dụ:
1 ác-sin vải = 2 pao cà phê,
1 ác-sin vải = 1/2 pao chè,
1 ác-sin vải = 8 pao bánh mì, v. v..
Những đẳng thức này chỉ nói lên rằng một số lượng thời gian lao động xã hội chung ngang nhau được vật hoá trong một ác-sin vải, trong hai pao cà phê, trong 1/2 pao chè v. v.. Nhưng, trên thực tế, lao động cá nhân biểu hiện ra trong các giá trị sử dụng đặc thù này trở thành lao động chung, và dưới hình thái đó, trở thành lao động xã hội chỉ vì những giá trị sử dụng đó được trao đổi thực sự với nhau tỷ lệ với thời gian lao động dài hay ngắn chứa đựng trong những giá trị sử dụng đó. Có thể nói là thời gian lao động xã hội tồn tại trong những hàng hoá này dưới dạng tiềm tàng và chỉ lộ ra trong quá trình trao đổi hàng hoá. Điểm xuất phát không phải là lao động cá nhân với tư cách là lao động xã hội, mà trái lại, là lao động đặc thù của các tư nhân, chỉ trong quá trình trao đổi, nhờ đã vứt bỏ tính chất ban đầu của nó, lao động này mới được coi là lao động xã hội chung. Cho nên lao động xã hội chung không phải là tiền đề có sẵn, mà là một kết quả đang trong quá trình hình thành. Do đó, lại phát sinh một khó khăn mới là: một mặt, hàng hóa phải bước vào quá trình trao đổi với tư cách là thời gian lao động chung đã vật hóa, và mặt khác, bản thân sự vật hoá thời gian lao động của các cá nhân, với tư cách là thời gian lao động chung, lại chỉ là sản phẩm của quá trình trao đổi mà thôi.
Mỗi một hàng hoá phải thông qua sự chuyển nhượng giá trị sử dụng của nó, tức là chuyển nhượng sự tồn tại ban đầu của nó để có được sự tồn tại tương ứng với tư cách là giá trị trao đổi. Vì vậy, trong quá trình trao đổi, hàng hóa phải có một phương thức tồn tại hai mặt. Mặt khác, phương thức tồn tại thứ hai của hàng hoá với tư cách là giá trị trao đổi chỉ có thể là một hàng hoá khác, vì đứng đối diện với nhau trong quá trình trao đổi chỉ là những hàng hoá. Một vấn đề được đặt ra: như thế nào mà một hàng hoá đặc thù lại trực tiếp biểu hiện ra thành thời gian lao động chung được vật hoá, hoặc là — điều này cũng vậy thôi — làm thế nào để trực tiếp làm cho thời gian lao động cá nhân được vật hoá trong một hàng hoá đặc thù mang tính chất chung? Biểu hiện thực tế của giá trị trao đổi của một hàng hoá, nghĩa là của giá trị trao đổi của mỗi hàng hoá với tư cách là vật ngang giá chung được thể hiện ra trong tổng số vô cùng tận những đẳng thức, chẳng hạn:
1 ác-sin vải = 2 pao cà phê,
1 ác-sin vải = 1/2 pao chè,
1 ác-sin vải = 8 pao bánh mì,
1 ác-sin vải = 6 ác-sin vải hoa.,
1 ác-sin vải = v. v..
Sự thể hiện này sẽ mang tính chất lý luận chừng nào hàng hóa chỉ được quan niệm trên tư tưởng là một số lượng nhất định thời gian lao động chung đã được vật hoá. Muốn cho phương thức tồn tại của một hàng hoá đặc thù, với tư cách là vật ngang giá chung, từ chỗ là một sự trừu tượng hoá thuần tuý trở thành một kết quả xã hội của bản thân quá trình trao đổi thì chỉ cần đảo ngược các vế trong loạt đẳng thức trên. Ví dụ:
2 pao cà phê = 1 ác-sin vải,
1/2 pao chè = 1 ác-sin vải,
8 pao bánh mì = 1 ác-sin vải,
6 ác-sin vải hoa = 1 ác-sin vải.
Trong khi cà phê, chè, bánh mì, vải hoa, tóm lại, tất cả mọi hàng hóa, đều dùng vải để biểu hiện thời gian lao động chứa đựng trong bản thân những hàng hoá đó, thì ngược lại, giá trị trao đổi của vải cũng sẽ thể hiện ra trong tất cả mọi hàng hoá khác với tư cách là những vật ngang giá của nó, và thời gian lao động được vật hóa trong bản thân vải, sẽ trực tiếp trở thành thời gian lao động chung, thời gian lao động này thể hiện ra một cách ngang nhau trong những lượng khác nhau của tất cả các hàng hoá khác. Ở đây, vải trở thành vật ngang giá chung nhờ tác động phổ biến của tất cả mọi hàng hóa khác đối với nó. Với tư cách là giá trị trao đổi, mỗi hàng hoá đã trở thành thước đo giá trị của tất cả các hàng hoá khác. Còn ở đây thì, ngược lại, do chỗ tất cả các hàng hóa đều lấy một hàng hoá đặc thù để đo giá trị trao đổi của chúng, nên loại hàng hoá được tách riêng ra đó trở thành phương thức tồn tại thích hợp của giá trị trao đổi, tức là phương thức tồn tại của giá trị trao đổi với tư cách là vật ngang giá chung. Cái dây vô tận hoặc một tập hợp vô tận các đẳng thức, trong đó mỗi một hàng hoá thể hiện giá trị trao đổi của nó, nay rút lại còn là một đẳng thức duy nhất chỉ gồm hai vế. Đẳng thức: 2 pao cà phê = 1 ác-sin vải, bây giờ là biểu thức đầy đủ của giá trị trao đổi của cà phê, vì trong biểu thức đó giá trị trao đổi của cà phê trực tiếp biểu hiện thành vật ngang giá của một số lượng nhất định mọi hàng hóa khác. Do đó, giờ đây, trong bản thân quá trình trao đổi, các hàng hoá tồn tại hoặc xuất hiện với tư cách là giá trị trao đổi đối với nhau dưới hình thức vải. Với tư cách là những giá trị trao đổi, tất cả các hàng hóa đều chỉ quan hệ với nhau như là những lượng khác nhau của thời gian lao động chung đã vật hóa — điều đó giờ đây biểu hiện như thế này: tất cả các hàng hoá, với tư cách là những giá trị trao đổi, chỉ đại diện cho những lượng khác nhau của cùng một vật là vải. Do đó, thời gian lao động chung lại biểu hiện thành một vật riêng biệt, thành một hàng hoá tồn tại bên cạnh và ở ngoài mọi hàng hóa khác. Nhưng đồng thời, đẳng thức trong đó một hàng hoá này biểu hiện thành giá trị trao đổi đối với một hàng hoá khác, ví dụ: 2 pao cà phê = 1 ác-sin vải, là một đẳng thức còn phải được thực hiện. Chỉ có thông qua sự chuyển nhượng hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng, tùy theo tình hình là trong quá trình trao đổi, hàng hoá này có phải là một vật có thể thỏa mãn được một nhu cầu nào đó hay không, thì hàng hoá đó mới thực sự từ hình thức tồn tại của nó là cà phê chuyển hoá thành hình thức tồn tại của nó là vải, và do đó mới mang hình thái vật ngang giá chung và thực sự trở thành giá trị trao đổi đối với tất cả mọi hàng hóa khác. Ngược lại, do chỗ mọi hàng hóa thông qua việc chuyển nhượng của chúng với tư cách là những giá trị sử dụng, biến thành vải, nên vải sẽ trở thành hình thái chuyển hoá của tất cả mọi hàng hóa khác, và chỉ với tư cách là kết quả của việc tất cả mọi hàng hoá khác chuyển hoá thành vải nên vải mới trực tiếp trở thành sự vật hoá của thời gian lao động chung, nghĩa là trở thành sản phẩm của sự chuyển nhượng phổ biến, của sự xoá bỏ các dạng lao động cá biệt. Như vậy, nếu các hàng hóa phải có một phương thức tồn tại hai mặt để có thể biểu hiện thành những giá trị trao đổi với nhau, thì cái hàng hoá được tách ra làm vật ngang giá chung lại có một giá trị sử dụng hai mặt. Ngoài giá trị sử dụng đặc thù của nó với tư cách là một hàng hoá đặc thù ra, hàng hoá đó còn có một giá trị sử dụng chung. Bản thân giá trị sử dụng này của nó là một sự quy định về hình thức, nghĩa là nó bắt nguồn từ vai trò đặc thù của hàng hoá đó do tác động phổ biến của hàng hoá khác đối với hàng hoá này trong quá trình trao đổi. Là đối tượng của một nhu cầu riêng biệt, giá trị sử dụng của mỗi hàng hoá có một giá trị khác nhau trong tay những người khác nhau: chẳng hạn, ở trong tay người chuyển nhượng hàng hoá đó thì nó có một giá trị, còn ở trong tay người mua hàng hoá đó, thì nó lại có một giá trị khác. Hàng hoá được chọn làm vật ngang giá chung giờ đây là một đối tượng của nhu cầu chung, nhu cầu do bản thân quá trình trao đổi đẻ ra, và đối với tất cả mọi người, hàng hoá đó có một giá trị sử dụng giống nhau: nó mang giá trị trao đổi, là phương tiện trao đổi chung. Như vậy, trong hàng hoá này đã giải quyết được mâu thuẫn chứa đựng trong bản thân của hàng hoá với tư cách là hàng hoá: là một giá trị sử dụng đặc thù, đồng thời lại là vật ngang giá chung. Vì vậy cũng là giá trị sử dụng đối với mỗi người là giá trị sử dụng chung. Cho nên giờ đây, trong khi tất cả mọi hàng hóa khác đều biểu hiện giá trị trao đổi của chúng bằng một đẳng thức trên ý niệm còn cần phải được thực hiện — với cái hàng hoá được tách riêng, thì giá trị sử dụng của hàng hoá được tách riêng này, tuy là thực tế tồn tại, nhưng trong bản thân quá trình lại biểu hiện ra chỉ là một sự tồn tại thuần túy hình thức, sự tồn tại này còn phải được thực hiện bằng cách chuyển hoá thành những giá trị sử dụng thực tế. Lúc đầu, hàng hoá biểu hiện ra là hàng hoá nói chung, là thời gian lao động chung được vật hoá trong một giá trị sử dụng đặc thù. Trong quá trình trao đổi, tất cả mọi hàng hóa quan hệ với các hàng hoá được tách riêng này, như là với một hàng hoá nói chung, như là hàng hoá của mọi hàng hoá, như là với cái hình thái tồn tại của thời gian lao động chung trong một giá trị sử dụng đặc thù. Cho nên với tư cách là những hàng hóa đặc thù, tất cả mọi hàng hóa đều đối lập với một hàng hoá đặc thù được coi là hàng hoá chung [Chú thích của Marx ghi ở trong bản riêng cuốn sách của ông: "Chúng ta cũng thấy câu này ở Genovesi" [Antonio Genovesi (1712-1769) — B. T.]]. Như vậy, việc những người sở hữu hàng hoá coi lao động của nhau như là lao động xã hội chung được thể hiện ra như sau: họ coi hàng hoá của họ như là những giá trị trao đổi; mối quan hệ giữa các hàng hoá với nhau với tư cách là những giá trị trao đổi được thể hiện ra trong quá trình trao đổi thành một quan hệ chung của những hàng hoá này đối với một hàng hoá đặc thù được coi là hình thái biểu hiện thích hợp của giá trị trao đổi của chúng; ngược lại, quan hệ này lại biểu hiện thành quan hệ đặc thù của cái hàng hoá đặc thù này đối với tất cả mọi hàng hóa khác, và do đó, biểu hiện thành tính chất xã hội nhất định của một vật, tựa hồ như do tự nhiên sinh ra. Do đó, cái hàng hoá đặc thù biểu hiện hình thái tồn tại thích hợp của giá trị trao đổi của tất cả mọi hàng hóa, hay giá trị trao đổi của các hàng hóa dưới hình thái một hàng hoá đặc thù, được tách riêng ra, chính là tiền tệ. Tiền tệ là sự kết tinh của giá trị trao đổi của các hàng hoá, mà các hàng hoá đã tạo ra trong bản thân quá trình trao đổi. Vì thế cho nên, nếu trong quá trình trao đổi, các hàng hóa trở thành những giá trị sử dụng đối với nhau, vì chúng vứt bỏ mọi sự quy định về hình thức, và quan hệ với nhau dưới dạng vật chất trực tiếp của chúng thì muốn thể hiện thành những giá trị, trao đổi đối với nhau, những hàng hóa đó phải mang lấy một sự quy định mới về hình thức, phải phát triển thành hình thái tiền tệ. Tiền tệ không phải là một biểu tượng, cũng như sự tồn tại của một giá trị sử dụng dưới hình thái hàng hoá cũng không phải là một biểu tượng. Việc quan hệ sản xuất xã hội biểu hiện dưới hình thái một vật tồn tại ở ngoài các cá nhân, và việc những quan hệ nhất định của họ trong quá trình sản xuất ra đời sống xã hội của họ, biểu hiện thành các thuộc tính đặc thù của một vật, — đó là một sự lộn ngược; sự thần bí hoá không phải tưởng tượng, sự thần bí hoá hiện thực tầm thường đó chính là đặc điểm của mọi hình thái xã hội của lao động tạo ra giá trị trao đổi. Chẳng qua là ở trong tiền tệ, điều đó biểu hiện ra nổi bật hơn ở trong hàng hoá mà thôi.
Các thuộc tính vật lý cần thiết đối với loại hàng hoá đặc thù trong đó sẽ kết tinh cái hình thái tồn tại tiền tệ của mọi hàng hóa, trong chừng mực những thuộc tính đó trực tiếp do bản chất của giá trị trao đổi đẻ ra, là: tính chất phân chia được dễ dàng theo ý muốn, tính chất thuần nhất của các bộ phận và không có sự khác nhau giữa tất cả các bản của loại hàng hoá này. Với tư cách là sự vật chất hoá của thời gian lao động chung, hàng hoá đặc thù này phải có tính chất đồng nhất và chỉ có thể có những sự khác nhau về lượng mà thôi. Một thuộc tính cần thiết khác mà hàng hoá này phải có là: giá trị sử dụng của nó phải lâu bền vì nó phải không ngừng tồn tại trong quá trình trao đổi. Các kim loại quý có những thuộc tính này với một mức độ tuyệt diệu. Vì tiền tệ không phải là một sản phẩm của ý thức hoặc của một thỏa ước, mà được hình thành một cách tự nhiên trong quá trình trao đổi, nên đã có rất nhiều các loại hàng hoá khác nhau, ít nhiều không thích hợp lắm, đã thay thế nhau làm chức năng tiền tệ. Tới một giai đoạn phát triển nhất định của quá trình trao đổi thì phát sinh sự cần thiết phải phân các hàng hoá ra làm hai cực theo công dụng của chúng: giá trị trao đổi và giá trị sử dụng, thành thử một loại hàng hoá, chẳng hạn, được dùng làm phương tiện trao đổi, đồng thời loại kia thì được chuyển nhượng với tư cách là giá trị sử dụng; sự cần thiết đó dẫn tới tình hình là ở khắp nơi, một hoặc thậm chí mấy loại hàng hoá có giá trị sử dụng phổ biến nhất, lúc đầu ngẫu nhiên đã đóng vai trò tiền tệ. Nếu những hàng hoá đó thậm chí không phải là đối tượng trực tiếp của một nhu cầu trước mắt, thì việc, về mặt vật chất, chúng là bộ phận của cải quan trọng nhất, cũng đảm bảo cho chúng có được một tính chất phổ biến hơn là các giá trị sử dụng còn lại.
Trao đổi hiện vật trực tiếp — hình thức ban đầu của quá trình trao đổi — là bước đầu của việc biến các giá trị sử dụng thành hàng hoá hơn là của việc chuyển hàng hoá thành tiền tệ. Giá trị trao đổi còn chưa có một hình thái độc lập nào cả, mà còn trực tiếp gắn với giá trị sử dụng. Điều đó biểu hiện ở hai mặt. Với toàn bộ kết cấu của sản xuất, bản thân sản xuất nhằm tạo ra giá trị sử dụng chứ không phải là tạo ra giá trị trao đổi, và do đó, chỉ khi nào sản xuất vượt quá số cần thiết cho tiêu dùng, thì ở đây số giá trị sử dụng thặng dư mới không còn là giá trị sử dụng nữa mà trở thành phương tiện trao đổi, trở thành hàng hoá. Mặt khác, mặc dù được phân làm hai cực, những giá trị sử dụng đó chỉ trở thành hàng hoá trong giới hạn của giá trị sử dụng trực tiếp mà thôi, thành thử những hàng hóa, do người sở hữu hàng hoá đem ra trao đổi, phải là những giá trị sử dụng đối với cả hai bên, nhưng mỗi hàng hóa lại phải là giá trị sử dụng đối với người không sở hữu hàng hoá đó. Thực vậy, mới đầu quá trình trao đổi hàng hoá không phải xuất hiện trong nội bộ các công xã nguyên thuỷ(13) mà xuất hiện ở những nơi công xã chấm dứt, ở các ranh giới của công xã, ở một số ít điểm mà công xã tiếp xúc với những công xã khác. Ở đó, bắt đầu có trao đổi hiện vật và từ đó nó thâm nhập vào trong nội bộ công xã, làm tan rã dần công xã. Cho nên những giá trị sử dụng đặc biệt trở thành hàng hoá trong việc trao đổi hiện vật giữa các công xã như nô lệ, súc vật, kim loại, thường thường hình thành ra tiền tệ đầu tiên ngay trong bản thân công xã. Chúng ta đã thấy rằng cái loạt vật ngang giá của một hàng hoá càng dài, hoặc phạm vi trao đổi của nó càng lớn, thì giá trị trao đổi của hàng hoá đó biểu hiện ra là giá trị trao đổi đối với một mức độ càng lớn. Do đó, việc mở rộng dần sự trao đổi hiện vật, sự tăng thêm số những hành vi trao đổi, số mặt hàng được trao đổi tăng lên, tất cả những cái đó phát triển hàng hoá với tư cách là giá trị trao đổi, tất nhiên sẽ dẫn tới việc sáng tạo ra tiền tệ, và do đó có tác dụng làm tan rã việc trao đổi hiện vật trực tiếp. Các nhà kinh tế học thường tìm nguồn gốc của tiền tệ ở trong các khó khăn bên ngoài mà việc trao đổi hiện vật đã gặp phải khi nó phát triển lên, nhưng họ lại quên rằng những khó khăn ấy do sự phát triển của giá trị đẻ ra, và do đó, do sự phát triển của lao động xã hội với tư cách là lao động chung đẻ ra. Ví dụ hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng không thể chia cắt được tùy theo ý muốn, nhưng với tư cách là giá trị trao đổi thì hàng hoá phải chia cắt được theo ý muốn. Hoặc giả, hàng hoá của A có thể là giá trị sử dụng đối với B, nhưng hàng hoá của B lại không phải là giá trị sử dụng đối với A. Hoặc giả, những người sở hữu hàng hoá có thể cần dùng tới những hàng hoá không thể chia cắt được, nhằm được đem ra trao đổi với nhau theo những tỷ lệ giá trị không ngang nhau. Nói cách khác, với lý do nghiên cứu việc trao đổi hiện vật giản đơn, các nhà kinh tế học hiểu được một số mặt nào đó có mâu thuẫn, ẩn giấu trong hình thái tồn tại của hàng hoá với tư cách là sự thống nhất trực tiếp của giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Mặt khác, những nhà kinh tế học này lại kiên quyết giữ ý kiến cho rằng sự trao đổi hiện vật là hình thức thích hợp của quá trình trao đổi hàng hoá, hình thức này chỉ có một vài chỗ bất tiện nào đó về mặt kỹ thuật, và tiền tệ là một biện pháp được nghĩ ra một cách khôn ngoan để xoá bỏ những chỗ bất tiện này. Xuất phát từ quan điểm hết sức nông cạn này, một nhà kinh tế học hóm hỉnh người Anh nói có lý rằng tiền tệ chỉ là một công cụ vật chất, giống như chiếc tàu biển hoặc máy hơi nước, chứ không phải là biểu hiện của một quan hệ sản xuất xã hội nào cả, và do đó, tiền tệ không phải là một phạm trù kinh tế. Cho nên, theo ông ta, chỉ vì nhầm lẫn mà tiền tệ được nghiên cứu trong kinh tế chính trị học, môn này thật ra chẳng có ăn nhập gì với môn kỹ thuật học cả(14).
Thế giới hàng hóa giả định rằng phải có một sự phân công lao động phát triển, hoặc nói cho đúng hơn, sự phân công lao động này trực tiếp thể hiện ở tính chất muôn hình muôn vẻ của các giá trị sử dụng, các giá trị sử dụng này đối lập với nhau với tư cách là những hàng hoá đặc thù, chứa đựng những loại lao động cũng muôn hình muôn vẻ như vậy. Phân công lao động, với tư cách là một tổng thể các hình thức hoạt động sản xuất đặc thù, là trạng thái chung của lao động xã hội, xét về mặt vật chất của nó với tư cách là lao động sản xuất ra giá trị sử dụng. Nhưng xét trên góc độ các hàng hoá và ngay trong quá trình trao đổi, thì sự phân công lao động như vậy chỉ tồn tại ở trong kết quả của nó mà thôi, tức là trong sự tách biệt của bản thân các hàng hoá.
Trao đổi hàng hoá là cái quá trình trong đó sự trao đổi vật chất của xã hội, — tức là sự trao đổi sản phẩm đặc thù của các cá nhân riêng biệt — đồng thời, lại là sự sáng tạo ra những quan hệ sản xuất xã hội nhất định giữa các cá nhân với nhau trong sự trao đổi vật chất đó. Các quan hệ đang phát triển giữa các hàng hoá với nhau được kết tinh lại dưới hình thái các quy định khác nhau của vật ngang giá chung, và như vậy, quá trình trao đổi đồng thời cũng là quá trình hình thành tiền tệ. Toàn bộ quá trình đó, biểu hiện ra thành sự diễn biến của nhiều quá trình khác nhau chính là lưu thông.
GHI CHÚ A. LỊCH SỬ CỦA SỰ PHÂN TÍCH HÀNG HOÁ
Việc quy hàng hóa thành lao động dưới hai hình thái của nó, — quy giá trị sử dụng thành lao động thực tế, hay là hoạt động sản xuất có mục đích, và quy giá trị trao đổi thành thời gian lao động, hay lao động xã hội ngang nhau, — là kết quả cuối cùng có tính chất phê phán của các công trình nghiên cứu tiến hành trên một thế kỷ rưỡi của khoa kinh tế chính trị cổ điển, khoa kinh tế chính trị cổ điển này ở Anh bắt đầu từ William Petty, ở Pháp từ Boisguillebert [Boisguilbert — B. T.](15) và kết thúc ở Anh với Ricardo và ở Pháp với Sismondi.
Petty quy giá trị sử dụng thành lao động, nhưng ông không hề có ảo tưởng về việc tự nhiên quy định sức sáng tạo của lao động. Ngay từ đầu, Petty đã quan niệm lao động thực tế trong toàn bộ tổng thể xã hội của nó như là sự phân công lao động(16). Quan điểm đó về nguồn gốc của cải vật chất không ở tình trạng ít nhiều vô hiệu chẳng hạn như ở Hobbes, một người đương thời với ông ta. Quan niệm đó đã dẫn Petty tới cái số học chính trị một hình thức đầu tiên, trong đó môn kinh tế chính trị học tách ra thành một môn khoa học độc lập. Tuy nhiên Petty xét giá trị trao đổi dưới cái hình thái mà giá trị trao đổi biểu hiện ra trong quá trình trao đổi hàng hoá, với tư cách là tiền tệ, còn bản thân tiền tệ được ông coi là hàng hoá đương tồn tại, như vàng hoặc bạc. Bị các quan niệm của chủ nghĩa tiền tệ chi phối, ông tuyên bố rằng loại lao động thực tế đặc biệt, dùng để khai thác vàng và bạc, là lao động tạo ra giá trị trao đổi.
Thực vậy, ông nghĩ rằng lao động dưới chủ nghĩa tư bản không phải để sản xuất ra giá trị sử dụng trực tiếp, mà là sản xuất ra hàng hóa, — tức là một giá trị sử dụng, có thể thông qua sự chuyển nhượng của nó trong quá trình trao đổi, biểu hiện thành vàng và bạc, tức là tiền tệ, tức là giá trị trao đổi, tức là lao động chung đã vật hóa. Tuy thế, ví dụ của ông ta chứng tỏ rõ ràng rằng không phải thừa nhận được lao động là nguồn gốc của cải vật chất là đã nhận thức được cái hình thái xã hội nhất định trong đó lao động trở thành nguồn gốc của giá trị trao đổi.
Còn Boisguillebert, nếu không phải là cố ý, thì trên thực tế, đã quy giá trị trao đổi của hàng hóa thành thời gian lao động, ông lấy tỷ lệ chính xác phân phối thời gian lao động của các cá nhân vào các ngành sản xuất cá biệt, để xác định "giá trị chân chính" (la juste valeur) và coi cạnh tranh tự do là quá trình xã hội xác lập cái tỷ lệ chính xác đó. Nhưng đồng thời, và trái hẳn với Petty, ông phản đối tiền tệ một cách điên cuồng, cho rằng do sự xâm nhập của nó, tiền tệ đã phá hoại sự cân bằng tự nhiên hoặc tính chất nhịp nhàng của trao đổi hàng hóa và giống như vị thần Moloch hoang đường, tiền tệ đòi hỏi phải hy sinh tất cả mọi của cải tự nhiên cho nó. Và mặc dầu, một mặt, cuộc luận chiến chống lại tiền tệ này gắn liền với những hoàn cảnh lịch sử nhất định, vì Boisguillebert công kích lòng tham vàng một cách mù quáng và phá hoại của triều đình Louis XIV, của các viên quan thu thuế và bọn quý tộc triều đình này17), còn Petty thì lại tán dương lòng tham vàng đó, coi nó là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy dân tộc phát triển công nghiệp và đi chinh phục thị trường thế giới, - nhưng ở đây đồng thời cũng đã bộc lộ một sự đối lập về nguyên tắc, sâu sắc hơn, tái hiện ra như là một sự tương phản thường xuyên tồn tại giữa kinh tế chính trị học đặc biệt kiểu Anh với kinh tế chính trị học đặc biệt kiểu Pháp18). Thực vậy, Boisguillebert chỉ chú ý đến nội dung vật chất của của cải, đến giá trị sử dụng, sự tiêu dùng19) và ông coi hình thái tư sản của lao động, coi việc sản xuất ra giá trị sử dụng với tư cách là hàng hóa và quá trình trao đổi hàng hóa là hình thái xã hội bình thường trong đó lao động cá nhân đạt tới mục đích ấy. Cho nên ở nơi nào ông ta gặp tính chất đặc thù của của cải tư bản chủ nghĩa, ví dụ như ở trong tiền tệ, thì ông ta liền cho rằng có sự can thiệp của nhân tố ngoại lai lấn át và khi ông ta công kích gay gắt lao động tư bản chủ nghĩa dưới một hình thái này của nó, thì đồng thời lại rơi vào không tưởng, tán dương nó dưới một hình thái khác20). Ví dụ của Boisguillebert chứng minh cho ta thấy rằng, có thể coi thời gian lao động là thước đo lượng giá trị của hàng hóa, tuy có lẫn lộn lao động đã vật hóa trong giá trị trao đổi của hàng hóa và được đo bằng thời gian với hoạt động tự nhiên trực tiếp của các cá nhân.
Sự phân tích đầu tiên có ý thức và rõ ràng tới mức gần như nhạt nhẽo về giá trị trao đổi, quy nó thành thời gian lao động, là do một con người ở Tân thế giới, nơi mà quan hệ sản xuất tư sản được nhập cảng vào cùng với những kẻ mang quan hệ đó, đã được nảy nở một cách nhanh chóng trên một miếng đất mà truyền thống lịch sử thiếu thốn đã được bù lại bằng một lớp mùn dồi dào. Con người đó là Benjamin Franklin; trong tác phẩm đầu tiên thời thanh niên của mình, viết vào năm 1729 và xuất bản năm 1731, ông đã nêu ra quy luật cơ bản của môn kinh tế chính trị hiện đại21). Franklin khẳng định cần phải tìm một thước đo giá trị khác ngoài những kim loại quý. Thước đo đó là lao động.
"Giá trị của bạc, cũng giống như giá trị của tất cả mọi vật khác, đều có thể đo bằng lao động. Giả dụ có một người sản xuất lúa, một người khác khai thác và đãi bạc. Đến cuối năm hoặc đến cuối một thời kỳ nhất định nào khác, thành phẩm lúa và thành phẩm bạc là giá cả tự nhiên đối với nhau, nếu lúa là 20 bu-sen, bạc là 20 ôn-xơ, thì lao động đã hao phí để sản xuất ra một bu-sen lúa ngang với số lao động đã chi phí để sản xuất ra một ôn-xơ bạc. Nhưng, nếu như nhờ tìm thấy một mỏ mới ở gần, dễ khai thác và giàu hơn mà từ nay một người có thể sản xuất tới 40 ôn-xơ bạc cũng dễ dàng như 20 ôn-xơ trước đây, và nếu lao động cần thiết để sản xuất ra 20 bu-sen lúa vẫn như trước, thì khi ấy giá trị của 2 ôn-xơ bạc sẽ không lớn hơn lao động bỏ ra để sản xuất một bu-sen lúa, và như vậy, một bu-sen lúc trước đây đáng giá 1 ôn-xơ bạc, bây giờ caeteris paribus22) sẽ có giá trị bằng 2 ôn-xơ bạc. Do đó phải dùng cái số lượng lao động mà nhân dân một nước có thể mua được để tính của cải nước đó"23).
Đối với Franklin, thời gian lao động ngay từ đầu biểu hiện dưới hình thái phiến diện về mặt kinh tế với tư cách là thước đo giá trị. Việc sản phẩm thực tế chuyển hóa thành những giá trị trao đổi theo ông là một việc tất nhiên, và do đó, vấn đề chỉ là ở chỗ tìm ra một thước đo để đo giá trị của chúng mà thôi.
Ông ta nói: "Vì nói chung mua bán chẳng qua là trao đổi lao động với lao động, nên dùng lao động để đo giá trị của tất cả các vật là đúng nhất"24).
Nếu ở đây thay thế từ "lao động" bằng lao động thực tế thì lập tức chúng ta thấy ngay rằng đã có sự lẫn lộn lao động dưới hình thái này với lao động dưới hình thái khác. Vì mua bán là trao đổi, ví dụ trao đổi lao động của thợ giầy, lao động của công nhân mỏ, lao động của công nhân kéo sợi, lao động của hoạ sĩ, v. v. chẳng hạn, thế thì lấy lao động của hoạ sĩ để đo giá trị của giầy phải chăng lại là đúng nhất? Ý của Franklin thì trái hẳn lại: giá trị của giầy, quặng mỏ, sợi, tranh v. v. là do lao động trừu tượng quyết định, lao động này không có chất lượng đặc biệt nào và vì vậy chỉ có thể đo được về lượng25). Nhưng vì ông không phát triển khái niệm lao động chứa đựng trong giá trị trao đổi với tư cách là lao động xã hội chung trừu tượng do việc chuyển nhượng phổ biến của lao động cá nhân sinh ra, nên tất nhiên ông không hiểu được rằng tiền tệ là hình thái tồn tại trực tiếp của lao động bị chuyển nhượng này. Cho nên theo ông thì giữa tiền tệ và lao động tạo ra giá trị trao đổi không có mối liên hệ nội tại nào; nói cho đúng hơn, ông ta coi tiền tệ là một công cụ từ ngoài đưa vào trao đổi vì sự tiện lợi về mặt kỹ thuật mà thôi26). Sự phân tích về giá trị trao đổi của Franklin không có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chung của khoa học, bởi vì ông ta chỉ nghiên cứu một số vấn đề cá biệt của khoa kinh tế chính trị nhân có những nhiệm vụ thực tiễn nhất định mà thôi.
Sự đối lập giữa lao động thực tế có ích với lao động tạo ra giá trị trao đổi đã làm châu Âu quan tâm trong thế kỷ XVIII dưới hình thức vấn đề sau đây: loại lao động thực tế nào là nguồn gốc của của cải của chủ nghĩa tư bản? Như thế, người ta đã giả dụ rằng không phải bất kỳ loại lao động nào được thực hiện thành giá trị sử dụng hoặc sản xuất ra sản phẩm đều vì vậy mà trực tiếp tạo ra của cải. Tuy nhiên theo phái trọng nông cũng như theo những người phản đối họ, thì điểm tranh luận nóng hổi lại không phải là xem loại lao động nào tạo ra giá trị, mà là loại lao động nào tạo ra giá trị thặng dư. Cho nên, họ đã xét vấn đề dưới một hình thức phức tạp trước khi giải quyết nó dưới hình thức đơn giản; cũng giống như sự phát triển lịch sử của tất cả mọi ngành khoa học chỉ dẫn tới điểm xuất phát thực sự của nó sau khi phải đi qua rất nhiều đường quanh co khúc khuỷu. Khác với các kiến trúc sư khoa học không chỉ vẽ những lâu đài trên không mà họ còn xây dựng một số tầng ở trước khi đặt nền móng cho toà lâu đài. Ở đây chúng ta không cần bàn nhiều tới phái trọng nông, và chúng ta bỏ qua một loạt nhà kinh tế học Ý, với những ý kiến ít nhiều chính xác của họ, đã đi đến gần việc phân tích hàng hóa một cách đúng đắn27), chúng ta nói ngay đến người Anh đầu tiên đã nghiên cứu toàn bộ hệ thống kinh tế chính trị học tư bản, tức ông James Steuart28). Ở Steuart, các phạm trù trừu tượng của khoa kinh tế chính trị hãy còn ở trong quá trình phân hóa với nội dung vật chất của chúng, do đó, chúng biểu hiện ra còn bấp bênh, chưa được cố định lại, trường hợp phạm trù giá trị trao đổi cũng vậy. Ở chỗ này, ông nói rằng giá trị thực tế (what a workman can perform in a day [cái mà một người lao động có thể sản xuất ra trong một ngày]) là do thời gian lao động quyết định, nhưng bên cạnh lại đề ra tiền công và nguyên liệu29) một cách rất lạ. Ở một chỗ khác, ông vật lộn với nội dung vật chất của hàng hóa một cách lạ lùng hơn nữa. Ông gọi vật liệu tự nhiên chứa đựng trong một hàng hóa, ví dụ bạc trong một đồ vật bằng bạc, là giá trị nội tại (intrinsic worth) của hàng hóa, còn thời gian lao động bao hàm trong hàng hóa thì ông ta gọi là giá trị sử dụng (useful value) của hàng hóa.
Ông nói: "Bản thân giá trị nội tại là một cái có thực... Còn giá trị sử dụng thì trái lại, phải được tính theo lao động đã hao phí để sản xuất ra nó. Lao động bỏ ra để biến đổi vật liệu, là một phần thời gian của một người v. v.."30).
Chỗ phân biệt Steuart với các nhà kinh tế học trước và sau ông là ở chỗ ông đã phân rất rõ sự khác nhau giữa lao động xã hội đặc thù biểu hiện trong giá trị trao đổi với lao động thực tế tạo ra giá trị sử dụng. Ông nói: Tôi gọi loại lao động thông qua việc chuyển nhượng (alienation) bản thân mà tạo ra vật ngang giá chung (universal equivalent) là công nghiệp. Ông không những phân biệt lao động với tư cách là công nghiệp với lao động thực tế, mà còn phân biệt cả với các hình thức xã hội khác của lao động. Theo ông, loại lao động này là hình thức tư sản của lao động, đối lập với các hình thức lao động cổ đại và trung cổ. Điều mà ông quan tâm đặc biệt là sự khác nhau giữa lao động tư sản và lao động phong kiến là thứ lao động mà ông đã quan sát trong giai đoạn suy tàn của nó trên lục địa. Đương nhiên, Steuart biết rất rõ là ở các thời đại trước chủ nghĩa tư bản, sản phẩm đã mang hình thái hàng hóa, và hàng hóa cũng đã mang hình thái tiền tệ, nhưng ông chứng minh rất tỉ mỉ rằng hàng hóa, với tư cách là hình thái cơ bản sơ đẳng của của cải, và việc chuyển nhượng với tư cách là hình thái chiếm hữu thống trị, chỉ thuộc về thời kỳ sản xuất của chủ nghĩa tư bản mà thôi, cho nên tính chất của lao động tạo ra giá trị trao đổi là tính chất đặc thù tư bản chủ nghĩa31).
Sau khi lần lượt tuyên bố là các hình thức đặc thù của lao động thực tế như nông nghiệp, công nghiệp, hàng hải, thương nghiệp, v. v., là những nguồn gốc thực sự của của cải, Adam Smith tuyên bố rằng lao động nói chung, lao động dưới hình thái xã hội chung, với tư cách là sự phân công lao động, là nguồn gốc duy nhất của của cải vật chất, hoặc của các giá trị sử dụng. Nếu như ở đây Smith hoàn toàn không nhìn thấy yếu tố tự nhiên, thì trong lĩnh vực của cải xã hội thuần túy, trong lĩnh vực giá trị trao đổi, yếu tố tự nhiên đó đuổi theo ông. Tuy rằng Adam lấy thời gian lao động bao hàm trong hàng hóa để xác định giá trị của hàng hóa, nhưng rồi ông lại đưa tính hiện thực của sự quy định giá trị này vào những thời đại trước Adam. Nói cách khác, cái điều mà đối với ông là đúng trên quan điểm hàng hóa giản đơn, thì đến khi hàng hóa được thay bằng những hình thức cao hơn, phức tạp hơn như tư bản, lao động làm thuê, địa tô, v. v., đối với ông ta lại trở nên không rõ. Đó là điều mà ông đã biểu thị ra khi nói rằng trong paradise lost [thiên đàng đã mất] của giai cấp tư sản, người ta đối diện với nhau chưa phải với tư cách là nhà tư bản, người công nhân làm thuê, địa chủ, pächters [tenant farmers — B. T.], người cho vay nặng lãi, v. v., mà chỉ với tư cách là những người sản xuất hàng hóa giản đơn và những người trao đổi hàng hóa giản đơn, — ở trong cái thiên đàng đã mất đó, giá trị hàng hóa được đo bằng thời gian lao động chứa đựng trong hàng hóa. Ông thường xuyên lẫn lộn việc lấy thời gian lao động chứa đựng trong hàng hóa để quy định giá trị hàng hóa, với việc lấy giá trị của lao động để quy định giá trị hàng hóa; ông tỏ ra không triệt để khi phân tích chi tiết và đã lầm sự ngang bằng khách quan do quá trình xã hội lập lên một cách cưỡng bức giữa các lao động không ngang nhau với sự san bằng có tính chất chủ quan đối với lao động cá nhân32). Smith định lấy phân công lao động để chứng minh sự biến chuyển của lao động thực tế sang lao động tạo ra giá trị trao đổi nghĩa là sang lao động tư bản chủ nghĩa dưới hình thức cơ bản của nó. Nhưng trao đổi tư nhân lấy phân công lao động làm tiền đề là đúng chừng nào, thì cho rằng phân công lao động lấy trao đổi tư nhân làm tiền đề lại là sai chừng đó. Ví dụ, ở những người Peru sự phân công lao động đã rất phát triển mặc dù không có trao đổi tư nhân, tức không có trao đổi sản phẩm dưới hình thái hàng hóa.
Trái hẳn với Adam Smith, David Ricardo đã nêu ra hết sức rõ ràng nguyên tắc thời gian lao động quy định giá trị hàng hóa và vạch rõ là quy luật này cũng chi phối cả những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mà thoạt nhìn hình như mâu thuẫn nhiều nhất với quy luật đó. Việc nghiên cứu của Ricardo hoàn toàn đóng khung trong lượng giá trị, và về mặt này ít nhất ông cũng nghĩ là sự thực hiện của quy luật này phụ thuộc vào những tiền đề lịch sử nhất định, cho nên ông ta mới nói rằng sự quy định lượng giá trị bằng thời gian lao động chỉ thực tế đối với những hàng hóa.
"Mà số lượng có thể do công nghiệp làm tăng lên theo ý muốn và việc sản xuất ra chúng bị một sự cạnh tranh vô hạn độ chi phối"33).
Trên thực tế, điều đó chỉ có nghĩa là muốn cho quy luật giá trị phát triển đầy đủ, xã hội phải có nền sản xuất công nghiệp lớn và cạnh tranh tự do, nghĩa là phải có xã hội tư sản hiện đại. Vả lại Ricardo coi hình thái lao động tư bản chủ nghĩa là hình thái tự nhiên vĩnh viễn của lao động xã hội. Đối với người đánh cá và người đi săn thời nguyên thuỷ, thì ông bắt họ, với tư cách là người sở hữu hàng hóa, trực tiếp trao đổi cá và thú săn được theo tỷ lệ thời gian lao động đã vật hóa trong những giá trị trao đổi đó. Ở đây, Ricardo đã phạm sai lầm về nhận thức thời đại khi trình bày người đánh cá và người đi săn nguyên thuỷ trong lúc tính toán công cụ lao động của họ, đã dựa vào những bảng lợi tức hàng năm mà Sở giao dịch London dùng năm 1817. "Hình bình hành của ông Owen"[2] hình như là hình thái xã hội duy nhất mà ông ta biết, ngoài chủ nghĩa tư bản. Ricardo tuy bị hạn chế bởi tầm mắt tư sản, nhưng về mặt lý luận ông phân tích nền kinh tế tư bản chủ nghĩa — nền kinh tế mà trong bề sâu của nó biểu hiện hoàn toàn khác hẳn với mặt ngoài của nó — một cách sâu sắc đến nỗi huân tước Brougham [Henry Peter Brougham (1778-1868) — B. T.] đã có thể nói:
"Ông Ricardo hình như là rơi từ ở một hành tinh khác xuống".
Trong một cuộc luận chiến trực tiếp với Ricardo, Sismondi nhấn mạnh tính chất đặc thù xã hội của lao động tạo ra giá trị trao đổi34), và chỉ rõ là việc quy lượng giá trị thành thời gian lao động cần thiết thành
"tỷ lệ giữa nhu cầu toàn xã hội với số lượng lao động đủ để thoả mãn nhu cầu đó"35) "là nét tiêu biểu của sự tiến bộ về kinh tế của chúng ta".
Sismondi không lệ thuộc vào quan niệm của Boisguillebert cho rằng lao động tạo ra giá trị trao đổi bị tiền tệ làm cho sai lạc đi, nhưng cũng giống như Boisguillebert đã tố cáo tiền tệ, ông ta tố cáo tư bản đại công nghiệp. Nếu với Ricardo, môn kinh tế chính trị học đã tàn nhẫn rút ra những kết luận cuối cùng của nó và kết thúc với việc đó, thì Sismondi bổ sung kết luận đó, biểu hiện sự hoài nghi của môn kinh tế chính trị học đối với bản thân nó.
Vì với tư cách là người đã hoàn chỉnh môn kinh tế chính trị học cổ điển, Ricardo đã trình bày và phát triển một cách triệt để nhất quy luật thời gian lao động quy định giá trị trao đổi nên dĩ nhiên là cuộc luận chiến do những nhà kinh tế học gây ra đã nhằm chống lại ông ta. Nếu trong đại bộ phận của cuộc tranh luận đó, ta gạt bỏ cái hình thức phi lý36) ra, thì sự luận chiến này quy lại thành mấy điểm dưới đây:
Thứ nhất: Bản thân lao động có một giá trị trao đổi và những loại lao động khác nhau có những giá trị trao đổi khác nhau. Lấy giá trị trao đổi làm thước đo của giá trị trao đổi là tạo ra một vòng luẩn quẩn, vì rằng bản thân giá trị trao đổi dùng để đo lường lại cần phải có một thước đo. Điều bác bỏ này quy lại là vấn đề sau đây: biết thời gian lao động là thước đo nội tại của giá trị trao đổi, hãy thử lấy đó làm cơ sở để chứng minh tiền công. Lý luận về lao động làm thuê giải đáp vấn đề này.
Thứ hai: Nếu giá trị trao đổi của sản phẩm bằng thời gian lao động bao hàm trong sản phẩm, thì giá trị trao đổi của một ngày lao động sẽ bằng sản phẩm của một ngày lao động. Nói cách khác, tiền công phải bằng sản phẩm của lao động37). Nhưng tình hình thực tế hoàn toàn ngược hẳn lại. Ergo [do đó], điều bác bẻ này quy lại thành vấn đề sau đây: tại sao sản xuất tiến hành trên cơ sở giá trị trao đổi, là cái chỉ do thời gian lao động quyết định, lại dẫn tới kết quả là giá trị trao đổi của lao động lại nhỏ hơn giá trị trao đổi của sản phẩm lao động? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này khi nghiên cứu tư bản.
Thứ ba: Tuỳ theo biến động của quan hệ giữa cung và cầu, giá cả thị trường của hàng hóa hạ xuống thấp hơn hoặc nâng lên cao hơn giá trị trao đổi của hàng hóa. Do đó, giá trị trao đổi của hàng hóa là do quan hệ giữa cung và cầu quyết định, chứ không phải do thời gian lao động bao hàm trong hàng hóa quyết định.
Trên thực tế, kết luận kỳ cục này chỉ nêu lên vấn đề sau đây: trên cơ sở giá trị trao đổi, giá cả thị trường — khác với giá trị trao đổi — đã hình thành như thế nào, hoặc nói cho đúng hơn, quy luật giá trị trao đổi chỉ được thực hiện ở trong cái đối lập lại bản thân nó như thế nào? Vấn đề này sẽ được giải quyết trong lý luận về cạnh tranh.
Thứ tư: Mâu thuẫn cuối cùng và có vẻ kỳ lạ nhất, mặc dầu thông thường nó không được nêu ra dưới hình thức những ví dụ kỳ quái, là vấn đề sau đây: nếu giá trị trao đổi chẳng qua là thời gian lao động bao hàm trong hàng hóa, thế thì những hàng hóa không chứa đựng lao động làm sao có thể có giá trị trao đổi được, hay nói cách khác, những cái hoàn toàn do các lực lượng tự nhiên tạo ra, thì do đâu mà có được giá trị trao đổi? Vấn đề này sẽ được giải quyết trong lý luận về địa tô.
*Chú thích:
- Thuộc chính văn:
1) Aristotle, d. Rep, L. 1, C. 9 (edit I. Bekkeri, Oxonii, 1837): "Mỗi đối tượng chiếm hữu đều có hai công dụng... Một công dụng là riêng có của vật đó, còn công dụng kia thì không phải là riêng có của vật đó; ví như một chiếc dép có thể dùng để đi, lại còn dùng làm vật trao đổi. Trong hai trường hợp, dép đều là đối tượng sử dụng, vì người dùng dép trao đổi với người cần dép, lấy tiền hay lương thực chẳng hạn, thì anh ta cũng sử dụng đến dép với tư cách là dép, nhưng đó không phải là cái công dụng vốn có của dép, vì dép không phải được làm ra để trao đổi. Đối với các đối tượng chiếm hữu khác cũng đều như vậy".
2) Chính vì lẽ đó mà có những cây bút người Đức chuyên cóp nhặt văn của người khác bàn luận một cách say mê [con amore] về giá trị sử dụng, gọi nó là "của cải". Ví dụ xem: L. Stein: "System der Staatswissenschaften", Bd. I, den Abschnitt von den "Cütera" [L. Stein: "Hệ thống các khoa học chính trị"], t. I, phần nói về "của cải"]. Phải tìm những tri thức về "của cải" trong "những cuốn chỉ nam thương phẩm học".
3) Các nhà kinh tế học Anh gọi nó là "Unskilled labour" ["lao động không có chuyên môn"]
4) Gần đây lưu truyền một thành kiến buồn cười cho rằng hình thái sở hữu công xã nguyên thuỷ là một hình thái sở hữu đặc thù của dân tộc Slav, thậm chí còn là một hình thái riêng của người Nga. Hình thái đó là hình thái nguyên thuỷ mà chúng ta có thể thấy ở người La Mã, German, Celt; ở Ấn Độ, ngày nay vẫn còn thấy cả một loạt những mẫu hình khác nhau của hình thái đó, mặc dù một bộ phận chỉ còn ở trạng thái tàn tích mà thôi. Nếu nghiên cứu kỹ hơn các hình thái sở hữu công xã ở châu Á và đặc biệt là ở Ấn Độ, thì có thể thấy các hình thái tan rã khác nhau của chế độ sở hữu công xã là do các hình thái khác nhau của chế độ sở hữu công xã nguyên thuỷ đó ra. Do đó, chẳng hạn, có thể từ các hình thái sở hữu công xã khác nhau ở Ấn Độ, suy ra các loại hình thái sở hữu tư nhân khác nhau, độc đáo, của người La Mã và của người German.
5) "Của cải là mối quan hệ giữa hai con người" (Galiani, "Della Moneta", p. 211, quyển III, Văn tập Custodi, "Scrittori classici Italiani di Economia Politica. Parte Moderna", Milano, 1803 [Galiani, "Bàn về tiền tệ", tr. 221, q. III, Văn tập của Custodi, "Những nhà kinh điển của khoa học kinh tế chính trị Ý. Những nhà kinh tế học hiện đại", Milan, 1803]).
6) "Trong trạng thái tự nhiên của nó, vật chất bao giờ cũng không có giá trị.", McCulloch, "Discours sur l'origine de l'économie politique etc", traduit par Prévost, Genève, 1825, p. 57 [McCulloch, "Luận về nguồn gốc của kinh tế chính trị học, v. v.", Bản dịch của Prévost, Genève, 1825, tr. 57]. Điều này cho thấy rằng ngay một người như McCulloch cũng vượt khỏi cái báu vật giáo của "những nhà tư tưởng" Đức, họ tuyên bố rằng "vật thể" và nửa tá thực thể khác nữa là những yếu tố của giá trị. Ví dụ, xem L. Stein, sách đã dẫn, t. I, tr. 170.
7) Berkeley, "The Querist", London, 1750 [Berkeley, "Người chất vấn", London, 1750]: "Whether the four elements and man's labour therein be not the true source of wealth?"
8) Thomas Cooper, "Lectures on the Elements of Political Economy", London, 1831 (Columbia, 1826), p. 99 [Thomas Cooper, "Những bài giảng về các nguyên lý kinh tế chính trị học", London, 1831 (Columbia, 1826), tr. 99].
9) Friedrich List, một người không bao giờ có thể hiểu được — nói chung đầu óc thực dụng ích kỷ của ông ta không thể hiểu được — sự khác nhau giữa lao động dùng để tạo ra một cái hữu ích, một giá trị sử dụng, với lao động tạo ra một hình thái xã hội nhất định của của cải, tức giá trị trao đổi, vì vậy List cho rằng các nhà kinh tế học Anh hiện đại chỉ là những kẻ chép lại Moses của nước Ai Cập cổ đại mà thôi.
10) Chúng ta hiểu rằng phạm trù "phục vụ" ("service") đã "phục vụ" như thế nào cho các nhà kinh tế học kiểu J. B. Say và F. Bastiat là những người mà lý luận giảo hoạt, đúng như Malthus đã từng nhận xét, chỗ nào cũng bỏ qua cái hình thái đặc thù nhất định của các quan hệ kinh tế.
11) "Một đặc tính nữa của thước đo là tỷ lệ của nó với những vật được đo như thế nào để cho vật được đo hầu như trở thành thước đo của vật dùng để đo.", Montanari, "Della Moneta", p. 41 trong văn tập của Custodi, Vol. III, Parte Antica [Montanari, "Bàn về tiền tệ", tr. 41, trong văn tập của Custodi, quyển III, Các nhà kinh tế học thời cổ].
12) Aristotle quan niệm giá trị trao đổi chính là dưới hình thái nhất định này (xem đoạn dẫn ở đầu chương này).
13) Khi nói tới gia đình tư nhân với tư cách là hình thái ban đầu của việc giao tiếp, Aristotle cũng nhận xét như vậy. Những hình thái ban đầu của gia đình chính là gia đình thị tộc, và chính gia đình tư nhân chỉ xuất hiện trên sự tan rã lịch sử của gia đình thị tộc. "Trong hình thái đầu tiên của việc giao tiếp (tức là trong gia đình) rõ ràng chẳng có cần đến điều đó (tức là cần đến trao đổi)" (Aristotle, "Chính trị", q. 1, ch. 9, Nhà xuất bản Bekker, Oxford, 1837, tr. 14).
14) "Về thực chất, tiền tệ chẳng qua chỉ là công cụ để tiến hành mua và bán" (nhưng xin hỏi dưới danh từ mua và bán ông định nói cái gì?)" và đối với khoa kinh tế chính trị, việc nghiên cứu tiền tệ cũng chỉ như việc nghiên cứu tàu bè, máy hơi nước hoặc bất kỳ những công cụ nào khác dùng để làm cho việc sản xuất và phân phối của cải được tiện lợi mà thôi". (Thomas Hodgskin, "Popular Political Economy, etc.", London, 1827, p. 178-179 [Thomas Hodgskin, "Kinh tế chính trị học phổ thông...", London, 1827, tr. 178-179]).
15) Một sự nghiên cứu so sánh tác phẩm và các tính cách của Petty và Boisguillebert, ngoài việc soi rạng sự đối lập xã hội giữa nước Anh và nước Pháp cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, còn cho phép trình bày nguồn gốc của sự đối lập dân tộc tồn tại giữa kinh tế chính trị học nước Anh và nước Pháp. Sự đối lập đó cuối cùng cũng lại biểu hiện ra giữa Ricardo và Sismondi.
16) Petty cũng đã vạch rõ ý nghĩa của sự phân công lao động với tư cách là sức sản xuất, và điều đó được phát triển trên một diện rộng hơn ở Adam Smith. Xin đọc "An Essay concerning the multiplication of mankind etc. ", 3 edition, 1686, p. 35-36. ("Thử bàn về sự sinh sôi nảy nở của loài người v. v..", xuất bản lần thứ 3, 1686, tr. 35-36). Trong tác phẩm này, để nói rõ những ưu thế của sự phân công lao động đối với sản xuất. Petty không những chỉ lấy việc chế tạo đồng hồ bỏ túi như sau này Smith lấy việc chế tạo kim băng làm ví dụ, mà còn đứng trên quan điểm những xí nghiệp công xưởng lớn để quan sát một thành thị và cả một nước. Báo "Spectator"[3] số ra ngày 26 tháng Mười một 1711, đã từng nói tới "Sự minh họa ấy của ông William Petty tuyệt diệu". Như vậy, McCulloch đã sai khi cho rằng báo "Spectator" đã nhầm ông Petty với một tác giả khác trẻ hơn ông 40 tuổi. (Xin đọc McCulloch, "The Literature of Political Economy, a classified catalogue". London, 1845, p. 102 [McCulloch, "Tài liệu về kinh tế chính trị học — một bảng mục lục có sắp xếp", Luân Đôn, 1845, tr. 102]. Petty cảm thấy mình là người đặt nền móng cho một môn khoa học mới. Ông nói rằng phương pháp của ông "không phải là phương pháp theo lối cũ". Ông nói rằng không phải ông đã đem sắp xếp một chuỗi những từ ở cấp so sánh và cấp tuyệt đối và những lý lẽ thuần tuý lý luận, mà ông đã quyết định nói terms of number, weight or measure [bằng những con số, trọng lượng và thước đo], chỉ dùng những luận cứ rút ra từ kinh nghiệm do cảm giác đem lại, và chỉ xét những nguyên nhân as have visible foundations in nature [có cơ sở có thể thấy được trong giới tự nhiên] mà thôi. Ông để lại cho người khác nghiên cứu những nguyên nhân những mutable minds, opinions, "appetites and passions of particular men [những tư tưởng, ý kiến, khẩu vị và những sự say mê thường hay thay đổi của cá nhân] ("Political Arithmetic etc.", Lond, 1699, Preface). ["Số học chính trị v. v.", Luân Đôn, 1699, Lời tựa]. Sự mạnh dạn thiên tài của ông biểu hiện ra, chẳng hạn ở chỗ: ông đề nghị di toàn bộ dân cư vùng Ireland và miền núi Scotland, cùng với những động sản của họ, tới vùng tự do của nước Anh. Như vậy, có thể tiết kiệm được thời gian lao động tăng năng suất lao động, và "quốc vương cùng thần dân sẽ trở nên phú cường hơn" ("Số học chính trị", chương 4). Hoặc, chẳng hạn, trong một chương của "Số học chính trị" trong đó ông ta chứng minh rằng nước Anh có sứ mệnh chinh phục thị trường thế giới, khi Hà Lan đang còn đóng vai trò thống trị với tư cách là một nước buôn bán, và nước Pháp hình như đang trở thành một cường quốc thống trị về mặt buôn bán, rằng "thần dân của Anh hoàng có những phương tiện đầy đủ và thích ứng để tiến hành toàn bộ việc buôn bán của thế giới" (sách đã dẫn, ch.10), rằng "những chướng ngại ngăn trở sự vĩ đại của nước Anh chỉ là ngẫu nhiên, có thể gạt bỏ được", tr. 247 và tiếp theo). Tất cả các tác phẩm của ông đều tràn đầy hài hước độc đáo. Ví dụ, Petty nêu ra rằng việc Hà Lan chinh phục thị trường thế giới — bấy giờ Hà Lan có một nước kiểu mẫu đối với các nhà kinh tế học Anh, cũng đúng như nước Anh ngày nay đối với các nhà kinh tế học ở lục địa — là hoàn toàn tự nhiên, và "không phải là người Hà Lan có một trí thông minh và óc xét đoán thần kỳ gì như một số người đã gán cho họ" (sách đã dẫn, tr. 175-176). Ông ta bảo vệ tự do tín ngưỡng, coi đó là điều kiện của mậu dịch, "vì rằng người nghèo sẽ còn cần cù và coi lao động và sự cần mẫn là nghĩa vụ đối với thần thánh, nếu người ta còn để cho họ nghĩ rằng tuy họ có ít của cải hơn, nhưng họ lại có nhiều trí tuệ hơn và hiểu được những công việc thần linh nhiều hơn, những cái này được họ coi là tài sản riêng của người nghèo". Do đó, mậu dịch "không gắn với một thứ tôn giáo nhất định nào, nói cho đúng hơn, bao giờ cũng gắn với cái bộ phận dị giáo trong dân cư" (sách đã dẫn, tr. 183-186).
Ông ta chủ trương thu một thứ thuế đặc biệt để đài thọ cho bọn kẻ cắp, vì đối với xã hội, tự nộp thuế cho bọn kẻ cắp còn tốt hơn là để chúng đi thu lấy (sách đã dẫn, tr. 199). Trái lại, ông ta lên án những thứ thuế đem chuyển của cải ở trong tay những người làm lụng sang tay những người "chẳng làm việc gì cả ngoài việc chè chén, xướng ca, chơi bời, nhảy múa và nghiên cứu siêu hình học". Tác phẩm của Petty hầu như là một cuốn sách hiếm và chỉ tìm được rải rác trong những lần xuất bản cũ và xấu; điểm đó càng lạ vì rằng William Petty không chỉ là cha đẻ của kinh tế chính trị học nước Anh, mà còn là ông tổ của Henry Petty, biệt hiệu là bá tước Nestor, người lãnh đạo khôn ngoan của đảng Whig nước Anh. Tất nhiên họ Lansdowne không thể xuất bản Petty toàn tập mà không nêu tiểu sử của tác giả lên trước, mà như vậy thì có thể áp dụng nhận xét sau đây, nhận xét này đúng đối với Origines [nguồn gốc] của đa số họ nổi tiếng khác của đảng Whig: the less said of them the better [càng nói ít càng tốt]. Một nhà tư tưởng mạnh dạn, nhưng lại là một nhà giải phẫu trong quân đội chẳng có một lý tưởng gì, có thể theo Cromwell đi cướp bóc Ireland, cũng như có thể quỳ gối xin Charles II danh hiệu tòng nam tước vì đã tiến hành cuộc cướp bóc đó, — một chân dung ông tổ như vậy đem ra triển lãm thật không tiện chút nào cả. Vả lại trong phần lớn tác phẩm đã xuất bản khi còn sống, Petty đã cố gắng chứng minh thời đại phồn vinh của nước Anh là ở dưới thời vua Charles II, đó là quan điểm mà những kẻ cha truyền con nối lợi dụng cuộc "glorious revolution" ["cách mạng quang vinh"] cho là tà thuyết.
17) Ngược lại với các "bí thuật tài chính" hồi bấy giờ. Boisguillebert nói: "Khoa học tài chính chỉ là sự hiểu sâu những lợi ích của nông nghiệp và thương nghiệp", "Le détail de la France", 1967, Nhà xuất bản Eugène Daire, "Economistes financiers du XVIII siècle", Paris, 1843, vol. I, p. 241 ["Thương nghiệp bán lẻ của nước Pháp", 1697, Nhà xuất bản Eugène Daire: "Các nhà kinh tế tài chính thế kỷ XVIII", Paris, 1842, t. 1, tr. 24].
18) Nhưng không phải kinh tế chính trị học Roman bởi vì những người Ý, với hai trường phái Naples và Milan của họ, đã diễn lại cái tính chất trái ngược nhau giữa chính trị học Anh và kinh tế chính trị học Pháp, còn những người Tây Ban Nha thời đại trước đấy thì chỉ là những người theo chủ nghĩa trọng thương hay là những người theo chủ nghĩa trọng thương biến tướng, như Ustariz hay như Jovellanos (xem "Obras" của ông ta, Barcelona, 1839-40 [Văn tập, Barcelona, 1839-40]), cùng với Adam Smith, đã đi theo con đường "trung dung".
19) "Sự giàu có thật sự... là sự hưởng thụ hoàn toàn không chỉ đối với những tư liệu sinh hoạt cần thiết, mà còn hưởng thụ tất cả những cái sang trọng và có thể đem lại thích thú cho cảm giác nữa." (Boisguilbert, "Dissertation sur la nature de la richesse, etc.", L. c., p. 403 [Boisguillebert, "Bàn về bản chất của sự giàu có, …", sách đã dẫn, tr. 403]). Nhưng nếu Petty là một kẻ phiêu lưu nông nổi, khao khát cướp bóc và nhu nhược, thì trái lại Boisguillebert, tuy là một trong những viên quản lý tài chính của Louis XIV, nhưng lại đứng về phía các giai cấp bị áp bức một cách vừa nhiệt tình, vừa dũng cảm.
20) Chủ nghĩa xã hội Pháp mà đại biểu là Proudhon, cũng mắc phải cái bệnh di truyền dân tộc đó.
21) Franklin B, The Works of etc., ed. by J. Sparks, vol. II, Boston, 1836: "A Modest Inquiry into the Nature and Necessity of a Paper Currency" [Benjamin Franklin, Toàn tập, do J. Sparks biên tập, tập II, Boston, 1836: "Công trình nghiên cứu khiêm tốn về bản chất và sự cần thiết của tiền giấy"].
22) Giả định những điều kiện khác như nhau.
23) Sách đã dẫn, tr. 265: "Thus a riches of a country are to be valued by the quantity of labour its inhabitants are able to purchase".
24) "Trade in general being nothing else but the exchange of labour for labour, the value of all things is, as I have said before, most justly measured by labour". (Sách đã dẫn, tr. 267).
25) L. c.: "Remarks and Facts relative to the American Paper Money", 1764 [Sách đã dẫn: "Những nhận xét và sự kiện liên quan đến tiền giấy của Mỹ", 1764].
26) Xem: "Paper on American Politics" ["Những bài viết về các vấn đề chính sách của Mỹ"], "Những nhận xét và sự kiện liên quan đến tiền giấy của Mỹ", 1764 (sách đã dẫn).
27) Xem chẳng hạn Galiani, "Della Moneta", vol. III, trong "Scrittori classici italiani di economia politica" (do Custodi xuất bản), Parte Moderna, Milano, 1803 [Galiani, "Về tiền tệ", trong Văn tập Custodi, "Các nhà kinh tế chính trị học cổ điển Ý. Các nhà kinh tế học hiện nay", t. III, Milan, 1803]. Ông nói: "Fatica (lao động) là cái duy nhất đem lại giá trị cho vật phẩm", tr. 74. Người miền Nam thường dùng chữ "fatica" để chỉ lao động.
28) Tác phẩm của Steuart, "An inquiry into the principles of political economy, being an essay on the science of domestic policy in free nations" ["Nghiên cứu về những nguyên lý kinh tế chính trị học, hay là khái luận về khoa học của chính sách đối nội trong những nước tự do"], lần đầu tiên xuất bản năm 1767, làm 2 tập, in quarto, ở London, mười năm trước cuốn "Sự giàu có của các dân tộc" của Adam Smith. Ở đây tôi trích dẫn theo cuốn của Nhà xuất bản Dublin năm 1770.
29) Steuart, như trên, t. I, tr. 181-183.
30) Steuart, như trên, t. I, tr. 361-362: "represents portion of a man's time".
32) Thí dụ Adam Smith nói: "Bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, những lượng lao động ngang nhau đều phải có một giá trị ngang nhau đối với người lao động. Với một tình hình sức khoẻ bình thường, thể lực bình thường và hoạt động bình thường, và với một trình độ khéo léo trung bình mà họ có, thì bao giờ họ cũng vẫn phải bỏ ra một phần như vậy trong sự nghỉ ngơi, tự do và hạnh phúc của họ. Như vậy, dù cho số lượng hàng hóa mà họ nhận được để bù đắp lại lao động của họ là như thế nào, thì giá tiền mà họ phải trả bao giờ cũng vẫn như thế. Thật ra, với giá tiền đó, khi thì có thể mua được ít hàng hóa hơn, khi thì nhiều hàng hóa hơn, nhưng đó chỉ là vì giá trị của chúng thay đổi, chứ không phải là vì giá trị của lao động cho phép mua những hàng hóa đó thay đổi. Cho nên, chỉ riêng lao động thì không bao giờ nó thay đổi chính ngay giá trị của nó. Như vậy, lao động là giá cả thực tế của hàng hóa", v. v..
33) David Ricardo, "On the Principles of Political Economy, and Taxation", 3 Edition, London, 1821, p. 3 [David Ricardo, "Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và của việc đánh thuế", xuất bản lần thứ ba, London, 1821, tr. 3].
34) Sismondi, "Étudessur l'économie politique", t. 2, p.162, Bruxelles, 1838 (Sismondi, "Khái luận kinh tế chính trị học", t. 2, Brussels, 1838, tr. 162, "Sự buôn bán đã quy tất cả thành sự đối lập giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi" v. v..
35) Sismondi, như trên, tr. 163-164 và tiếp theo.
36) Cuộc luận chiến đó mang một hình thái vô lý hơn cả trong những lời chú thích do J. B. Say viết cho bản dịch ra tiếng Pháp của tác phẩm của Ricardo, do Constancio dịch; nó mang một hình thái cầu kỳ rởm hơn cả trong cuốn "Theory of Exchange"[4], London, 1858 ["Học thuyết về sự trao đổi"] London, 1858 do ông Macleod vừa cho xuất bản mới đây.
37) Lời các nhà kinh tế học tư sản bác bỏ Ricardo sau này được những người xã hội chủ nghĩa lắp lại. Thừa nhận rằng công thức đó là đúng về mặt lý luận, họ lên án thực tiễn là đã mâu thuẫn với lý luận, và kêu gọi xã hội tư sản thực hiện trong thực tiễn các kết luận tưởng tượng rút từ nguyên lý lý luận của mình. Ít ra, những người xã hội chủ nghĩa Anh cũng đã theo cách đó để đem cái công thức giá trị trao đổi của Ricardo chống lại khoa kinh tế chính trị. Riêng có ông Proudhon là không những đã lấy cái nguyên tắc cơ bản của xã hội cũ làm nguyên tắc của một xã hội mới, mà đồng thời ông ta còn tự cho mình là người đã phát minh ra cái công thức trong đó Ricardo đã tổng kết khoa kinh tế chính trị cổ điển Anh. Sự thật đã chứng minh rằng khi ông Proudhon lại "phát hiện ra" cái công thức đó ở phía bên này bờ biển Manche [La Manche/The English Channel — B. T.] , thì ở nước Anh, lúc đó thậm chí chẳng còn ai lý giải công thức của Ricardo theo lối không tưởng nữa (Xem tác phẩm của tôi "Misere de la Philosophie, etc", Paris, 1847 ["Sự khốn cùng của triết học, v. v.", Paris, 1847] chương nói về la valeur constituée [Giá trị cấu thành].)
- Chú thích không thuộc chính văn
[1] Marx trích dẫn cuốn sách được xuất bản khuyết danh của William Petty: "A Treatise of Taxes and Contributions", London, 1667 ("Bàn về thuế khóa", London, 1667).
[2] Ricardo nhắc đến những hình bình hành của Owen trong tác phẩm của mình: "On protection to agriculture", Fourth ed., London, 1822, p. 21 ["Bàn về việc bảo trợ nền nông nghiệp", Xuất bản lần thứ 4, Luân Đôn, 1882, tr. 21)]. Phát triển dự án không tưởng của mình về cải tạo xã hội, Owen chứng minh rằng về mặt kinh tế cũng như xét từ quan điểm tổ chức sinh hoạt gia đình thì xây dựng khu dân cư theo kiểu hình bình hành hoặc hình vuông là hợp lý nhất. Từ đó xuất hiện thành ngữ "hình bình hành của Owen".
[3] "The Spectator" ("Khán giả") — tạp chí văn học Anh ra hàng ngày, xuất bản ở Luân Đôn vào những năm 1711-1714.
[4] Tác phẩm "Theory of Exchanges" được Karl Marx nhắc đến là chương bốn trong tác phẩm của Henry Dunning Macleod, "The Elements of Political Economy", London, 1858 ("Những nguyên lý của khoa kinh tế chính trị", London, 1858).