Khác với tiền đúc và là kết quả của quá trình lưu thông dưới hình thái H – T – H, tiền tệ trở thành điểm xuất phát của quá trình lưu thông dưới hình thái T – H – T, tức là quá trình đổi tiền lấy hàng hoá để rồi đổi hàng hoá lấy tiền. Trong công thức H – T – H, hàng hoá là điểm xuất phát và là điểm kết thúc của cuộc vận động, còn trong công thức T – H – T thì tiền là điểm xuất phát và là điểm kết thúc của cuộc vận động. Trong công thức đầu, tiền là môi giới cho việc trao đổi hàng hoá; còn trong công thức sau, hàng hoá làm môi giới cho việc tiền biến thành tiền. Trong công thức đầu, tiền là phương tiện đơn thuần, còn trong công thức thứ hai thì tiền biểu hiện là mục đích cuối cùng của lưu thông; hàng hoá trong công thức đầu là mục đích cuối cùng, thì trong công thức sau, nó lại là phương tiện đơn thuần. Vì bản thân tiền tệ đã là kết quả của lưu thông H – T – H, nêu trong công thức T – H – T kết quả lưu thông đồng thời lại biểu hiện ra là điểm xuất phát của lưu thông. Trong lúc trong công thức H – T – H, nội dung thực tế của quá trình là sự trao đổi chất, thì nội dung thực tế của quá trình thứ hai T – H – T lại là bản thân sự tồn tại của hình thức hàng hóa, do quá trình thứ nhất đẻ ra.
[Source]
Trong công thức H – T – H, hai cực là hàng hoá có cùng một lượng giá trị như nhau, nhưng đồng thời là những giá trị sử dụng khác nhau về chất. Sự trao đổi hàng hoá H - H là sự trao đổi chất thực sự. Ngược lại, trong công thức T – H – T, hai cực là vàng, đồng thời là vàng có cùng một lượng giá trị như nhau. Việc đổi vàng lấy hàng hoá để rồi đổi hàng hoá lấy vàng, hoặc nếu chúng ta xét kết quả T – T, tức là vàng đổi lấy vàng, thì hình như đấy là một chuyện vô lý. Nhưng nếu chúng ta đem T – H – T diễn tả thành công thức mua để bán, — cái đó chẳng qua chỉ là vàng đổi lấy vàng thông qua một sự vận động trung gian, — thì chúng ta sẽ lập tức nhận ngay được rằng công thức này là hình thức thống trị của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, trên thực tiễn người ta không phải đơn thuần mua để bán, mà là mua rẻ để bán đắt. Người ta đổi tiền lấy hàng hóa là để lại đổi chính hàng hoá ấy lấy một số lượng tiền nhiều hơn, thành thử T và T ở hai cực nếu không khác nhau về chất, thì khác nhau về lượng. Sự khác nhau về lượng như vậy giả định có sự trao đổi của những vật không phải là vật ngang giá, trong khi đó hàng hóa và tiền tệ chỉ là những hình thái đối lập của bản thân hàng hoá, do đó, chỉ là những hình thái tồn tại khác nhau của cùng một lượng giá trị như nhau. Cho nên ở dưới các hình thái tiền tệ và hàng hoá, tuần hoàn T – H – T che đậy những quan hệ sản xuất phát triển hơn và, trong phạm vi lưu thông giản đơn, nó chẳng qua chỉ là sự phản ánh của một vận động phức tạp hơn. Vì vậy, khác với phương tiện lưu thông chúng ta phải nghiên cứu tiền tệ từ hình thái trực tiếp của lưu thông hàng hoá H – T – H.
Vàng, tức là hàng hoá đặc biệt dùng làm thước đo giá trị và phương tiện lưu thông, trở thành tiền mà không cần phải có sự can thiệp tiếp theo của xã hội. Ở Anh, bạc vừa không phải là thước đo giá trị, vừa không phải là phương tiện lưu thông chủ yếu, nó không trở thành tiền, cũng như vàng ở Hà Lan, một khi mất địa vị là thước đo giá trị thì vàng không còn là tiền nữa. Do đó, một hàng hoá biến thành tiền tệ trước hết vì nó là sự thống nhất giữa thước đo giá trị và phương tiện lưu thông, nói khác đi, sự thống nhất giữa thước đo giá trị và phương tiện lưu thông là tiền tệ. Nhưng với tư cách là sự thống nhất như vậy, vàng lại có một sự tồn tại độc lập khác với sự tồn tại của nó ở trong hai chức năng này. Là thước đo giá trị, vàng chỉ là tiền tệ trong ý niệm và chỉ là vàng trong ý niệm; là phương tiện lưu thông giản đơn, vàng chỉ là tiền tệ tượng trưng và là vàng tượng trưng; nhưng dưới hình thức thực thể kim thuộc giản đơn, vàng là tiền tệ, hoặc tiền tệ là vàng thực sự.
Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu hàng hoá — vàng ở dưới trạng thái tĩnh, coi là tiền tệ trong mối quan hệ của nó với các hàng hoá khác. Trong giá cả của chúng, tất cả mọi hàng hóa đều đại biểu cho một số vàng nhất định; do đó chúng chỉ là vàng trong tưởng tượng hoặc là tiền trong tưởng tượng, chỉ là những đại biểu của vàng, trong lúc đó, ngược lại, với tư cách là ký hiệu giá trị, tiền chỉ là đại biểu đơn thuần của giá cả hàng hóa1). Như vậy, vì tất cả các hàng hoá chỉ là tiền tệ trong tưởng tượng, nên tiền là hàng hoá thực tế duy nhất. Ngược lại với hàng hoá là cái chẳng qua chỉ thể hiện sự tồn tại độc lập của giá trị trao đổi hay của lao động xã hội chung, của của cải trừu tượng, vàng là hình thái tồn tại vật chất của của cải trừu tượng. Đứng về mặt giá trị sử dụng mà xét, thông qua mối quan hệ của nó với một nhu cầu đặc thù, mỗi hàng hoá chỉ thể hiện một yếu tố của của cải vật chất, một mặt cá biệt của của cải. Còn tiền tệ thì thỏa mãn bất kỳ một nhu cầu nào, vì nó có thể trực tiếp đổi lấy đối tượng của bất kỳ nhu cầu nào. Giá trị sử dụng của bản thân tiền tệ được thực hiện trong một loạt vô tận những giá trị sử dụng cấu thành vật ngang giá của tiền tệ. Ở trong cái thực thể kim thuộc cứng rắn của nó, tiền tệ đã chứa đựng mầm mống của tất cả mọi của cải vật chất được phơi bày ra ở trong thế giới hàng hoá. Do đó, nếu trong giá cả của chúng, hàng hoá đại biểu cho vật ngang giá chung hoặc đại biểu cho của cải trừu tượng tức là vàng, thì trong giá trị sử dụng của vàng, vàng đại biểu cho giá trị sử dụng của tất cả mọi hàng hóa. Do đó, vàng là đại biểu cụ thể của của cải vật chất. Vàng là cái "précis de toutes les choses" ["kết quả của mọi vật"] (Boisguillebert), là cái toát yếu của của cải xã hội. Về mặt hình thức, vàng vừa là hiện thân trực tiếp của lao động chung, đồng thời về mặt nội dung vàng lại là tổng thể của tất cả mọi lao động hiện thực. Vàng là của cải phổ biến dưới cái hình thức cá biệt của nó2). Trong vai trò làm môi giới cho lưu thông, vàng chịu đủ mọi điều không may: nó bị đẽo gọt, thậm chí bị dát mỏng đến mức chỉ còn là một mảnh giấy tượng trưng đơn thuần. Nhưng với tư cách tiền tệ, vàng lại có được tầm cỡ vàng của nó. Từ chỗ là kẻ nô bộc, nó trở thành người chủ3); từ chỗ là kẻ giúp việc, nó đã trở thành vị thần của hàng hóa4).
a) Cất trữ tiền tệ
Với tư cách là tiền tệ, do chỗ hàng hoá làm gián đoạn quá trình biến đổi hình thái của vàng, lúc đầu vàng tách khỏi phương tiện lưu thông và ngưng đọng lại trong trạng thái con nhộng vàng. Tình trạng đó xảy ra mỗi khi hành vi bán không chuyển hoá thành hành vi mua. Như vậy, vàng có một đời sống độc lập với tư cách là tiền, việc đó trước hết là một biểu hiện rõ rệt của sự kiện: quá trình lưu thông hay sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá tách ra thành hai hành vi cá biệt, tồn tại một cách độc lập với nhau. Một khi sự vận động của tiền đúc bị gián đoạn, thì bản thân tiền đúc trở thành tiền. Trong tay người bán hàng hoá có được tiền đúc do bán hàng hoá của mình đi, thì tiền đúc là tiền, chứ không phải là tiền đúc; một khi rời khỏi tay người bán, nó lại biến thành tiền đúc. Mỗi người đều là người bán thứ hàng hoá riêng mà họ sản xuất ra và là người mua tất cả mọi hàng hóa khác mà họ cần dùng cho đời sống trong xã hội. Nếu việc người đó xuất hiện làm người bán phụ thuộc vào thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hoá của họ, thì việc người đó xuất hiện làm người mua lại do sự lặp đi lặp lại không ngừng những nhu cầu sinh sống của họ quyết định. Muốn có thể mua mà không bán thì người đó tất phải đã từng bán mà không mua. Trong thực tế, quá trình lưu thông H – T – H là thể thống nhất của hành vi bán và mua ở trạng thái một quá trình, vì sự lưu thông đó đồng thời là quá trình tách rời thường xuyên giữa bán và mua. Muốn cho tiền luôn luôn lưu thông với tư cách là tiền đúc, thì tiền đúc phải không ngừng đọng lại dưới hình thái tiền. Muốn cho tiền đúc không ngừng lưu thông, thì luôn luôn phải có một số lượng tiền đúc, hoặc nhiều hoặc ít, được giữ lại trong các quỹ dự trữ tiền đúc, những quỹ này xuất hiện ở khắp nơi trong lĩnh vực lưu thông và đồng thời quyết định lưu thông; sự hình thành, phân phối, thanh toán đi và lặp lại những quỹ dự trữ này thay đổi không ngừng, sự tồn tại của các quỹ dự trữ này không ngừng biến đi, sự biến đi của các quỹ dự trữ này không ngừng diễn ra. Adam Smith đã thể hiện sự chuyển hoá không ngừng của tiền đúc thành tiền và của tiền thành tiền đúc như sau: mỗi người sở hữu hàng hoá, ngoài hàng hoá riêng mà họ bán ra, phải thường xuyên có dự trữ một số nhất định về hàng hoá chung dùng để mua. Chúng ta đã thấy rằng trong quá trình lưu thông H – T – H, bộ phận thứ hai T – H phân thành một loạt hành vi mua, những hành vi mua này không phải thực hiện ngay một lúc, mà nối tiếp nhau trong thời gian, thành thử một bộ phận của T được lưu thông với tư cách là tiền đúc, trong lúc đó một bộ phận khác nằm lại dưới hình thái tiền. Ở đây, tiền thực ra chỉ là tiền đúc tiềm tàng, và các bộ phận cấu thành khác nhau của khối lượng tiền đúc đang nằm trong lưu thông bao giờ cũng thay nhau xuất hiện khi thì dưới hình thức này, khi thì dưới hình thức kia. Do đó, sự chuyển hoá đầu tiên này của phương tiện lưu thông thành tiền tệ là một giai đoạn thuần tuý kỹ thuật của bản thân lưu thông tiền tệ5).
Hình thái của cải thứ nhất xuất hiện một cách tự nhiên là hình thái sản phẩm thừa hay sản phẩm dôi ra, nghĩa là cái phần sản phẩm không cần phải trực tiếp làm giá trị sử dụng, hoặc nữa đó là việc nắm những sản phẩm mà giá trị sử dụng vượt khỏi phạm vi những nhu cầu tối cần thiết. Khi nghiên cứu sự chuyển hoá của hàng hoá thành tiền tệ, chúng ta thấy rằng: ở giai đoạn sản xuất còn chưa phát triển, chính số sản phẩm thừa hay dôi ra đó cấu thành lĩnh vực trao đổi hàng hoá. Những sản phẩm thừa trở thành sản phẩm có thể trao đổi được, tức là thành hàng hoá. Hình thức tồn tại thích hợp của những sản phẩm thừa đó là vàng và bạc, đó là hình thái đầu tiên trong đó của cải được xác nhận là của cải xã hội trừu tượng. Hàng hoá không những có thể bảo tồn được dưới hình thức vàng và bạc, nghĩa là không những có thể bảo tồn được ở trong vật liệu tiền tệ, mà vàng và bạc lại là của cải dưới hình thức được bảo tồn chắc chắn. Mỗi giá trị sử dụng, với tư cách là giá trị sử dụng, đều là để được tiêu dùng, tức là để được tiêu huỷ đi. Nhưng giá trị sử dụng của vàng, với tư cách là tiền tệ, lại là ở chỗ dùng làm một vật mang giá trị trao đổi, và với tư cách là một nguyên liệu vô định hình, trở thành sự vật chất hoá của thời gian lao động chung. Dưới dạng cái kim loại không có hình thức rõ rệt đó, giá trị trao đổi có được một hình thức bất diệt. Vàng hay bạc ngưng đọng lại dưới trạng thái như vậy là tiền tệ cất trữ. Ở các dân tộc chỉ có lưu thông bằng kim khí, như các dân tộc cổ đại, thì cất trữ tiền tệ là một quá trình có tính chất phổ biến từ cá nhân đến nhà nước bảo vệ cái kho vàng quốc gia của nó. Trong thời đại cổ hơn nữa, ở châu Á và Ai Cập, các kho tàng đó đặt dưới sự bảo vệ của vua và tăng lữ, thường là cái chứng tỏ quyền lực của họ. Ở Hy Lạp và La mã, việc gây dựng những kho tàng của nhà nước, — được coi là một hình thức của thừa khi nào cũng an toàn và bao giờ cũng sẵn sàng để sử dụng — đã trở thành một nhiệm vụ chính trị. Việc các kho tàng đó bị các kẻ xâm lược di chuyển nhanh chóng từ một nước này sang nước khác và việc chúng đột nhiên được bỏ vào lưu thông, là một đặc điểm của nền kinh tế cổ đại.
Với tư cách là thời gian lao động vật hoá, vàng bảo đảm cho lượng giá trị của bản thân nó, và vì nó là sự vật chất hoá của thời gian lao động chung, nên quá trình lưu thông bảo đảm cho vàng có thể thường xuyên hoạt động với tư cách là giá trị trao đổi. Chỉ một sự kiện là người sở hữu hàng hoá có thể bảo tồn hàng hóa dưới hình thái giá trị trao đổi của nó hay là duy trì bản thân giá trị trao đổi dưới hình thái hàng hoá, – chỉ riêng một sự kiện đó thôi cũng làm cho việc trao đổi hàng hóa nhằm mục đích thu hồi chúng dưới hình thái chuyển hoá của vàng trở thành động cơ của bản thân lưu thông. Sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá H – T diễn ra là nhằm bản thân sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá, với mục đích biến hàng hoá từ chỗ là một của cải tự nhiên đặc thù thành của cải xã hội chung. Đáng lẽ là một sự trao đổi chất thì sự thay đổi hình thái trở thành một mục đích tự nó. Từ chỗ là hình thức đơn thuần của vận động, giá trị trao đổi biến thành nội dung của vận động. Hàng hoá được giữ lại với tư cách là của cải, là hàng hoá chỉ vì nó được giữ lại trong phạm vi lĩnh vực lưu thông, và nó được duy trì ở trạng thái lưu động đó chỉ vì nó ngưng đọng lại dưới hình thái bạc và vàng. Nó tiếp tục sự vận động với tư cách là vật kết tinh của quá trình lưu thông. Tuy nhiên, chỉ chừng nào không dùng làm phương tiện lưu thông thì bản thân vàng và bạc mới cố định lại dưới hình thái tiền tệ. Vàng bạc trở thành tiền tệ với tư cách không phải là phương tiện lưu thông. Do đó, việc rút hàng hóa từ lưu thông ra dưới hình thái vàng, là biện pháp duy nhất để thường xuyên giữ hàng hoá trong lĩnh vực lưu thông.
Người sở hữu hàng hoá chỉ có thể thu hồi từ trong lưu thông dưới hình thái tiền tệ cái mà anh ta trao cho lưu thông dưới hình thái hàng hoá. Cho nên, đứng trên quan điểm lưu thông hàng hoá mà xét, thì điều kiện thứ nhất của cất trữ tiền tệ là: không ngừng bán, không ngừng ném hàng hóa vào lưu thông. Mặt khác, với tư cách là phương tiện lưu thông, tiền tệ không ngừng biến đi trong bản thân quá trình lưu thông, vì nó thường xuyên được thực hiện thành các giá trị sử dụng và bị tiêu tan đi trong việc tiêu dùng nhất thời. Vì vậy tiền tệ phải được lôi ra khỏi dòng thác tàn phá của lưu thông, hay là hàng hoá phải được giữ lại trong sự chuyển hoá hình thái đầu tiên của nó, để không cho tiền tệ thực hiện cái chức năng của nó là phương tiện để mua. Người sở hữu hàng hóa, nay đã trở thành người cất trữ tiền tệ, phải ra sức bán thật nhiều và mua thật ít, đúng như ông già Cato đã dạy patrem familias vendacem, non emacem esse [người cha trong gia đình chỉ được bán chứ không được mua][1]. Nếu cần cù lao động là điều kiện tích cực của cất trữ tiền tệ, thì tiết kiệm là điều kiện tiêu cực của nó. Vật ngang giá của hàng hoá được rút ra khỏi lưu thông dưới hình thức những hàng hoá hoặc giá trị sử dụng đặc thù càng ít, thì nó được rút ra khỏi lưu thông càng nhiều dưới hình thức tiền tệ hoặc giá trị trao đổi6). Do đó, muốn chiếm hữu của cải dưới hình thức chung thì phải hy sinh của cải nằm dưới cái thực thể thực tế của nó. Cho nên động cơ tích cực thúc đẩy cất trữ tiền tệ là tính keo kiệt, đối với nó nhu cầu không phải là hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng, mà là giá trị trao đổi với tư cách là hàng hoá. Muốn chiếm được số dôi ra dưới hình thức chung của nó, thì phải coi các nhu cầu đặc thù là xa xỉ và không cần thiết. Ví dụ năm 1593, Nghị viện Tây Ban Nha đã đệ lên Philip II một bản tường trình có nói như sau:
Năm 1586, Nghị viện Valladolid đã từng yêu cầu Bệ hạ từ nay về sau không cho phép nhập vào Vương quốc nến, hàng thuỷ tinh, đồ trang sức, dao, v. v., là những thứ đưa từ ngoài vào nhằm đổi những vật vô dụng đối với đời sống con người đó lấy vàng, coi người Tây Ban Nha như là người Indian vậy.
Kẻ cất trữ tiền tệ coi khinh các sự hưởng thụ trần tục, nhất thời và phù du, để theo đuổi những kho tàng vĩnh cửu, là thứ vừa không sợ mọt, lại không sợ gỉ, hoàn toàn có tính chất thiên đường, đồng thời lại hoàn toàn có tính chất hạ giới.
Trong tác phẩm nêu trên, Misselden nói:
"Chúng ta sở dĩ thiếu vàng, nguyên nhân chung cuối cùng là vì nước ta tiêu dùng quá nhiều hàng hoá nước ngoài, đáng lẽ những hàng đó phải là commodities [những vật có ích] đối với chúng ta, thì chúng lại tỏ ra là discommodities [những vật có hại], vì nếu không nhập những trò chơi đó (toys) thì chúng ta có thể đưa về rất nhiều của báu. Ở nước ta, chúng ta tiêu dùng một số lượng quá nhiều rượu nho của Tây Ban Nha, của Pháp, của miền sông Rhine và Cận Đông; nho khô của Tây Ban Nha, nho của vùng Cận Đông, những loại vải mỏng và phin nõn của miền Hannault, tơ lụa của Ý, đường, thuốc lá của vùng Tây Ấn, hương liệu của Đông Ấn, đối với chúng ta không phải là tuyệt đối cần thiết, nhưng chúng ta vẫn phải mua những thứ này bằng vàng nguyên chất."7)
Vàng và bạc là những của cải bất diệt, vì giá trị trao đổi của chúng tồn tại trong một kim loại không thể hủy diệt được, và nhất là vì người ta cản trở không cho vàng và bạc, với tư cách là phương tiện lưu thông, mang hình thái tiền tệ là hình thái thuần tuý nhất thời của hàng hoá. Như vậy nội dung tạm thời đã bị hy sinh cho hình thức vĩnh cửu.
"Nếu bằng cách đánh thuế, người ta thu tiền tệ của một người chỉ dùng tiền vào việc chè chén và đem trao cho một người sử dụng nó vào việc cải tạo ruộng đất, đánh cá, khai mỏ, chế tạo, hoặc thậm chí dùng vào may mặc quần áo, thì đối với xã hội điều đó bao giờ cũng vẫn có lợi, vì ngay cả quần áo vẫn bền hơn là thức ăn và thức uống. Nếu dùng tiền để mua đồ đạc trong nhà thì cái lợi đó lại càng lớn hơn nữa nếu tiền được dùng để dựng nhà cửa, v. v., nhưng lợi nhất là nhập khẩu vàng bạc vào trong nước, vì chỉ có những thứ đó mới không bao giờ bị hư hỏng và lúc nào, chỗ nào, cũng đều được coi là của cải; còn tất cả các thứ khác chỉ là của cải pro hic et nunc [ở một nơi nhất định và thời gian nhất định]."2)
Rút tiền tệ ra khỏi luồng lưu thông và bảo vệ nó khỏi việc trao đổi chất của xã hội cũng thể hiện ra ở bề ngoài trong việc chôn cất tiền dưới đất, thành thử cái của cải xã hội, với tư cách là một kho tàng bất diệt được chôn ở dưới đất, trở thành một mối quan hệ tư nhân hết sức bí mật đối với người sở hữu hàng hoá. Bác sĩ Bernier, một người đã từng sống một thời gian tại triều đình Aurangzeb ở Delhi kể lại rằng, thương nhân, đặc biệt là những người dị giáo không theo Hồi giáo, đã nắm hầu hết toàn bộ thương mại và tiền tệ, họ đã bí mật chôn sâu tiền của họ xuống đất, và họ
"tin chắc rằng, vàng bạc mà họ chôn lúc còn sống sẽ phục vụ cho họ sau khi chết, ở thế giới bên kia"9).
Hơn nữa, chừng nào sự khắc khổ của kẻ cất trữ tiền tệ kết hợp với sự tích cực cần cù, thì về mặt tôn giáo, kẻ cất trữ tiền tệ đó thực chất là một tín đồ của đạo Tin lành hơn, và hơn nữa là một tín đồ của thanh giáo.
"Không thể phủ nhận rằng mua bán là việc cần thiết, không có nó thì không thể được; người ta có thể mua theo đạo lý của đạo Cơ Đốc, đặc biệt là đối với những vật phẩm phục vụ cho nhu cầu và cho lễ nghi, vì ngay những vị giáo trưởng cũng bán và mua cả súc vật, lông cừu, lúa mì, bơ, sữa và những thứ khác. Những cái đó là những tặng vật của Thượng đế rút ra từ đất đai và chia cho loài người. Nhưng những hàng hoá mà ngoại thương chuyển từ Calicut, Ấn Độ và các nơi khác tới, như lụa quý, đồ vàng và hương liệu, là những thứ chỉ phục vụ cho sự xa hoa và không có ích gì, lại còn bòn rút lấy tiền của nước nhà và nhân dân, — nền ngoại thương đó, chúng ta không thể dung thứ nếu chúng ta có một chính phủ và nhà vua. Nhưng hiện nay tôi không muốn viết về điểm này, vì tôi cho rằng khi chúng ta không còn có tiền nữa, thì cuối cùng lối buôn bán đó tự nhiên sẽ chấm dứt; cũng như sự xa hoa và chè chén: nếu không có nhu cầu và sự cùng khổ bức bách chúng ta, thì văn chương và thuyết giáo cũng đều vô dụng"10).
Trong những thời kỳ có những sự rung chuyển trong sự trao đổi chất của xã hội thì ngay ở trong xã hội tư bản phát triển cũng xảy ra chuyện tiền tệ được chôn giấu dưới hình thức tiền tệ cất trữ. Mối liên hệ xã hội — đối với người sở hữu hàng hoá, mối liên hệ này là ở hàng hoá, và hình thức tồn tại phù hợp của hàng hoá là tiền tệ — ở dưới hình thức chắc nịch của nó thoát ra khỏi sự vận động của xã hội. Cái nervus rerum [nghĩa đen là dây thần kinh của sự vật, nghĩa bóng là động lực của mọi sự vật] xã hội bị chôn vùi cùng với cái thể xác mà nó là dây thần kinh.
Nếu tiền tệ cất trữ không luôn luôn được lôi cuốn vào lưu thông, thì nó chỉ là kim thuộc vô dụng, linh hồn tiền tệ của tiền tệ cất trữ sẽ rời nó mà đi, nó sẽ biến thành tro tàn của lưu thông, biến thành caput mortuum [nghĩa đen là cái đầu chết, ở đây có nghĩa là đi hài] của lưu thông. Tiền tệ, hay giá trị trao đổi đã trở thành độc lập, xét về chất, là hình thức tồn tại của của cải trừu tượng, nhưng mặt khác, bất kỳ một số tiền nhất định nào cũng đều là một lượng giá trị có hạn về lượng. Giới hạn về lượng của giá trị trao đổi mâu thuẫn với tính chất chung về chất của nó, và kẻ cất trữ tiền tệ cảm thấy giới hạn đó là một chướng ngại, chướng ngại này trên thực tế đồng thời cũng biến thành một chướng ngại về chất, hay nó làm cho tiền tệ cất trữ chỉ trở thành một đại biểu có tính chất hạn chế của của cải vật chất. Tiền tệ, với tư cách là vật ngang giá chung, như chúng ta đã thấy, trực tiếp biểu hiện ra bằng một đẳng thức, trong đó bản thân tiền tệ là một vế, còn một loạt vô hạn hàng hoá là vế kia của đẳng thức. Lượng của giá trị trao đổi quyết định mức độ mà tiền tệ đến gần được cái loạt vô hạn này trong việc thực hiện của nó, nghĩa là tiền tệ phù hợp với cái khái niệm giá trị trao đổi của nó đến mức độ nào. Sự vận động của giá trị trao đổi, với tư cách là giá trị trao đổi có tính chất tự động, nói chung chỉ có thể là sự vận động để vượt qua cái giới hạn về lượng của nó. Nhưng một khi một giới hạn về lượng của tiền tệ cất trữ bị vượt qua, thì một giới hạn mới lại được dựng lên, lại phải được xoá bỏ. Vật chướng ngại không phải là một giới hạn nhất định nào đó của tiền tệ cất trữ, mà là bất cứ một giới hạn nào của tiền tệ cất trữ. Do đó, việc cất trữ tiền tệ không có một giới hạn nội tại nào, không có một mức độ nào, mà là một quá trình vô tận, quá trình này mỗi lần đạt tới kết quả lại có động cơ để bắt đầu lại. Nếu tiền tệ cất trữ tăng lên chỉ vì nó được bảo tồn, thì ngược lại, nó được bảo tồn chỉ vì nó được tăng lên.
Tiền tệ không chỉ là một trong những đối tượng của dục vọng làm giàu mà là đối tượng duy nhất của dục vọng làm giàu. Về thực chất, dục vọng này là auri sacra fames [lòng thèm khác vàng đáng nguyền rủa]. Khác với dục vọng theo đuổi một số của cải tự nhiên nhất định hay những giá trị sử dụng nhất định, như quần áo, đồ trang sức, bầy súc vật, v. v., dục vọng làm giầu chỉ có thể phát sinh khi nào bản thân của cải chung đã cá thể hoá trong một vật đặc biệt, và do đó có thể bảo tồn được dưới hình thức một hàng hoá cá biệt. Do đó tiền tệ vừa là đối tượng, vừa là nguồn gốc của dục vọng làm giàu11). Thực chất vấn đề là ở chỗ chính giá trị trao đổi và do đó sự tăng lên của giá trị trao đổi, trở thành mục tiêu. Tính keo kiệt giam giữ tiền tệ cất trữ lại, không để cho tiền tệ trở thành phương tiện lưu thông, nhưng lòng thèm khát vàng thì bảo tồn cái linh hồn tiền tệ của tiền tệ cất trữ, bảo tồn cái nguyện vọng thường xuyên của nó muốn đi vào lưu thông.
Hoạt động tạo nên tiền tệ cất trữ, một mặt, là rút tiền khỏi lưu thông bằng cách không ngừng lặp lại hành vi bán, và mặt khác, là thu cất một cách giản đơn, tức tích lũy. Thực ra chỉ có trong phạm vi lưu thông giản đơn, cụ thể là dưới hình thức cất trữ tiền tệ, mới có việc tích lũy của cải với tư cách là của cải, còn những hình thức tích lũy khác, mà sau này chúng ta sẽ thấy, được gọi nhầm là tích lũy chỉ vì chúng giống tích lũy tiền tệ giản đơn. Hoặc giả tất cả những hàng hoá khác được tích lũy lại dưới hình thái giá trị sử dụng; trong trường hợp đó phương thức tích lũy do đặc điểm của giá trị sử dụng của chúng quyết định. Tích lũy lúa mì chẳng hạn, đòi hỏi phải có những thiết bị đặc biệt. Tích lũy cừu, ta sẽ trở thành người chăn cừu, tích lũy nô lệ và ruộng đất làm cho những quan hệ thống trị và phụ thuộc trở nên cần thiết, v. v.. Việc lập các dự trữ của cải đặc biệt đòi hỏi phải có những quá trình đặc biệt, khác với hành vi giản đơn của bản thân tích lũy, và phát triển các mặt đặc biệt của cá tính. Hoặc giả, của cải dưới hình thái hàng hoá được tích lũy lại như là giá trị trao đổi, lúc đó việc tích lũy biểu hiện ra là một công việc thương mại hay là một hoạt động kinh tế đặc thù. Con người thực hiện hoạt động này trở thành người buôn bán lương thực, người buôn bán súc vật, v. v.. Vàng và bạc là tiền tệ không phải do một hoạt động nào đó của cá nhân người tích lũy chúng, mà do vàng bạc là những sự kết tinh của quá trình lưu thông diễn ra không cần có sự giúp đỡ của người tích lũy vàng bạc. Người đó không cần phải làm gì khác ngoài việc đem thu cất vàng bạc, xếp hết lượng này đến lượng khác, — đó là một hoạt động không có nội dung gì cả, nếu hoạt động này được đem áp dụng đối với mọi hàng hóa khác thì sẽ làm cho chúng mất giá12).
Kẻ cất giữ tiền tệ của chúng ta là kẻ chịu khổ nhục vì giá trị trao đổi, là người khổ hạnh ngồi trên đống vàng bạc của mình. Anh ta chỉ quan tâm tới của cải dưới cái hình thức xã hội của nó và vì vậy anh ta giấu cái của cải đó không cho xã hội thấy. Anh ta thèm khát hàng hoá dưới cái hình thái bao giờ cũng sẵn sàng đi vào lưu thông và vì vậy anh ta đã rút hàng hoá đó ra khỏi lưu thông. Anh ta mơ ước giá trị trao đổi, vì vậy anh ta không trao đổi. Hình thái lưu động và hình thái ngưng đọng của của cải, thuốc trường sinh và đá thử vàng, xung đột dữ dội với nhau như trong thuật luyện vàng. Anh ta thèm khát vô hạn sự hưởng thụ trong tưởng tượng, nên anh ta đã từ bỏ mọi sự hưởng thụ. Vì muốn thoả mãn mọi nhu cầu của xã hội, nên anh ta chỉ mới thoả mãn chút ít những nhu cầu tự nhiên cần thiết của mình. Vì anh ta giữ của cải lại dưới hình thức vật thể kim thuộc của nó, nên anh ta đã biến của cải thành một ảo ảnh thuần tuý. Về thực chất, tích lũy tiền vì tiền chính là hình thức dã man của sản xuất vì sản xuất, nghĩa là phát triển các lực lượng sản xuất của lao động xã hội quá phạm vi những nhu cầu thông thường. Sản xuất hàng hoá càng ít phát triển, thì việc giá trị trao đổi lần đầu được tách rời ra một cách độc lập dưới hình thái tiền tệ đó — tức là việc cất trữ tiền tệ — càng có ý nghĩa quan trọng, vì thế mà nó có một vai trò to lớn ở các dân tộc cổ đại, ở châu Á tới tận ngày nay, và ở trong các dân tộc công nghiệp hiện đại, là nơi mà giá trị trao đổi chưa bao quát hết tất cả mọi quan hệ sản xuất. Sau đây chúng ta sẽ xét ngay cái chức năng kinh tế đặc thù của việc cất trữ tiền tệ trong phạm vi bản thân lưu thông tiền kim khí, nhưng trước hết chúng ta còn phải nêu lên một hình thức khác nữa của việc cất trữ tiền tệ.
Không kể các đặc tính thẩm mỹ của chúng, các hàng hoá bằng vàng và bằng bạc có thể (vì vật liệu cấu tạo ra chúng chính là vật liệu tiền tệ) — chuyển hóa thành tiền tệ, cũng giống như các đồng tiền vàng hay các thoi vàng có thể chuyển hoá thành các hàng hoá đó. Vì vàng và bạc là vật liệu của của cải trừu tượng, nên phương thức tốt nhất để phô bày sự giàu có của mình là dùng vàng, bạc dưới hình thái giá trị sử dụng cụ thể, và nếu như đến những giai đoạn nào đó của sản xuất, người sở hữu hàng hoá cất giấu tiền tệ cất trữ của mình, thì ở bất cứ những nơi nào mà điều đó có thể được thực hiện một cách an toàn, anh ta đều muốn tỏ ra là rico hombre [người giàu có] trước mặt những người sở hữu hàng hoá khác. Anh ta phủ vàng lên bản thân mình và nhà cửa của mình13). Ở châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ, ở các nơi này không giống như trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, cất trữ tiền tệ không phải là một chức năng phụ thuộc của toàn bộ bộ máy sản xuất, mà dưới hình thức đó của cải được coi là mục đích cuối cùng, ở các nơi ấy hàng hóa bằng vàng và bằng bạc về thực chất chỉ là hình thức thẩm mỹ của tiền tệ cất trữ. Ở nước Anh thời Trung cổ, hàng hoá bằng vàng và bằng bạc được pháp luật coi là một hình thức giản đơn của tiền tệ cất trữ, vì giá trị của chúng chỉ tăng lên một ít do lao động giản đơn bỏ vào các hàng hoá đó. Mục đích của các hàng hoá bằng vàng và bạc đó là lại được ném vào lưu thông và vì vậy, chuẩn độ của chúng cũng được quy định đúng như chuẩn độ của bản thân các đồng tiền đúc. Việc sử dụng vàng và bạc dưới hình thức những đồ xa xỉ tăng lên cùng với việc tăng lên của của cải là một điều rất giản đơn đến nỗi những người cổ xưa cũng đã hiểu hết sức rõ14), vậy mà các nhà kinh tế học hiện đại lại đề ra cái luận điểm sai lầm cho rằng việc sử dụng các hàng hoá làm bằng vàng và bạc tăng lên không phải theo tỷ lệ với của cải, mà chỉ tăng lên tỷ lệ với sự sụt xuống của giá trị các kim khí quý. Cho nên các số liệu của các nhà kinh tế về việc tiêu dùng vàng California và Australia tuy rằng có chính xác, nhưng bao giờ cũng vẫn thiếu sót, vì sự tiêu dùng vàng làm nguyên liệu tăng lên, theo quan niệm sai lầm của họ, không được chứng minh bằng một sự hạ thấp tương ứng của giá trị của vàng. Từ năm 1810 tới 1830, do cuộc chiến tranh của các thuộc địa ở châu Mỹ chống lại Tây Ban Nha[2] và sự gián đoạn trong công việc của các hầm mỏ do các cuộc cách mạng gây ra, nên sản lượng bình quân hàng năm của các kim khí quý đã giảm xuống quá nửa. Nếu so sánh năm 1829 với năm 1809, thì ở châu Âu số tiền đúc nằm trong lưu thông đã giảm xuống tới khoảng một phần sáu. Như vậy, mặc dù quy mô sản xuất có giảm xuống và các chi phí sản xuất có tăng lên, — nếu nói chung các chi phí đó đã thay đổi, — nhưng sự tiêu dùng các kim khí quý dưới hình thức đồ vật xa xỉ, ở nước Anh ngay từ trong thời kỳ chiến tranh, còn ở trên lục địa thì từ thời kỳ Hoà ước Paris trở đi, — vẫn tăng lên một cách dị thường. Nó đã tăng lên cùng với của cải chung15). Người ta có thể đặt thành định luật chung là tiền vàng và tiền bạc được chuyển thành đồ vật xa xỉ chủ yếu là trong thời bình, còn các đồ vật xa xỉ được chuyển trở lại thành thoi vàng, bạc hoặc tiền đúc chỉ diễn ra trong những thời kỳ hỗn loạn lớn16). Người ta có thể thấy được tỷ lệ tiền tệ cất trữ dưới hình thức các vật xa xỉ so với kim khí quý dùng làm tiền, là quan trọng đến mức nào qua ví dụ sau đây: năm 1829 theo số liệu của Jacob, tỷ lệ đó ở nước Anh là 2:1, còn trong toàn châu Âu và châu Mỹ số lượng kim khí quý ở dưới hình thức đồ vật xa xỉ nhiều hơn 1/4 so với kim khí quý ở dưới hình thức tiền tệ.
Chúng ta đã thấy rằng, lưu thông tiền tệ chỉ là sự thể hiện của việc chuyển hoá hình thái của hàng hoá hay là sự thể hiện của việc biến đổi hình thái trong việc trao đổi chất của xã hội. Cho nên, một mặt tuỳ theo sự lên xuống của tổng số giá cả các hàng hoá đang nằm trong lưu thông hoặc tuỳ theo sự lên xuống của khối lượng những sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá diễn ra cùng một lúc, và mặt khác, tuỳ theo tốc độ biến đổi hình thái của hàng hoá trong mỗi trường hợp, mà tổng số lượng vàng nằm trong lưu thông phải thường xuyên tăng lên hay giảm xuống; nhưng điều đó chỉ có thể làm được với điều kiện là tổng khối lượng tiền tệ có trong một nước phải nằm trong một tỷ lệ thường xuyên thay đổi so với số lượng tiền tệ nằm trong lưu thông. Điều kiện này được thực hiện thông qua việc cất trữ tiền tệ. Nếu giá cả sụt xuống hoặc tốc độ của lưu thông tăng lên, thì bể chứa các kho tiền cất trữ sẽ thu hút cái bộ phận tiền tệ được rút khỏi lưu thông; còn nếu giá cả tăng lên hoặc tốc độ của lưu thông giảm xuống, thì các kho tiền cất trữ sẽ mở ra và một bộ phận sẽ được đẩy lại vào lưu thông. Tiền tệ đang lưu thông ngưng đọng lại dưới hình thức tiền tệ cất trữ và các kho tiền cất trữ được đổ vào lưu thông là một sự vận động lên xuống kế tiếp nhau không ngừng, trong đó chiều hướng này hay chiều hướng kia chiếm ưu thế là hoàn toàn do các biến động của lưu thông hàng hoá quyết định. Như vậy, tiền tệ cất trữ biểu hiện ra như là những kênh dẫn nước và thoát nước của tiền tệ đang lưu thông, thành thử lượng tiền tệ đang lưu thông dưới hình thức tiền đúc bao giờ cũng chỉ là lượng tiền tệ do nhu cầu trực tiếp của bản thân lưu thông quyết định. Nếu toàn bộ khối lượng của lưu thông đột nhiên tăng lên và nếu như sự thống nhất có tính chất động giữa bán và mua chiếm ưu thế, nhưng tổng số giá cả cần thực hiện lại còn tăng lên nhanh hơn là tốc độ của lưu thông tiền tệ nữa, — nếu như vậy, thì bể chứa các kho tiền cất giữ sẽ vợi đi một cách trông thấy; một khi cuộc vận động chung bị ngừng lại một cách bất thường, hoặc sự tách rời giữa bán và mua được củng cố, thì phương tiện lưu thông sẽ ngưng đọng lại dưới hình thức tiền tệ theo những quy mô rất lớn và những bể chứa các kho tiền cất trữ lại đầy lên quá mức trung bình rất nhiều. Ở những nước thuần tuý dùng kim loại để lưu thông hoặc là ở những nước đang ở một giai đoạn sản xuất chưa phát triển, thì tiền tệ cất trữ bị phân tán vô hạn, tản mạn khắp cả nước, còn ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển thì tiền tệ cất trữ tập trung vào những kho dự trữ của ngân hàng. Không nên lẫn lộn tiền tệ cất trữ với dự trữ tiền đúc, bản thân dự trữ tiền đúc là một bộ phận cấu thành của tổng khối lượng tiền tệ thường xuyên ở trong lưu thông, trong lúc đó cái tỷ lệ tích cực giữa tiền tệ cất trữ và phương tiện lưu thông lại giả định có sự giảm bớt hoặc tăng lên của chính tổng khối lượng tiền tệ ấy. Như chúng ta đã thấy, hàng hoá bằng vàng và bằng bạc vừa là kênh thoát lại vừa là cái nguồn dẫn tiềm tàng đối với các kim khí quý. Nhưng trong những thời kỳ bình thường, chỉ có chức năng thứ nhất của kim khí là quan trọng đối với nền kinh tế có lưu thông kim khí17).
*Chú thích:
- Chú thích thuộc chính văn
1) "Không những các kim loại quý là đại biểu cho các vật... mà ngược lại, các vật... là những đại biểu của vàng và bạc." (A. Genovesi, "Lezioni di Economia Civile" (1765), p. 281 [A. Genovesi, "Những bài giảng về kinh tế quốc dân"] (1765), tr. 281, trong Custodi, Những nhà kinh tế học hiện đại, t. VIII].)
2) Petty: "Vàng và bạc là "universal wealth" ["của cải phổ biến"], "Số học chính trị" ["Political Arithmetick" — B. T.], tr. 242.
3) E. Misselden, "Free Trade, Or, the Means to Make Trade Florish, etc", London, 1622 [E. Misselden, "Tự do buôn bán hay là con đường làm cho thương mại phồn vinh, v. v", London, 1622]. Misselden viết: "Đối tượng tự nhiên của thương mại là hàng hoá, which merchants from the end of the trade have stiled commodities [mà sau khi sản xuất ra, thương nhân thừa nhận là vật hữu ích]. Đối tượng nhân tạo của thương mại là tiền tệ, nó được gọi of sinewes of warre and of state [dây thần kinh của chiến tranh và của quốc gia]. Mặc dù về mặt bản chất của sự vật lẫn về thời gian, tiền xuất hiện sau hàng hoá, yet for as much as it is now in use has become the chiefe [nhưng hiện nay trên thực tiễn nó đã có một ý nghĩa quan trọng bậc nhất] (tr. 7). Misselden ví hàng hóa và tiền tệ như là "hai đứa con trai của ông già Jacob, ông đặt bàn tay phải lên mình đứa con nhỏ và bàn tay trái lên đứa lớn" (Sách đã dẫn). Boisguillebert, "Dissert sur la nature des richesses, etc.", I. c. (p. 395, 399). [Boisguillebert, "Bàn về bản chất của của cải, v. v.", sách đã dẫn (tr. 395, 399)]: "…và giờ đây kẻ nô lệ của thương mại đã biến thành người chủ của thương mại... Tai họa của các dân tộc chỉ là do ở chỗ người ta đã biến kẻ nô lệ trước đây thành chủ nhân, hay nói cho đúng hơn, thành một bạo chúa".
4) Boisguillebert: "Người ta đã biến những kim loại này (vàng và bạc) thành một vật để sùng bái, và quên mất mục đích và ý định của việc đưa vàng và bạc vào thương mại, — tức là để làm vật đảm bảo ở trong trao đổi và trong việc trao lẫn cho nhau các sản vật, — người ta hầu như đã để cho chúng trút bỏ nhiệm vụ đó để tôn chúng lên thành những vị thần linh; vì các vị thần linh đó, người ta đã hy sinh, và hiện nay vẫn đang hy sinh nhiều tài sản, đồ vật quý báu và thậm chí cả sinh mạng con người nữa, hơn là thời cổ ngu muội đã hy sinh cho các vị thần linh giả đó". (Sách đã dẫn, tr. 395).
5) Qua sự chuyển hoá lần đầu của tiền tệ, của cái perpetuum mobile này, thành trạng thái bất động, tức là qua việc phủ định sự tồn tại của nó dùng làm chức năng phương tiện lưu thông, Boisguillebert lập tức cảm thấy rằng tiền tệ tiến lên thế độc lập đối với hàng hoá. Ông nói: Tiền tệ phải "ở trong sự vận động không ngừng, chỉ có khi nào nó chuyển động thì nó mới có thể như vậy, một khi nó không chuyển động nữa thì tất cả mọi cái đều chết" ("Thương nghiệp bán lẻ của Pháp", tr. 213). Ông không hiểu rằng sự ngưng đọng lại đó của tiền tệ là điều kiện của sự vận động của tiền tệ. Trên thực tế, ông ta muốn rằng hình thái giá trị của hàng hoá thể hiện ra là một hình thức hoàn toàn nhất thời của trao đổi vật chất của hàng hoá, mà không bao giờ cố định lại coi như mục đích tự nó.
6) "Dự trữ hàng hoá càng tăng lên, thì dự trữ dưới hình thức tiền tệ cất trữ (in treasure) càng ít." (E. Misselden, Sách đã dẫn, tr. 23.)
7) E. Misselden, Sách đã dẫn, tr. 11-13 và những trang sau.
8) Petty, "Số học chính trị", tr. 196.
9) Francois Bernier, "Voyage contenant la description des états du Grand Mogol", tome I, conf, p. 312-314 [Francois Bernier, "Cuộc du hành qua các nước Grand Mogol", t. I, xem tr. 312-314], Paris, 1830.
10) Dr. Martin Luther, "Bücher vom Kaufhandel und Wucher", 1524 [Bác sĩ Martin Luther, "Bàn về thương nghiệp và nạn cho vay nặng lãi", năm 1524]. Cũng ở đây Luther nói: "Do ý muốn của Thượng Đế, người Đức chúng ta phải đổ vàng bạc của chúng ta ra nước ngoài, để làm giàu cho toàn thế giới, còn bản thân chúng ta thì vẫn là những kẻ ăn mày. Nếu nước Đức không mua vải của Anh thì nước Anh chắc chắn có ít vàng hơn, nếu chúng ta không mua hương liệu của Bồ Đào Nha, thì vua Bồ Đào Nha cũng sẽ có ít vàng hơn. Nếu anh tính xem chỉ riêng một kỳ chợ phiên ở Frankfurt tổ chức một cách không cần thiết và không có lý do đã vận chuyển ra khỏi Đức bao nhiêu tiền, thì anh sẽ lấy làm lạ tại sao ở Đức hãy còn lưu lại một số tiền không đáng kể. Frankfurt, là cái lỗ thủng vàng bạc, thông qua đó tất cả những thứ được tạo ra và mọc lên, tất cả những thứ được đúc ra và biến thành tiền đúc ở nước ta, đều rút ra khỏi đất nước Đức; nếu cái lỗ hổng ấy được bịt lại thì nay sẽ không còn nghe thấy những lời than vãn rằng ở đâu cũng chỉ có nợ nần mà chẳng có tiền, rằng nông thôn và thành thị đều bị nạn cho vay nặng lãi làm cho điêu tàn. Nhưng hãy cứ để cho tất cả cái đó diễn ra như nó phải diễn ra: người Đức chúng ta vẫn phải là người Đức! Chúng ta quyết không lùi bước, tất nhiên là như vậy."
Trong tác phẩm nêu trên, Misselden muốn giữ vàng và bạc lại ít ra là ở trong phạm vi các nước theo đạo Cơ Đốc: "Do việc buôn bán với các nước không theo Đạo Cơ Đốc như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và vùng Đông Ấn, nên tiền đã giảm bớt. Việc buôn bán này đại bộ phận đều tiến hành bằng tiền mặt, song hoàn toàn khác với việc buôn bán giữa các nước theo đạo Cơ Đốc. Vì rằng ở các nước theo đạo Cơ Đốc, việc buôn bán tuy cũng dùng tiền mặt, nhưng tiền vẫn thường xuyên được giữ lại ở trong các nước theo đạo Cơ Đốc. Cố nhiên trong việc buôn bán giữa các nước theo đạo Cơ Đốc, tiền tệ có vào có ra, có lên có xuống, vì có khi nơi này tiền nhiều hơn, nơi kia ít hơn tùy theo tình hình nước này thiếu, nước kia thừa; tiền tệ vào, ra, chu chuyển trong phạm vi các nước theo đạo Cơ Đốc nhưng luôn luôn ở trong biên giới các nước đó. Còn tiền tệ dùng buôn bán với các dân tộc không theo đạo Cơ Đốc ở trong các nước nói trên, thì đi hẳn và không bao giờ trở về nữa".
11) "Tiền tệ chính là nguồn gốc của tính keo kiệt... dần dần nó biến thành một sự điên rồ: đó không còn là tính keo kiệt nữa, mà là sự thèm khát vàng." (Plinius, "Historia Naturalis", L. XXXIII, c. III, [sect. 14] [Plinius, "Lịch sử tự nhiên", q. XXXIII, ch. III, tiết 14].)
12) Vậy là Horace chẳng hiểu gì về triết học của việc cất trữ tiền tệ, khi ông ta viết (xem: Satir., L. II, Satir. 3 [Horace, Satires, Epistles, Ars Poetica — B. T.]] [Sách trào phúng quyển II, bài 3):
"Đàn không gẩy nhưng mua chất đống.
Chẳng học đàn, chẳng đắm đuối nàng thơ;
Chẳng phải thợ giầy nhưng vẫn sắm dao, khuôn,
Cũng sắm buồm, nhưng lại ghét nghề buôn;
Thì bị gọi điên cuồng cũng đáng. Vì như thế
Có khác gì kẻ chôn tiền không sử dụng
Sợ phạm đến tiền như phạm đến thánh thần?"
Ông Senior hiểu vấn đề này hơn: "Tiền tệ có lẽ là vật duy nhất mà ai cũng muốn có, và sở dĩ như vậy vì tiền tệ là một của cải trừu tượng và khi có tiền người ta có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của mình, chẳng kể những nhu cầu đó thuộc về loại nào". ("Principes fondamentaux de L'économie politique", traduit par la comte Jean Arrivabene, Paris, 1836, p. 221 ["Nguyên lý cơ bản về kinh tế chính trị học" do bá tước Jean Arrivabene dịch, Paris, 1836, tr. 221]); hoặc như Storch: "Vì tiền đại biểu cho tất cả mọi của cải khác, nên người ta chỉ việc tích lũy tiền lại là có thể có được tất cả mọi thứ của cải trên đời." (Sách đã dẫn [Henry Storch, "Cours d'économie politique etc, avec des notes par J. B. Say", Paris, 1823 (Henry Storch, "Giáo trình về kinh tế chính trị v. v., có chú giải của J. B. Say", Paris, 1823) — B. T.], t. 2, tr. 135).
13) Một ví dụ chỉ rõ là con người bên trong vẫn không hề thay đổi chút nào đối với người sở hữu hàng hóa, ngay ở nơi anh ta đã trở nên văn minh và phát triển thành nhà tư bản: đó là trường hợp một viên đại lý ở London của một nhà ngân hàng quốc tế, anh ta đã treo một tờ giấy bạc ngân hàng 100000 pao xtéc-tinh dưới khung kính với tư cách là một huy chương thích hợp với dòng họ của y. Điều thú vị ở đây là tờ giấy bạc ngân hàng đó nhìn xuống lưu thông một cách mỉa mai và ngạo mạn.
14) Xem đoạn văn của Xenophon trích ở đoạn sau.
15) Jacob, sách đã dẫn [W. Jacob, "An historical inquiry into the production and consumption of the Precious Metals", London, 1831 (W. Jacob, "Nghiên cứu lịch sử việc sản xuất và tiêu dùng các kim loại quý", London, 1831) — B. T.], t. II, ch. 25 và 26.
16) "Trong những thời kỳ chấn động lớn và không yên ổn, nhất là khi có những cuộc nổi loạn trong nước và những cuộc ngoại xâm, những đồ vật bằng vàng và bằng bạc được chuyển nhanh chóng thành tiền tệ; còn trong những thời kỳ thái bình và phồn thịnh thì tiền tệ được chuyển thành đồ đạc bằng vàng bạc và đồ trang sức." (Sách đã dẫn [W. Jacob, "An historical inquiry into the production and consumption of the Precious Metals", London, 1831 (W. Jacob, "Nghiên cứu lịch sử việc sản xuất và tiêu dùng các kim loại quý", London, 1831) — B. T.], t. II, tr. 347).
17) Trong đoạn sau đây, Xenophon phát triển khái niệm tiền tệ dưới hình thái đặc thù xác định của nó là tiền tệ và là tiền tệ cất trữ:
"Trong tất cả mọi ngành công nghiệp mà tôi biết thì chỉ có ngành này là ngành trong đó kẻ mới kinh doanh không làm cho những người kinh doanh cũ đố kỵ... Mỏ bạc càng giầu, và ở đây khai thác được càng nhiều bạc, thì nó càng thu hút được nhiều người tới làm công việc đó. Thực vậy, khi người ta đã mua được đủ đồ dùng cho công việc nội trợ, thì ít khi người ta mua thêm nữa; trái lại, chẳng có kẻ nào có thể có nhiều tiền quá, đến mức không còn ham muốn có tiền thêm nữa, và nếu như có kẻ nào đó có thừa tiền rồi, thì hắn sẽ chôn đi số thừa và hắn ta cũng sẽ cảm thấy hài lòng chẳng kém gì khi hắn ta sử dụng số tiền ấy. Khi nước nhà phồn vinh thì dân đặc biệt cần đến tiền; đàn ông thì muốn mua sắm những vũ khí đẹp, những con ngựa tốt, nhà cửa và bàn thế lộng lẫy; đàn bà thì thèm muốn mọi thứ quần áo và đồ trang sức bằng vàng. Nhưng khi nước nhà gặp nạn mất mùa đói kém hay chiến tranh, thì người ta cần có tiền để mua lương thực vì đồng áng không được canh tác, hoặc người ta cần có tiền để trưng thêm binh lính." (Xenophon, "De vetig." ["De Vectigalibus" — B. T.], c. IV [Xenophon, "Bàn về thuế khoá", ch. IV]). Trong ch. IX, q. 1 của cuốn "Politics", Aristotle dùng những danh từ "kinh tế học" và "tài sản học" để trình bày hai sự vận động đối lập của lưu thông H – T – H và T – H – T. Các nhà bi kịch Hy Lạp, đặc biệt là Euripides, thường đem hai hình thức này của lưu thông đối lập với nhau dưới những từ [công bằng] và [tư lợi].
- Chú thích không thuộc chính văn
[1] Patrem familias vendacem, non emacem esse (Người cha trong gia đình chỉ được bán chứ không được mua) — câu nói của Cato cụ trong tác phẩm "De Re Rustica" ("Về nông nghiệp" ["On Agriculture" — B. T.]) của ông ta.
[2] Ý nói đến cuộc chiến tranh giành độc lập của những thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ vào những năm 1810-1826. Kết quả của cuộc chiến tranh này là phần lớn các nước ở Mỹ La-tinh đã được giải phóng khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha.