Tiền là gì? tiền từ đâu đến? tiền đại diện cho cái gì?
[Source]
Kinh thánh răn dạy chúng ta rằng “lòng ham muốn tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác” (Thư gửi ông Ti-mô-thê 1, 6:10). Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và những cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra sau đó tiếp tục giáng tai họa lên xã hội ngày nay, thật khó mà không đồng cảm với những lời trên trong Kinh tân ước.
Ngôn từ tương tự như vậy cũng được lặp lại trong Những nhà nhân từ mặc quần rách (The Ragged Trousered Philanthropists), một tiểu thuyết đầu thế kỷ 20 của tác giả Robert Tressell, tiểu thuyết này thường được xem là sách kinh thời hiện đại cho phong trào lao động. Tác phẩm hư cấu về cuộc sống của giai cấp công nhân, nhân vật chính, một người theo phe xã hội là Frank Owen, khẳng định với những người bạn cùng cảnh ngộ rằng “Tiền là nguyên nhân chính của nghèo đói.” (Robert Tressell, The Ragged Trousered Philanthropists, Wordsworth Classics edition, tr175)
Owen quả quyết giải thích chi tiết hơn cho những người công nhân lý do tại sao “khi Hệ thống Tiền tệ hiện tại vẫn còn, thì không thể không có nghèo đói, do của cải chất đống ở một vài nơi đồng nghĩa với chỉ còn lại ít ỏi hoặc không còn gì cả ở những nơi khác. Do vậy hệ thống tiền tệ còn tồn tại chúng ta chắc chắn còn nghèo đói và cùng với nó là mọi điều ác” (sđd tr.284)
“Hệ thống Tiền tệ hiện tại ngăn cản chúng ta làm những công việc cần thiết, và hậu quả là làm cho đại bộ phận dân chúng thiếu những thứ mà có thể làm ra từ công việc ấy. Họ chịu đựng sự thiếu thốn trong khi phương thức để sản xuất thì dồi dào. Họ ăn không ngồi rồi bởi vì họ bị trói buộc và cùm trong sợi dây xích bằng vàng” (sđd tr.286)"
“Việc cướp bóc có hệ thống này đã diễn ra trong nhiều thế hệ, giá trị tích lũy bị cướp đi là vô cùng lớn, và rồi tất cả, tất cả của cải ở thời điểm này là thuộc sự sở hữu của người giàu, đó thực ra là của cải của giai cấp công nhân – bị đánh cắp bằng những Thủ thuật Tiền tệ” (sđd, tr299)
Tressel tuyên bố thông qua nhân vật Owen, người hùng của tác giả, tiền xuất hiện trước chúng ta như một thế lực bí hiểm; một “sợi dây xích bằng vàng” kéo tuyệt đại đa số dân chúng đến một cuộc sống cực nhọc và khổ đau; một “Thủ thuật” lừa gạt lấy đi của cải mà giai cấp công nhân đã tạo ra. Chúng ta hãy quan sát xung quanh, sự sung túc dồi dào khắp nơi; thế nhưng, trong sự sung túc ấy chúng ta lại thấy sự thiếu thốn bao trùm. Trong “Hệ thống Tiền tệ” này, mọi nhu cầu của chúng ta chuyển thành nhu cầu tiền – như theo cách nói của nhân vật Bard, “Ngươi, con điếm chung của cả loài người” (William Shakespeare, Timon thành Athens, Hồi IV, Cảnh 3)
Dù đó là những chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, được đặt tên một cách hoa mỹ là chính sách Nới lỏng Định lượng (Quantitative Easing); trò thuật giả kim tài chính diễn ra ở bên trong những tháp kính ở khu Canary Wharf và ở khu City của London; hoặc những thay thế không tưởng đề xướng bởi tiền số như Bitcoin: Đối với hầu hết mọi người, hoạt động của Hệ thống Tiền tệ bị bao phủ trong sự huyền bí.
Thế nhưng cũng như tất cả những thần tượng khác được tôn thờ trong xã hội có giai cấp, cho dù đó là thượng đế và tôn giáo hay Pháp quyền và Nhà nước, bằng cách áp dụng phương pháp của chủ nghĩa Marx – tức là phân tích duy vật và biện chứng về lịch sử và xã hội – chúng ta có thể hiểu và giải thích được nguồn gốc, sự tiến hóa và phát triển của tiền tệ. Khi làm như vậy, chúng ta lột bỏ sự bí ẩn của một sức mạnh dường như là toàn năng và hiểu giải pháp thoát khỏi sự kìm kẹp của nó.
Cộng sản nguyên thủy
Nghiên cứu lịch sử, chúng ta thấy tiền không phải bao giờ cũng tồn tại, nó gắn liền với sự phát triển của xã hội có giai cấp, và đặc biệt là sự phát triển của hàng hóa – tức là sản phẩm được sản xuất ra không phải cho tiêu dùng cá nhân hoặc dùng chung, mà để trao đổi. Theo Marx, chìa khóa để hiểu vấn đề tiền tệ do vậy nằm ở sự phân tích sự phát triển có tính lịch sử của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Marx tuyên bố trong kiệt tác Tư Bản “Điều bí ẩn của bái vật tiền cũng chỉ là điều bí ẩn của bái vật hàng hóa, nhưng đã trở nên rõ ràng và sáng chói mà thôi.” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương II).
Dựa trên các tác phẩm tiên phong trong thế kỷ 19 của nhà nhân loại học người Mỹ Lewis H. Morgan, Friedrich Engels – cùng với Marx là người đồng sáng lập của tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học – đã phân tích những hình thái sơ khai của xã hội loài người, đã trình bày trong tác phẩm kinh điển của ông Nguồn gốc của Gia đình, của Sở hữu tư nhân và của Nhà nước cho thấy làm thế nào mà các giai cấp xã hội như giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột không phải bao giờ cũng tồn tại. Engels giải thích, các xã hội sơ khai nói chung dựa trên cơ sở “thị tộc” hoặc bộ tộc ở đó tồn tại hình thức sở hữu chung về công cụ và sản phẩm.
Những cộng đồng đó, do vậy, là hình thức “cộng sản nguyên thủy”, nơi không có sự trao đổi giữa các cá nhân, mà thay vào đó là sản xuất ra sản phẩm và tiêu dùng chung dựa theo nhu cầu. Đồng thời, hình thức “cộng sản” này là “nguyên thủy” vì nó dựa trên nền tảng thiếu thốn tổng thể, là kết quả từ một trình độ thấp về năng suất, công nghệ và văn hóa.
Chẳng hạn, trong cuốn sách mới đây Debt: the First 5000 Years của David Graeber, nhà nhân loại học hiện đại người Mỹ, đã trích dẫn những ví dụ của người đi trước là Morgan về thị tộc Iroquo, đây là một nhóm các bộ tộc ở Bắc Mỹ mà cấu trúc xã hội của họ cũng được Engels nêu trong tác phẩm của mình. Graeber ghi chú “Vào giữa thế kỷ 19, những mô tả của Lewis Henry Morgan … cho thấy rõ ràng là thể chế kinh tế chủ đạo của nhà nước Iroquo là những ngôi nhà dài nơi hầu hết sản phẩm được tích trữ và rồi được phân phối bởi những ủy ban của phụ nữ, không có ai phải trao đổi một cái đầu mũi tên để lấy một tảng thịt” (David Graeber, Debt: the First 5,000 Years, Melville House publishing, 2014 paperback edition, p29)
Ở nơi khác, như tác giả Felix Martin nhận xét trong cuốn sách của mình Money: the Unauthorised Biography, những nền văn minh sớm nhất được biết đến đã phát triển xung quanh khu vực Lưỡng Hà giữa sông Tigris và sông Euphrates – nơi là I-Rắc ngày nay – tiền cũng không tồn tại. Ở chính vùng Lưỡng Hà cổ đại những kỹ thuật thủy lợi và nông nghiệp đã được phát minh và – đến lượt nó – là sự hình thành của những thành phố đầu tiên, như những “đô thị vĩ đại” ở Ur. Martin nói “Bước vào khởi đầu của thiên niên kỷ thứ 2 TCN, hơn 60 ngàn người sinh sống ở trong thành phố … hàng ngàn hec-ta đất đai được trồng trọt … hàng trăm hec-ta hoặc hơn được dành cho chăn nuôi lấy sữa và để chăn cừu” (Felix Martin, Money: the Unauthorised Biography, Vintage publishing, 2014 paperback edition, p38)
Trong những nền kinh tế thành thị đó, Martin giải thích, thế chỗ cho tiền tiền tệ chúng ta thấy một hệ thống kế hoạch và kế toán từ trên xuống, được quản lý bởi một đẳng cấp quan lại, trong đó tất cả những gì sản xuất ra được tích trữ trong những nhà kho của thành phố (thường là những cung điện và những ngôi đền), sổ sách được ghi chép vào những bản khắc; “một nền kinh tế phức tạp vận hành bởi một hệ thống kế hoạch kinh tế tỉ mỉ đến mức có thể coi tương tự như một cấp quản lý trong một công ty đa quốc gia hiện đại” (sđd tr.44)
Xã hội cộng sản nguyên thủy ở thị tộc Iroquo hay sự kế hoạch hóa quan liêu ở những thành thị vùng Lưỡng Hà, thì đều là những ví dụ rõ ràng cho thấy tiền – và tất cả những “điều ác” đi theo nó – không phải là chân lý vĩnh cửu. Để hiểu tiền là gì và nó từ đâu đến, chúng ta phải phân tích sự biến đổi về chất trong quan hệ xã hội đã diễn ra bên trong xã hội cách đây hàng ngàn năm.
Sự xuất hiện của đồng tiền
Những xã hội Hy Lạp cổ đại – được mô tả trong những sử thi của Homer như Iliad và Odyssey – cũng giống như người Iroquo, là dựa trên chế độ thị tộc, với hình thức sở hữu chung về lực lượng sản xuất và sản phẩm làm ra. Felix Martin mô tả điều đó diễn ra thế nào, “Đối với những nhu cầu thiết yếu nhất – thức ăn, nước uống, và quần áo … nó cơ bản là một nền kinh tế tự cung tự cấp của từng hộ gia đình ở đó mỗi cá nhân trong bộ lạc sống trên kết quả sản xuất trên ruộng đất của anh ta.” (sđd, tr35)
Martin diễn giải tiếp, ngoài hình thức kinh tế theo phương thức sinh kế cá thể này, còn “3 cơ chế đơn giản để tổ chức xã hội mà không dùng đến tiền mặt – những thể chế phân phối sản phẩm được móc nối lại với nhau, sự trao đổi quà tặng tương hỗ, và sự phân phối theo hiến tế.”, những cơ chế ấy không tồn tại duy nhất ở Hy Lạp trong Thời kỳ Đen tối. Những nghiên cứu hiện đại trong ngành nhân loại học và ngành lịch sử so sánh đã chỉ ra rằng chúng là những tập quán điển hình cho những xã hội bộ lạc có quy mô nhỏ." (sđd tr36-37)
Bước ngoặt lịch sử, như Engels giải thích trong Nguồn gốc của Gia đình, của Sở hữu tư nhân và của Nhà nước, diễn ra cùng với sự phát triển của quan hệ sở hữu tư nhân về phương tiện sản xuất, và kèm theo đó là sự biến đổi sản phẩm của cộng đồng thành hàng hóa.
“Sự xuất hiện của sở hữu tư nhân về những đàn gia súc và về những xa xỉ phẩm đã dẫn đến việc trao đổi giữa những cá nhân với nhau và đến chỗ biến sản phẩm thành hàng hóa. Và chính điều đó là mầm mống của mọi cuộc đảo lộn về sau này. Một khi mà bản thân những người sản xuất không còn trực tiếp tiêu dùng những sản phẩm của họ nữa, nhưng lại nhường cho người khác bằng cách trao đổi thì do đó, họ không còn có quyền lực đối với những sản phẩm đó nữa. Họ không còn biết những sản phẩm đó sau này sẽ ra sao nữa, và rất có thể là một ngày nào đó, sản phẩm đó sẽ được dùng để chống lại người sản xuất, để bóc lột và áp bức anh ta. Bởi vậy không một xã hội nào có thể làm chủ được lâu dài nền sản xuất của mình và kiểm soát được những hậu quả xã hội của quá trình sản xuất của mình, nếu như không thủ tiêu sự trao đổi giữa các cá nhân với nhau”
“Sau khi đã nảy sinh ra sự trao đổi giữa các cá nhân với nhau, và sau khi sản phẩm của họ biến thành hàng hóa, thì quyền lực của sản phẩm đối với người sản xuất ra nó liền thể hiện ra một cách nhanh chóng như thế nào – điều đó người Athen đã thể nghiệm qua kinh nghiệm của chính bản thân họ.” (Nguồn gốc của Gia đình, của Sở hữu tư nhân và của Nhà nước, ) (Marx và Engels 1984, Chương V, tr175-176)
Quá trình mà Engels mô tả phát sinh đầu tiên, không phải ở bên trong cộng đồng, mà ở những biên lề của một xã hội nhất định nơi diễn ra sự trao đổi các sản phẩm thặng dư giữa các bộ lạc với nhau. Sự trao đổi này, dù vậy, đã khởi động bánh xe của sự trao đổi sản xuất hàng hóa, sau đó nó dội ngược trở lại để lan tỏa vào bên trong xã hội, nó củng cố sở hữu tư nhân, và gia tốc sự tan rã của những liên kết cộng đồng.
Cùng với sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa là sự bành trướng của giao thương; và cùng với sự gia tăng của giao thương là sự xuất hiện của tiền – một thứ ngang giá phổ biến có thể đóng vai trò làm phương tiện trao đổi, giúp giao thương vươn xa hơn; một hàng hóa duy nhất đóng vai trò làm thước đo, theo đó mọi thứ có đều thể so sánh được.
Quá trình đó không xuất hiện một cách có ý thức hay có kế hoạch, mà nảy sinh từ nhu cầu của xã hội cần mở rộng giao thương và thị trường. Hàng hóa ban đầu được nâng lên trạng thái ngang giá phổ biến một cách gần như ngẫu nhiên, theo phương diện lịch sử; thế nhưng, nó có gốc rễ ở nhu cầu vật chất của xã hội, và nhìn chung, – ở những giai đoạn đầu – được xem là hàng hóa quan trọng nhất đối với một xã hội cụ thể đang xét. Marx viết trong Tư Bản
“Người ta có cảm giác rằng hình như có một hàng hóa trở thành tiền không phải chỉ vì tất cả các hàng hóa khác dùng nó để biểu hiện giá trị của chúng, mà trái lại các hàng hóa này biểu hiện giá trị của chúng bằng hàng hóa ấy bởi vì nó là tiền” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương II)
Chẳng hạn, ở trường hợp của các bộ lạc của người Mỹ bản địa, Engels giải thích, gia súc trở thành hàng hóa tiền.
“Lúc đầu, sự trao đổi được tiến hành giữa các bộ lạc thông qua những tù trưởng thị tộc của mỗi bên; nhưng khi những đàn gia súc bắt đầu chuyển thành sở hữu tư nhân thì sự trao đổi giữa cá nhân với nhau ngày càng thắng thế và cuối cùng trở thành hình thức trao đổi duy nhất. Nhưng vật phẩm chủ yếu mà các bộ lạc du mục trao đổi với những bộ lạc lân cận, là gia súc; gia súc đã trở thành hàng hóa dùng để đánh giá tất cả các hàng hóa khác và ở đâu đâu cũng được người ta vui lòng nhận đổi với các hàng hóa khác – tóm lại, gia súc đã nhận được chức năng tiền tệ và nó được dùng làm tiền tệ ngay từ giai đoạn đó. Nhu cầu phải có một thứ hàng hóa dùng làm tiền, là cần thiết và cấp bách ngay từ lúc mới bắt đầu có sự trao đổi hàng hóa” (Marx và Engels 1984, Chương IX, tr245-6)
Sự bành trướng và lớn mạnh của giao thương ở Hy Lạp cổ đại, thế nhưng, đã dẫn đến nhu cầu về một loại hàng hóa tiền có thể mang theo được trên khoảng cách xa hơn. Vì lý do này, chúng ta thấy, khởi đầu là ở Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ 6 TCN, sự phát sinh của tiền đúc, sử dụng kim loại quý như bạc hoặc vàng.
Những thuộc tính vật liệu có lợi ở kim loại khi sử dụng để làm tiền là rõ ràng: chúng nói chung là đồng nhất và đồng đều ở chất lượng – một miếng vàng là gần như giống hệt một miếng vàng khác; chúng dễ dàng được chia nhỏ (hoặc gộp lại) thành một lượng khác, và dễ dàng sử dụng để đại diện cho những lượng khác nhau về giá trị; nó bền và do đó không bị bào mòn và mất giá, do vậy cho phép nó trở thành cái tích trữ giá trị; và quan trọng nhất, nó có mật độ giá trị cao, chỉ với lượng nhỏ kim loại quý có thể ngang giá với một số lượng lớn hàng hóa khác, có ít giá trị hơn. Do vậy, vàng là tiền không phải vì nó có chất lượng thẩm mỹ cao quý, mà nó được coi là sự thỏa mãn thẩm mỹ bởi vì nó là tiền.
Engels giải thích sự xuất hiện của tiền và tiền đúc cũng liên quan tới sự gia tăng về phân công lao động bên trong xã hội có giai cấp, và sự xuất hiện của “một giai cấp không phải dính dáng gì với hoạt động sản xuất nữa, mà chỉ liên quan với hoạt động trao đổi sản phẩm – giai cấp thương nhân”
“Ở đây, lần đầu tiên, xuất hiện một giai cấp, tuy không tham gia sản xuất một tí nào, nhưng lại chiếm toàn quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế; nó tự đứng ra làm kẻ trung gian giữa hai người sản xuất và bóc lột cả hai. Viện cớ là làm cho những người sản xuất khỏi phải khó nhọc và khỏi phải gặp những rủi ro trong trao đổi, viện cớ là mở rộng việc bán những sản phẩm của họ đến tận những thị trường xa xôi nhất, và do đó trở thành giai cấp có ích nhất trong dân chúng, một giai cấp những kẻ ký sinh, những kẻ thực sự ăn bám xã hội, đã hình thành, chúng hớt lấy phần tinh túy của sản xuất trong nước cũng như của sản xuất nước ngoài, coi đó là tiền công trả cho những sự phục vụ thực ra thì rất nhỏ, chúng đã nhanh chóng thu được những của cải kếch xù và một ảnh hưởng xã hội tương ứng, và chính vì vậy mà trong thời đại văn minh, chúng được người ta dành cho những vinh dự luôn luôn mới, và một quyền thống trị ngày càng lớn đối với sản xuất, cho đến khi chính chúng, cuối cùng, cũng lại sản sinh ra một sản phẩm của riêng mình – những cuộc khủng hoảng thương nghiệp chu kỳ.” (Marx và Engels 1984, tr254)
" …Cùng với giai cấp đó, tiền kim khí, tức tiền đúc, cũng ra đời một thủ đoạn thống trị mới của kẻ không sản xuất đối với người sản xuất và đối với sản xuất của người này. Hàng hóa của các hàng hóa đã được phát hiện; nó bí mật chứa đựng trong mình nó tất cả các hàng hóa khác, nó là cái bùa có thể tùy biến hóa thành mọi vật có tính chất quyến rũ và đáng thèm muốn. Ai có bùa đó, là chi phối được thế giới sản xuất. Vậy ai là người có cái bùa đó trước mọi người? Đó là thương nhân. Nằm trong bàn tay của thương nhân, sự sùng bái đồng tiền được gìn giữ chu đáo. Thương nhân gánh lấy trách nhiệm làm cho người người thấy rõ rằng tất cả mọi hàng hóa và tất cả những người sản xuất ra hàng hóa đều phải thành kính phủ phục đến mức nào trong cát bụi để tôn thờ đồng tiền. Bằng thực tiễn anh ta chứng minh rằng tất cả mọi hình thức khác của của cải đều chỉ là một cái bóng trước hiện thân đó của của cải." (Marx và Engels 1984, tr254-5)
Tiền do đó, như Engels giải thích, là sản phẩm của sở hữu tư nhân; là kết quả của sự xuất hiện của hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa. Thế nhưng, một khi đã tồn tại, tiền phát triển logic của riêng nó, nó lan tỏa vào tương tác xã hội và khẳng định những luật lệ lạnh lùng và nhẫn tâm ở hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác trong đời sống. Tiền và cho vay nặng lãi, Engels tuyên bố, là “phương tiện chủ đạo ngăn cản tự do nói chung”, đập tan những liên kết cộng đồng trong các thị tộc Hy Lạp, và củng cố sự bất bình đẳng và sự bóc lột của giai cấp mới xuất hiện trong nhà nước Athen.
“Chính từ đó mà nền kinh tế tiền tệ, đang phát triển, đã thâm nhập giống như một chất a-xít ăn mòn, vào phương thức sinh hoạt cổ truyền của các cộng đồng nông thôn, dựa trên cơ sở kinh tế tự nhiên. Chế độ thị tộc là tuyệt đối không thể dung hợp với nền kinh tế tiền tệ … chế độ thị tộc cũ thì không biết đến tiền, cũng không biết đến tiền ứng trước, đến nợ nần. Vì vậy sự thống trị về mặt tiền tệ, ngày càng nảy nở và mở rộng thêm, của quý tộc cũng tạo ra một luật tập quán mới để bảo hộ chủ nợ chống lại con nợ, để thừa nhận sự bóc lột của kẻ có tiền đối với người tiểu nông…” (Marx và Engels 1984, tr173-4)
“Cùng với sự ra đời của nền sản xuất hàng hóa, cũng xuất hiện việc những cá nhân riêng rẽ canh tác lấy ruộng đất để thu lợi cho chính mình, và sau đó chẳng bao lâu cũng xuất hiện quyền sở hữu ruộng đất của cá nhân. Tiền cũng ra đời, nó là một hàng hóa phổ biến có thể trao đổi với tất cả các hàng hóa khác; nhưng khi phát minh ra tiền, người ta không ngờ rằng mình tạo ra một lực lượng xã hội mới, – một lực lượng vạn năng duy nhất mà trước nó, toàn thể xã hội phải cúi đầu. Và chính lực lượng mới này, phát sinh một cách đột nhiên ngoài sự mong muốn và hiểu biết của những kẻ sáng tạo ra nó, đã làm cho người Athen thấy được sự thống trị của nó với tất cả sự thô bạo của tuổi thanh xuân của nó”
“Người ta có thể làm gì bây giờ? Tổ chức thị tộc cổ xưa không những đã tỏ ra bất lực trước sự tiến quân thắng lợi của tiền, mà còn hoàn toàn bất lực trong việc tìm trong khuôn khổ của mình, một chỗ nhỏ cho những cái như tiền bạc, chủ nợ và con nợ, việc thu hồi nợ bằng biện pháp cưỡng bách. Nhưng thế lực xã hội mới đã tồn tại rồi, và những ý muốn chân thành, nguyện vọng muốn quay trở lại cái thời xưa tốt đẹp đều không thể nào loại trừ được tiền và nạn cho vay nặng lãi ra khỏi thế giới nữa.” (Marx và Engels 1984, tr176-7)
Tiền tín dụng
Như Engels đã chỉ dẫn ở trên, cùng với đề cập của ông về “nguyện vọng muốn quay trở lại thời xưa tốt đẹp”, khi mà “tiền và cho vay nặng lãi” không tồn tại; chừng nào còn tiền tệ, chừng đó còn tín dụng và nợ; và chừng nào còn cho vay nặng lãi, chừng đó còn “thu hồi nợ bằng cưỡng bách” – “một lực lượng xã hội mới … trước nó, toàn thể xã hội phải cúi đầu.”
Một vài nhà lý thuyết tiền tệ, thế nhưng, cố gắng nhấn mạnh rằng tiền – trên hết – không là gì cả ngoài một hệ thống tín dụng và nợ; một tập hợp những tài khoản và số dư thể hiện sự phân phối của cải của xã hội trong dân chúng. Cái chúng ta thấy ở tiền xu và tiền mặt, bên trong bộ khung của sự hiểu biết về tiền tệ, chỉ là phương thức thiết lập các tài khoản và thực hiện các giao dịch chuyển tiền giữa các số dư – tiền là phương tiện thanh toán.
Những ý tưởng như vậy, được biết đến một cách tổng quát là lý thuyết tín dụng (hay nợ) về tiền tệ, đã được đề xướng một cách tỉ mỉ bởi nhà kinh tế học người Anh ở đầu thế kỷ 20, Alfred Mitchel Innes, và được xác nhận, theo như David Graeber đề cập trong cuốn sách của mình Debt: the First 5000 Yeas, bởi những bằng chứng nhân loại học.
Theo Innes và Graeber thì quan niệm hiện đại của chúng ta về tiền – như đề cập trong sách giáo khoa hàn lâm – cơ bản là dựa trên sự thần bí: sự “thần bí của đổi chác”, như Graeber mô tả nó, đã lan tỏa vào trong trí tưởng tượng và nhận thức của dân chúng như là kết quả từ các tác phẩm của các nhà kinh tế chính trị cổ điển, như Adam Smith và David Ricardo, và trước họ là từ những lý thuyết của người theo chủ nghĩa thực nghiệm Anh, John Locke, và thậm chí là từ triết gia Hy Lạp cổ đại, Aristotle.
Đối với các nhà kinh kế học cổ điển, tiền căn bản được xem là phương tiện trao đổi – một hàng hóa duy nhất xuất hiện bên trên tất cả các hàng hóa khác và được chấp nhận một cách rộng rãi để tạo điều kiện cho thương mại. Việc sử dụng một hàng hóa đặc biệt làm tiền tệ, chẳng hạn vàng, là ở chỗ nó có mật độ giá trị cao. Trước khi có tiền, câu chuyện tiếp tục, không có cách nào trao đổi ngoài đổi chác bằng hiện vật. Điều này rõ ràng gây ra nhiều phiền toái, bởi vì nó đòi hỏi cả hai cá nhân có những nhu cầu tương hỗ giao thoa nhau, và rằng hàng hóa đem trao đổi phải được mang theo, để sẵn dàng cho việc trao đổi. Vì vậy sự phát minh ra tiền, khắc phục rào cản của đổi chác, và mở rộng cả sự phong phú của các mặt hàng có thể trao đổi lẫn khoảng cách mà chúng có thể được trao đổi.
Graeber nhận xét, bằng cách trích dẫn nhà nhân loại học ở Cambridge, Caroline Humphrey, vấn đề là ở chỗ: “Không có ví dụ nào về nền kinh tế đổi chác, thuần khiết và đơn giản, như đã từng được mô tả, đó là chưa kể đến từ đó phát sinh ra tiền tệ; tất cả những những gì có ở ngành dân tộc học cho thấy rằng chưa bao giờ có nền kinh tế ấy.” (Graeber sđd. tr29)
Tuy nhiên, nên chú ý rằng, diễn giải có tính nhân loại học này về “sự thần bí của đổi chác” là dựa trên việc đi tìm kiếm một nền kinh tế đổi chác – nghĩa là, đi tìm một cộng đồng trong đó có sự trao đổi hàng hóa nội tại mà hoạt động đổi chác diễn ra. Thế nhưng Engels (và cả Marx) ghi chú rằng, sự phát triển của trao đổi hàng hóa thông qua đổi chác ban đầu không diễn ra ở bên trong cộng đồng, mà diễn ra ở bên ngoài, tại biên lề nơi diễn ra sự tương tác giữa các bộ lạc khác nhau. Do vậy, không có gì là ngạc nhiên khi tìm kiếm trong lịch sử thì thấy “không có ví dụ nào về nền kinh tế đổi chác.”
Đối với những người đề xướng lý thuyết tín dụng / nợ về tiền tệ – đối lập với những nhà kinh tế cổ điển cùng lý thuyết hàng hóa về tiền tệ – thì vai trò chính của tiền không phải là phương tiện trao đổi mà là một đơn vị kế toán. Ở thời kỳ hiện đại của chủ nghĩa tư bản, cùng với sự phát triển ở mức độ cao của hệ thống tín dụng, ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ, và giao dịch điện tử, có vẻ như rất hiển nhiên khi có ý tưởng cho rằng tiền là cái gì đó hơn cả tiền xu và tiền mặt đang lưu thông. Nhưng ở thời Smith, Ricardo và những người khác, ý tưởng như vậy không được xem là chân lý hiển nhiên. Thậm chí cho đến ngày hôm nay, có những người – quan sát sự sụp đổ của hệ thống tài chính nối gót cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008, đấy là chưa kể đến những bong bóng tín dụng bị thổi phồng và việc in tiền để thông qua chính sách nới lỏng định về lượng vẫn còn tiếp tục cho đến hôm nay – đã kêu gọi quay lại hệ thống bản vị vàng để phục hồi sự êm ả và có trật tự cho hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Với vai trò là phương tiện kế toán, do đó, tiền căn bản là một hệ thống các khoản tín dụng và nợ. Như Graber nhấn mạnh: “Chúng ta đã không bắt đầu bằng đổi chác, khám phá ra tiền và rồi cuối cùng thì phát triển những hệ thống tín dụng. Cái đã diễn ra lại theo cách ngược lại hoàn toàn. Cái mà giờ đây chúng gọi là tiền ảo xuất hiện đầu tiên. Tiền xu xuất hiệu rất lâu sau đó, rồi việc sử dụng tiền xu kéo dài một cách thất thường, chưa bao giờ thay thế hoàn toàn được hệ thống tín dụng.” (sđd tr40)
Felix Martin nêu bật hai ví dụ trong cuốn sách Money: the Unauthorised Biography nhằm nhấn mạnh quan điểm này. Ví dụ đầu tiên là trường hợp người Yap, một hòn đảo xa xôi và biệt lập ở Thái Bình Dương. Một nhà nhân loại học người Mỹ tên là William Furness, đến Yap vào năm 1903, đã kinh ngạc khi khám phá ra nền kinh tế của hòn đảo nhỏ này cấu thành từ trao đổi một vài hàng hóa; và, quan trọng hơn, không có đổi chác bằng hiện vật, cũng không có bất cứ một thứ tiền mặt nào đóng vai trò làm phương tiện trao đổi. Thay vào đó, người Yap có một hệ thống tiền tệ được phát triển ở một mức độ cao gắn liền với những đĩa đá đá gọi là “fei”, kích cỡ có thể lên tới 12 bộ, chúng được sử dụng để đại diện và [lý giải] cho những lượng của cải khác nhau do các cá nhân trong cộng đồng nắm giữ.
Đáng chú ý là, Martin nói, Furness "đã quan sát thấy việc vận chuyển fei từ nhà này sang nhà khác là rất hiếm. Vô số những giao dịch được thực hiện – nhưng các món nợ phát sinh thực ra là bù trừ lẫn nhau, với bất kỳ số dư tồn đọng nào được ghi nhớ tiếp vào trao đổi nào đó sẽ diễn ra trong tương lai. Thậm chí khi người ta cảm thấy phải thiết lập một số dư mở, thì việc trao đổi fei một cách vật lý cũng không phổ biến. (Martin tr4)
“Tiền của người Yap không phải là fei”, Martin tiếp tục, “mà là hệ thống các tài khoản tín dụng và thanh toán bù trừ trên những tài khoản ấy giúp duy trì theo dõi giao dịch. Fei chỉ là những thẻ [tokens] thông qua đó các tài khoản được duy trì” (Martin, sđd tr12)
Gần gũi hơn, Martin đưa ra ví dụ khác về tiền tín dụng ở hình thức “thẻ kiểm kê Công khố” – những thẻ gỗ được sử dụng ở Anh giữa thế kỷ 12 và thế kỷ 18 để ghi lại các thanh toán qua lại với nhà nước. Những thẻ gỗ như vậy có thể được bẻ đôi, người cho vay và người vay giữ mỗi người một nửa như là biên nhận cho việc thanh toán. Đáng chú ý là, nửa của người cho vay có thể được sử dụng làm phương tiện thanh toán – một hình thức an ninh tài chính, được trao đổi với cá nhân khác để ấn định một món nợ không liên quan.
Mãi đến năm 1834 hình thức Thẻ kiểm kê Công khố này cuối cùng mới bị bãi bỏ, và được thay thế bằng Ngân hàng Anh quốc với một hệ thống tiền giấy. Những thẻ còn lại bị đốt và hủy bỏ, để lại những bằng chứng ít ỏi về sự tồn tại của chúng. Vì những lý do tương tự, Martin lưu ý, bằng chứng vật lý của tất cả các loại hệ thống tiền tệ trong lịch sử – và đặc biệt là những hệ thống tín dụng có liên quan đến tài khoản được ghi chép – có thể đã mất đi vĩnh viễn, chỉ còn tiền xu cứng còn sống sót đến hôm nay. Kết quả là, cả Martin và Graeber đưa ra giả thuyết rằng, chúng ta còn lại với quan niệm tiền với nhấn mạnh là hàng hóa có thể sờ mó được, chẳng hạn như kim loại quý.
Học thuyết giá trị lao động
Vậy thì tiền là gì? Nó cơ bản là một hàng hóa phổ biến, hoặc nó trên hết là một hệ thống tín dụng và nợ? Phân tích cho đến cùng, câu trả lời cả là cả hai: vai trò kép của tiền tệ với tư cách phương tiện trao đổi và với tư cách một đơn vị kế toán là hai mặt của cùng một đồng xu, có thể nói như vậy.
Cái gì đã thống nhất bản chất đối tính của tiền tệ – cái gì kết nối cả ví dụ về fei, thẻ kiểm kê công khố, với tiền đúc cổ đại, và chia tách các trường hợp từ cộng sản nguyên thủy hay những nền kinh tế kế hoạch từ trên xuống ở Lưỡng Hà đã đề cập ở trên – về căn bản đóng vai trò như một thước đo – hoặc một đại diện – cho giá trị. Do vậy, vấn đề thích đáng hơn nảy sinh từ việc này là: thế nào là giá trị?
Như đã thảo luận ở trên, nguồn gốc của tiền tệ nằm ở sử phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa; hàng hóa là những sản phẩm được làm ra cho thị trường. Marx khởi đầu bộ Tư Bản bằng cách đi thẳng vào vấn đề này, giải thích rằng hàng hóa có tính hai mặt. Một mặt, tất cả hàng hóa là những thứ có giá-trị-sử-dụng mang lại tiện ích cho xã hội; mặt khác, hàng hóa phải có một giá-trị-trao-đổi một quan hệ về lượng với các hàng hóa khác (nói chung hay được coi đơn giản là giá trị của hàng hóa)
Đồng thời, Marx nhận xét rằng, rõ ràng tồn tại một sự chia rẽ giữa hai thuộc tính đối lập này của hàng hóa; cái trước không quy định cái sau – nghĩa là, tính hữu ích của một sản phẩm chứa đựng quan hệ ít ỏi với giá-trị-trao-đổi. Chẳng hạn một chiếc bút có thể hữu ích, và một cái xe ô-tô cũng hữu ích; nhưng rõ ràng là một cái xe ô-tô tầm trung cũng đáng giá hơn hàng ngàn chiếc bút (hạng thường). Kim cương, trong khi đó, lại được xem là có giá trị cao, mặc dù chúng mang lại rất ít giá trị sử dụng thực tế cho xã hội.
Điều bí ẩn mà các nhà kinh tế cổ điển như Smith và Ricardo tìm cách giải quyết là – và cũng là xuất phát điểm của Marx trong phân tích của ông về hệ thống tư bản – : cái gì quyết định tỷ lệ trao đổi giữa các hàng hóa khác nhau? Tại sao một lượng hàng hóa nhất định có thể được trao đổi với một lượng hàng hóa khác? Nói cách khác, đâu là nguồn gốc của giá trị?
Để trả lời câu hỏi này, Marx đầu tiên đặt câu hỏi: cái duy nhất mà tất cả các hàng hóa đều có chung là gì? Có tồn tại một khía cạnh nào của hàng hóa mà nó vừa là phổ quát vừa có thể so sánh được? Chất lượng nào thống nhất tất cả các hàng hóa khác nhau đã được sản xuất ra cho thị trường, với những mục đích sử dụng, thuộc tính và đặc tính vậy lý đa dạng như vậy? Câu trả lời mà Marx đã tìm ra là lao động.
Tất cả hàng hóa, phân tích cho đến cùng, đều là sản phẩm của lao động; và chính lao động, đến tận cùng, là nguồn gốc của tất cả giá trị. Thế thì giá-trị-trao-đổi (hay đơn giản là giá trị), Marx giải thích, là thể hiện bởi lượng lao động tương đối chứa đựng bên trong các hàng hóa khác nhau – cả bảo gồm lao động “sống” do người sản xuất bổ sung vào lẫn lao động “chết” kết tinh bên trong những nguyên vật liệu thô và những công cụ được sử dụng trong quá trình sản xuất.
Marx, thế nhưng, không phải là người đầu tiên khẳng định rằng lao động là nguồn gốc của giá trị. Tư tưởng này đã được nêu ra bởi những nhà kinh tế học cổ điển (và thậm chí bởi những người ở thời kỳ cổ đại). Tuy vậy, Marx đã phát triển “học thuyết giá trị”, bằng cách quan sát vấn đề không phải từ quan điểm của một người lao động riêng lẻ, mà từ lao động trừu tượng – lao động xã hội nói chung:
“Tính hữu ích của sản phẩm lao động mà biến đi thì đồng thời tính hữu ích của những loại lao động biểu hiện ra trong các sản phẩm ấy, do đó, các hình thái cụ thể khác nhau của những loại lao động ấy, cũng đều biến đi theo; những loại lao động ấy không còn khác nhau nữa, mà được quy thành thứ lao động giống nhau của con người, thành lao động trừu tượng của con người” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương I)
Theo Marx, vấn đề giá trị không phải ở lao động tiêu tốn bởi một người sản xuất cá thể. Dưới chủ nghĩa tư bản, sản xuất và trao đổi hàng hóa là thống trị và phổ biến, hàng hóa không chỉ đơn thuần được trao đổi giữa các cá nhân, mà còn được mua bán trên thị trường. Người sản xuất và người tiêu dùng thường không bao giờ – và trong thực tế là rất hiếm khi – gặp mặt nhau. Vì vậy, đặc tính cá thể của mọi hàng hóa bị biết mất; thay vào đó nó đơn thuần trở thành một ví dụ trong vô số những giá-trị-sử-dụng tương tự.
Đặc tính cá thể của lao động chứa đựng bên trong mỗi hàng hóa đó, đến lượt nó, cũng biến mất. Những người mua ở thị trường không quan tâm tới lao động đã tiêu tốn để sản xuất ra bất cứ một hàng hóa cá thể nào, nhưng chỉ quan tâm tới lượng lao động trung bình cần thiết để sản xuất ra hàng hóa như thế nào đó. Những người bán ở thị trường – ngày nay thực sự là thị trường toàn cầu – do đó, phải cạnh tranh với trình độ trung bình của sự khéo léo, công nghệ và tổ chức trong ngành công nghiệp mà họ tham gia. Chính thực tế này thúc đẩy các công ty cạnh tranh bằng cách đầu tư vào máy móc và phương thức mới nhằm tăng năng suất và do đó bán sản phẩm của họ dưới mức trung bình chung của các đối thủ cạnh tranh.
Giá trị của hàng hóa, do vậy, không được quyết định bởi việc xem xét lao động tiêu tốn bên trong một hàng hóa riêng lẻ, mà phải bằng cách quan sát lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa nào đó, tương đối đồng nhất nói chung. Theo ý nghĩa này, Marx đã giải thích rằng, giá trị của hàng hóa không đơn thuần là từ lao động, như những nhà kinh tế học cổ điển đã kết luận, mà là thời gian-lao động xã hội cần thiết: “thời gian-lao động đòi hỏi để sản xuất ra một giá trị-sử dụng nào đó trong điều kiện sản xuất bình thường của một xã hội, với trình độ thành thạo trung bình và một cường độ lao động trung bình trong xã hội đó” (Marx, sđd)
Trong một nền kinh tế thị trường tương đối kém phát triển, có thể tồn tại một mức độ linh động về số lượng một hàng hóa được trao đổi để lấy một hàng hóa khác diễn ra trong một hoạt động trao đổi biệt lập, cá thể. Sự khác biệt về lượng trong thời gian lao động kết tinh bên trong những hàng hóa cụ thể dường như là ngẫu nhiên, và theo ý nghĩa này, như nói ở trên, giá trị của hàng hóa có vẻ như là ngẫu nhiên. Thế nhưng khi trao đổi hàng hóa trở nên phổ biến, từng hành vi trao đổi mất đi tính cách cá thể của nó, và những giá trị “ngẫu nhiên” khác – tức là thời gian-lao động – quan sát được ở những hành vi cụ thể ấy đem tính trung bình và nảy sinh một giá trị khách quan, phổ biến – tức là thời gian-lao động xã hội cần thiết. Trong khi đó, hành vi trao đổi chỉ là bằng chứng của tính thiết yếu xã hội của một lao động nào đó.
Do vậy hình thái chung của giá trị xuất hiện, theo phương diện lịch sử tại thời điểm khi mà quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa trở nên phổ biến đến nỗi giá trị tương đối – tức là thời gian-lao động đã kết tinh – của hàng hóa giờ đây thể hiện chính bản thân chúng, không phải ngẫu nhiên, mà là thực tế khách quan đối với người mua và người bán trên thị trường.
Như vậy là chúng ta thấy làm thế nào mà quy luật về giá trị – giống như mọi quy luật trong tự nhiên, lịch sử và xã hội – không phải là những gì đó vĩnh cửu bị áp đặt từ bên ngoài, mà là những gì biện chứng nảy sinh từ những tương tác nội tại. Tất yếu thể hiện bản thân nó qua ngẫu nhiên. Trong trường hợp quy luật giá trị, quy luật này chỉ nảy sinh và khẳng định bản thân nó tại một thời điểm lịch sử khi mà sản xuất và trao đổi hàng hóa trở thành phổ biến.
Tiền, đến lượt nó, là thể hiện sau cùng của sự phổ biến của quy luật giá trị; một kết quả logic của sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa, cái đòi hỏi phải có một thước đo chung – một đo lường tiêu chuẩn – dựa vào đó giá trị của tất cả các hàng hóa có thể được bộc lộ.
Do vậy, ở nơi mà sản xuất và trao đổi hàng hóa không được thiết lập trong xã hội, khái niệm về giá trị là vô nghĩa, và đến lượt nó, tiền không phải là nhu cầu xã hội. Ví dụ, như Felix Martin ghi chú, “sự phức tạp ghê gớm của chế độ quan lại vùng Lưỡng Hà, một nền kinh tế mệnh lệnh không cần đến một khái niệm phổ quát về giá trị kinh tế … Do đó nó không phát triển thành phần đầu tiên của tiền tệ: một đơn vị trừu tượng, một giá trị kinh kế có thể áp dụng một cách phổ biến.” (Martin, sđd tr59)
“Hình thái đơn giản của hàng hóa là mầm mống của hình thái tiền” (Marx, Tư Bản Quyển I, Chương I)
Giá trị và quan hệ xã hội
Quan hệ xã hội và tha hóa
Điểm quan trọng mà Marx nhấn mạnh là giá trị – và đo đó cũng là tiền, ở hình thái giá cả – xét đến cùng thì là quan hệ xã hội: một quan hệ giữa lao động của các cá thể khác nhau mà dưới một hệ thống trao đổi và sản xuất hàng hóa đã trở thành phổ biến, thể thiện bản thân nó như quan hệ giữa những đồ vật. “Đó chỉ là một quan hệ xã hội nhất định của chính con người, nhưng dưới con mắt của họ thì quan hệ ấy lại mang cái hình thái kỳ ảo của mối quan hệ giữa các vật.” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương I, 4)
Tiền do đó không phải là vật mà là một tập hợp các quan hệ. Hệ thống tiền tệ, đến lượt nó, không chỉ đơn thuần là tiền mặt và tiền xu trong lưu thông, cũng không phải là những con số trong sổ sách kế toán, mà là một hệ thống của những quan hệ xã hội; một thể hiện của phân phối của cải bên trong xã hội – do lao động sản xuất ra. Trong khi đó, của cải tính bằng tiền của một cá nhân, chỉ đơn giản là một phần trong của cải xã hội.
Những quan hệ kinh tế xã hội này cuối cùng được hậu thuẫn bởi những quan hệ pháp lý – tức là, tài sản – cái mà phân tích cho đến cùng được hậu thuẫn bởi quyền lực nhà nước: “đội vũ trang đặc biệt” (sử dụng diễn đạt của Lenin), cái mà – trong xã hội có giai cấp – hành động để bảo vệ tính bất khả xâm phạm của quan hệ sở hữu tư nhân. Mặc dầu, như Graeber ghi chú, “Điều đó không có nghĩa là nhà nước cần phải tạo ra tiền … Nhà nước chỉ đơn thuần thi hành giao kèo và áp đặt điều khoản luật.” (Graeber, sđd tr54)
Khi việc sử dụng tiền trở nên phổ biến, các quan hệ xã hội ngày càng bị biến đổi thành các quan hệ tài chính và tiền bạc. Như Engels nói, đã trích dẫn ở trên, tiền như “chất a-xít ăn mòn”, phá vỡ tất cả những mối liên kết xã hội đang tồn tại. Khi nhận xét về sự nảy sinh của tiền tệ trong xã hội Hy Lạp cổ đại, Felix Martin lặp lại Engels, giải thích:
“…cùng với sự phát minh ra tiền đúc, một công nghệ trong mơ giúp ghi chép và luân chuyển những giao ước tiền tệ từ người ngày sang người khác đã được khai sinh…Kết quả là nó tăng thêm gia tốc cho quá trình tiền tệ hóa. Đâu đâu những giao ước xã hội truyền thống cũng bị biến thành những quan hệ tài chính…Thật khó có thể nói quá tác động xã hội và văn hóa của cuộc trải nghiệm tiền tệ có tính cách mạng, lần đầu tiên này…tiền là chất hòa tan vạn năng có khả năng hòa tan mọi giao ước xã hội.” (Martin sđd p61-63)
Cùng với sự phát triển và phổ biến của hình thái tiền, sự chia cắt giữa giá trị-sử dụng và giá trị-trao đổi càng trở nên rộng lớn hơn. Những người tham gia vào hệ thống tiền tệ của sản xuất và trao đổi hàng hóa ngày càng xa lạ [tha hóa] với lao động của họ. Những gì họ sản xuất ra không có ích cho bản thân họ, mà đơn giản là có ích cho người khác. Tất cả nhu cầu, như đã đề cập, trở thành nhu cầu về tiền – vật ngang giá phổ biến có thể dùng để trao đổi mọi hàng hóa khác nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu có thể hình dung ra được.
Như thảo luận ở trên, bên trong những công xã nguyên thủy, nơi sản xuất là một quá trình có tính công xã, sự xa lạ [tha hóa] như vậy không tồn tại và sản xuất hàng hóa ban đầu chỉ giới hạn với những đối tượng mà có thể trao đổi tại biên lề của xã hội với các cộng đồng khác. Thế nhưng sự năng động và những quy luật của sản xuất và trao đổi hàng hóa có logic của riêng nó, một khi đã bắt đầu, thoát khỏi kìm kẹp và áp đặt bản thân nó lên xã hội. Marx viết “Nhưng một khi các vật đã trở thành hàng hóa trong quan hệ đối ngoại thì do tác động ngược trở lại, chúng cũng sẽ trở thành hàng hóa cả ở trong nội bộ công xã nữa.” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương II)
Nói cách khác, ngay khi sản phẩm lao động được trao đổi ra bên ngoài, dẫn đến việc phải đặt thời gian lao động tương đối của sản phẩm ấy vào so sánh với sản phẩm khác, cùng lúc đó bắt đầu sự cần thiết phải so sánh giữa các sản phẩm lao động ở bên trong công xã, sản phẩm vốn trước đó không đem ra trao đổi giữa các cá nhân với nhau, thay vào đó chỉ được sản xuất ra để làm sản phẩm chung. Những quy luật của hàng hóa do vậy bắt đầu khẳng định bản thân nó bên trong xã hội và xác lập sự tách rời giữa giá trị-sử dụng và giá trị-trao đổi.
“Vì vậy, cùng với thời gian, ít nhất cũng có một phần sản phẩm lao động được sản xuất ra với ý đồ phục vụ cho mục đích trao đổi. Từ đó trở đi, một mặt, sự phân biệt giữa tính có ích của những vật để nhằm trao đổi, càng được củng cố thêm. Giá trị sử dụng của những vật đó tách khỏi giá trị trao đổi của chúng.” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương II)
Phân tích của Marx về sự phát triển của tiền tệ, do vậy, là dựa trên hiểu biết về sự phát triển của hàng hóa như tóm lược ở trên. Khi sản xuất và trao đổi hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, chúng ta thấy hình thái chung của giá trị xuất hiện. Mỗi người sản xuất cá thể mong muốn trao đổi sản phẩm của riêng họ với vô vàn những sản phẩm khác trên thị trường.
Khi hệ thống ấy trở nên phổ biến, gia tăng một nhu cầu xã hội về đo lường giá trị – về một vật ngang giá phổ biến và một đơn vị kế toán mà có thể đóng vai trò như thước đo, dựa vào đó giá trị của mọi hàng hóa có thể được so sánh. Chính vật ngang giá phổ biến hoặc một đơn vị kế toán này hình thành nên cơ sở của tiền tệ.
Khái niệm tiền tệ, do vậy, là hình thức tột cùng của sự tha hóa của người sản xuất từ lao động của anh/chị ta. Chúng ta không còn thấy việc sản xuất phục vụ tiêu dùng trực tiếp nữa; cũng không thấy hàng hóa sản xuất ra với tư cách là giá trị-trao đổi cho người chủ sở hữu, để đơn thuần trao đổi trực tiếp với hàng hóa của người khác mà chúng có giá trị-sử dụng đối với người tiếp nhận. Giờ đây, thay vào đó, người sản xuất đòi tiền khi trao đổi sản phẩm của anh ta – tiền thể thiện hình thái lao động phổ biến và trừu tượng, mất đi giá trị-sử dụng cho người sở hữu, giữ lại khả năng nó thể hiện giá trị lao động của anh ta.
“Tinh thể tiền là một sản phẩm tất yếu của quá trình trao đổi, trong đó các sản phẩm lao động khác nhau được thực sự coi như nhau, và do đó, thực sự biến thành hàng hóa. Quá trình lịch sử của sự mở rộng và ăn sâu của trao đổi ngày càng làm tăng thêm sự đối lập đang âm ỉ ở trong bản chất của hàng hóa, giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Nhu cầu phải làm cho sự đối lập đó biểu hiện ra ở bên ngoài để phục vụ cho giao dịch, đã hướng đến chỗ làm nảy sinh một hình thái độc lập của giá trị hàng hóa và nhu cầu đó không lúc nào im tiếng cho tới khi, cuối cùng, người ta đạt được hình thái đó bằng cách tách đôi hàng hóa thành hàng hóa và tiền. Vì vậy, các sản phẩm lao động được chuyển hóa thành hàng hóa đến đâu thì hàng hóa cũng chuyển hóa thành tiền đến đó.” (Mark, Tư Bản, Chương II)
Bí ẩn của lợi nhuận
Tại thời điểm nhất định, sự tha hóa ngày càng tăng ấy – gắn liền với sự tách rời giữa giá trị-sử dụng và giá trị-trao đổi – dẫn tới sự biến đổi về chất. Ban đầu lưu thông của quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa là H-T-H: hàng (H) được sản xuất ra, đem bán lấy tiền (T), và tiền này dùng để mua mặt hàng khác (H).
Thế nhưng, sau đó lưu thông này biến thành quá trình đảo ngược – đó là T-H-T: bắt đầu bằng tiền, được sử dụng để mua hàng hóa, với hy vọng sẽ đem bán với giá cao hơn. Sự phát triển của quá trình T-H-T gắn liền với sự xuất hiện của giai cấp thương nhân, đã được Engels mô tả ở đoạn trên, – “một giai cấp không phải dính dáng gì với hoạt động sản xuất nữa, mà chỉ liên quan với hoạt động trao đổi sản phẩm”
Tất nhiên, trong thực tế không phải là lưu thông T-H-T mà là lưu thông T-H-T’, ở đó T’ là số tiền lớn hơn số tiền bỏ ra ban đầu. Mục đích của thương nhân, nói cách khác, đơn giản là kiếm tiền thông qua hoạt động trao đổi. Tích lũy tiền trở thành raison d’être (lý do tồn tại) của hệ thống; còn đáp ứng nhu cầu của xã hội chỉ là ý nghĩ đến sau.
Đồng thời Engels cũng giải thích sự xuất hiện của tư bản cho vay nặng lãi – những kẻ cho vay và đầu tư tài chính tìm cách cắt bỏ hết những rườm rà của việc mua bán, nhảy thẳng vào quá trình tiền đẻ ra tiền: T-T’.
Trong khi cả thương nhân và kẻ cho vay nặng lãi đã đóng vai trò (và còn tiếp tục đóng vai trò) cần thiết bên trong hệ thống thị trường, theo khía cạnh chúng tạo điều kiện giúp mở rộng thương nghiệp và không làm đứt đoạn tính liên tục của lưu thông hàng hóa, dầu vậy, những nhóm xã hội ấy đã (và đang) đồng thời là những nhóm ăn bám không thể tả nổi. Cuối cùng thì, chẳng phải thương nhân và cũng chẳng phải kẻ cho vay nặng lãi sản xuất ra một giá trị mới nào thông qua hành vi của họ. Thay vào đó, lợi nhuận của họ chỉ đơn thuần là sự thể hiện của sự luân chuyển của cải – một lát cắt giá trị được sản xuất ở đâu đó, bằng quá trình sản xuất thực sự.
Điều bí ẩn ở nguồn gốc của lợi nhuận dưới chủ nghĩa tư bản là vấn đề làm bế tắc và ngáng chân các nhà kinh tế học cổ điển, họ khăng khăng rằng lợi nhuận được tạo ra trong quá trình trao đổi, giống như những thương nhân, “mua rẻ bán đắt.” Thế nhưng, như Marx đã chỉ ra, khi một hành động như vậy có thể cho phép một cá nhân lừa gạt người khác, nó không giải thích được lợi nhuận được sinh ra thế nào trong xã hội khi xét về tổng thể. Vì một hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa phổ biến, tất cả chúng ta đều là người mua và người bán. Thậm chí những nhà tư bản cũng vừa là người mua vừa là người bán: dĩ nhiên họ bán ra sản phẩm, nhưng trước tiên họ phải mua vào nguyên vật liệu thô, đầu tư vào máy móc, và trả lương cho công nhân. Nói cách khác, cái gì có được bằng “lừa gạt” theo cách này thì lại bị mất đi theo cách khác. Người này được thì người kia mất, và ngược lại.
“Bây giờ, chúng ta hãy cho rằng người bán có một đặc quyền thần bí nào đó để bán hàng hóa cao hơn giá trị của chúng, chẳng hạn như bán lấy 110 khi chúng trị giá 100, nghĩa là về mặt danh nghĩa cộng thêm 10% vào giá cả. Vậy là người bán thu được một giá trị thặng dư là 10. Nhưng sau khi làm người bán, anh ta trở thành người mua. Giờ đây, một người chủ hàng hóa thứ ba đến với anh ta với tư cách là người bán, và đến lượt mình, người này cũng có cái đặc quyền bán hàng hóa đắt lên 10%. Với tư cách là người bán, người chủ hàng hóa của chúng ta được lợi 10, để rồi lại mất 10 đó đi với tư cách là người mua. Trên thực tế, toàn bộ sự việc sẽ dẫn đến chỗ là tất cả các chủ hàng hóa đều bán lẫn cho nhau những hàng hóa của họ với 10% đắt hơn giá trị của chúng, nhưng điều này cũng hoàn toàn giống như là tất cả các hàng hóa đều được bán theo giá trị của chúng. Việc cộng thêm có tính chất danh nghĩa và phổ biến như vậy vào giá cả các hàng hóa cũng có một tác dụng giống như là việc lấy bạc chẳng hạn, chứ không phải lấy vàng, để đo giá trị của các hàng hóa. Tên gọi bằng tiền, tức là giá cả của các hàng hóa, tăng lên nhưng tỷ lệ giá trị của chúng vẫn không thay đổi.” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương V)
“Giá trị nằm trong lưu thông không tăng thêm lên được một nguyên tử nào; chỉ có sự phân phối giá trị đó giữa A và B là thay đổi. Ở đây, cái đối với một bên là giá trị thặng dư thì đối với bên kia lại là giá trị thiếu hụt, con số cộng đối với một bên là con số trừ đối với bên kia… Toàn bộ giai cấp các nhà tư bản của một nước không thể kiếm lãi bằng cách lừa bịp bản thân mình được” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương V)
Nếu không phải từ hành vi trao đổi và cũng không phải trong lĩnh vực lưu thông, thì lợi nhận từ đâu đến? Nhà tư bản của chúng ta phải bắt đầu bằng tiền, mua hàng hóa với giá thật của nó, bán sản phẩm với cùng giá đó, nhưng lại kết thúc bằng số tiền nhiều hơn số tiền ban đầu. “Người chủ tiền của chúng ta”, do vậy, “phải có được điều may mắn là phát hiện được trong lĩnh vực lưu thông, tức là trên thị trường, một thứ hàng hóa mà bản thân giá trị sử dụng của nó có cái đặc tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị, một thứ hàng hóa mà khi tiêu dùng nó thật sự thì vật hóa được lao động, và do đó sẽ tạo ra được giá trị.” (Marx, Tư Bản, Quyển I, Chương IV)
Nói cách khác, phải có một thứ hàng hóa mà nhà tư bản có thể mua và bản thân nó có khả năng tạo ra giá trị. Như Marx giải thích, “Và người chủ tiền đã tìm được thứ hàng hóa đặc biệt ấy trên thị trường: đó là năng lực lao động, hay sức lao động” (Marx, sđd)
Sức lao động – hay “năng lực lao động” thường được thể thiện trong việc thuê mướn nhân công bằng một khoảng thời gian nào đó. Chẳng hạn, công nhân được thuê theo hợp đồng xác định bởi số giờ làm việc trong tuần hoặc số tuần trong năm mà họ phải làm việc cho nhà tư bản. Trong thời gian đó họ làm việc hiệu quả hay nặng nhọc ra sao – tức là, họ thực sự sản xuất thế nào trong tuần hoặc trong năm đó – là vấn đề mà nhà tư bản phải tối ưu một cách riêng rẽ. Nhà tư bản trả tiền cho thời gian công nhân làm việc; và tùy thuộc vào nhà tư bản sử dụng thời gian này hiệu quả hiệu quả thế nào để càng sản xuất ra nhiều sản phẩm càng tốt.
Do vậy, bước nhảy về chất trong phân tích của Marx là đã nhìn ra những người công nhân bản thân họ không chỉ là những người mua hàng hóa, mà còn là người bán một thứ hàng hóa rất đặc biệt: sức lao động của họ – tức năng lực lao động của họ. Thứ mà nhà tư bản mua từ người công nhân, do đó, không phải là lao động thực tế của anh/chị ta, tức là sản phẩm anh/chị ta làm ra, mà là khả năng hay năng lực anh/chị ta làm việc.
Giống như tất cả các hàng hóa khác Marx giải thích, “Giá trị của sức lao động, cũng giống như bất kỳ một hàng hóa nào khác, được quyết định bởi số thời gian lao động cần thiết để sản xuất, và do đó để tái sản xuất ra thứ sản phẩm đặc biệt ấy…hay nói một cách khác, giá trị của sức lao động là giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống của người có sức lao động ấy” (Marx, sđd)
Ở dạng tiền tệ, giá của sức lao động được thể thiện bằng tiền lương trả cho người công nhân. Do đó, tiền lương này phải có khả năng trang trải cho những chi tiêu thiết yếu để công nhân duy trì bản thân mình, bao gồm lương thực, nhà cửa, quần áo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Hơn thế nữa, Marx nhấn mạnh rằng giá trị của sức lao động không những phải đủ trang trải chi tiêu cho cá nhân người công nhân, mà còn cả gia đình của anh/chị ta nữa và thực ra cả sự tồn tại tiếp nối của giai cấp công nhân nói chung.
Tính thiết yếu của tiền lương xã hội, do vậy, không đơn giản chỉ là những gì cần thiết cho tư liệu sinh hoạt tối thiểu của giai cấp công nhân, mà còn là những gì cần thiết cho một tình trạng lịch sử xã hội nhất định, khác nhau giữa nước này với nước khác, thời kỳ này với thời kỳ khác. Giai cấp công nhân, qua lịch sử đấu tranh giai cấp, đã nâng kỳ vọng của tiền lương trung bình – và do đó là mức sống trung bình – tới mức xứng đáng. Giá trị sức lao động, do đó, cuối cùng được quyết định bởi đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản; một cuộc đấu tranh vì tiền lương cao hơn ở phía những người công nhân, và vì lợi nhuận cao hơn ở phía những nhà tư bản.
Chìa khóa cho lợi nhuận của nhà tư bản nằm ở khả năng công nhân tạo ra nhiều giá trị trong ngày làm việc hơn những gì họ nhận lại dưới hình thức tiền lương. Ví dụ, trong khi ngày làm việc có thể là 8 giờ, chỉ mất một nửa ngày – 4 giờ – để công nhân sản xuất ra hàng hóa có giá trị tương tương với lương họ nhận được. Nói cách khác, 4 giờ còn lại của lao động của công nhân, theo quan điểm của nhà tư bản – thực sự là giờ “tự do”, và sản phẩm được tạo ra trong khoảng thời gian này cấu thành nên giá trị thặng dư.
Do vậy, nguồn gốc của lợi nhuận của tư bản không nằm trong trao đổi hoặc lưu thông, mà nằm trong sản xuất. Lợi nhuận là có được từ giá trị thặng dư – tức lao động không được trả công của giai cấp công nhân. Giá trị thặng dư, trong khi đó, bị chia nhỏ – ở dạng tiền thuê nhà và lãi suất – giữa những kẻ ăn bám khác nhau, giàu có lên từ của cải được tạo ra bởi lao động thực sự, đó là: chủ nhà cho thuê, kẻ cho vay nặng lãi, và tư bản tài chính.
Chính việc theo đuổi lợi nhuận, đến lượt nó, có vai trò như động lực bên trong xã hội tư bản, thông qua cạnh trạnh để bán với giá rẻ hơn, chiếm giữ thị trường, và tăng lợi nhuận bằng đầu tư vào những công nghệ mới, nhằm tăng năng suất. Thế nhưng, sự sụp đổ kinh tế năm 2008, theo sau là nhiều năm khủng hoảng và sự trì trệ của nền kinh tế thế giới, đã cho thấy rõ ràng là động cơ của lợi nhuận đã ngừng hoạt động.
Sự xuất hiện của ngân hàng
Tăng trưởng tài chính
Vai trò của mảng tài chính bị thổi phồng trong những sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng năm 2008 đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ Đại Suy thoái,
Những yếu tố cơ bản của hoạt động ngân hàng – một hệ thống gồm những tài khoản và món nợ – thậm chí đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước, bên trong những xã hội Lưỡng Hà cổ đại đã trình bày ở trên. Ở những nền kinh tế thành thị cổ xưa này, và ở những xã hội tiếp sau đó như Hy Lạp cổ đại, những sản phẩm cá nhân không những được tích trữ và ghi chép tại những nhà kho trung tâm để đảm bảo an toàn, mà người ta còn có thể vay mượn từ cũng những nhà kho ấy để đáp ứng nhu cầu trước mắt.
“Hệ thống vay mượn ở Babylon cổ đại rõ ràng khá phức tạp”, Niall Ferguson, nhà sử học tư sản, viết trong cuốn sách Đồng tiền lên ngôi, “Các khoản nợ có thể được chuyển nhượng … Các phiếu chứng nhận bằng đất sét hay hối phiếu (draft) được phát cho những người đã gửi ngũ cốc hoặc các hàng hóa khác tại cung điện hay đền đài. Người cho vay phải trả lãi … với mức lãi suất thường lên tới 20%.” (Ferguson 2020, tr43)
Sau đó ở Ai cập thời Ptoleme và Hy Lạp thời Hellen xuất hiện phát minh chuyển giao tín dụng, cho phép các giao dịch tiền mặt diễn ra như một phần trong hệ thống biên nhận và thanh toán tín dụng. Chẳng hạn, ở đảo Delos thuộc Hy Lạp, các khách hàng cá nhân có thể “chuyển tiền” một cách đơn giản bằng cách gửi lệnh đến ngân hàng để thực hiện một thanh toán vào tài khoản của người khác. Phương pháp hoạt động của ngân hàng ở Delos, đến lượt nó, trở thành mô hình cho người La Mã. Trong lúc đó, với sự phát triển của mậu dịch và thương mại quốc tế, lại thêm người La Mã ưa dùng tiền xu, ngân hàng đã mở rộng sang trao đổi những đồng tiền đúc có nguồn gốc khác nhau.
Cùng với sự sụp đổ của Đế chế La Mã là sự sụp đổ của thương mại quốc tế và hệ thống ngân hàng. Như Felix Martin nhận xét, “sự ổn định chính trị và xã hội cần thiết để chống đỡ cho hoạt động tài chính chuyên nghiệp dường như đã bị vỡ vụn.” (Martin, sđd tr83). Thị trường co lại, nền kinh tế cho những sinh hoạt thiết yếu lớn mạnh và hệ thống tiền thoái lui cả ở quy mô và độ phức tạp, cơ bản bao gồm những loại đồng xu phục vụ chủ đất hoặc những vương quốc địa phương
Vua chúa phong kiến, trong lúc đó, thường xuyên sử dụng thế độc quyền đúc tiền của mình để thao túng nguồn cung tiền và làm giàu cho bản thân. Thực tế kẻ cầm quyền có thể đánh thuế những người giữ tiền bằng cách làm giảm giá trị đồng tiền, thay đổi giá trị danh nghĩa của đồng xu đang lưu thông và bỏ túi phần chênh lệch – quá trình này được gọi là seigniorage (Thuế đúc tiền).
Quá trình giảm giá trị liên tục, theo thời gian, đã củng cố bản chất tượng trưng của tiền xu và vai trò ban đầu của nó là một đại diện cho giá trị, dọn đường cho tiền giấy (được phát minh đầu tiên vào thế kỷ thứ 8 ở Trung Quốc) và thậm chí là tiền điện tử mà chúng ta dùng ngày nay – một thông tin số đơn thuần hiện trên màn hình. Tiền, thực vậy, trở thành một ký hiệu đơn thuần – một tượng trưng của giá trị, như Marx nhận xét:
“Nếu như bản thân lưu thông của tiền tách rời hàm lượng thực tế của tiền đúc ra khỏi hàm lượng danh nghĩa, tách rời sự tồn tại kim loại của nó khỏi sự tồn tại chức năng của nó, thì lưu thông đó cũng đã chứa đựng cái khả năng tiềm tàng thay thế tiền kim loại trong chức năng tiền đúc của nó bằng những ký hiệu làm bằng một vật liệu khác, hay bằng những vật tượng trưng…”
“Vì vậy mà những vật tương đối không có một giá trị gì – như những mẩu giấy chẳng hạn – cũng có khả năng làm chức năng tiền thay cho vàng. Trong các ký hiệu tiền bằng kim loại, tính chất thuần túy tượng trưng của chúng còn được che đậy đến một mức nào đó. Trong tiền giấy tính chất tượng trưng ấy biểu lộ ra một cách hoàn toàn rõ ràng. Như chúng ta thấy: chỉ có bước đầu là khó mà thôi” (Marx, Tư Bản, Marx Engels Toàn tập, bản pdf tập-23, tr212)
Đồng thời, thuế đúc tiền đã gieo những hạt giống cho một cuộc nổi loạn tiền tệ. Những người sở hữu tiền thấy mình bị nhà nước ăn cướp một cách miệt mài; cần phải tìm ra một thay thế nào đó.
Sự thay đổi quyền lực diễn ra cùng với sự quá trình hồi phục ngân hàng trở về với những vinh quang trước đây của nó. Khi thương mại quốc tế một lần nữa lại được mở rộng, một giai cấp thương nghiệp mới nảy sinh, tập trung tại những thành-quốc ở nước Ý trung cổ. Một sự phân công lao động đã diễn ra bên trong thương mại, và những hãng buôn quốc tế ít quan tâm tới chuyển giao hàng hóa thực sự (việc này để lại cho những thân phận thấp hèn hơn), và quan tâm nhiều hơn tới chuyển giao của cải và quyền sở hữu.
Thay vì phải đương đầu với vô vàn loại tiền có thể tìm thấy ở châu lục, những nhà hãng buôn lớn ở Châu Âu kịp thời xuất hiện để hoàn toàn khắc phục chủ quyền, đóng vai trò là những chủ ngân hàng. Thương nhân địa phương có thể làm ăn với các hãng buôn, những người mà đến lượt họ làm ăn với người khác để thanh toán các tài khoản, do vậy tạo ra một hệ thống IOU (chẳng hạn như séc và hối phiếu) và thanh toán quốc tế
Khi của cải của giai cấp thương nhân đang lớn mạnh tăng lên, quyền lực và ảnh hưởng của họ cũng tăng lên. Nhà nước trở nên ngày càng phụ thuộc vào giai cấp tư sản đang ở thời kỳ trứng nước này, coi chúng như nguồn tài chính để chi tiêu – đặc biệt là để gây chiến tranh. Có thể thấy sự chuyển dịch chủ đạo trong quan hệ giai cấp ở cách thức huy động các quỹ đầu tư đại chúng, như Ferguson nhận xét về thành-quốc ở Florence thời trung cổ: “Thay vì trả thuế đất đai, các công dân giàu có nghĩa vụ cho chính phủ thành phố mình vay tiền. Để đổi lấy các khoản cho vay bắt buộc này họ nhận được tiền lãi” (Ferguson 2020, tr88). Các chủ ngân hàng thương mại trở thành chủ nợ của nhà nước. Kỷ nguyên của nợ công bắt đầu.
Về nguyên tắc, ý tưởng về nợ nhà nước thật là vô lý. Kết quả vẫn thế – tức là chính phủ thu gom tiền cho chi tiêu nhà nước – nếu dùng cách đánh thuế người giàu, thay vì phải vay họ. Tất nhiên, từ góc độ của người giàu, cho chính phủ vay tiền (dưới hình thức tín dụng) thay thì đem tiền đi nộp (dưới dạng thuế) là cách thức được ưa thích hơn nhiều: người giàu vừa giữ được tiền của mình vừa kiếm thêm được một khoản khá khá từ lãi suất.
Khái niệm nợ quốc gia là không có gì mới mẻ trong kỷ nguyên tư bản. Những nền quân chủ thường xuyên vay tiền từ kẻ giàu có; thế nhưng, vấn đề trước đây là hoàng gia thường vỡ nợ. Mệt mỏi vì mất tiền, giai cấp tư sản đang lớn mạnh ở Anh thúc đẩy việc thành lập một ngân hàng – Ngân hàng Anh quốc – vào năm 1694, nhằm đảm bảo việc trả nợ từ các món nợ của chính phủ và mang lại cho những kẻ cho vay tài chính đặc quyền đối với nguồn cung tiền – tức việc phát hành ra tiền mới.
Felix Martin viết, “Được đảm bảo đặc quyền phát hành tiền mặt bởi nhà vua, chẳng khác gì xức lên trên các khoản nợ của một ngân hàng tư nhân bằng uy quyền của nhà nước – họ nhận ra, đó chính là Hòn đá Triết học của tiền. Chính sự bảo lãnh ấy đã giải phóng tiền của ngân hàng tư nhân khỏi những ràng buộc có tính địa phương. Họ cho nhà nước vay tiền – nhà nước cho họ vay uy quyền. Những gì họ có thể gieo trồng khi chấp thuận cho vay, họ gặt hái về gấp hàng trăm lần khi được phép tạo ra tiền cá nhân với sự bảo lãnh của nhà nước. Do vậy, quyền của lãnh chúa là có thể chia sẻ được.” (sđd tr118)
Song song với quốc trái, hệ thống tài khóa (đánh thuế) cũng phát triển. Với những món nợ phải trả, nhà nước buộc phải thiết lập phương thức để nâng thuế làm nguồn vốn để trả những khoản nợ và lãi suất. Thế nhưng, hậu quả mà có thể thấy được lúc này tại những quốc gia đang chìm trong nợ nần trên khắp thế giới là hoạt động ấy gây ra tai họa khôn lường. Chính sách của chính phủ bắt đầu xoay quanh việc trả nợ cho những kẻ cho vay tài chính, – và như thấy ở Hy Lạp thời kỳ hiện đại – cần phải có những khoản vay mới để trả những khoản vay cũ.
Điều đó có nghĩa là tư sản nắm quyền kiểm soát hoàn toàn việc điều hành quốc gia – không thông qua bộ máy được bầu chọn của quốc gia, mà bằng cách ra điều kiện về chính sách cho chính phủ bằng những cú đánh đầu tư và đe dọa vỡ nợ quốc gia. Đó là những gì chúng ta thấy hôm nay, nơi những chính phủ thuộc mọi màu sắc đang tiến hành cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng dưới sự bảo hộ của tư bản tài chính quốc tế – và đó cũng cho thấy thế nào là độc tài tư bản, chà đạp lên dân chủ trong thời kỳ khủng hoảng.
“Quốc trái, tức sự tha hóa của nhà nước – bất kể là nhà nước chuyên quyền, lập hiến hay cộng hòa, – đã in dấu vết của nó lên trên kỷ nguyên tư bản chủ nghĩa. Trong cái gọi là của cải quốc dân, phần duy nhất thật sự thuộc quyền sở hữu chung của các dân tộc hiện đại là quốc trái của họ” (Marx và Engels 1982, tr580-581)
Tín dụng và khủng hoảng
Ngân hàng và tài chính về căn bản là dựa trên tiền với vai trò là phương tiện thanh toán – một hứa hẹn rằng người mua sẽ trả trong tương lai. “Chức năng của tiền làm phương tiện thanh toán”, Marx nhận xét, thế nhưng không chỉ có duy nhất ở kỷ nguyên tư bản, mà phát triển từ lưu thông hàng hóa đơn giản, tạo ra quan hệ giữa người cho vay và người vay".
“Cùng với sự phát triển của thương nghiệp và của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là phương thức chỉ sản xuất ra nhằm mục đích lưu thông”, Marx viết tiếp, “thì cái cơ sở tự nhiên đó của chế độ tín dụng cũng được mở rộng ra, trở thành phổ biến và phát triển hơn.” Khi tiền đúc – tức là, tiền với tư cách là phương tiện thanh toán – một khi đã thống trị thì “ở đây tiền chỉ làm chức năng phương tiện thanh toán, như thế có nghĩa là hàng hóa không phải được bán ra lấy tiền ngay, mà lấy một tờ khế ước hứa hẹn đến một kỳ hạn nhất định nào đó sẽ trả tiền” (Marx, Tư Bản, Quyển III, Chương XXV)
Nói cách khác, khi tiền làm phương tiện thanh toán, thì có thể mua mà lúc đầu không cần bán; để sở hữu mà đổi lại thực sự không phải trả gì hết. Một đứt gãy phát sinh giữa những bàn tay trao đổi hàng hóa và khả năng thanh toán thực sự cho những hàng hóa đó. Sự mong manh, bất an và rủi ro nảy sinh trong hệ thống, chỉ gia tăng khi “hệ thống tín dụng được mở rộng ra, trở nên phổ biến và phát triển hơn.”
Sự phức tạp – và cùng với nó là sự mong manh – của hệ thống tín dụng đã thực hiện một bước nhảy về chất tiến lên phía trước cùng với sự phát minh ra ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ vào thế kỷ 17. Trong khi hệ thống ngân hàng cho đến thời điểm đó quan tâm chủ đạo tới sự trao đổi giữa các tài khoản, hoặc dự phòng cho các khoản vay phải được chuẩn bị đầy đủ thông qua dự trữ, giờ đây các ngân hàng bắt đầu “cho vay các khoản vượt quá dự trữ kim loại của nó … nhằm tận dụng tiền gửi để cho người đi vay vay tiền và sinh lợi cho ngân hàng” (Ferguson 2020, tr64).
Với vai trò là người cho vay tín dụng, ngân hàng đóng vai trò kép cho những nhà tư bản. Một mặt, tín dụng tương đối ngắn hạn là cần thiết để thoát khỏi những nút cổ chai trong sản xuất và duy trì dòng chảy và lưu thông hàng hóa. Chẳng hạn, người sản xuất cần vay tiền để trả lương và nguyên liệu thô trong lúc họ chờ đợi những hàng hóa đã được sản xuất ra trước đó đến thị trường và được bán.
Mặt khác, tín dụng cũng có thể được sử dụng để cho phép nhà sản xuất mở rộng sản xuất khi họ không có tư bản sẵn sàng để chi trả. Ở khía cạnh này, hệ thống tài chính và ngân hàng đảm nhận việc thu gom và tích lũy tất cả những khoản tiết kiệm nhỏ lẻ và tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế – chủ yếu là từ cá nhân và hộ gia đình – để sử dụng chúng một cách có ích như đầu tư vào phương tiện sản xuất mới.
Với sự phát minh ra ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ, thế nhưng, ngân hàng không còn đơn thuần là kẻ cho vay tín dụng nữa – họ trở thành kẻ tạo ra tín dụng, và do vậy họ cũng là là kẻ tạo ra tiền. Chỉ một phần tiền gửi được dự trữ bởi tài sản có tính thanh khoản, phần còn lại là các khoản vay ngân hàng tạo ra (có lãi suất) để mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa cho ngân hàng, và tăng cung tiền vào quá trình. Cho vay tín dụng xuất hiện ở hình thức gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của người vay, họ có thể tiêu dùng khoản đó như cách mà anh/chị ta tiêu dùng mọi thứ tiền khác.
Ngày nay, theo chiến dịch của tổ chức Positive Money có trụ sở ở Anh, mục đích của họ là “dân chủ hóa tiền và hoạt động ngân hàng”, thì có tới 97% cung tiền trong nền kinh tế Anh là sáng tạo của các ngân hàng, với chỉ 3% tồn tại ở hình thức tiền mặt.
Ở khía cạnh này, tín dụng đóng một vai trò then chốt trong hệ thống tư bản: mở rộng thị trường một cách nhân tạo – tức là, sức mua trong nền kinh tế. Ở tận gốc rễ, chủ nghĩa tư bản là một hệ thống sản xuất vì lợi nhuận. Nếu những nhà tư bản không làm ra lợi nhuận, thì họ sẽ không sản xuất; công nhân thất nghiệp, đầu tư cạn kiệt, lưu thông ngừng chảy. Kinh tế dừng lại rồi hệ thống tín dụng đổ vỡ – nói cách khác: tư bản lâm vào khủng hoảng.
“Chừng nào quá trình sản xuất vẫn diễn ra liên tục, do đó việc tư bản quay trở về vẫn được đảm bảo, thì chừng đó tín dụng này vẫn còn duy trì và mở rộng, và sự mở rộng này chính là dựa trên sự mở rộng của bản thân quá trình tái sản xuất. Nhưng nếu xảy ra một sự đình trệ, do giá cả sụt xuống, thì sẽ có tình trạng dư thừa nhiều tư bản công nghiệp, nhưng tư bản công nghiệp này lại tồn tại dưới một hình thái khiến cho nó không thể thực hiện được các chức năng của nó. Có một khối lượng tư bản - hàng hóa rất lớn nhưng không thể bán được. Có một khối lượng tư bản cố định rất lớn nhưng đại bộ phận không được sử dụng vì tái sản xuất bị đình trệ. Tín dụng co hẹp lại: 1. vì số tư bản đó không được sử dụng đến, nghĩa là nó bị tắc nghẽn ở trong một giai đoạn tái sản xuất của nó, vì nó không thể hoàn thành được sự biến hóa hình thái của nó; 2. vì lòng tin tưởng vào tiến trình đều đặn của quá trình tái sản xuất đã bị tan vỡ; 3. vì lượng cầu về thứ tín dụng thương nghiệp đó đã giảm xuống…”
“Cho nên, nếu sự bành trướng đó bị gián đoạn, hay ngay như trạng thái căng thẳng bình thường của quá trình tái sản xuất bị gián đoạn, thì kết quả là sẽ nảy ra hiện tượng khan hiếm tín dụng; lúc đó việc mua chịu hàng hóa trở nên khó khăn hơn. Nhưng hiện tượng rất đặc trưng của cái giai đoạn chu kỳ công nghiệp tiếp ngay sau cuộc khủng hoảng là người ta yêu cầu trả bằng tiền mặt và người ta thận trọng trong việc bán chịu…Nhiều nhà máy ngừng hoạt động, các nguyên liệu chất đống lên, các thành phẩm tràn ngập thị trường.” (Marx 2018a, tr.36-38)
Khi bất kỳ khoản vay nào vỡ nợ, tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ bên trong những cân đối thanh toán trở nên rõ ràng. Những người cho vay tín dụng đòi trả lại tiền và từ chối cho vay tiếp. Những lời hứa sẽ trả nợ mất đi mọi ý nghĩa; chỉ có tiền mặt thực sự mới đáp ứng được nhu cầu. Tín dụng bị kìm hãm, làm dòng chảy lưu thông – và do đó là cả sản xuất dừng lại. Tóm lại, sự thiếu hụt tín dụng không gây ra khủng hoảng; khủng hoảng gây ra sự thiếu hụt tín dụng.
“Mâu thuẫn ấy bùng nổ trong thời gian những cuộc khủng hoảng sản xuất hay thương nghiệp mà người ta thường gọi là khủng hoảng tiền tệ. Khủng hoảng đó chỉ có thể xảy ra ở nước nào mà cái chuỗi những khoản thanh toán nối tiếp nhau và hệ thống nhân tạo bù trừ lẫn nhau của chúng đã phát triển đầy đủ. Khi có những sự rối loạn phổ biến trong hoạt động của bộ máy đó, không kể là chúng do những nguyên nhân nào gây ra, thì tiền đột ngột và trực tiếp chuyển từ hình thái thuần túy trên ý niệm của tiền kế toán thành tiền đúc. Bây giờ tiền không còn có thể thay thế được bằng một hàng hóa thông thường nữa. Giá trị sử dụng của hàng hóa sẽ mất hết giá trị của nó, còn giá trị của hàng hóa thì biến mất trước hình thái giá trị của chính nó.” (Marx, Tư Bản, Quyển I)
“Trong một chế độ sản xuất mà tất cả những mối liên hệ của quá trình tái sản xuất đều dựa trên tín dụng, nếu đột nhiên tín dụng bị đình chỉ và chỉ có những việc thanh toán bằng tiền mặt mới có hiệu lực thôi, thì rõ ràng thế nào cũng phải xảy ra khủng hoảng và trình trạng xô đẩy nhau chạy theo các phương tiện thanh toán. Cho nên mới thoạt nhìn thì toàn bộ cuộc khủng hoảng có vẻ như chỉ giản đơn là một cuộc khủng hoảng về tín dụng và tiền mà thôi. Và thật vậy, vấn đề cũng chỉ là làm thế nào để chuyển hóa được các kỳ phiếu thành tiền mà thôi. Nhưng, đại bộ phận các kỳ phiếu đó đều đại diện cho các việc mua và bán thực sự mà khối lượng vượt rất xa các nhu cầu của xã hội, thành thử rốt cuộc lại, đó chính là nguồn gốc của toàn bộ cuộc khủng hoảng. Song, đồng thời lại còn có tình trạng một số lượng rất lớn các kỳ phiếu đó chỉ đơn thuần đại biểu cho những việc kinh doanh đầu cơ, những việc này bây giờ đã lộ rõ bộ mặt thật của chúng và vỡ như những bong bóng; hay đó còn là những việc đầu cơ tiến hành bằng tư bản của kẻ khác, nhưng đã bị thất bại; sau hết đó là những tư bản - hàng hóa đã bị mất giá hay thậm chí hoàn toàn không thể bán được, hoặc là những khoản phải thu hồi tiền về nhưng bây giờ thì không thể thu được nữa” (Marx 2018a, tr.48)
Trung tâm của những cuộc khủng hoảng này là một mâu thuẫn căn bản bên trong chủ nghĩa tư bản: đó là sản xuất dư thừa. Nó nảy sinh từ bản chất của chủ nghĩa tư bản là một hệ thống vì lợi nhuận, và từ những nguồn gốc của bản thân lợi nhuận – như đã giải thích trước đó – là lao động không được trả công của giai cấp công nhân. Bởi vì công nhân sản xuất ra nhiều giá trị hơn so với giá trị họ được trả dưới dạng tiền lương, giai cấp công nhân về tổng thể không bao giờ có thể mua lại toàn bộ giá trị hàng hóa mà nó tạo ra.
Chủ nghĩa tư bản theo cách truyền thống khắc phục mâu thuẫn sản xuất dư thừa này bằng cách tái đầu tư giá trị thặng dư đã được tạo ra vào phương thức sản xuất mới trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn nữa. Thế nhưng điều đó chỉ giúp tạo ra lực lượng sản xuất to lớn hơn, và một quy mô hàng hóa thậm chí còn lớn hơn nữa tới mức phải tìm ra một thị trường, và do vậy – thay vì giải quyết mâu thuẫn – chỉ càng làm trầm trọng hơn tình trạng sản xuất dư thừa.
Tín dụng, tiếp đến, được sử dụng để gia tăng một cách nhân tạo tiềm năng tiêu dùng của quần chúng, và do đó khắc phục sản xuất dư thừa một cách tạm thời, cho phép lực lượng sản xuất tiếp tục lớn mạnh và thị trường được mở rộng vượt qua cả giới hạn của nó – thế nhưng điều đó chỉ gieo rắc những hạt giống cho một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn nữa trong tương lai.
Ngày nay, hệ thống tư bản đã vươn rất xa khỏi giới hạn của nó. Sự bành trướng của tín dụng trong 30 năm qua – và đặc biệt từ lúc chuyển giao của thế kỷ – đã tạo ra một bong bong tín dụng lớn nhất trong lịch sử. Một mặt, là kết quả của toàn cầu hóa, tự động hóa và một cuộc tấn công trực diện chống lại giai cấp công nhân, tiền lương bị lao dốc, và tỷ lệ luôn được gia tăng thêm của của cải đã bắt đầu dành cho tư bản chứ không dành cho lao động. Mặt khác, tín dụng bành trướng ở quy mô lớn thông qua sử dụng cầm cố tài sản, thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên, v.v., cốt để duy trì sức cầu một cách nhân tạo. Nó có tác dụng làm chậm cuộc khủng hoảng, nhưng đồng thời nó dọn đường cho sự sụp đổ mạnh mẽ vào năm 2008 và sự hỗn loạn tiếp nối mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, giống như tất cả mọi mâu thuẫn đã chồng chất hàng thập kỷ giờ đây đã lộ diện.
Ở gốc rễ, chính khả năng tiêu dùng hạn chế của quần chúng đã dọn đường cho những cuộc khủng hoảng tư bản. Thị trường không chỉ hạn chế bởi lượng tiền mà người ta có trong túi để tiêu dùng cho sản phẩm và dịch vụ (và những món nợ khổng lồ đang quàng quanh cổ họ) , mà còn là năng lực sản xuất dư thừa ở mức độ to lớn đã tích tụ trong nền kinh tế, tạo ra một chướng ngại khổng lồ cho sự đầu tư tiếp theo. Ngày nay, thế giới bị cuốn đi bằng năng lực sản xuất thừa thãi như vậy; thị trường bão hòa và những nhà tư bản phải cắt giảm sản xuất. Nỗ lực của họ hòng vượt qua khủng hoảng bằng tín dụng đã đạt tới những giới hạn của nó. Lực lượng sản xuất đã lớn mạnh vượt ra khỏi những giới hạn của hệ thống tư bản.
Tiền và Tư bản
“Sau khi ngân hàng xuất hiện thị trường trái phiếu ra đời,” Niall Ferguson nhận xét trong Lịch sử tài chính Thế giới, “bước tiếp theo trong câu chuyện về sự lên ngôi của đồng tiền sẽ là sự đi lên của loại hình công ty cổ phẩn, công ty trách nhiệm hữu hạn.” “Chính định chế công ty”, Ferguson viết, “đã cho phép hàng ngàn cá nhân dồn nguồn lực cho những dự án lâu dài, tốn kém, đòi hỏi các khoản bỏ vốn khổng lồ trước khi thu lợi nhuận” (Ferguson 2020, tr140)
Với sự xuất hiện của công ty cổ phần, chủ doanh nghiệp không còn phải đơn thuần dựa vào các ngân hàng để có được tín dụng nhằm thực hiện những đầu tư quy mô lớn. Thay vào đó, có thể quyên được lượng tiền đó bằng cách tích lũy từ những khoản tiền nhỏ (hay lớn), từ việc bán cổ phần của công ty cho bất cứ ai sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho khoản dành dụm của mình để đổi lấy một phần lợi nhuận trong tương lai.
Thế nhưng, như Marx nhấn mạnh trong Tư Bản những chứng khoán đó không phải là chứng khoán trong bản thân công ty thực sự, mà là “danh nghĩa sở hữu, pro rata, đối với giá trị thặng dư mà tư bản này có thể thiện thực hóa”; đó không phải là cái gì khác hơn là sự tích lũy những quyền, những chứng thư có tính chất pháp lý cho người ta có quyền được hưởng một số sản phẩm sau này sẽ sản xuất ra“;”một đòi hỏi pháp lý đối với phần chia sẻ từ giá trị thặng dư mà tư bản này phải sản xuất ra". (tr.?, Marx 2018a Chương XXIX, tr.15, tr.?)
Ngày nay, các công ty tài chính khổng lồ, thông qua thị trường chứng khoán, kiểm soát quá trình mua, bán và giao dịch cổ phiếu như một phần trong hệ thống tín dụng rộng lớn hơn. Bất cứ ai với khoản tiết kiệm hoặc hưu trí đều bị buộc chặt vào hệ thống này, các ngân hàng đầu tư và các nhà quản lý quỹ hưu trí thu gom rổ trứng của dân chúng thành những khoản tiền lớn hơn để có thể đem đi đầu tư sinh lời.
Thế nhưng rõ ràng là ở đây có một sự khác biệt về chất giữa tiền và tư bản. Hàng triệu người có thể đã đầu tư tiền vào cổ phiếu từ những khoản tiết kiệm hoặc lương hưu của họ, điều đó không biến những người tiết kiện tằn tiện hay những người có lương hưu trở thành nhà tư bản. Chỉ có một thiểu số bé nhỏ có đủ tiền để có thể sống hoàn toàn dựa vào những gì chứng khoán và cổ phiếu mang lại.
Mặc cho sự tuyên truyền của tư sản và miệng lưỡi của họ (chẳng hạn, luận điệu của Margaret Thatcher, kẻ tìm cách tạo ra một “nền dân chủ sở hữu-tài sản” của giai cấp trung lưu bằng cách bán khu cư xá và tư hữu hóa các ngành công nghiệp của nhà nước), thị trường chứng khoán không giúp đa dạng hóa của cải xã hội và biến những người bình dân thành nhà tư bản. Nói đúng hơn, chức năng chính của hệ thống tín dụng đã phát triển ở cấp độ cao mà chúng ta chứng kiến dưới chế độ tư bản là nhằm làm điều trái ngược: nhằm tập trung và “tư bản hóa” mọi khoản tiền manh mún vào trong tay của những đẳng cấp quyền lực giàu có của chủ ngân hàng và tư bản tài chính; nhằm biến tất cả món tiền thành tư bản – tức là, thành giá trị có khả năng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.
“Những số tiền nhỏ, để riêng lẻ, từng món một, thì không đủ khả năng để hoạt động với tư cách là tư bản-tiền tệ, nhưng khi được gộp lại thành những khối lớn, chúng trở thành một lực lượng tài chính mạnh.” (Marx, Tư Bản, Quyển III, Chương XXV). Lenin nhấn mạnh trong kiệt tác Marxist của ông Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản: “Nhờ thế, các ngân hàng biến tư bản tiền tệ không hoạt động thành tư bản hoạt động, nghĩa là tư bản đem lại lợi nhuận, và tập hợp mọi khoản thu nhập bằng tiền để giao cho giai cấp các nhà tư bản sử dụng” (Lenin 2005, Chương II)
Đồng thời, hệ thống tín dụng khiến các nhà tư bản càng xa rời hơn nữa khỏi quá trình sản xuất thực sự. Với sự xuất hiện của các công ty cổ phần, nhà tư bản không còn là người chủ sở hữu hay quản lý doanh nghiệp nữa, và tư bản bản thân nó ngày càng ít liên quan tới sở hữu tài sản hữu hình. Thay vào đó, nhà tư bản đơn thuần trở thành “tư bản được nhân cách hóa”, và sở hữ tư bản – dưới dạng chứng khoán và cổ phiếu – bị biến đổi một cách đơn giản thành quyền có phần chia sẻ trong tổng giá trị thặng dư được sản xuất ra trong xã hội; một tài sản mang lại cho người sở hữu một dòng doanh thu ổn định, với tiền lãi bằng với tỷ suất lợi nhuận trung bình. Theo diễn đạt của Marx, đó là “biến nhà tư bản thật sự hoạt động thành một người chỉ giản đơn điều khiển và quản lý tư bản của người khác, và biến những người sở hữu tư bản thành những người sở hữu thuần túy, thành những nhà tư bản-tiền tệ thuần túy.” (Marx, Tư Bản, Quyển III, Chương XXVII).
Chính sự thống trị của ngân hàng, thị trường chứng khoán, các công ty độc quyền, cùng với sự chuyển hóa của tư bản sang hình thức tư bản tài chính là chủ đạo, khiến Lenin coi đó là sự xác lập đặc tính của chủ nghĩa đế quốc – “giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”:
“Nói chung, đặc tích của chủ nghĩa tư bản là sự tách rời quyền sở hữu tư bản khỏi việc đầu tư tư bản vào sản xuất; sự tách rời tư bản tiền tệ khỏi tư bản công nghiệp hay còn gọi là tư bản sản xuất; sự tách rời người thực lợi, chỉ sống nhờ vào số thu nhập do tư bản tiền tệ mang lại, khỏi nhà kinh doanh và hết thảy những người trực tiếp tham dự việc sử dụng tư bản. Chủ nghĩa đế quốc hay là sự thống trị của tư bản tài chính, là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, khi mà sự tách rời ấy đạt tới một quy mô rất lớn. Ưu thế của tư bản tài chính đối với tất cả những hình thức khác của tư bản có nghĩa là bọn thực lợi và bọn đầu sỏ tài chính giữ địa vị thống trị;” (Lenin 2005, Chương 3, tr453)
Sự nảy sinh của thị trường chứng khoán và hệ thống tín dụng, tiếp đến, có tác dụng gia tốc quá trình xã hội hóa sản xuất, khi doanh nghiệp xuất hiện “những xí nghiệp xã hội đối lập với các xí nghiệp tư nhân. Đó là sự thủ tiêu tư bản với tư cách là sở hữu tư nhân ở trong những giới hạn của bản thân phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.”( Marx, Tư Bản, Quyển III, Chương XXVII)
Một mặt, nó mang lại một sự thúc đẩy to lớn cho sự phát triển của lực lượng sản xuất, cho phép đầu tư vào phương thức sản xuất ở một quy mô mà chưa bao giờ có thể thực hiện được trên cơ sở quan hệ sở hữu tư nhân riêng lẻ. Nó đem lại một cái nhìn sơ bộ về những gì có thể đạt được dưới một kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa, ở đó lực lượng sản xuất và nguồn lực trong nền kinh tế được sử dụng tuân theo một kế hoạch dân chủ và có lý trí, dựa trên cơ sở nhu cầu của xã hội, chứ không phải vì lợi nhuận của các ngân hàng và ông chủ.
Mặt khác, cũng chính hệ thống tín dụng này làm nảy sinh hoạt động đầu cơ điên cuồng và “tái sinh ra một tầng lớp quý tộc tài chính mới, một loại ăn bám mới, dưới hình thái những kẻ chỉ chuyên làm đề án, những sáng lập viên và những giám đốc chỉ trên danh nghĩa; cả một hệ thống lừa đảo và bịp bợm về việc sáng lập, phát hành và buôn bán cổ phiếu. Đó là sản xuất tư nhân không có sự kiểm soát của quyền sở hữu tư nhân.” (Marx 2018b, tr.668)
Thương mại và trao đổi hàng hóa tài chính chẳng qua là phương thức để tiền đẻ ra tiền. Tài sản tài chính ngày càng chuyển hóa thành cái chỉ là tư bản tưởng tượng. Hoạt động của thị trường chứng khoán ngày càng tách rời khỏi hiện trạng của nền kinh kế ở bên dưới, giá chứng khoán và cổ phiếu không còn phản ánh sức khỏe thực sự của các công ty mà giá trị của chúng đáng ra phải được các công ty này đại diện, làm sản sinh ra vô vàn những bọt bong bóng bị thổi phồng chỉ chực chờ bị đâm vỡ tung bởi những chiếc đinh ghim của thực tại. Như Niall Ferguson nhận xét:
“Trong bốn trăm năm kể từ khi cổ phiếu lần đầu được mua bán, đã có nhiều bong bóng tài chính nối tiếp nhau. Hết lần này qua lần khác, giá cổ phiếu tăng vọt tới mức cao vô lý rồi lại tụt xuống thảm hại. Hết lần này qua lần khác, quá trình này đi kèm với trò bịp bợm, khi những kẻ tay trong bất lương tìm cách kiếm lợi từ những người mới vào nghề ngây thơ.” (Ferguson 2020, tr141)
Và rồi, tất nhiên, khi chúng ta chứng kiến sự đổ vỡ tài chính vào năm 2007-08, bao giờ cũng là giai cấp công nhân phải trả giá cho hành vi liều mạng ấy, trong khi đó người giàu tiếp tục hưởng lợi.
Thế nhưng, nó còn lâu mới là khối u ác ở bên cạnh một hệ thống đáng ra phải nhân đức, chúng ta thấy trò giả kim thuật tài chính ấy và “mưu đồ” của sự “lừa đảo và bịp bợm” là phần nội tại không thể cắt bỏ của hệ thống tư bản. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, từ khởi đầu thương mại ở phía nam Italy cho tới Cách mạng Công nghiệp ở Anh, chỉ có thể khả thi khi tư bản tài chính phát triển và đóng vai trò tập trung tư bản, mở rộng lực lượng sản xuất, và tạo ra thị trường thế giới. Bất cứ sự chia tách nào giữa một mặt là chủ nghĩa tư bản “lương thiện” trong công nghiệp và sản suất với mặt khác là chủ nghĩa tư bản “độc ác” trong ngành tài chính “ăn bám” và “vô trách nhiệm”, đều chỉ là giả tạo và hoàn toàn duy tâm.
Thay vì tìm cách điều tiết con quỷ bất kham của tài chính và ngân hàng hòng tạo ra một không tưởng “chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm”, lãnh đạo phong trào lao động nên đưa ra đòi hỏi quốc hữu hóa các ngân hàng đặt dưới sự kiểm soát của giai cấp công nhân có tổ chức. Chỉ bằng cách này của cải mới có thể được tập hợp và được lập kế hoạch vì lợi ích cho đa số.
“Như vậy chế độ tín dụng đẩy nhanh tốc độ phát triển các lực lượng sản xuất vật chất và sự hình thành một thị trường thế giới; đẩy hai yếu tố đó phát triển đến một mức độ nhất định với tư cách là cơ sở vật chất của một hình thái sản xuất mới, đó chính là nhiệm vụ lịch sử của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đồng thời tín dụng đẩy nhanh sự bùng nổ dữ dội của mối mâu thuẫn đó, tức là những cuộc khủng hoảng, và do đó cũng làm tăng thêm những yếu tố làm tan rã phương thức sản xuất cũ.”
“Sau đây là tính chất hai mặt vốn có của chế độ tín dụng: một mặt nó làm cho cái động lực của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa - làm giàu bằng cách bóc lột lao động của người khác - phát triển lên để biến thành chế độ đầu cơ và gian lận hết sức thuần túy và cực kỳ to lớn, và để ngày càng thu hẹp dần cái nhúm người bóc lột những của cải xã hội; nhưng mặt khác, nó lại là cái hình thái quá độ sang một phương thức sản xuất mới” (Marx, Tư Bản, Quyển III, Chương XXVII)
Lạm phát và chế độ bản vị vàng
Tai họa của lạm phát
Trên những đồng tiền đúc có thể mang chân dung của người đứng đầu nhà nước với uy quyền phát hành ra tiền, điểm quan trọng cần phải nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa là tiền được “phát minh” hay áp đặt từ bên trên xuống. Đúng ra là, tiền là phương tiện xã hội phát sinh bên trong xã hội đã phát triển nền kinh tế thị trường, như Graeber nhấn mạnh:
“Những lý do tại sao những là nhân loại học không thể có được câu chuyện đơn giản, thuyết phục về nguồn gốc của tiền tệ là bởi vì không có lý do để tin rằng có một câu chuyện như vậy. Tiền được ‘phát minh’ cũng không khác gì âm nhạc, toán học hay trang sức. Cái mà chúng ta gọi là ‘tiền’ không phải là một ‘vật’ gì cả; đó là cách so sánh những vật bằng toán học…” (Graeber, sdd tr52)
Mặc dù tiền phát sinh chứ không phải bị áp đặt hay được phát minh ra, những quan hệ mà tiền đại diện thế nhưng lại có cơ sở khách quan và thực tại – đó là, thời gian lao động xã hội cần thiết thể hiện ở toàn bộ của cải hàng hóa của xã hội đang lưu thông.
Của cải thực sự của xã hội, nói cách khác, được cấu thành không phải ở sự tích lũy tiền xu và tiền mặt, cũng không phải ở những bong bóng tín dụng và nợ, mà ở trình độ phát triển của lực lượng sản xuất – và những giá-trị-sử-dụng tổng hợp – sẵn sàng để sử dụng. Thực sự là, như đã thảo luận ở trước, nhiều chế độ hoặc kẻ cai trị trong lịch sử đã nhắc nhở một thực tế là khi họ tìm cách tăng của cải đơn thuần bằng cách phá giá đồng tiền hoặc in tiền – một kỹ thuật dẫn tới sự bất ổn kinh tế còn lớn hơn nữa và cuối cùng thì, thật trớ trêu, dẫn tới sự bần cùng hóa xã hội đó.
Trong khi không có giới hạn rõ ràng nào cho lượng tiền có thể đưa vào lưu thông, thế nhưng thật rõ ràng, số lượng ấy không là tùy ý. Như đã giải thích từ trước, tiền trên hết là thước đo giá trị – một thước đo giá trị phổ biến. Lượng tiền trong lưu thông, do vậy, xét đến cùng phải liên kết với tổng giá trị hàng hóa trong lưu thông – tương đương tính theo tiền với tổng giá cả – và với tốc độ (vận tốc hay sự quay vòng) tiền trao đổi qua tay nhau. Chẳng hạn, coi mọi thứ khác là không đổi, nếu số lượng hàng hóa vẫn không đổi nhưng lượng tiền trong lưu thông tăng lên gấp đôi, thì giá của mỗi hàng hóa cũng tăng lên gấp đôi.
Lạm phát là sự phản chiếu của các lực lượng thị trường: nếu cung tiền tăng, cầu hàng hóa tăng về ???tổng thể, và do vậy giá cả tăng về ???tổng thể. Nhưng lạm phát của các mặt hàng đặc thù có thể vẫn diễn ra ngay cả khi không có hiện tượng cung tiền tăng; chẳng hạn, nó là kết quả của sự khan hiếm hoặc hạn chế nguồn cung của một số mặt hàng nhất định, làm đẩy giá cả cao hơn cao hơn giá trị của chúng. Tương tự như vậy, nếu các chi phí sản xuất của một mặt hàng cụ thể tăng lên, tức là thời gian lao động cần thiết tăng lên, chúng sẽ phản ánh ở giá trị cao hơn và vì vậy giá lạm phát mới cho mặt hàng này so với mặt hàng khác.
Tổng lạm phát, – lạm phát tổng của giá của tất cả các hàng hóa – trong xã hội, do vậy, chỉ có thể xảy ra như là kết quả của tăng cung tiền và giảm giá trị (phá giá) đồng tiền; hoặc là kết quả khi tăng giá của các mặt hàng như dầu mỏ, đóng vai trò là nhân tố quan trọng trong chi phí của mọi hàng hóa khác.
Như đã thảo luận ở trên, tiền – cả ở dạng tiền hàng hóa và tiền tín dụng – rốt cuộc là tập hợp những quan hệ xã hội; thể hiện sự phân phối của cải trong xã hội. Do đó, vai trò của tổng lạm phát ấy là để thay đổi cân bằng giữa các quan hệ xã hội và tái phân phối của cải của một nhóm này với một nhóm khác: cơ bản ở dạng chuyển của cải từ chủ nợ sang con nợ, những khoản nợ của con nợ quy ra theo thực tế đã biến mất bởi lạm phát.
Vì phá giá tiền và lạm phát tổng rốt cuộc tác động tới phân phối lại của cải, vấn đề ai kiểm soát cung tiền bản thân nó phản ánh ở phương diện lịch sử là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, như đã nhận xét lúc đầu ở hình thức là cuộc chiến vì cung tiền giữa vua chúa phong kiến với tư bản đang trong thời kỳ trứng nước. Như Marx nhận xét trong Tư Bản:
“Ví dụ như trong thế giới cổ đại chẳng hạn, cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra chủ yếu là dưới hình thái cuộc đấu tranh giữa chủ nợ và con nợ, và ở La Mã thì cuộc đấu tranh ấy đã chấm dứt bằng sự diệt vong của con nợ – bình dân, bị người nô lệ thay thế. Ở thời trung cổ, cuộc đấu tranh ấy lại kết thúc bằng sự diệt vong của con nợ – chúa phong kiến, người này mất hết quyền lực chính trị của mình khi mất cái cơ sở kinh tế của quyền lực ấy. Tuy nhiên, hình thái tiền – vì rằng quan hệ giữa con nợ và chủ nợ mang hình thái quan hệ tiền tệ, – ở đây chỉ phản ánh tính chất đối kháng của những điều kiện sinh hoạt kinh tế sâu hơn.” (Marx, Tư Bản, Quyển 1, 3. Tiền, Phương tiện thanh toán)
Những gì người công nhân đang nợ nần có thể hưởng lợi ở tay này từ lạm phát tổng và giảm giá trị thực sự của món nợ của họ, thì lại mất đi ở tay kia ở hình thức xói mòn sức mua của đồng lương của họ. Vì nếu như có sự tăng giá nói chung, nhưng tiền công không tăng tương xứng, thì rõ ràng là người công nhân sẽ trải nghiệm sự sụt giảm ở tiền lương thực sự của họ – nghĩa là, sự sụt giảm ở số lượng hàng hóa có thể mua bằng đồng lương của họ.
Vào thập niên 1970, các chính trị gia tư sản và báo chí cánh hữu đổ lỗi cho các nghiệp đoàn ở Anh đã gây ra lạm phát cao, cho rằng những cuộc bãi công có tính chiến đấu đã đòi hỏi (và đạt được) tăng lương “quá đáng” làm dẫn đến tăng chi phí sản xuất ở mọi lĩnh vực. Những câu chuyện như vậy đã trở thành một điều thần bí quen thuộc, tiếp tục được lan truyền bởi giai cấp tư bản và những đại diện chính trị của nó cho đến tận thời buổi này.
Thật ra, thực tế là ngược lại. Công nhân nói chung đấu tranh đòi tăng lương là để bắt kịp với lạm phát – lạm phát nảy sinh do những yếu tố (quốc tế) khác, chẳng hạn: những chính sách Keynes bành trướng được kích hoạt bởi tất cả các quốc gia tư bản tiên tiến suốt thời gian bùng nổ kinh tế hậu chiến tranh; chi tiêu khổng lồ cho quân sự của Hoa Kỳ, kẻ xuất khẩu lạm phát khắp thế giới thông qua hệ thống tiền tệ Bretton Woods; và cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, làm giá năng lượng tăng cao.
Các nhà tư bản quyết liệt phản đổi những cuộc bãi công đòi tăng lương, biết rằng tăng lương phổ thông cho công nhân chỉ có thể đạt được trên cơ sở giảm lợi nhuận phổ thông của họ. Ted Grant đã giải thích điều này vào năm 1971 khi đáp lại sự vu khống của chính phủ đảng Bảo thủ và của phương tiện truyền thông tư sản.
“Cái gì làm giá cả tăng? Nếu như các nhà tư bản có thể nâng giá cả lên một cách tùy ý thì họ chẳng phải đợi cho đến khi lương tăng lên. Họ quan tâm đến hiệu quả tối đa, lợi nhuận. Điều ngăn cản họ là cạnh tranh, đặc biệt trong điều kiện hiện đại, ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Thực tế phổ biến là lương tụt lại phía sau giá cả chứ không phải ngược lại.”
“Nếu như các nhà tư bản có thể nâng giá theo ý muốn, tại sao họ phải đối mặt với những cuộc đình công, với hậu quả tổn thất trong sản xuất và lợi nhuận thay vì nhượng bộ những đòi hỏi về tiền lương của công nhân? Nếu đó chỉ đơn giản là vấn đề thông qua việc tăng lương thì đó là cách hiển nhiên để giải quyết vấn đề. Thế nhưng trong thực tế lợi nhuận của giai cấp tư bản chỉ có thể là lao động không được trả lương của giai cấp công nhân. Kết quả là tăng lương cho công nhân, mọi thứ khác coi không đổi, đồng nghĩa với sự sụt giảm lợi nhuận của các nhà tư bản. Do vậy trên phương tiện truyền thông đại chúng mới có những tiếng kêu rên thảm thiết của những kẻ khóc thuê cho tư bản” (Ted Grant, The truth behind Inflation, Militant no. 71)
Ngày nay, nhiều chính phủ tư bản trên khắp thế giới dựa vào những chính sách tiền tệ lỏng lẻo chưa từng có trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm thúc đẩy kinh tế, tất cả hình thức của những biện pháp chưa từng thấy được sử dụng và đề xướng: từ nới lỏng định lượng (QE) đến tỷ lệ lãi suất âm, cho đến chuyện cho “trực thăng thả” tiền trực tiếp vào túi người tiêu dùng.
Người ta có thể nghi ngờ rằng những chính sách như vậy sẽ dẫn tới lạm phát lan tràn khắp mọi nơi, thế nhưng điều đó lại không xảy ra. Tại sao vậy? Ở tận gốc rễ, câu trả lời nằm ở mức độ dư thừa sản xuất khổng lồ đang tồn tại ở quy mô toàn cầu, phản chiếu bản thân nó ở hàng hóa tràn ngập và sản xuất “dư thừa năng lực” ở mọi lĩnh vực, và tạo nên một sức ép khổng lồ lên giá cả.
Ví dụ, không như thời gian trước – là kết quả của tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, sự mở rộng ở quy mô lớn của ngành công nghiệp đá phiến ở Mỹ, và sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ở Ả-rập Xe-ut và I-ran – giá dầu ngày nay đã chạm tới tầng đáy. Nhưng thay vì ăn mừng thực tế này, các chính trị gia và những nhà kinh tế học tư sản lại lo ngại về giảm phát, một triệu chứng yếu ốm của hệ thống.
Tóm lại, thị trường đã bão hòa; chủ nghĩa tư bản đã đi vượt quá xa giới hạn của nó; sự phát triển của lực lượng sản xuất đã đi đến xung đột với phương thức sản xuất – tức là, năng lực sản xuất của chúng ta đã tiến tới chướng ngại của quan hệ sở hữu tư nhân và sản xuất vì lợi nhuận.
Bất ổn tiền tệ
Về lý thuyết, cung tiền phải được neo giữ vào nền kinh tế thực thông qua sức cầu của tiền. Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp vay tiền để đầu tư mở rộng sản xuất, hoặc nếu một gia đình vay tiền dưới dạng cầm cố để mua một ngôi nhà mới, thì việc tạo ra thêm tiền phải được bảo vệ tương xứng bằng cách tăng lượng hàng hóa lưu thông.
Thực tế lại không đơn giản như vậy. Một mặt, tiền đóng vai trò là chất bôi trơn cho toàn bộ luồng sản xuất và trao đổi hàng hóa, cho phép trao đổi và thương mại phổ biến giữa các cá nhân hoặc cộng đồng mà không cần phải gặp mặt nhau, phá vỡ hành động trao đổi cả ở thời gian và không gian. Nó đem lại sự linh động và vận động, sự năng động và thay đổi. Tiền phát sinh, do vậy, đánh dấu một bước nhảy mạnh mẽ ở tiềm năng mở rộng thị trường – và do vậy mở rộng cả lực lượng sản xuất.
Mặt khác, thị trường gây ra sức ép cần phải mở rộng dẫn tới sức cầu về cung tiền lớn hơn. Vì thế mà, như đã thảo luận trước đây, có sự phát triển của tín dụng, ngân hàng, và tài chính. Nhưng chính bên trong bản chất của sản xuất và trao đổi hàng hóa – tức là quan hệ sở hữu tư nhân – làm hệ thống này vượt qua giới hạn của nó. Như đã nói, cùng với sự phát triển của tiền và sự xuất hiện của thương nhân và những kẻ cho vay nặng lãi, H-T-H bị thay thế bằng T-H-T’ (rồi T-T’); mục tiêu cuối cùng của sản xuất và trao đổi hàng hóa ngày càng thoát ly khỏi nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thực sự, và ngày càng tập trung vào tích lũy tiền.
Sức ép phải mở rộng cung tiền phản ánh xu hướng phá giá, và ở sự tiến hóa của tiền đúc cái có giá trị tương đương với kim loại quý, sang tiền ở dạng giấy bạc, v.v.. cái chỉ đóng vai trò đại diện, biểu tượng, hay một thẻ giá trị – một quá trình đã đạt tới điểm cực đoan trong thời kỳ hiện đại khi mà của cải của một con người chỉ là những con số trên màn hình.
Tín dụng, tiếp đó, phá vỡ liên kết giữa nền kinh tế thực tại với cung tiền. Như đã nói, nó cho phép lực lượng sản xuất khắc phục tạm thời những hạn chế của thị trường. Đồng thời, nó thúc đẩy mọi hình thức đầu cơ, kết cục là sự tai hại của những bong bóng và tư bản không có thực. Chẳng hạn, trước cuộc khủng hoảng năm 2007-08, thay vì các hộ gia đình phải đến ngân hàng để yêu cầu một khoản vay, ngân hàng tìm đến họ, khích lệ họ cùng tham gia hoạt động điên cuồng nhằm tạo ra tín dụng dưới dạng những khoản vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn và thẻ tín dụng. Trong lúc ấy, thị trường tiếp tục mở rộng và hệ thống tư bản tiếp tục tăng trưởng trên cơ sở ngôi nhà xây bằng giấy đó, doanh nghiệp lớn có thể hiện thực hóa lợi nhuận của họ là nhờ vào sức cầu giả tạo sinh ra từ hoạt động tín dụng này.
Trong cuốn sánh Nợ, David Graeber nhận xét rằng lịch sử tiền tệ là sự đan xen giữa những giai đoạn sử dụng tiền tín dụng phát triển và những giai đoạn sử dụng kim loại quý thống trị. Như đã đề cập, chẳng hạn, cùng với sự sụp đổ của Đế chế La Mã là sự đổ vỡ của thương mại và ngân hàng, và do vậy diễn ra sự dịch chuyển từ tín dụng sang một hệ thống tiền đúc có hiệu lực ở phạm vi khu vực và địa phương, phản ánh sự tan rã của xã hội thời bấy giờ thành các vương quốc phong kiến và thái ấp.
Sự sụp đổ của hệ thống tín dụng và sự trở về với tiền bằng hàng hóa (ví dụ kim loại quý), do vậy, phản ảnh sự bất ổn kinh kế và chính trị tổng thể trong xã hội, nó sinh ra cơn khát thứ tiền mà có thể sờ mó được chứ không phải những ghi chép trong sổ sách kế toán của ngân hàng. Như Graeber giải thích:
“… trong khi những hệ thống tín dụng có xu hướng thống trị ở những giai đoạn xã hội tương đối yên bình, hoặc thông qua những mạng lưới ủy thác (hoặc do nhà nước tạo ra, hoặc ở hầu hết các giai đoạn, là do định chế xuyên quốc gia như phường hội thương nhân hoặc những cộng đồng dựa trên lòng tin), còn ở những giai đoạn đặc trưng bởi chiến tranh và cướp bóc, chúng [hệ thống tín dụng] có xu hướng bị thay thế bởi kim loại trước đó” (Graeber, tr214)
Ở phương diện ấy, một lượng ổn định và có giới hạn kim loại quý lưu thông khắp thị trường thế giới – bên cạnh những đặc tính kim loại có lợi của nó đã đề cập ở trên ( đồng nhất, bền, mật độ giá trị cao, v.v.) – giúp củng cố vai trò tiền tệ của nó, mang lại tiêu chuẩn tin cậy cho giá cả, thước đo của cải, và phương tiện để chuyển giao các khoản nợ.
Thế nhưng, sử dụng kim loại quý thay cho hàng hóa tiền không đảm bảo sự ổn định của giá cả. Điều này được minh họa bằng ví dụ về Đế chế Tây Ban Nha ở thế kỷ 16, ở nơi mà sau khi tràn ngập đất nước bằng sự dư thừa vàng bạc cướp bóc được từ những cuộc chinh phục ở Trung Mỹ, những kẻ cai trị thấy mình rơi vào tình huống bất ổn bởi lạm phát cao và đầu tư thấp, tình trạng ấy cuối cùng đã dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế Tây Ban Nha. Một câu thành ngữ thời đó nhận xét “Ở Tây Ban Nha mọi thứ đều đắt trừ bạc.” Sự sụp đổ định mệnh ấy nhấn mạnh một thực tế là không phải sự dư thừa tiền khiến xã hội trở nên giàu có, mà thực ra là trình độ của lực lượng sản xuất và năng lực sản xuất ra của cải thực sự.
Leon Trotsky cũng nhấn mạnh điểm này trong phân tích của ông vế sự suy đồi của Liên Xô, ở đó, dưới thời Stalin, bộ máy quan liêu đã tăng cung tiền một cách tuyệt vọng và bằng kinh nghiệm hòng khắc phục hạn chế của nền kinh tế kế hoạch trong điều kiện lạc hậu và bị cô lập về kinh tế.
Trotsky nhấn mạnh rằng thậm chí với sự thiết lập nền kinh tế có kế hoạch và nhà nước của giai cấp công nhân, tiền không mất đi vai trò của nó như một thước đo giá trị cho đến khi xóa bỏ được tất cả tàn dư cuối cùng của quan hệ sở hữu tư nhân, của sản xuất và trao đổi hàng hóa, và của xã hội có giai cấp. Trong lúc ấy, Trotsky nhận xét, bất cứ việc tăng cung tiền không có kiểm soát nào đều dẫn đến lạm phát tổng có thể làm hạn chế hiệu quả của nền kinh tế kế hoạch. Vấn đề, một lần nữa, cuối cùng lại quay trở về vấn đề trình độ của lực lượng sản xuất hiện có trong xã hội.
“Hai vấn đề Nhà nước và tiền tệ có nhiều mặt chung với nhau bởi vì xét đến cùng, cả hai rút lại vẫn trở về với vấn đề của mọi vấn đề, đó là vấn đề năng suất lao động. Sự cưỡng bức của Nhà nước và tiền tệ thuộc về di sản của xã hội phân chia giai cấp…”
“Trong các giới lãnh đạo, người ta nói lạm phát không đáng sợ nữa trong một nền kinh tế có kế hoạch hóa. Gần giống như nói một lỗ hổng để lọt nước vào khoang tàu không nguy hiểm khi người ta có địa bàn. Thực tế, lạm phát giấy bạc không tránh khỏi dẫn đến lạm phát tín dụng, thay thế những giá trị thực bằng giá trị ảo và nuốt ngấu nghiến từ bên trong nền kinh tế kế hoạch hóa. Chẳng cần nói ai cũng biết lạm phát có nghĩa là thu một thứ thuế cực kỳ nặng trên lưng giai cấp cần lao.” (Trotsky 1993 , Chương V)
Ngày nay, mặc dù không có lạm phát [tổng, phổ biến] như kết quả của những chính sách nới lỏng tiền tệ như QE (bởi vì những lý do đã giải thích), những biện pháp ấy thế nhưng dẫn đến sự bất ổn to lớn cho nền kinh tế thế giới, với những đồng tiền mất giá thoát ra ngoài và thổi phồng những bong bóng tài sản (chẳng hạn nhà đất và chứng khoán, v.v.) ra khắp thế giới. Trong lúc ấy, hậu quả ở các quốc gia đã kích hoạt chương trình QE là phải làm cho đồng tiền của họ yếu đi, giúp thúc đẩy xuất khẩu. Về cơ bản nó trở thành một hình thức mới của nền kinh tế “bần cùng hóa người láng giềng”1 (ND)
Do vậy, ở Mỹ, Anh, Châu Âu và Nhật bản, người ta tiến hành những chương trình QE rộng khắp nhằm đem lại sự ổn định kinh tế cho thời kỳ khủng hoảng trầm trọng này – đã bộc lộ ở sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc và những nơi khác. Nhưng kết quả rõ ràng là trái ngược. Sự ổn định tạm thời cho một số quốc gia chỉ góp phần tạo ra sự bất ổn gia tăng lên toàn bộ hệ thống. Trong khi đó, dù có những đợt bơm tiền khổng lồ, nền kinh tế của các cường quốc tư bản chủ đạo vẫn mắc kẹt trong trì trệ.
Do đó, giá trị của tiền, một thể hiện của quan hệ về lượng, không phải là tùy tiện và ngẫu nhiên, mà nó nằm ở cơ sở vật chất khách quan: nó thể hiện tổng giá trị tồn tại trong lưu thông trong nền kinh tế. Những ví dụ trên minh chứng một cách rõ ràng là không có cái gọi là nền kinh tế “bữa trưa miễn phí”. Thực tế quan trọng ấy chứa đựng hậu quả cũng nghiêm trọng tương đương, đặc biệt là trong quan hệ với nạn lạm phát và cung tiền mà chúng ta chứng kiến hôm nay.
Tốt như Vàng
Sử dụng chế độ bản vị vàng đã phát sinh ở phương diện lịch sử như một phản ứng nhằm nới lỏng các chính sách tiền tệ, một nỗ lực neo giữ hoạt động cung tiền vào một cái gì đó hữu hình. Ở Anh, chế độ bản vị vàng xuất hiện suốt thời kỳ nửa đầu thế kỷ 19, nhằm đối phó với lạm phát gây ra bởi những cuộc chiến tranh với Napoleon, những cuộc chiến tranh ấy được cấp vốn thông qua gia tăng nợ chính phủ ở quy mô lớn. Đỉnh điểm là Luật Hiến chương Ngân hàng năm 1844 nhằm giới hạn cung tiền bằng cách cho phép Ngân hàng Anh độc quyền in giấy bạc ngân hàng mới; giấy bạc này phải được đảm bảo bằng vàng. Thế nhưng ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ vẫn được duy trì, cho phép các ngân hàng tư nhân tăng lượng cung tiền bằng cách tạo ra những khoản tiền gửi (tức là tín dụng) nhằm đáp ứng nhu cầu khoản vay.
Cùng với sự trỗi dậy và bành trướng của Đế chế Anh, một kỷ nguyên ổn định ở quy mô toàn cầu đã được tạo ra, cho phép sự mở rộng của thương mại thế giới và sự nảy sinh của chế độ bản vị vàng với vai trò là một hệ thống tiền tệ quốc tế. Khi chủ nghĩa tư bản đang chiếm uy thế và khi kinh kế toàn cầu đang tiến lên phía trước, chế độ bản vị vàng quốc tế đóng một vai trò tích cực, nó trang bị cho thương mại quốc tế một phương tiện so sánh chung về giá cả cho nhiều quốc gia khác nhau, mỗi nơi có một đồng tiền quốc gia của riêng họ.
Tuy nhiên, khi những mâu thuẫn nội tại của hệ thống tư bản tích tụ lại, lợi ích từ hệ thống bản vị vàng quốc tế biến thành cái đối lập với nó và trở thành một nguồn gốc nữa cho những bất ổn lớn bên trong nền kinh tế quốc tế dễ biến động. Sự khởi đầu Thế chiến I cho thấy hệ thống tư bản đã chạm tới giới hạn của nó, các thế lực đế quốc xung đột lẫn nhau khi chúng tìm cách cào cấu và phân chia lại thị trường thế giới vốn đã bão hòa. Tiếp đến, sự tấn công mạnh mẽ của cuộc Đại chiến khiến hết nước này đến nước khác bãi bỏ chế độ bản vị vàng để ráng sức cung cấp nguồn vốn cho nỗ lực tham chiến của họ bằng cách in tiền.
Cùng lúc ấy, chế độ bản vị vàng quốc tế đóng vai trò gắn kết một cách cứng nhắc các nền kinh tế quốc gia lại với nhau, hạn chế khả năng họ tìm cách phá giá đồng tiền để đối phó với trình trạng thâm hụt cán cân thanh toán lớn. Thay vào đó, các quốc gia có cán cân thương mại yếu kém buộc phải tiến hành “phá giá nội bộ” – nghĩa là, tấn công vào tiền lương và điều kiện làm việc của công nhân, nhằm cải thiện sức cạnh tranh kinh tế của đất nước.
Đây chính là tình cảnh nước Anh hậu chiến phải đối mặt, vị thế của nó trên trường quốc tế bị xói mòn đến mức nó không thể nào trở lại chế độ bản vị vàng mà không công khai tấn công giai cấp công nhân. Sự thực là, chính cuộc tấn công ấy của giai cấp thống trị Anh đã dẫn tới cuộc tổng bãi công đầu tiên (và duy nhất) nổ ra vào năm 1926, khi các nhà tư bản tìm cách giành lại năng lực cạnh tranh bằng cách tấn công vào tiềng lương – đặc biệt là tiền lương của những người thợ mỏ.
Khi thương mại thế giới đang mở rộng và kinh tế đang tăng trưởng, căng thẳng và đối kháng giữa các nước tư bản có thể được che đậy. Nhưng ngay khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng và các nền kinh tế của các quốc gia khác nhau bắt đầu đi theo những hướng khác nhau, tất cả mọi mâu thuẫn bị phơi bày.
Sau một thời kỳ hồi phục và một khoảng thời gian ổn định ngắn ngủi ở thập kỷ 1920, chế độ bản vị vàng quốc tế cuối cùng đã sụp đổ và tiêu vong cùng với khởi đầu của cuộc Đại Suy thoái năm 1929, nó một lần nữa buộc hết nước này đến nước khác bãi bỏ chế độ bản vị vàng vì họ tìm cách theo đuổi chủ nghĩa bành trướng và những chính sách tiền tệ lạm phát hòng kích thích nền kinh tế, cung cấp vốn cho thâm hụt ngân sách của chính phủ, và đem lại thanh khoản cho các ngân hàng đang đổ vỡ. Một làn sóng của chủ nghĩa bảo hộ và phá giá cạnh tranh càn quét thế giới khi từng quốc gia tư bản tìm cách xuất khẩu khủng hoảng thông qua những chính sách “bần cùng hóa người láng giềng” – một quá trình chỉ làm khủng hoảng ở quy mô toàn cầu thêm trầm trọng, khi thương mại quốc tế sụp đổ và thị trường co hẹp lại.
Đồng tiền chung
Cũng dễ dàng nhận thấy những điều tương tự với cuộc khủng hoảng đồng euro hôm nay – nơi chiếc áo trói tay của một loại đồng tiền làm gia tăng mẫu thuẫn bên trong hệ thống tư bản Châu Âu. Một lần nữa các quốc gia Châu Âu có nền kinh tế yếu kém hơn như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha buộc phải theo con đường “phá giá nội bộ”, thể hiện ở chính sách cắt giảm không thời hạn và những cuộc tấn công vào công nhân; một nỗ lực hòng đưa điều kiện làm việc kiểu Trung Quốc vào lục địa Châu Âu. Đó là ý nghĩa thực sự của chính sách thắt lưng buộc bụng hôm nay.
Người ta bảo những quốc gia ấy rằng họ phải trở nên cạnh tranh để xuất khẩu. “Chúng ta phải giống nước Đức hoặc Trung Quốc hơn nữa!”; “chúng ta phải đầu tư, phải cạnh tranh hơn nữa, và phải xuất khẩu!”. Nhưng không phải ai cũng có thể giống nước Đức hay Trung Quốc. Chỉ cần hỏi một câu đơn giản: xuất khẩu cho ai? Khi mà chính phủ ở khắp mọi nơi đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, thì liệu còn có nhu cầu cho những nhập khẩu gia tăng ấy?
Hơn nữa, các nhà tư bản và chính thể chính trị của mọi quốc gia đang tìm cách thực hiện những chính sách giống nhau, và – theo đúng định nghĩa – không phải quốc gia nào cũng có thể là quốc gia xuất khẩu ròng. Cạnh tranh quốc tế về căn bản không khác gì cạnh tranh giữa các hãng tư bản khác nhau: dưới chế độ tư bản bao giờ cũng có kẻ chiến thắng và kẻ chiến bại. Mất cân bằng và bất ổn gắn liền với nội tại hệ thống.
Không phải quốc gia nào cũng có thể là quốc gia cạnh tranh nhất. Tính cạnh tranh bao giờ cũng là tương đối. Khác biệt chủ đạo là trong cuộc cạnh tranh giữa các hãng với nhau, các hãng yếu kém sẽ phá sản và bị thôn tính bởi các hãng lớn mạnh hơn; ở bình diện quốc tế, các nền kinh tế ít cạnh tranh hơn không thể dễ dàng bị thôn tính như vậy – mặc dầu, về cơ bản, “một liên minh ngày càng gần gũi nhau hơn” bên trong khu vực sử dụng đồng euro và Liên minh Châu Âu đồng nghĩa với: một khu vực kinh tế đơn nhất nơi mà những nền kinh tế yếu kém hơn chịu sự kiểm soát trực tiếp của những nền kinh tế lớn mạnh hơn – ví dụ chủ nghĩa tư bản Đức.
Tuy nhiên, đồng thời phải nhấn mạnh rằng, cả ở trường hợp chế độ bản vị vàng và đồng euro, căn nguyên của vấn đề không phải ở hệ thống tiền tệ mà ở hệ thống tư bản. Ở bên trong hay bên ngoài khu vực đồng euro, những vấn đề mà ví dụ như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Iceland, Italy, và Bồ Đào Nha phải đối mặt, sẽ không được giải quyết chừng nào những quy luật của chủ nghĩa tư bản vẫn ở vị trí của nó. Chính những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản – với rào cản của quan hệ sở hữu tư nhân và quốc gia dân tộc – đã tạo ra khủng hoảng: hệ thống tiền tệ quốc tế chỉ đem lại hình thức để khủng hoảng bộc lộ ra bản thân nó.
Tương tự như vậy, ngày nay có người hình dung ra rằng trở lại về chế độ bản vị vàng – tức là trở về một hệ thống mà tiền bị cột vào một lượng vàng cố định – có thể bảo vệ khỏi nguy cơ của những chính sách tiền tệ lạm phát, sự mất cân bằng trong thương mại quốc tế, những bong bóng đầu cơ, tín dụng tăng trưởng quá mức, khủng hoảng tài chính và vân vân. Nhưng bản vị vàng không phải là thuốc chữa bách bệnh. Cuối cùng thì những nhu cầu của sản xuất và trao đổi hàng hóa áp đặt lên chính bản thân nó; một nhu cầu lưu thông tiền tệ lớn hơn sẽ xuất hiện; và mối liên kết cứng nhắc giữa cung tiền và một hàng hóa đơn nhất – cho dù nó là vàng hay là cái gì khác – sẽ trở thành rào cản cho sự tăng trưởng của kinh tế tư bản và sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là điều đã thúc đẩy sự phát triển từ tiền đúc bằng vàng hay bạc – được gọi là bản vị vàng – tới một hệ thống tiền giấy được đảm bảo bằng vàng; và cũng là cái đã dẫn đến sự bãi bỏ chế độ bản vị vàng ngày nay.
Theo sau việc bãi bỏ chế độ bản vị vàng và cuộc Đại Suy thoái và Thế chiến II, hệ thống tiền tệ thế giới đã được hồi phục vào năm 1944 dưới hình thức hệ thống Bretton Woods. Giống như chế độ bản vị vàng quốc tế, nền tảng căn bản cho hệ thống Bretton Woods là sự tăng trưởng và ổn định của kinh tế thế giới, và sự thống trị của một cường quốc đế quốc toàn cầu – ở đây là Hoa Kỳ, xuất hiện sau Thế chiến II như một siêu cường quốc tư bản thế giới.
Dưới thỏa thuận mới, đồng tiền của các quốc gia bị cố định theo đồng đô-la Mỹ, cái đến lượt nó là “tốt như vàng” bởi một thực tế là hai phần ba số vàng của thế giới nằm trong hầm vàng ở Fort Knox. Một lần nữa, giống như chế độ bản vị vàng ở thế kỷ 19, hệ thống Bretton Woods giúp đẩy mạnh sự mở rộng của thương mại quốc tế, đến lượt nó đem lại một động lực mạnh mẽ cho sự bùng nổ kinh tế thời hậu chiến.
Tuy nhiên, khi sức mạnh tương đối của chủ nghĩa tư bản Mỹ suy giảm, cân đối thanh toán giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới bị xói mòn. Trong khi đó những khoản tiền khổng lồ đã bị tiêu tốn vào Chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến được cung cấp vốn từ nguồn chính phủ đi vay. Khi đồng tiền của mọi quốc gia bị gắn chặt vào đồng đô-la, thì hậu quả là lạm phát ở Mỹ được xuất khẩu ra khắp phần còn lại của thế giới.
Hệ thống tỉ giá hối đoái cố định, khi nước Anh bám chặt vào chế độ bản vị được định giá quá cao ở những năm 1920, hoặc như nền kinh tế Hy Lạp trong quan hệ với đồng euro hôm nay, trở thành bất khả thi về mặt chính trị trong sự thức tỉnh về sức cạnh tranh đang suy giảm. Thay vì phá giá, dưới hệ thống tỉ giá hối đoái cố định, công nhân buộc phải trả giá cho sức cạnh tranh của nền kinh tế của họ bằng cách chấp nhận cắt giảm lương. Tình trạng căng thẳng trở nên không thể duy trì được, và cuối cùng thì cái chốt đô-la–vàng đã đổ vỡ, mang theo cả hệ thống Bretton Woods.
Ngày nay, cùng với cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản, trong sự bất ổn, chúng ta đối mặt với một thế giới hỗn loạn và bất an chưa từng thấy ở mọi cấp độ: kinh tế, chính trị, và xã hội. Mọi mâu thuẫn bên trong xã hội bị phơi bày và mọi hy vọng trở về thời kỳ cân bằng tạm thời thiết lập trong thời hậu chiến đã tiêu tan. Khát vọng hòa bình và thịnh vượng đã biến mất; thế vào đó chúng ta chứng kiến chiến tranh và khủng bổ tàn bạo. Giấc mơ “một liên minh chưa bao giờ gẫn gũi nhau hơn” ở Châu Âu trở thành một trò đùa nực cười, đồng euro và Liên Minh Châu Âu đều đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh tồn.
Các ngân hàng trung ương phải dựa vào biện pháp tuyệt vọng “nới lỏng định lượng” – họ mua các tài sản tài chính và do đó tăng cung tiền. Tuy nhiên, như đã đề cập, QE không dẫn tới lạm phát cao; thay vào đó, nó đơn giản bổ sung vào sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, với đồng tiền mất giá tràn ngập thị trường và thổi phồng những bong bóng đầu cơ, đặc biệt là ở những nền kinh tế đang nổi. Một lần nữa lại trở về với vấn đề căn bản của cung tiền: tiền trong lưu thông phải có cơ sở vật chất – xét cho đến cùng, một cơ sở nằm trong giá trị thực sự (tức là thời gian lao động xã hội cần thiết) biểu hiện ở hàng hóa đang lưu thông trong nền kinh tế.
Tương lai của tiền tệ
Chuyển dịch mẫu thức
Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods và cuộc khủng hoảng thế giới trong thập niên 1970 đánh dấu hồi chuông báo tử của cả hệ thống bản vị vàng quốc tế lẫn hệ thống “đồng thuận Keynes”. Thế vào vị trí của chúng tương ứng là tỷ giá hối đoái thả nổi và những chương trình kinh tế theo chủ nghĩa tiền tệ, tức là nhấn mạnh vào chính sách tiền tệ chặt chẽ và các biện pháp từ “phía cung” – tức là giữ lạm phát thấp thông qua hạn chế cung tiền và giảm chi phí sản xuất, trên hết là giảm chi phí nhân công (tức là lương). Những tư tưởng này, đến lượt nó, lại được thể hiện ở mặt học thuyết bởi Milton Friedman, và ở mặt chính trị bởi giới chức Reagan ở Mỹ và chính phủ Thatcher ở Anh. Trong lúc đó, như đã đề cập, cuộc chiến chống lạm phát của họ trong thực tế chỉ là cái lá che đậy một cuộc chiến chống lại giai cấp công nhân vì lợi ích và lợi nhuận của các nhà tư bản.
Nhưng rồi 100 năm qua những gì mà chúng ta chứng kiến, được phơi bày bởi những ví dụ về chế độ bản vị vàng, thỏa thuận Bretton Woods, và giờ đây là đồng tiền chung Châu Âu, là mọi hệ thống tiền tệ hoặc chính sách tiền tệ rốt cuộc tiến tới giới hạn của nó. Mỗi biện pháp trong hệ thống tiền tệ quốc tế vừa nêu đã giúp giữ vững một thời kỳ hồi phục của tư bản và sự ổn định của địa chính trị toàn cầu, ở đó những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản và quốc gia dân tộc được che đậy một cách tạm thời. Tiếp đó, sự có mặt của hệ thống tiền tệ quốc tế bản thân nó trở thành nguồn gốc cho sự ổn định, giúp tăng trưởng thương mại, mở rộng thị trường thế giới và do vậy cho cả sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Thế nhưng ở từng trường hợp, khi xuất hiện một cuộc khủng hoảng toàn cầu, sức mạnh của hệ thống tiền tệ quốc tế rốt cuộc lại biến thành cái đối nghịch với nó và hoạt động giống như một chiếc áo ngột ngạt, làm gia tăng những mâu thuẫn ấy và trở thành nguồn gốc cho sự bất ổn to lớn về kinh tế và địa chính trị. Hệ thống tiền tệ, không thể duy trì được những căng thẳng và đối kháng nội tại của nó, bị xé toạc ra, rồi chỉ được thay thế bởi một hệ thống mới khi mà sự cân bằng kinh tế được phục hồi (một cách tạm bợ và cục bộ)
Hậu quả là, những gì ta thấy được ở bình diện của chính sách kinh tế là cái giống như một sự “chuyển dịch mẫu thức” – tức là một sự thay đổi về chất trong chính sách, học thuyết và ý thức hệ – nảy sinh từ những cuộc khủng hoảng và những mâu thuẫn tích tụ trong hệ thống cũ, và đến lượt nó lại phơi bày những hỏng hóc và yếu kém của các hệ thống ấy.
Tuy nhiên, xét cho đến cùng, khủng hoảng của từng hệ thống trong các hệ thống tiền tệ ấy – bản vị vàng, Bretton Woods, hay đồng euro – chỉ là sự phản ánh của cuộc tổng khủng hoảng của hệ thống tư bản. Chính những mâu thuẫn nền tảng ấy của chủ nghĩa tư bản – và những cuộc tổng khủng hoảng của hệ thống tư bản – là gốc rễ của vấn đề.
Ở phương diện này, không hề ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến những người gọi là “chuyên gia” kinh tế vò đầu bứt tai để tìm ra giải pháp cho ngày hôm nay. Không phải chủ nghĩa tiền tệ cũng không phải chủ nghĩa Keynes có thể đem lại lối thoát, chúng chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu tư bản chủ nghĩa. Trong lúc ấy, với mức độ cực đoan và sâu sắc của cuộc khủng hoảng hiện tại, người ta xé bỏ quy tắc sách vở và nhanh chóng viết lại sách giáo khoa học thuật, và các ngân hàng trung ương và chính phủ đang cân nhắc (và kích hoạt) những chính sách tiền tệ – chẳng hạn như “trực thăng thả” tiền và QE – những thứ mà không lâu trước đây được xem là báng bổ và chẳng thể tưởng tượng ra nổi.
Triệu chứng và căn bệnh
Khi các “chuyên gia” bị bỏ mặc lúng túng trong bóng đêm, thì một loạt các học thuyết trước đây vốn chỉ ở bên rìa lại nổi lên, chúng đưa ra cứu cánh chữa căn bệnh tiền tệ của xã hội. Đầu tiên là những người đề nghị trở về chế độ bản vị vàng, hy vọng rằng nó sẽ ngăn chặn các chính phủ in tiền và chỉ đạo các chính sách tiền tệ gây lạm phát. Về cơ bản, dòng tư tưởng kiểu Hayek này gây sức ép lên các vấn đề liên quan tới tích lũy nợ công và nợ tư, đến lượt nó lại đổ lỗi lên sự can thiệp của chính phủ – chẳng hạn, kích thích các bong bóng tín dụng thông qua tỷ lệ lãi suất cực thấp.
Tuy nhiên, điều mà trường phái này không tính đến là: chuyện gì sẽ xảy ra khi các chính phủ không can thiệp vào nền kinh tế và tín dụng không được mở rộng? Liệu có tránh được các cuộc khủng hoảng thông qua bàn tay vô hình kỳ ảo của thị trường? Các nhà theo trường phái Hayek hiện đại hình dung ra rằng không có sự can thiệp của chính phủ, các động lực cung cầu thị trường sẽ giải quyết mọi vấn đề; khủng hoảng vẫn có thể xảy ra, nhưng đó chỉ là những tiếng nổ lép bép nếu so sánh với sự suy thoái lún sâu mà chúng ta giờ đây đang nếm trải.
Thế nhưng như chúng tôi đã giải thích ở trước, tín dụng không tạo ra khủng hoảng, nó chỉ đơn thuần trì hoãn khủng hoảng. Không có sự mở rộng của tín dụng, cuộc khủng hoảng của những năm 1970 đã có thể tiếp diễn và phát triển đến tầm cao mới. Mở rộng tín dụng là đòi hỏi để duy trì khả năng tiêu dùng của giai cấp công nhân khi họ đối mặt với những tấn công vào đồng lương – tức là sức mua – của chính những người công nhân ấy, nhằm duy trì lợi nhuận cho các nhà tư bản. Không có sự mở rộng của tín dụng, sự mở rộng của lực lượng sản xuất chỉ có thể đáp ứng được cho thị trường nhỏ – tức là không có lượng cầu thực sự – ở thời điểm từ rất sớm trước đó. Các công ty có thể ngừng mở rộng sản xuất để đối phó với sự sụt giảm nhu cầu đối với các mặt hàng tiêu dùng; thất nghiệp sẽ tăng; vòng suy thoái luẩn quẩn xuất hiện.
Tương tự như ngày hôm nay, thay vì thiết lập trình trạng cân bằng ổn định, trở về với chế độ bản vị vàng có thể nhanh chóng dẫn tới bùng nổ chính trị và xã hội, khi các chính phủ khắp nơi trên thế giới – do không có bất kỳ chính sách tiền tệ độc lập nào – tìm cách tấn công vào giai cấp công nhân nhằm xuất khẩu để thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng cách “phá giá nội bộ”. Ở khía cạnh này, Trotsky đã nhấn mạnh trong các diễn văn của ông tại Quốc tế Cộng sản tổ chức sau Thế chiến I, mọi hành động của giai cấp thống trị hòng khôi phục tình trạng cân bằng kinh tế chỉ làm phá hủy sự cân bằng chính trị xã hội – và ngược lại.
Mặt khác, những chiến dịch như Positive Money kêu gọi hệ thống ngân hàng phải được đặt dưới sự “kiểm soát dân chủ”, với quy định nhằm ngăn chặn các ngân hàng tạo ra tiền và cho vay chỉ vì lợi nhuận (thông qua tiền lãi) – nó có tác dụng chấm dứt hoạt động của ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ.
Về cơ bản, những người tham gia các chiến dịch ấy tìm cách soi sáng cùng một vấn đề mà những người theo học thuyết Hayek nêu ra – đó là vấn đề tạo ra tín dụng, tư bản giả tạo, và bong bóng đầu cơ – nhưng lại đòi hỏi một giải pháp đối lập: không phải giảm thiểu mà phải tăng cường can thiệp của chính phủ. Đến lượt nó, Positive Money đề nghị một hình thức gọi là “Nới lỏng Định lượng của nhân dân”, cũng được các cố vấn kinh tế của Jeremy Corbyn nêu ra, ở đó tiền mới được tạo ra bởi một “ban tiền tệ”, mà không cần tương xứng với bất kỳ khoản nợ nào. Tiền ấy, như chiến dịch đề xuất, chỉ có thể được ném vào “nền kinh tế thực sự” – thông qua chi tiêu chứ không phải cho vay – nhằm cấp vốn đầu tư cho công nghiệp và hạ tầng, v.v..
Tuy vậy, cần phải nêu bật hai sai lầm cơ bản trong những đề xuất này. Đầu tiên là, như đã giải thích ở trước, sự phát triển của tài chính (bao gồm ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ) và sự mở rộng tín dụng ở quy mô lớn không phải là kết quả của các “chủ ngân hàng tham lam”, mà là kết quả của nhu cầu của hệ thống tư bản phải không ngừng tăng trưởng và mở rộng thoát khỏi giới hạn của thị trường. Nói cách khác, cũng như đã từng thảo luận, tín dụng không chỉ đơn thuần bị áp đặt lên trên xã hội bởi các ngân hàng, mà nó nảy sinh từ nhu cầu của hệ thống cần khắc phục những mâu thuẫn của chính nó – về căn bản chính là vấn đề sản xuất dư thừa.
Thứ hai là, chúng ta chắc phải hỏi: tại sao cần phải có “Nới lỏng Định lượng của nhân dân” để dẫn tiền vào trong nền kinh tế thực sự? Tại sao lại có quá nhiều đầu cơ và quá ít đầu tư tư nhân vào các vấn đề thiết yếu xã hội như trường học, bệnh viện, giao thông, năng lượng xanh và nhà ở mới?
Cuối cùng thì, vấn đề không chỉ đơn thuần ở bản chất không dân chủ của hệ thống ngân hàng, mà ở vấn đề sở hữu tư nhân về phương tiện sản xuất và về những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế. Đưa các ngân hàng vào sở hữu công và đặt chúng dưới sự kiểm soát một cách dân chủ sẽ là một bước đi đúng đắn, thế nhưng làm vậy vẫn không giải quyết được vấn đề gốc rễ bên trong chủ nghĩa tư bản: anh không thể lập kế hoạch cho những gì mà anh không thể kiểm soát, và anh không thể kiểm soát những gì mà anh không sở hữu.
Với ý nghĩa ấy, dưới chế độ tư bản, các chính phủ không có bất cứ một quyền lực thực sự nào đối với các ngân hàng và doanh nghiệp lớn; chính các ngân hàng và doanh nghiệp lớn mới thống trị các chính phủ. Nếu chúng ta muốn đầu tư vào những thứ mà xã hội thực sự cần, thì chúng ta cần phải nắm lấy các công ty độc quyền và công ty đa quốc gia, rồi quốc hữu hóa chúng dưới sự kiểm soát của công nhân như một phần trong kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa. Không làm được điều này, thì bất cứ cuộc cải cách hệ thống ngân hàng nào cũng chỉ dẫn tới việc các nhà tư bản dừng đầu tư – một hành động phá hoại kinh tế do giai cấp tư bản thực hiện, như chúng ta đã chứng kiến ở Venezuela gần đây.
Cuối cùng, cũng lại tương tự như những người theo trường phái Hayek, những người theo chủ nghĩa tự do-vô chính phủ đổ lỗi cho chính phủ và các ngân hàng trung ương đã độc quyền tạo ra tiền và ấn định tỷ lệ lãi suất. Giải pháp của họ là: tạo ra “tiền số”, chẳng hạn một ví dụ phổ biến nhất là Bitcoin, nó có cấu trúc phi tập trung, và do đó vượt khỏi sự kiểm soát của các chính phủ và ngân hàng trung ương ấy.
Đối lập với các đồng tiền thông thường, tức là được nhà nước đảm bảo, mạng lưới đồng Bitcoin được duy trì bởi những người tình nguyện, đổi lại việc duy trì mạng lưới này họ nhận được xu Bitcoin – quá trình ấy gọi là “đào” Bitcoin. Các giao dịch được ghi nhận vào “chuỗi-khối” (“block-chain”) – một sổ cái lưu tất cả các giao dịch đã thực hiện – mỗi người dùng Bitcoin đều có một bản sao của sổ cái này. Hình thức phi tập trung này khiến không một cá nhân hay tổ chức nào có thể kiểm soát đồng tiền; thay vào đó, mọi thay đổi tới hệ thống phải được chấp thuận bởi tất cả những ai đã tham gia duy trì nó.
Tuy nhiên, mặc cho tất cả những xì xào bàn tán của những người theo chủ nghĩa tự do, thực tại của Bitcoin đã sụp đổ ở mức độ nào đó so với những lời hứa hẹn không tưởng của nó. Đối với những kẻ mới nhập cuộc, lại không được bất cứ chính phủ và ngân hàng trung ương nào hậu thuẫn, Bitcoin gặp khó khăn trong việc được chấp nhận rộng rãi và nó vẫn ở bên rìa ngoài của nền kinh tế; chẳng hạn các giao dịch ẩn danh thông qua chợ online như Silk Road.
Thứ hai là, từ thực tế là chính vì nó không phổ biến và không được neo giữ bằng bất cứ cách nào vào nền kinh tế thực sự, nên Bitcoin cực kỳ dễ tổn thương trước những cú đảo giá đột ngột và bị lợi dụng như một phương tiện đầu cơ, khiến nó dẫu được xem là đồng tiền thay thế nhưng cũng chẳng tốt hơn gì tiền truyền thống.
Cuối cùng là, thật thú vị khi để ý rằng cộng đồng Bitcoint hiện nay đang trải qua thời kỳ chia rẽ bản thân nó, hoặc “một cuộc nội chiến” như một nhà bình luận diễn tả, đã phản ánh chính xác những sức ép mâu thuẫn bên trong bất cứ một hệ thống tiền tệ nào mà tiền số được phát minh ra để khắc phục: một mặt, nhu cầu phải tăng cung tiền (hoặc tốc độ lưu thông, như trường hợp đồng Bitcoin hiện tại chia rẽ) để theo kịp với lượng cầu của một thị trường đang mở rộng với những giao dịch đang gia tăng; và, mặt khác, cần phải ngăn chặn cung tiền thoát ly khỏi nền kinh tế thực sự mà nó có nghĩa vụ phải đại diện.
Giống như các lĩnh vực khác của lý luận vô chính phủ, thử nghiệm Bitcoin chắc chắn thất bại bởi đằng sau nó là cách phân tích về tiền có tính duy tâm và không tưởng. Cũng giống như vấn đề Nhà nước hoặc Luật pháp, như đã chỉ ra ở bài này, tiền không phải được áp đặt vào xã hội bởi bất cứ một thế lực nào từ bên trên (trong trường hợp này, những người thập tự chinh Bitcoin bảo ta rằng đó là các ngân hàng trung ương và chính phủ), mà là một công cụ xã hội nảy sinh từ nhu cầu sản xuất (giống như sự nảy sinh của ngôn ngữ vậy); đối với trường hợp tiền, đó là từ những nhu cầu của hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên thị trường.
Tóm lại, vấn đề không phải là “sự can thiệp” của các ngân hàng trung ương, mà là tình trạng vô chính phủ của thị trường, phát sinh từ quan hệ sở hữu tư nhân; và dẫu có bao nhiêu thí nghiệm không tưởng cũng không thể cứu được. Rồi lại có những cái gọi là “giải pháp” như trở về chế độ bản vị vàng hoặc “dân chủ hóa ngân hàng”, chúng ta phải nhìn ra vấn đề một cách biện chứng và duy vật nhằm ngăn chặn không phải triệu chứng của vấn đề đang đối mặt xã hội, mà là căn bệnh chính: xã hội có giai cấp và sở hữu tư nhân.
Tương lai của tiền
Có thể chứng kiến từ những lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế, bản chất bảo thủ của giai cấp thống trị, cái bản chất mà ở mọi lúc mọi nơi mong muốn duy trì trật tự hiện tại cho lợi ích của nó, lúc nào cũng che dấu các hiện tượng trong làn khói thần bí vô tận. Ngay từ lúc khởi đầu, hiện nay và mãi về sau: đó là thánh ca của những kẻ bóc lột, chúng tìm cách củng cố ảo tưởng rằng vấn đề hiện tại thể hiện một trật tự “tự nhiên” và “lý tưởng”, và do vậy là trường tồn và bất biến.
Trái lại, những người Marxist, xác định trở thành những người duy vật triệt để nhất, hiểu được nguồn gốc của các hiện tượng trong những điều kiện vật chất cụ thể và lập ra bản đồ của sự phát triển có tính lịch sử của những biến động của những điều kiện ấy thông qua mâu thuẫn. Bằng phương pháp này, ta không chỉ giải thích quy luật nội tại thực sự và sự vận động của một quá trình, mà còn hiểu ra rằng những hiện tượng như vậy sẽ chịu sự chi phối của những phát triển khác trong xã hội.
Trong Tư bản và các tác phẩm về kinh tế khác, Marx đã nghiêm túc áp dụng phương pháp này cho vấn đề tiền tệ, bóc trần những đặc tính thần bí và kỳ ảo của nó để phơi bày bản chất thực sự của nó. Ở chỗ dành cho sự tôn kính tiền, Marx khám phá ra cơ sở vật chất của tiền và do vậy cho thấy bản chất nó là gì: một kết quả tất yếu của sản xuất và trao đổi hàng hóa ở một giai đoạn phát triển nhất định.
Dẫu Kinh thánh có nói với chúng ta điều gì, thì tiền không phải là “cội rễ sinh ra mọi điều ác”. Như bài viết này đã giải thích bằng cách đi ngược trở lại và quan sát nguồn gốc và sự phát triển có tính lịch sử của đồng tiền, đó chính là phương tiện xã hội đã nảy sinh từ một hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa; tiếp đến, nó gắn liền với vấn đề sở hữu tư nhân, ở đó sản xuất không còn để tiêu dùng trực tiếp nữa, mà để trao đổi, và ở đó con người đối diện với nhau không còn với tư cách là con người nữa, mà với tư cách là những hàng hóa.
Khi sản xuất và trao đổi hàng hóa trở nên phổ biến, thì hệ thống tiền tệ (và tín dụng) cũng trở nên phổ biến. Tiếp đến, các quan hệ xã hội ngày càng biến đổi thành các quan hệ tiền tệ, và một quyền năng dường như là vô hạn và sự phi phối của đồng tiền tăng lên. Chủ nghĩa tư bản – thực sự là chủ nghĩa đế quốc – là giai đoạn tột cùng của quá trình ấy; ở điểm mà sản xuất và trao đổi hàng hóa đã trở thành hoàn toàn phổ biến và rộng khắp, tới mức độ mà năng lực lao động – tức khả năng làm việc của người công nhân – bản thân nó trở thành một thứ hàng hóa có thể được mua bán một cách tự do trên thị trường, và hệ thống tín dụng biến mọi khoản tiền thành tư bản: một giá trị tự tăng lên.
Tóm lại, không thể loại bỏ tiền một cách đơn giản. Để loại bỏ tiền khỏi thế giới và mọi tai họa của nó, chúng ta cần phải loại bỏ hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa đã sản sinh ra nó. Nói vậy có nghĩa là, chúng ta cần phải loại bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và quay trở lại quan hệ sở hữu chung về công cụ, công nghệ, và của cải trong xã hội. Một xã hội như vậy không thể là một xã hội “cộng sản nguyên thủy” mà tổ tiên bộ lạc của chúng ta đã trải qua, mà là một chủ nghĩa cộng sản dựa trên trình độ cao vượt trội ở phát triển kinh kế, khoa học và văn hóa – một xã hội của sự dư thừa sung túc.
Vậy thì tương lai của tiền sẽ ra sao? Chẳng hạn, liệu còn tồn tại tiền tệ trong xã hội xã hội chủ nghĩa?
Để trả lời những câu hỏi ấy, chúng ta phải nhớ lại những gì đã đề cập ở trên: tiền nảy sinh như một phần của hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa. Sự tồn tại của hàng hóa, đến lượt nó, ám chỉ sự tồn tại của sở hữu tư nhân – của sở hữu tư nhân về phương tiện sản xuất và sản phẩm của lao động. Những bước đầu tiên của xã hội xã hội chủ nghĩa, do vậy, sẽ là nắm lấy những đòn bảy chủ đạo của nền kinh tế – các ngân hàng, các công ty độc quyền chủ đạo, hạ tầng, và đất đai – và đặt chúng dưới một kế hoạch sản xuất dân chủ và có lý trí; nói cách khác, là xã hội hóa sản xuất và đặt của cải của xã hội vào bàn tay công cộng.
Với bước đi như vậy, tuyệt đại đa số giá trị-sử dụng trong xã hội sẽ có thể được sản xuất ra và sở hữu theo cách thức xã hội. Không còn cần phải trao đổi hàng hóa và dịch vụ; thế vào đó, con người có thể đóng góp sức lao động cho xã hội “theo năng lực” và nhận từ thành quả chung “theo nhu cầu”. Các sản phẩm của lao động – được sản xuất theo cách thức xã hội, sở hữu theo cách thức xã hội, không còn cần phải đem ra trao đổi nữa – do đó sẽ mất đi tình trạng là hàng hóa trước đây.
Chắc chắn là sản xuất và trao đổi hàng hóa vẫn còn tồn tại phần nào đó trong những giai đoạn đầu tiên của xã hội xã hội chủ nghĩa, bởi vì không thể ngay lập tức đặt toàn bộ nền kinh tế vào một kế hoạch dân chủ chung. Những người sản xuất và sở hữu nhỏ – tiểu tư sản – vẫn tiếp tục tồn tại một thời gian. Nhưng các “đỉnh cao chỉ huy” trọng yếu của nền kinh tế phải là một bộ phận của một kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa, và do vậy đại đa số của cải không mang hình thái hàng hóa. Rồi theo thời gian, khi tính ưu việt và hiệu quả của một nền kinh tế đã được lập kế hoạch một cách dân chủ chứng minh bản thân nó, thì những người sản xuất nhỏ sẽ bị thuyết phục và được khuyến khích tham gia vào kế hoạch có tính xã hội ấy, và do đó mọi tàn dư của sản xuất hàng hóa sẽ tan biến.
Cùng với sự tiêu vong của sản xuất và trao đổi hàng hóa, nhu cầu tiền tệ của xã hội – giống như nhu cầu xã hội cần đến Nhà nước – cũng sẽ tiêu vong. Càng ngày càng có ít hàng hóa và dịch vụ có thể đem trao đổi; thế vào đó, chúng có thể được cung cấp miễn phí thông qua các cửa hàng, siêu thị và nhà hàng v.v. của cộng đồng.
Chúng ta đã chứng kiến quá trình này ở dạng phôi thai dưới chủ nghĩa tư bản với các dịch vụ như Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia (National Health Service), chẳng hạn, ở đó bất cứ ai cũng có thể bước vào một bệnh viện rồi được điều trị mà không phải trả một đồng nào. Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, giai cấp công nhân phải tự bảo vệ cho bản thân mình – thông qua đấu tranh – các dịch vụ công, như NHS và phúc lợi nhà nước, “thu nhập” một người công nhân nhận được do đó được chia thành hai phần: lương trả cho người công nhân đổi lại sức lao động của họ bỏ ra; và một “lương xã hội” cho những tiện ích công cộng và những dịch vụ được sử dụng và cung cấp miễn phí theo nhu cầu.
Trong giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản, tỷ lệ giữa hai thành phần này sẽ chuyển dịch một cách nhanh chóng sang cái sau. Phần “lương xã hội” không nhìn thấy được sẽ tăng lên nhanh chóng, trong khi đó lương trả cho thời gian-lao động sẽ giảm đi. Không chỉ có nhận được chăm sóc sức khỏe mà không cần một giao dịch tiền tệ nào, giao thông, điện, thực phẩm, quần áo, v.v.: tất cả những thứ ấy, và thậm chí cả “những thứ xa xỉ”, có thể được cung cấp mà không cần trao đổi như một phần của kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Toàn bộ khái niệm về giá trị sẽ dần trở nên vô nghĩa, và thay vì đóng vai trò đại diện cho giá trị-trao đổi – nghĩa là thời gian lao động xã hội cần thiết – có thể dùng thẻ phiếu [tokens] biểu thị quyền của bất cứ cá nhân nào đối với một phần nằm trong các sản phẩm chung của lao động. Ở một vài khía cạnh, nó giống như sổ khẩu phần trong Thế chiến II, ở đó mọi người đều có quyền tiếp cận hàng hóa cơ bản tối thiểu; giờ đây, dưới chủ nghĩa xã hội, hệ thống ở trình độ phát triển kinh kế cao hơn về chất, sản phẩm của xã hội không bị chia thành khẩu phần hoặc bị hạn chế trên nền tảng thiếu thốn, mà được chia sẻ rộng rãi và miễn phí trên nền tảng sung túc dồi dào. Hơn nữa, thậm chí trên nền tảng công nghệ hiện tại, những thẻ phiếu vật lý ấy có thể được thay thế bằng những thông tin số đơn thuần.
Đồng thời, trên cơ sở đầu tư to lớn vào khoa học, công nghệ và tự động hóa, năng lực sản xuất sẵn có cho xã hội sẽ có thể tăng lên rất nhiều, và tổng “thu nhập” – tức là, khối lượng hàng hóa và dịch vụ có thể cấp phát cho mỗi cá nhân – cũng tăng lên rất nhiều. Tóm lại, mức sống sẽ được cải thiện ở quy mô lớn ở khắp mọi nơi.
Ở những giai đoạn đầu tiên của thời kỳ quá độ này, vẫn có thể cần đến tiền và những dấu hiệu giá cả của cung và cầu để cho biết ở đâu đang trong tình trạng thiếu thốn và ở đâu đang cần đầu tư của một nền kinh tế có kế hoạch. Ở khía cạnh này, ngân hàng cũng cần thiết. Nhưng thay vì hết thảy bộ máy tài chính được sử dụng cho định hướng và dẫn tiền của các nhà tư bản vì mục tiêu lợi nhuận, hệ thống ngân hàng – dưới sự kiểm soát dân chủ và xã hội của nhà nước của giai cấp công nhân, với tư cách là một phần trong kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa – sẽ được sử dụng để cung cấp đầu tư nhằm xóa bỏ sự thiếu thốn, cải thiện năng suất và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Khi nền kinh tế càng ngày càng chịu ảnh hưởng của kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa và sự thiếu thốn đã bị loại bỏ, nhu cầu cần đến tiền hay những dấu hiệu giá cả cũng sẽ tiêu vong, và xã hội sẽ lựa chọn một cách dân chủ những mục tiêu cần ưu tiên, rồi đầu tư ở đâu và như thế nào với những tài nguyên vật chất, công nghệ và con người đang sẵn có.
Trình độ kế hoạch hóa to lớn mà chúng ta thấy trong các công ty đa quốc gia khổng lồ vì mục đích lợi nhuận sẽ được sử dụng ở quy mô toàn cầu nhằm giúp chúng ta loại trừ sự vô chính phủ và hỗn loạn của bàn tay vô hình và đảm bảo một thế giới sung túc cho tất cả mọi người. Và cùng với lực lượng sản xuất to lớn trong tay ở quy mô toàn cầu, không còn lý do gì mà chúng ta không thể nhanh chóng tiến lên một xã hội sung túc ở đó nhu cầu của chúng ta được thỏa mãn theo ý muốn, và không còn cần tiền nữa, chắc chắn sẽ hiểu ra sự thiếu thốn chỉ là chút lầm lạc có tính lịch sử trong quá khứ.
Giai cấp thống trị hôm nay trước sau như một tìm cách rêu rao một huyền thoại rằng “chủ nghĩa tư bản là tự do”. Thế nhưng như nhân vật chính trong cuốn sách Những nhà nhân từ mặc quần rách của tác giả Robert Tressell, Frank Owen đã khẳng định, dưới chủ nghĩa tư bản tất cả chúng ta bị “trói buộc và cùm trong sợi dây xích bằng vàng”; bị thống trị bởi sự độc tài của các chủ ngân hàng. Nhưng dưới chủ nghĩa xã hội, khi chúng ta thực sự kiểm soát nền kinh tế trong tay, xã hội cuối cùng sẽ được giải phóng thực sự: giải phóng khỏi quyền lực tư bản và bàn tay vô hình của thị trường. Như Engels nói, đó sẽ là “sự vươn lên của con người từ vương quốc của tất yếu đến vương quốc của tự do.”
Chúng tôi dành lời kết về vấn đề này cho Leon Trotsky:
“Trong xã hội cộng sản, Nhà nước và tiền bạc sẽ biến mất. Vậy sự suy tàn dần dà của chúng phải bắt đầu từ chế độ xã hội chủ nghĩa. Người ta chỉ có thể nói về thắng lợi thật sự của chủ nghĩa xã hội kể từ thời điểm lịch sử mà Nhà nước sẽ chỉ còn là một nửa Nhà nước và tiền bạc bắt đầu mất quyền lực ma quái của nó. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa xã hội được giải phóng khỏi những vật tôn thờ tư bản, bắt đầu thiết lập được những quan hệ trong sáng hơn, tự do hơn và xứng đáng hơn giữa người với người.”
“Những yêu sách đòi ‘xóa bỏ’ tiền bạc, ‘xóa bỏ’ chế độ tiền lương hoặc ‘loại trừ’ Nhà nước và gia đình, đặc trưng của chủ nghĩa vô chính phủ, chỉ đáng chú ý ở chỗ chúng là mẫu hình của tư tưởng cơ giới, máy móc. Tiền bạc không thể bị xóa bỏ một cách độc đoán, cũng như Nhà nước và gia đình không thể ‘loại trừ’, chúng phải làm hết nhiệm vụ lịch sử của chúng, mất hết ý nghĩa rồi mới biến đi. Sự tôn thờ đồng tiền chỉ sẽ nhận phát súng kết liễu cuộc đời của nó khi sự phát triển không ngừng của cải xã hội giải phóng giống động vật hai chân khỏi sự keo xỉn từng phút làm việc thêm và sự băn khoăn xấu hổ trước mỗi khẩu phần lớn, nhỏ. Một khi mất đi cái quyền lực mang lại hạnh phúc và ném con người vào cát bụi, tiền bạc chỉ còn là phương tiện kế toán thuận lợi cho thống kê và kế hoạch. Sau đó, chắc người ta sẽ không cần đến thứ biên lai ấy. Nhưng điều lo lắng ấy chúng ta để dành phần cho cháu chắt chúng ta, chắc chắn chúng sẽ thông minh hơn chúng ta.” (Trotsky 1993)
Tham khảo
Ferguson, Niall. 2020. Đồng tiền lên ngôi: Lịch sử tài chính thế giới. Biên dịch bởi Hoàng-Linh Vũ. NXB Thế Giới.
Lenin, V. I. 2005. Lenin Toàn tập, Chủ nghĩa đế quốc: Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản. Vol 27. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.
Marx, Karl. 2018a. Tư bản, Tập thứ 3 Quyển III, Phần thứ hai. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
Marx, Karl. 2018b. Tư bản, Tập thứ 3 Quyển III, Phần thứ nhất. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1982. Tuyển tập. Vol 3. Hà Nội: NXB Sự thật.
Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1984. Tuyển tập. Vol 6. Hà Nội: NXB Sự thật.
Trotsky, Leon. 1993. Cuộc cách mạng bị phản bội. Biên dịch bởi Khoa-Khôi Hoàng. Paris: Tủ sách nghiên cứu.